Thứ Tư, 2025-01-22, 2:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 8 » Thử bàn về bài toán kinh tế sản xuất alumin
6:51 AM
Thử bàn về bài toán kinh tế sản xuất alumin

07/04/2009 07:56 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- Chi phí sản xuất thấp là điều kiện sống còn đối với một nhà máy sản xuất alumin. Do vậy, việc phát triển ngành công nghiệp alumin cần bắt đầu bằng một quy mô khiêm tốn và cần được thực hiện bằng một kế hoạch phát triển mềm dẻo.



LTS
Thời gian qua, đại kế hoạch khai thác bauxite Tây Nguyên đã dấy lên nhiều tranh luận đa chiều trong các nhà quản lý, nhà khoa học nói riêng, dư luận xã hội nói chung về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường – văn hóa – xã hội.

Ngày 9/4 tới, Bộ Công thương và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo: Vai trò của công nghiệp khai thác Bauxite - sản xuất alumin đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực.

Tôn trọng tính đa chiều của thông tin, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Việt Nguyễn, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này, phân tích về bài toán kinh tế sản xuất alumin từ quặng bauxite.

Mô hình được đưa vào phân tích kinh tế là một nhà máy sản xuất alumin với những giả định sau: Công suất 600.000 tấn/ năm, suất đầu tư 1.000 USD/ tấn công suất đặt (tức là tổng vốn đầu tư ban đầu là 600 triệu USD cho toàn bộ nhà máy bao gồm cả nhà máy chính, phân xưởng tuyển rửa, khu chứa quặng đuôi và khu chứa bùn đỏ), phần lớn vốn đầu tư ban đầu là tiền vay vốn dài hạn với lãi suất vay 5%/ năm và tiền trả gốc 2%/ năm, thuế xuất khẩu đối với alumin là 20% theo biểu thuế xuất khẩu hiện hành.

Hai kịch bản phân tích kinh tế sau đây đã được xây dựng:

Kịch bản 1: Với giá alumin kỳ hạn 260 USD/ tấn, chi phí sản xuất 120 USD/ tấn (không tính chi phí vận chuyển và chi phí bảo vệ môi trường), chi phí vận chuyển 10 USD/ tấn thì sau khi trả lãi + gốc vốn vay dài hạn 70 USD/ tấn, đóng thuế xuất khẩu 52 USD/ tấn, dành 2 USD/ tấn cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng, lãi của nhà sản xuất trước khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 6 USD/ tấn.

Kịch bản 2: Với giá alumin kỳ hạn 260 USD/ tấn, chi phí sản xuất 190 USD/ tấn, chi phí vận chuyển 10 USD/ tấn thì sau khi trả lãi + gốc vốn vay dài hạn 70 USD/ tấn, đóng thuế xuất khẩu 52 USD/ tấn, dành 2 USD/ tấn cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng, lỗ của nhà sản xuất là 64 USD/ tấn.

Từ hai kịch bản phân tích kinh tế trên, tác giả đưa ra kết luận: Chi phí sản xuất thấp là điều kiện sống còn đối với một nhà máy sản xuất alumin. Do vậy, việc phát triển ngành công nghiệp alumin cần bắt đầu bằng một quy mô khiêm tốn và cần được thực hiện bằng một kế hoạch phát triển mềm dẻo.

"Chỉ nên phát triển một ngành công nghiệp sản xuất alumin ở nước ta nếu ngành công nghiệp này mang lại hiệu quả kinh tế và các tác động tiêu cực của nó lên
môi trường được hạn chế ở mức thấp nhất có thể". Ảnh: ttvnol.com
 

Cấu trúc thị trường

Khái niệm về thị trường alumin thế giới

Alumin đang được mua bán trên hai loại thị trường: Thị trường giao hàng sau theo kỳ hạn (forward market) gọi tắt là thị trường kỳ hạn (hoặc thị trường giao hàng sau) và thị trường giao hàng ngay (spot market).

Ở thị trường kỳ hạn, alumin được mua bán thông qua việc ký kết các hợp đồng mua bán dài, trung và ngắn hạn với các điều khoản về giá được xác định ngay khi ký kết hợp đồng mua bán nhưng việc giao hàng và thanh toán được thực hiện vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Ở thị trường giao hàng ngay, alumin được báo giá cho việc thanh toán và giao hàng ngay (trong vòng 7 ngày sau khi hai bên đã đạt được thỏa thuận mua bán).

Cấu trúc của thị trường alumin thế giới năm 2004 được mô tả ở hình dưới đây (1). Thị trường alumin thế giới được chia làm 2 mảng: thị trường nội bộ và thị trường tự do. Ở thị trường nội bộ việc cung cấp alumin được thực hiện trong nội bộ giữa các nhà máy sản xuất alumin và nhà máy luyện nhôm của cùng một công ty hay tập đoàn, thị trường này chiếm tới 34 triệu tấn trong năm 2004. Thị trường alumin tự do bao gồm thị trường kỳ hạn giao hàng sau và thị trường giao hàng ngay, trong đó thị trường kỳ hạn bao gồm các hợp đồng dài, trung và ngắn hạn chiếm tới 20 triệu tấn và thị trường giao hàng ngay chỉ có 5 triệu tấn.


