Hai
năm liên tiếp, hai lần cúng tế trời đất xin xỏ với “sự tham dự của lãnh
đạo một số bộ, ngành cùng nhiều đại biểu các tỉnh thành” đều bị sét đánh,
không phải là điềm lành.
Ngày
1 Tháng Tư là ngày truyền thống thả tin vịt trên hệ thống báo chí Tây
phương. Bất kể chuyện gì, đề tài gì cũng được dựng đứng để đưa ra, nếu
không tỉnh táo dễ bị lừa như chơi. Chuyện xảy ra hàng năm.
Ngay
trong đời thường, các nhóm bạn bè, bạn đồng sự, người ta cũng tung tin
vịt. Tin “Cá-Tháng-Tư” để mọi người có cơ hội cười với nhau.
Báo
điện tử X-café tung tin “Thủ tướng (CSVN) quyết định đình chỉ kế hoạch
khai thác bauxite ở Tây Nguyên” trên
mạng của họ ngày 1 Tháng Tư, 2009.
Theo
bản tin này “Tại phiên họp thường kỳ của chính phủ lần đầu tiên diễn ra
trực tuyến với các tỉnh, thành chiều 31 Tháng Ba 2009, Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức công bố
quyết định hủy bỏ vô thời hạn kế hoạch khai thác mỏ bô xít ở Tây Nguyên.
Quyết định này đã được thủ tướng ký duyệt và có hiệu lực kể từ ngày 01
Tháng Tư 2009.”
Ða
số người Việt khắp nơi, chúng tôi tin vậy, đang rất tức giận vì nhà cầm
quyền Hà Nội không nghe theo các lời khuyến cáo của các nhà khoa học,
lời khuyến cáo của hai tướng lãnh, gồm cả Tướng Võ Nguyên Giáp, công
thần của chế độ. Ít ra hai lần, trên mặt báo chí trong nước, chế độ Hà
Nội cả quyết sẽ tiến tới, coi đó là “chủ trương lớn” của đảng và nhà
nước.
Trước phản ứng chống đối khắp nơi, hệ thống báo đài “lề phải” của chế độ
được lệnh đánh trống lảng. Trong cái khoảng không im lìm đó, X-café chơi
một quả bom làm mọi người giật mình tưởng thật, quên cả chuyện Cá Tháng
Tư.
“...Sau
khi cân nhắc bàn thảo, lắng nghe ý kiến mọi ngành mọi cấp trên tinh thần
'lấy dân làm gốc' trong một tháng trở lại đây, chính phủ - mà đứng đầu
là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã ra quyết định hủy bỏ tất cả các dự án
khai thác quặng bô xít ở các khu vực Ðăk Nông, Bảo Lộc. Ngoài những ảnh
hưởng rõ ràng về kinh tế, môi trường và xã hội, dự án bô xít nếu tiến
hành sẽ ảnh hưởng đến vị thế chính trị của quốc gia trước thế giới. ‘Tây
Nguyên là mái nhà của Ðông Dương, chúng ta không được để bất cứ một ảnh
hưởng nào từ bên ngoài gây áp lực đến vị trí chiến lược này, chúng ta
phải kiên quyết bày tỏ thái độ đối với những hàng xóm nào muốn leo lên
trên mái nhà ấy!’ Thủ tướng cho biết. ‘Những sự kiện nóng hổi diễn ra
gần đây trên biển Ðông cho thấy, chúng ta không thể không đề phòng những
người hàng xóm này.’”
Ngày
mùng 1 Tháng Tư qua đi, các diễn đàn thông tin trên các diễn đàn đã lấy
lại bình tĩnh, X-café mới nói lại rằng bản tin đó “được thực hiện trên
tinh thần April Fools Day (Cá Tháng Tư) và hoàn toàn không có giá trị
thông tin. Thành thật xin lỗi những độc giả nào đã bị phiền toái vì bản
tin này trong ngày 1 Tháng Tư vừa qua.”