Các số liệu thị trường alumin ở trên tuy không cập nhật nhưng cho ta một khái niệm về cấu trúc của thị trường này.

Giá kỳ hạn giao hàng sau và giá giao hàng ngay của alumin

Giá alumin áp dụng trong thị trường kỳ hạn được gọi là giá alumin kỳ hạn (forward price) hay giá hợp đồng (contract price).

Giá áp dụng trong thị trường giao hàng ngay được gọi là giá giao hàng ngay (spot price)

Giá alumin kỳ hạn thường thấp hơn giá giao hàng ngay tuy nhiên giá giao hàng ngay có mức độ dao động rất lớn. Nói chung giá alumin giao hàng ngay thường cao hơn giá hợp đồng dài hạn nhưng thỉnh thoảng lại xuống thấp hơn giá alumin kỳ hạn. Đồ thị về giá alumin kỳ hạn xuất khẩu từ Úc và giá alumin giao hàng ngay dưới đây cho thông tin về hai loại giá này (1).


Giá alumin kỳ hạn và giá alumin giao hàng ngay thường được so sánh với giá nhôm LME 3 tháng trên thị trường giao dịch kim loại Luân Đôn (LME 3-month price). Giá kỳ hạn alumin dao động theo quan hệ cung cầu ở thị trường thế giới. Giá kỳ hạn alumin dao động từ khoảng 9 % – 19 % và có giá trị trung bình bằng khoảng 13% giá nhôm LME trung bình 3 tháng.

Số liệu chọn lọc của CRU về số lượng và giá cả của alumin nhập khẩu của Trung Quốc, Mỹ và Canada năm 2006, 2006 và Quý 1 năm 2007 được cho ở Bảng 2 dưới đây (2).

Phân tích kinh tế sản xuất alumin

Thông tin về chi phí sản xuất alumin trên thế giới

Đồ thị dưới đây cho ta số liệu về chi phí sản xuất tại chỗ (cash cost) của alumin trên thế giới năm 2006 (3). Cash cost (*) trong ngành khai thác khoáng sản là chi phí sản xuất tại chỗ một đơn vị sản phẩm, bao gồm các chi phí vận chuyển, chế biến, hành chính và thuế tài nguyên, không bao gồm chi phí khấu hao, tiền trả lãi vốn vay và các chi phí không tại chỗ.

Các nhà máy sản xuất alumin trên thế giới được chia thành 4 nhóm theo giá trị của chi phí sản xuất tại chỗ. Nhóm 1 có chi phí sản xuất tại chỗ từ 120 USD đến khoảng 170 USD, nhóm 2 có chi phí sản xuất từ 170 USD đến 175 USD, nhóm 3 từ 175 USD đến 215 USD và nhóm 3 từ 215 USD đến 380 USD.

Nhà máy sản xuất alumin Worsley của BHP Billiton có chi phí sản xuất khoảng 130 USD thuộc nhóm 1. Các nhà máy sản xuất alumin của Alcoa có chi phí sản xuất khoảng 170 USD và thuộc nhóm 2.

Mô hình phân tích kinh tế

Mô hình phân tích kinh tế là một nhà máy sản xuất alumin có công suất 600.000 tấn/ năm từ quặng bô-xít dạng gip-xit (gibbsite) của các mỏ bô-xit ở khu vực Tây Nguyên.

Suất đầu tư xây dựng nhà máy alumin trên thế giới dao động từ 700 USD đến 2000 USD trên một tấn công suất đặt. Ở trong mô hình phân tích này ta lấy suất đầu tư 1.000 USD/ 1 tấn công suất đặt. Như vậy tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy này là 600 triệu USD.

Giả sử rằng phần lớn vốn đầu tư là tiền vay dài hạn (USD) từ các ngân hàng thương mại với lãi suất vay 5%/ năm và tiền trả gốc (principal) vốn vay dài hạn bằng 2 % của tổng số vốn vay (tức là trả hết tiền gốc vay trong vòng 50 năm). Tổng tiền trả lãi và gốc là 7 %.

Thuế xuất khẩu đối với alumin là 20% theo Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20 tháng 2 năm 2007.

Do hầu hết các mỏ bô-xit của ta tại Tây Nguyên đều nằm sâu trong đất liền nên chi phí vận chuyển là tương đối cao so với các nhà máy sản xuất alumin ở các nước khác nằm ở ven biển và do đó chi phí vận tải alumin (hoặc bô-xít) sẽ được tách ra khỏi chi phí sản xuất để tiện phân tích.

Việc hạn chế các tác động tiêu cực của khai thác bô-xít và sản xuất alumin lên môi trường và xã hội là rất quan trọng nên chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng phân bổ trên 1 tấn alumin sản phẩm cũng được tách ra khỏi chi phí sản xuất.

Các kịch bản phân tích kinh tế sản xuất alumin

Kịch bản 1

Kịch bản 1 được xây dựng với giả thiết sau đây:

- Ta chọn một mức giá alumin kỳ hạn trung bình là 260 USD/ tấn (giá FOB) để đưa vào tính toán (bằng 13% giá nhôm LME 3 tháng 2.000 USD/ tấn).

- Nhà máy sản xuất alumin có chi phí sản xuất (không kể chi phí vận chuyển, chi phí bảo vệ môi trường và chi phí trả lãi + gốc vốn vay dài hạn ) là 120 USD/ tấn alumin, tức là thuộc nhóm các nhà máy có chi phí sản xuất thấp nhất (nhóm 1) trên thế giới.