Bản
tin Cá Tháng Tư của X-café có làm cho Hà Nội tức giận hay phì cười hay
không, hiện chưa ai thấy phản ứng (thí dụ đánh sập website X-café như họ
đã từng bị chơi nhiều lần). Nhưng một chuyện sét đánh mới đây ở cố đô
Huế đã không được đám báo chí ở Việt Nam đưa tin theo chỉ thị từ “Lề
Phải”.
Ngày
26 Tháng Ba, 2009, báo Tuổi Trẻ loan bản tin ngắn “Sét đánh hư hại cửa
Quảng Ðức (Huế).” Thật ra, bản tin này rất vô thưởng vô phạt khi chỉ kể
“sự cố” sét đánh và lờ đi những chuyện đáng nói nhất.
Ðây
là nguyên văn bản tin tờ Tuổi Trẻ:
“TT
(Thừa Thiên-Huế) - Một cơn mưa dông lớn kèm theo lốc, mưa đá bất ngờ xảy
ra trong hơn một giờ vào tối 24 Tháng Ba đã làm tốc mái một số nhà dân ở
ba xã Bình Thành, Bình Ðiền và Hương Bình (huyện Hương Trà, Thừa
Thiên-Huế), một cột ăngten truyền thanh bị gãy đổ, rất may không gây
thiệt hại về người.”
“Ðặc
biệt, tại TP. Huế sét đã đánh và làm hư hại cửa Quảng Ðức - một trong 10
cửa chính của kinh thành Huế, được trùng tu cách nay hơn sáu năm. Trung
Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Ðô Huế - đơn vị quản lý công trình này - cho biết
khoảng 1/3 mái ngói hoàng lưu ly phía Tây của vọng lâu bị đánh vỡ hoặc
làm sụt, một đầu đao phía trên nóc vọng lâu cửa bị đánh gãy. Ðợt dông
sét còn làm cháy toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng xung quanh hồ trong
cung An Ðịnh, hệ thống điện ở Khâm Văn (Ðại nội).”
“Nguy hiểm hơn, dông sét đã đánh vào côngtơ chính hệ thống điện phủ nội
vụ (trường Ðại Học Nghệ Thuật Huế) rồi gây chập nổ và phát hỏa. Lực
lượng bảo vệ di tích và công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có mặt khống chế
được đám cháy”.
Nhưng nếu có đọc bản tin của báo điện tử “Giác Ngộ Online,” báo của
“Thành hội Phật Giáo (quốc doanh) TP. Sài Gòn” thì mới thấy cái nhậy cảm
của vấn đề.
Báo
“Giác Ngộ” viết rằng “Tối ngày 24 Tháng Ba 2009 (nhằm ngày 28 Tháng Hai
Âm lịch), tại Ðại Nội và Ðàn Xã Tắc, phường Phú Hòa, tỉnh Thừa Thiên Huế,
Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Ðô Huế đã trang nghiêm tổ chức Lễ tế Ðàn Xã
Tắc với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành cùng nhiều đại biểu các
tỉnh thành... Lễ tế Ðàn Xã Tắc năm nay rất đặc biệt, trước giờ diễn ra
lễ tế trời nổi mưa to, sấm sét nổ vang trời làm ảnh hưởng đến thời gian
tế lễ, nhưng cũng chính hiện tượng thời tiết nầy đã làm cho mọi người
đặc biệt quan tâm đến 'tính chất tâm linh' của lễ tế”.
Báo
Tuổi Trẻ nói sét đánh tối 24 Tháng Ba, 2009 làm hư hại cửa Quảng Ðức mà
không đả động gì tới “Lễ tế Ðàn Xã Tắc.” Còn tờ Giác Ngộ lại chỉ nói
“Trời nổi mưa to, sấm sét vang trời” vào lúc “Lễ tế Ðàn Xã Tắc” mà không
đả động gì đến chuyện sét đánh trúng cửa Quảng Ðức. Ráp cả hai bản tin
lại với nhau, người ta mới nhìn ra được cái mà tờ Tuổi Trẻ và tờ Giác
Ngộ tránh né. Tránh đụng chạm tới một điềm gở.