Theo điều kiện của mô hình phân tích nêu trên, tiền trả lãi + gốc vốn vay dài hạn phân bổ trên một tấn alumin sẽ là 7% của 1.000 USD, tức là 70 USD và tiền thuế xuất khẩu là 20% của giá xuất khẩu 260 USD/ tấn sẽ là 52 USD.

Giả sử rằng chi phí vận chuyển là 10 USD/ 1 tấn alumin được tính cho việc vận chuyển alumin bằng xe tải hay bằng đường sắt từ 1 nhà máy sản xuất alumin đặt gần mỏ bô-xít sâu trong đất liền ra một cảng ven biển hoặc chi phí vận chuyển bô-xít bằng đường ống từ mỏ bô-xít đến một nhà máy sản xuất alumin đặt ở ven biển gần cảng xuất.

Nếu chủ đầu tư của dự án sản xuất alumin dành 2 USD trên 1 tấn alumin cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng địa phương, lãi trước thuế (thu nhập doanh nghiệp) của chủ đầu tư còn lại chỉ là 6 USD trên 1 tấn alumin (khoảng 2,3% giá alumin (fob) xuất khẩu).

Kịch bản 2

- Giá kỳ hạn alumin là 260 USD/ tấn (giá FOB), bằng 13% giá nhôm LME 3 tháng 2000 USD/ tấn.

- Nhà máy sản xuất alumin có chi phí sản xuất (không kể chi phí vận chuyển, chi phí bảo vệ môi trường và chi phí trả lãi + gốc vốn vay dài hạn) là 190 USD/ tấn alumin, tức là thuộc nhóm các nhà máy có chi phí sản xuất tương đối cao (nhóm 3) trên thế giới.


Tiền trả lãi + gốc vốn vay dài hạn, thuế xuất khẩu, chi phí vận chuyển và chi phí bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng trên 1 tấn alumin cũng giống như ở Kịch bản 1 là 70 USD, 52 USD, 10 USD và 2 USD.

Ở kịch bản này chỉ riêng tổng chi phí sản xuất và tiền trả lãi vốn vay dài hạn đã bằng giá xuất khẩu alumin và lỗ của nhà đầu tư trên 1 tấn alumin lên tới 64 USD bao gồm tiền trả thuế xuất khẩu, chi phí vận chuyển và chi phí bảo vệ môi trường & phát triển cộng đồng.

Bình luận

Lợi nhuận của việc sản xuất alumin phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm giá cả thị trường, chi phí sản xuất, tiền trả vốn vay dài hạn, thuế xuất khẩu và chi phí vận chuyển. Từ hai kịch bản nói trên ta có thể phân tích tác động của từng yếu tố này lên lãi suất thu được trên một tấn sản phẩm alumin:

1. Giá cả của thị trường – căn cứ để phát triển ngành công nghiệp alumin

Từ đồ thị về giá alumin ở trên ta có thể thấy sự biến động rất lớn của giá alumin trên thị trường thế giới. Sự biến động này phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường. Giá cả thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận thu được của ngành sản xuất alumin.

Từ kịch bản 1 ta thấy là lãi suất trước thuế trên 1 tấn alumin chỉ còn là 6 USD khi giá alumin kỳ hạn ở mức 260 USD/ tấn. Khi giá thị trường tăng thì lợi nhuận tăng và khi giá thị trường giảm thì lợi nhuận giảm. Giá alumin trên thị trường có thể giảm tới mức mà lãi suất trên 1 tấn alumin bằng không hoặc âm.

Có thể dễ dàng tính được rằng ở kịch bản 1 nói trên nhà sản xuất sẽ chịu lỗ khi giá alumin trên thị trường xuống thấp hơn 254 USD/ tấn (bằng 13 % của giá nhôm LME 3 tháng 1.954 USD/ tấn) – ta gọi giá này là ngưỡng hòa vốn. Để tránh thua lỗ nhà sản xuất phải giảm chi phí sản xuất hoặc yêu cầu chính phủ hỗ trợ bằng cách miễn hoặc giảm thuế xuất khẩu.

Do vậy kế hoạch phát triển một ngành công nghiệp sản xuất alumin ở Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường alumin trên thế giới. Việc xác định thời điểm tham gia vào thị trường, quy mô sản xuất ban đầu và kế hoạch mở rộng sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thị trường alumin thế giới.

Rõ ràng là việc lập kế hoạch sản xuất bao nhiêu triệu tấn alumin trong một khoảng thời gian xác định trước nào đó mà thiếu dự báo và phân tích thị trường là hoàn toàn duy ý chí. Việc phát triển ngành công nghiệp này cần bắt đầu bằng một quy mô khiêm tốn và cần được thực hiện bằng một kế hoạch phát triển mềm dẻo (flexible) có thể điều chỉnh được theo tình hình thực tế của thị trường và khả năng cạnh tranh của chính sản phẩm của chúng ta.

Xin lưu ý là thuế suất xuất khẩu 20% áp dụng trong Kịch bản 1 là quá cao nên đã làm giảm lãi suất trên 1 tấn alumin. Nếu thuế suất xuất khẩu alumin là 10 %, 5 % và 0 % thì ngưỡng hòa vốn tương ứng sẽ là 226 USD (13 % của giá nhôm LME 3 tháng 1738 USD/ tấn), 213 USD/ tấn (13 % của giá nhôm LME 3 tháng 1638 USD/ tấn) và 200 USD (13 % của giá nhôm LME 3 tháng 1538 USD/ tấn).

Giá nhôm LME chính thức ngày 9 tháng 3 năm 2009 được cho ở bảng số liệu và đồ thị dưới đây (nguồn thông tin(8): London Metal Exchange – http:// www.lme.co.uk)

Giá nhôm LME chính thức (US$/tonne)

ngày 9 tháng 3 năm 2009

Mua bằng tiền mặt

1.261,00

Bán bằng tiền mặt & đã thanh toán

1.261,00

Mua kỳ hạn 3 tháng

1.301,00

Bán kỳ hạn 3 tháng

1.302,00

Mua kỳ hạn 15 tháng

1.438,00

Bán kỳ hạn 15 tháng

1.443,00

Mua kỳ hạn 27 tháng

1.560,00

Bán kỳ hạn 27 tháng

1.565,00


Giả sử rằng đồ thị trên phản ánh đúng giá nhôm từ nay đến 2019, với chi phí sản xuất giả định 120 USD/ tấn và chi phí vận tải giả định 10 USD/ tấn, việc sản xuất alumin chỉ bắt đầu có lãi từ khoảng giữa năm 2015 (với thuế suất xuất khẩu của alumin 20 %), từ cuối năm 2012 (với thuế suất xuất khẩu alumin 10 %), từ cuối năm 2011 (với thuế suất xuất khẩu alumin 5 %) và từ cuối năm 2010 (với thuế suất xuất khẩu alumin 0 %).

Ngoài ra cần nhấn mạnh rằng tuy lãi suất trên một tấn sản phẩm alumin không cao nhưng tổng lợi nhuận của việc sản xuất alumin có thể lớn do có thể sản xuất alumin với số lượng lớn từ vài trăm ngàn tấn đến hàng triệu tấn.

2. Chi phí sản xuất thấp – điều kiện để tồn tại và phát triển

Lợi nhuận của việc sản xuất alumin còn phụ thuộc rất nhiều vào chi phí sản xuất. Ví dụ như ở trong Kịch bản 1, nếu chi phí sản xuất chỉ tăng thêm 6 USD thì lãi của nhà sản xuất bằng không và khi chi phí sản xuất vượt quá con số 126 USD/ tấn thì nhà sản xuất bắt đầu chịu lỗ. Nếu chi phí sản xuất lên tới 190 USD (Kịch bản 2) thì cứ sản xuất 1 tấn alumin thì nhà sản xuất sẽ lỗ 64 USD. Từ đó có thể thấy rằng chi phí sản xuất thấp là điều kiện sống còn đối với một nhà máy sản xuất alumin.

Để tồn tại và phát triển bất kỳ ngành công nghiệp nào cũng phải đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm, trong đó chi phí sản xuất đóng một vai trò quan trọng. Ta có thể lấy nhà máy Worsley của BHP Billiton tại Tây Úc làm ví dụ. Nhờ có chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới nên ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay khi rất nhiều các nhà máy sản xuất alumin trên thế giới phải đóng cửa hay giảm sản lượng thì nhà máy Worsley của BHP Billiton không những vẫn đứng vững mà còn tiếp tục phát triển mở rộng.

Cuối năm 2008, lãnh đạo BHP Billiton vẫn quyết định thưởng (bonus) cho công nhân viên và tiếp tục triển khai dự án mở rộng nhà máy Worsley với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD (4).

3. Tiền trả lãi + gốc vay vốn dài hạn và bài toán đầu tư

Để tăng lãi suất trên một tấn alumin ta còn có thể giảm tiền trả lãi + gốc vốn vay dài hạn (trong hai kịch bản tính toán ở trên, tiền trả lãi + gốc vay vốn dài hạn lên tới 70 USD/ tấn với lãi suất 5 %/năm và tiền trả gốc 2 %/ năm). Có hai cách để giảm tiền trả lãi + gốc vốn vay dài hạn: 1/ Tìm kiếm nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn 5 %/ năm; và 2/ Giảm vốn đầu tư ban đầu bằng cách giảm suất đầu tư.

Giả sử rằng ta không thể tìm kiếm được nguồn vay vốn lãi suất thấp hơn 5 %/ nămvà do vậy phải giảm vốn đầu tư ban đầu bằng cách giảm suất đầu tư.

Tuy nhiên việc giảm suất đầu tư lại đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị chất lượng kém làm tăng tiêu hao năng lượng, vật tư, chi phí vận hành, tức là tăng chi phí sản xuất và do đó lại làm giảm lãi suất. Đây là một quá trình luẩn quẩn song có thể nhận thấy rằng lãi suất là một hàm số của suất đầu tư và nhất định tồn tại một suất đầu tư tối ưu để lãi suất trên một tấn sản phẩm alumin là thấp nhất (suất đầu tư tối ưu này không nhất thiết phải suất đầu tư thấp nhất). Đây chính là một bài toán đầu tư mà chúng ta cần phải tìm ra lời giải.