Ðây
không phải là lần đầu tiên thành cổ Huế bị sét đánh vào lúc nhà nước
(Cộng sản vô thần) tổ chức tế lễ cầu khấn thần linh xin ơn mưa móc.
Khi
tổ chức “Lễ tế Ðàn Nam Giao” ngày 4 Tháng Sáu 2008, sét cũng đã “đánh
sập cổ lâu trên cửa An Hòa”.
Theo
bản tin tờ Người Lao Ðộng thì “Vào 16 giờ ngày 4 Tháng Sáu, trong cơn
mưa lớn, một tiếng sét mạnh bất ngờ đánh sập phần cổ lâu phía trên cửa
An Hòa (nằm cuối đường Nguyễn Trãi), phía Bắc của kinh thành Huế. Ðến
sáng 5 Tháng Sáu, nhiều người dân ở sát cửa An Hòa vẫn chưa hết bàng
hoàng, vì tiếng sét quá lớn.”
“Vợ
chồng chị Thảo, anh Tú nhà ở gần cửa An Hòa, kể lại: Tiếng sét nổ to như
bom, nhiều người thất thanh kêu nhau sập nhà. Khi nhìn lên phía cửa An
Hòa thì thấy khói bụi mịt mù vì gạch, đá từ trên lầu đổ xuống.”
“Ngay sau khi sét đánh, cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường 'gia
cố' cho cửa An Hòa bằng cách dùng các sợi sắt nhỏ ràng khối bê tông sắp
đổ, nhìn rất mong manh.”
“Cửa
An Hòa, phía Bắc kinh thành Huế bị sét đánh phần góc trái. Ðuôi rồng,
phụng cũng tan nát rơi xuống đất. Sau khi bị sét đánh, khối gạch và bê
tông đồ sộ này được níu giữ bằng sợi dây chằng. Người dân ở cổng An Hòa
vẫn chưa hết bàng hoàng vì tiếng sét nổ như bom.”
Bản
tin này đã không đả động gì đến một biến cố đang xảy ra vào thời gian
đó. Lễ “Tế Ðàn Nam Giao,” một nghi thức mà các vua triều Nguyễn cúng tế
xin trời đất (cha mẹ của vua), cầu cho mưa gió thuận hòa, quốc thái dân
an và tạ ơn đã cho đế nghiệp. Bởi vậy, tờ Người Lao Ðộng cũng viết riêng
một bản tin khác, không đụng chạm gì tới sét đánh, “hôm qua, 4 Tháng
Sáu, là lễ Tế Ðàn Nam Giao, gồm lễ xuất cung tại kinh thành và lễ tế tại
đàn Nam Giao, kéo dài từ 5 giờ đến 22 giờ cùng ngày...”
Bây
giờ là triều đại Cộng Sản vô thần nên nhà nước diễn tuồng tế lễ trời
đất, chẳng lẽ đưa ông Nông Ðức Mạnh hay ông Nguyễn Minh Triết ra làm kép
chánh thì thiên hạ cười cho thối mũi. Cho nên các ngài cho người đóng
thế.
Nhờ
vậy “Sau phần lễ thiết đại triều tại điện Thái Hòa, đoàn ngự đạo đã xuất
cung ra bến Nghinh Lương Ðình, bờ Bắc sông Hương. Du khách, dân chúng
Huế có dịp được chứng kiến một đám rước trong trang phục, cờ lọng uy
nghiêm với hơn 600 diễn viên. Tại Nghinh Lương Ðình, một thiết lễ diễn
ra để rước vua lên thuyền đến Trai cung. Lễ Tế Ðàn Nam Giao được bắt đầu
từ 19 giờ và kéo dài 3 giờ, tại Trai cung, đàn Nam Giao.”
Hai
năm liên tiếp, hai lần cúng tế trời đất xin xỏ với “sự tham dự của lãnh
đạo một số bộ, ngành cùng nhiều đại biểu các tỉnh thành” (bản tin tờ
Giác Ngộ) đều bị sét đánh, không phải là điềm lành.