Hiện nay, Tập đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) đang sử dụng nhà thầu Chalienco của Trung Quốc để thực hiện gói thầu Thiết kế kỹ thuật – Mua sắm – Xây dựng (EPC Contract) nhà máy alumin Tân Rai công suất 600.000 tấn/ năm với suất đầu tư thấp (khoảng 700 – 800 USD/ tấn công suất đặt). Như đã phân tích ở trên, việc áp dụng suất đầu tư thấp có thể dẫn đến chi phí sản xuất cao và do đó dẫn đến lãi suất thấp.

Cần lưu ý thêm là Trung Quốc không phải là quốc gia sở hữu công nghệ sản xuất alumin hàng đầu trên thế giới và đặc biệt là không có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý bô-xít dạng gip-xit (gibbsite), loại bô-xít cung cấp cho nhà máy alumin Tân Rai.

Cần tránh một khả năng là sau khi được xây dựng xong, nhà máy alumin Tân Rai sẽ sử dụng một thứ công nghệ lạc hậu so với công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới và có chi phí sản xuất cao. Suất đầu tư thấp nhất có thể không phải là suất đầu tư tối ưu và cách làm này có thể không phải là lời giải tốt nhất cho bài toán đầu tư.

Lời giải tối ưu cho bài toán đầu tư có thể tìm ra bằng cách sau đây: Chúng ta sẽ không tiếc tiền để mua công nghệ tốt nhất, để thuê các tư vấn hàng đầu cung cấp thiết kế tốt nhất trên nguyên tắc là những thiết bị công nghệ cao được mua sắm từ những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới nhưng tận dụng tối đa năng lực trong nước từ vật tư, chế tạo, xây dựng, lắp đặt để thực hiện những công việc còn lại của công trình.

Việc tận dụng tối đa năng lực trong nước để xây dựng công trình vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo tạo công ăn việc làm, vừa tạo điều kiện tiếp thu công nghệ mới và học hỏi kinh nghiệm cho lực lượng lao động trong nước. Suất đầu tư trong trường hợp này có thể cao hơn so với suất đầu tư trong trường hợp sử dụng nhà thầu EPC Trung Quốc nhưng chúng ta sẽ sử dụng một công nghệ cao hơn và chi phí sản xuất sẽ thấp hơn.

4. Thuế xuất khẩu và vấn đề chia sẻ lợi nhuận

Bô-xit được đào lên chưa qua xử lý được gọi là quặng nguyên khai hay quặng thô (crude bauxite). Quặng nguyên khai sau khi được tuyển rửa (washing process) nhằm loại bỏ bùn, sét và làm tăng hàm lượng ô-xít nhôm thì được gọi là quặng tinh (concentrate). Quặng tinh được đưa vào quá trình tinh luyện (refinery process) để tách ra ô-xit nhôm Al2O3 - hay còn gọi là alumin (theo phiên âm tiếng Pháp alumine) hay alumina (theo phiên âm tiếng Anh alumina).

Qua quá trình tinh luyện alumin – một quá trình xử lý hóa nhiệt phức tạp, giá trị của sản phẩm tăng khoảng 8 lần từ 30 – 40 USD (đối với quặng tinh) tới 250 – 300 USD (đối với alumin). Rõ ràng alumin không phải là quặng nhôm tinh như liệt kê (số 2606) trong biểu thuế xuất khẩu của Việt Nam và việc áp thuế suất xuất khẩu 20 % nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến sâu và có giá trị gia tăng thấp là bất hợp lý. Hơn nữa do sự thiếu hụt dài hạn nguồn điện, việc sản xuất nhôm ở Việt Nam là không khả thi về mặt kinh tế trong một khoảng thời gian dài có thể xác định được phía trước nên sản xuất alumin ở Việt Nam chủ yếu là để xuất khẩu.

Do đó sản phẩm alumin cần được khuyến khích xuất khẩu thay vì bị hạn chế xuất khẩu. Một trong những biện pháp khuyến khích xuất khẩu là miễn hay giảm thuế xuất khẩu.

Trong kịch bản 1 ở trên nếu ta trừ đi chi phí sản xuất, chi phí vận tải và tiền trả vốn vay dài hạn thì lãi còn lại là 60 USD, trong đó tiền đóng thuế xuất khẩu là 52 USD, chi phí cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng là 2 USD và lãi của nhà sản xuất trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 6 USD.

Nếu tính cả tiền đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (28 % của 6 USD = 1,68 USD) thì nhà nước thu được 53,68 USD và doanh nghiệp thu được 4,32 USD trên 1 tấn alumin xuất khẩu. Nếu chi phí sản xuất tăng lên hay giá alumin trên thị trường giảm xuống (ví dụ như ở kịch bản 2) thì nhà sản xuất sẽ chịu lỗ, không có khả năng nộp thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và dành tiền cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.

Phương thức chia sẻ lợi nhuận này giữa nhà nước, nhà sản xuất và cộng đồng dân cư địa phương là không hợp lý và không tạo điều kiện cho nhà sản xuất phát triển kinh doanh và hoàn thành trách nhiệm bảo vệ môi trường & phát triển cộng đồng. Thuế suất xuất khẩu đối với alumin do vậy cần được điều chỉnh giảm xuống tới một mức hợp lý nếu nhà nước muốn phát triển ngành công nghiệp này.