Blogger “Change We Need” bình luận về chuyện sét đánh cửa Quảng Ðức như
sau: “Các triều đại phong kiến xưa thích dùng chữ quảng đức để ngụ ý
rằng đức độ của vua trải rộng khắp thiên hạ, ngày nay 'đảng ta' cũng ra
rả suốt rằng ơn đảng bao trùm khắp toàn dân để ép buộc mọi người phải 'yêu'
đảng. Chắc trong lễ tế Xã Tắc tối hôm đó cũng phạm thượng báo công với
trời đất như vậy. Người ta có thể lừa bịp mọi người và lừa bịp chính
mình, nhưng không thể lừa bịp Thượng Ðế được. Trời đã giáng những điềm
gở xuống triều đại Cộng Sản này, báo hiệu một sự thay đổi lớn sắp diễn
ra. Chắc chắn là sẽ có những thay đổi lớn và bất ngờ.”
Tay
Blogger này tiết lộ rằng “Nhiều người xác nhận rằng anh 6 Phong (CTN
Nguyễn Minh Triết) có mặt ở Huế vào ngày 24 Tháng Ba, lúc diễn ra lễ tế
đàn Xã Tắc, nhưng người thân cận thường đi cùng anh 6 thì không dám xác
nhận qua điện thoại rằng anh 6 có tham gia lễ tế này, chỉ nói “đang bận,
gặp nhau đi rồi nói chuyện”. Cũng nghe nói rất nhiều trong thời gian
qua, anh 6 cảm thấy rất bất an cho quốc xã tắc (hy vọng thật là như thế)
nên rất chú ý đến các giải pháp cúng tế để cầu mong cho đất nước thoát
khỏi cảnh khủng hoảng và tránh được những bất ổn và xáo trộn. Nhưng từ
đầu năm đến nay anh 6 làm gì cũng đều gặp điềm gở.”
Blogger “Change We Need” có nhiều tin hấp dẫn và có vẻ khả tín.
Theo
sự bật mí của tay này, trước đây, “Lễ Khai Ấn đền Trần ngay sau Tết anh
6 cũng chủ lễ nhưng lại bị một 'cái tát' choáng váng khi chứng kiến
những bộ trưởng tranh giật những tờ ấn đầu tiên được đóng bởi anh 6, vì
người ta tin rằng những cái càng đầu tiên thì càng linh hiển. Trong số
những bộ trưởng này có Trần Văn Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Quốc Triệu,
Võ Hồng Phúc, Giáo Sư Nguyễn Thiện Nhân, đây là điều rất khó nghe nhưng
hoàn toàn là sự thật. Anh 6 đã giận tái mặt quát (một điều hiếm thấy từ
anh 6 vốn điềm đạm) rằng các anh còn tệ như vậy trách sao dân không như
thế. Lúc anh 6 nói cũng là lúc hàng chục ngàn người dân đang phá các
hàng rào của công an để tràn vào đền nhằm tranh giật ấn, hàng ngàn công
an, cảnh sát an ninh được bố trí để đảm bảo trật tự an toàn đã hoàn toàn
vô hiệu.”
“Nghe nói năm nay anh 6 cũng sẽ dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới, chẳng
biết sẽ xảy ra điềm gở gì nữa không. Nhưng có vẻ anh 6 ngày càng bế tắc
khi mong muốn sự tốt đẹp, an hòa, quảng đức trong một chính thể thối nát
đến như thế này. Ðúng là lực bất tòng tâm.”
“Cập
nhập thêm vào lúc 22 giờ, 30 Tháng Ba: BCT rất sợ tin tức về điềm gở này
lan rộng khắp dân chúng nên anh 6 đã có chỉ thị ngay tối 24 Tháng Ba
rằng không được đưa tin có liên kết giữa sự kiện diễn ra lễ tế đàn Xã
Tắc và sét đánh hư cửa Quảng Ðức. Do vậy mà chúng ta thấy rất ít báo đưa
tin này, có đưa như Tuổi Trẻ thì mãi đến 26 Tháng Ba mới ra tin nhưng
cũng không dám nhắc lại ngày 24 Tháng Ba có diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc
trong bản tin đó. Có sợ cũng chẳng tránh khỏi đâu.” (T.N.) |