Từ phân tích trên ta còn có thể thấy rằng ý tưởng áp một loại thuế đặc biệt khác gọi là “thương quyền” bằng 10% lợi nhuận sau thuế lên các nhà sản xuất alumin là không thực tế. Khi lợi nhuận sau thuế bằng 0 hay âm thì thuế thương quyền này cũng bằng 0.

Trong trường hợp kinh tế khủng hoảng, khi thị trường đi xuống như tình hình hiện nay, nhiều chính phủ trên thế giới còn cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp và miễn thuế xuất khẩu để hỗ trợ nhà sản xuất vượt qua thời kỳ khó khăn.

5. Chi phí vận chuyển và bài toán vận tải

Do các mỏ bô-xít của nước ta nằm sâu trong đất liền và trên một khu vực địa hình phức tạp không sẵn có hệ thống hạ tầng như cảng biển, đường sắt nên chi phí vận chuyển là một yếu tố đáng kể làm giảm lợi nhuận của việc khai thác bô-xít để sản xuất alumin ở nước ta.

Trong khi chi phí vận chuyển alumin từ nhà máy ra cảng xuất khẩu của các nhà máy alumin của Alcoa tại Tây Úc chỉ khoảng 2 USD/ tấn thì chi phí vận chuyển alumin từ nhà máy alumin xây dựng tại Đăk Nông ra một cảng biển ở Bình Thuận sẽ lớn hơn nhiều.

Đây là một điểm bất lợi trong việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất alumin ở nước ta. Chúng ta cần phải giải bài toán vận tải này để tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm giảm chi phí vận chuyển đến mức thấp nhất.

Có ba phương thức vận tải có thể được áp dụng cho các dự án sản xuất alumin sử dụng bô-xit được khai thác ở khu vực Tây Nguyên: 1/ Vận tải bằng ô-tô; 2/ Vận tải bằng đường sắt và 3/ Vận tải bằng đường ống (pipeline). Hai phương án vận tải đầu áp dụng cho các nhà máy sản xuất alumin được xây dựng gần các mỏ bô-xít còn phương án thứ ba áp dụng cho nhà máy sản xuất alumin nằm ở ven biển.

Mức đầu tư lớn nhất cho phép vào hệ thống vận tải + cảng biển

Giả sử rằng hệ thống vận tải + cảng biển sẽ được xây dựng bởi một chủ đầu tư khác, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay dài hạn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất vay 5 %/ năm, tiền trả gốc vốn vay 2 %/ năm, phí vận chuyển & phí kho bến tại cảng xuất trên 1 tấn alumin là 10 USD/ tấn.

Nếu coi rằng doanh thu hàng năm của hệ thống vận tải + cảng biển bằng 10 % vốn đầu tư ban đầu trong đó 7 % để chi trả lãi + gốc vốn vay dài hạn và 3 % cho chi phí vận hành, đóng thuế vv..v., ta có thể tính được mức đầu tư tối đa ban đầu cho phép nhằm đảm bảo hệ thống này kinh doanh không lỗ.

Bảng 3 dưới đây cho ta mức đầu tư tối đa cho phép vào hệ thống vận tải + cảng biển ứng với các quy mô sản xuất alumin khác nhau và phí vận chuyển & phí kho bến tại cảng xuất 10 USD/ tấn.


Ghi chú:

- Khối lượng vận chuyển được tính gấp đôi do phải vận chuyển hai chiều (trong trường hợp nhà máy sản xuất alumin được xây dựng gần mỏ bô-xít) và do phải vận chuyển một lượng quặng bô-xít ít nhất gấp đôi lượng alumin được sản xuất từ mỏ đến nhà máy sản xuất alumin được xây dựng ở ven biển.

- Mức đầu tư bao gồm cả tiền đầu tư xây dựng hệ thống phương tiện vận tải và cảng biển

- Mức đầu tư tối đa cho phép trên thực tế sẽ thấp hơn con số ở trên vì các chi phí khác sẽ lớn hơn 3 %.

- Nếu phí vận tải + kho bến tăng lên đến 15 USD/ tấn thì mức đầu tư cho phép sẽ tăng lên gấp rưỡi (tuy nhiên lãi suất của việc sản xuất alumin sẽ giảm)

Phương án vận tải bằng ô-tô

Ở phương án này alumin được vận chuyển từ nhà máy sản xuất tới cảng biển và vật tư phục vụ cho sản xuất như than đá, vôi, xút được vận chuyển từ cảng tới nhà máy sản xuất alumin.

Do chi phí vận hành và duy tu sửa chữa lớn (đối với cả xe cộ và đường sá) dẫn đến chi phí vận chuyển lớn nên phương án vận tải này chỉ áp dụng cho khối lượng vận tải nhỏ. Ngay cả đối với quy mô sản xuất alumin nhỏ dưới 1,2 triệu tấn/năm, nếu không có sẵn một cảng biển để xuất khẩu phương án vận chuyển này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do đòi hỏi một vốn đầu tư lớn vào xây dựng một cảng biển mới (lớn hơn rất nhiều so với mức đầu tư tối đa cho phép 240 triệu USD tương ứng với quy mô sản xuất 1,2 triệu tấn alumin/ năm).

Phương án vận tải bằng đường sắt

Ở phương án này một con đường sắt cần phải được xây dựng để phục vụ việc vận chuyển alumin từ các nhà máy sản xuất alumin tới cảng biển để xuất khẩu và vận chuyển vật tư phục vụ cho sản xuất như than đá, vôi, xút từ cảng biển tới nhà máy sản xuất.

Với chi phí vận hành thấp nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, phương thức vận chuyển bằng đường sắt chỉ phù hợp đối với khối lượng vận chuyển lớn, tức là phù hợp với quy mô sản xuất alumin lớn.

Như đã nói ở mục phân tích về giá cả thị trường, việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất alumin cần bắt đầu bằng một quy mô khiêm tốn và cần được thực hiện bằng một kế hoạch phát triển mềm dẻo (flexible), có thể điều chỉnh được theo tình hình thực tế của thị trường và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Việc xây dựng một con đường sắt để phục vụ việc vận chuyển cho ngành công nghiệp này vì vậy cũng cần phải tuân theo chiến lược phát triển đó: bắt đầu bằng quy mô nhỏ nhưng có khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp alumin.

Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) đang tiến hành một nghiên cứu tiền khả thi cho một tuyến đường sắt và nghiên cứu khả thi cho một cảng biển để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất alumin.

Theo kết quả tính toán của TEDI, với khối lượng vận chuyển 26 triệu tấn/ năm thì cần tới 3,2 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt và 1 tỷ USD để xây dựng một cảng biển tại Mũi Kê Gà (Bình Thuận), tổng cộng vốn đầu tư cho cả hệ thống đường sắt + cảng biển là 4,2 tỷ USD. Làm một phép so sánh với mức đầu tư tối đa cho phép ở bảng trên ta có thể dễ dàng thấy rằng với vốn đầu tư ban đầu 4,2 tỷ USD thì tuyến đường sắt + cảng biển mà TEDI đang nghiên cứu chỉ có thể được xây dựng khi sản lượng ngành công nghiệp sản xuất alumin của Việt Nam đạt tới mức 15 – 20 triệu tấn năm! Nếu tình hình thị trường alumin thế giới trong tương lai không cho phép chúng ta sản xuất tới 15 – 20 triệu tấn/ năm thì có nghĩa là hệ thống đường sắt + cảng biển này sẽ không bao giờ được xây dựng!

Như đã nói ở trên, phương án vận tải bằng đường sắt chỉ có thể khả thi nếu một hệ thống đường sắt + cảng biển với vốn đầu tư ban đầu khiêm tốn (dưới 1 tỷ USD tương ứng với quy mô sản xuất alumin khoảng 3- 5 triệu tấn/ năm và phí vận chuyển + kho bến 10 USD/ tấn như tính toán ở Bảng 3) nhưng có khả năng tăng công suất vận tải bằng cách tăng công suất kéo của đầu máy, tăng vận tốc chạy tầu và tăng số chuyến tầu. Điều này là rất khó thực hiện nếu chúng ta xây dựng một tuyến đường sắt nối Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Tân Rai (Lâm Đồng) – Mũi Kê Gà (Bình Thuận) vì chỉ riêng chi phí xây dựng tuyến đường sắt này đã không dưới 1 tỷ USD theo tính toán của TEDI.

Lý do làm chi phí xây dựng cao là do tuyến đường sắt này đi qua một khu vực phức tạp nhiều đồi núi, đèo dốc đòi hỏi phải xây dựng nhiều cầu hầm, đặc biệt là đoạn từ Gia Nghĩa đến Tân Rai nơi mà tuyến đường sắt xuất phát ở độ cao 600 – 700m so với mực nước biển sau đó leo lên độ cao 900m rồi đi xuống Tân Rai ở độ cao 800m. Khả năng tăng công suất vận tải của tuyến này cũng bị hạn chế do khả năng tăng tốc độ chạy tầu, tăng sức kéo của đầu máy bị hạn chế bởi độ dốc cao và bán kính vòng cua nhỏ. Vì những lý do việc bố trí cho tuyến đường sắt đi qua Tân Rai cần được xem xét lại.

Một phương án khác có thể được xem xét là một tuyến chạy theo địa hình thoai thoải hạ thấp dần từ độ cao 600-700m của Gia Nghĩa tới độ cao 0 m của cảng biển tại Bình Thuận và tìm biện pháp khác để nối Tân Rai vào tuyến đường sắt này bằng băng tải dài (overland conveyor), đường ống (pipleline), đường bộ v.v. Ưu điểm của phương án này là chi phí xây dựng ban đầu thấp và có khả năng tăng công suất vận tải bằng việc tăng sức kéo đầu máy, tăng tốc độ chạy tầu do tuyến này độ dốc nhỏ và bán kính vòng cua lớn.

Phương án vận tải bằng đường ống

Tháng 2 năm 2007 Công ty Pipeline System Incoporated (PSI) chạy thử và bàn giao một hệ thống đường ống dùng để vận chuyển bô-xít từ mỏ bô-xít Miltonia ở Paragominas đến nhà máy sản xuất alumin Alunorte của Công ty CVRD (Brazil). Hệ thống đường ống bô-xít đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới nay trên thế giới này có các thông số kỹ thuật cơ bản sau đây: đường kính 24 inches (609.6 mm), chiều dài 244 km và công suất vận chuyển 8 – 13,5 triệu tấn/ năm (6).

Phương án vận tải bằng đường ống chỉ áp dụng cho vận chuyển bô-xít từ mỏ đến nhà máy sản xuất alumin. Như vậy phương án này chỉ áp dụng cho trường hợp các nhà máy sản xuất alumin được xây dựng ven biển, gần cảng xuất và xa các mỏ bô-xít ở khu vực Tây Nguyên.

Các chuyên gia của Công ty PSI trong các chuyến khảo sát tháng 6 và tháng 10 năm 2004 cho rằng việc vận chuyển bô-xit từ Đăk Nông xuống Phan Thiết (Bình Thuận) hoặc Thị Vải, Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tầu) bằng đường ống là hoàn toàn có thể thực hiện được bằng đường ống dài khoảng 300 km với vốn đầu tư ước tính khoàng 150 – 200 triệu USD và lượng tiêu thụ nước khoảng 4 triệu m³/ năm đối với nhà máy sản xuất alumin công suất 1,5 triệu tấn alumin/ năm (7).

Từ mức đầu tư tối đa cho phép cho hệ thống vận tải + cảng biển nêu ở Bảng 3 ta có thể thấy rằng phương án vận tải bằng đường ống có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hai phương án vận tải bằng ô-tô và đường sắt. Để áp dụng phương thức vận tải này ngoài việc phải tính toán cụ thể và chi tiết, những vấn đề sau đây cần phải cân nhắc và giải quyết:

- Việc hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa địa phương nơi có mỏ bô-xít và nhà máy tuyển rửa và địa phương nơi có nhà máy sản xuất alumin.

- Tiêu thụ nước tại địa phương có mỏ bô-xít và nhà máy tuyển rửa

- Số lượng các đường ống tối đa cho phép khi có nhiều nhà đầu tư khác nhau vào việc khai thác bô-xít để sản xuất alumin trên cùng một địa phương.
 

Kết luận

Một điều rõ ràng không cần phải bàn cãi là chúng ta chỉ nên phát triển một ngành công nghiệp sản xuất alumin ở nước ta nếu ngành công nghiệp này mang lại hiệu quả kinh tế và các tác động tiêu cực của nó lên môi trường được hạn chế ở mức thấp nhất có thể.

Như đã phân tích ở trên, hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất alumin phụ thuộc vào lãi suất của vốn vay dài hạn để đầu tư ban đầu, giá cả thị trường, chi phí sản xuất, chi phí vận tải. Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sản xuất alumin hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế, những vấn đề sau đây cần được nghiên cứu và giải quyết:

- Về bản chất, việc trả lãi vốn vay ngân hàng là việc chia sẻ lợi nhuận sản xuất với ngân hàng, lãi suất vay càng cao thì lợi nhuận sản xuất càng giảm.

Do đó, việc thu xếp vốn vay dài hạn lãi suất thấp (soft loan) để phát triển ngành công nghiệp này là rất quan trọng, đặc biệt đối với việc xây dựng hệ thống vận tải và cảng biển. Sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất alumin nếu có thể thu xếp nguồn vốn ưu đãi (ODA hoặc vốn hỗ trợ phát triển của chính phủ) để xây dựng hệ thống hạ tầng vận tải + cảng biển.

- Quy mô sản xuất ban đầu, thời điểm tham gia thị trường và kế hoạch phát triển của ngành công nghiệp sản xuất alumin cần phải dựa trên tình hình cụ thể của thị trường.

Một quy mô ban đầu khiêm tốn, một kế hoạch phát triển mềm dẻo có thể điều chỉnh được theo tình hình thực tế của thị trường và khả năng cạnh tranh của chính sản phẩm của chúng ta có thể là một cách đi phù hợp để phát triển ngành công nghiệp sản xuất alumin để xuất khẩu ở nước ta.

- Mục tiêu của chúng ta không phải là sản xuất ra alumin bằng mọi giá mà là xây dựng một ngành công nghiệp alumin có khả năng cạnh tranh cao, vì nếu không có khả năng cạnh tranh cao thì ngành công nghiệp này khó có thể tồn tại chứ đừng nói là phát triển.

Để có khả năng cạnh tranh cao thì các nhà máy sản xuất alumin do chúng ta xây dựng phải là các nhà máy tầm cỡ thế giới (world class alumina refineries), có công nghệ tiên tiến (state-of-the-art technology), có sản phẩm chất lượng quốc tế và phải nằm trong nhóm các nhà máy alumin có chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới.

- Để đạt được mục tiêu xây dựng các nhà máy sản xuất alumin tầm cỡ thế giới chúng ta cần:

1/ Tìm kiếm và thu xếp nguồn vốn vay dài hạn ưu đãi với lãi suất thấp để xây dựng nhà máy và hệ thống vận tải & cảng biển;

2/ Nhập khẩu công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến nhất trên thế giới trong khi phát huy tối đa mọi nguồn lực trong nước trong việc xây dựng nhà máy để đảm bảo chi phí sản xuất thấp nhất;

3/ Đảm bảo một phương thức phân chia hợp lý lợi ích kinh tế giữa nhà nước, địa phương và chủ đầu tư (tức là áp dụng một mức thuế xuất khẩu hợp lý đối với sản phẩm alumin) để tạo điều kiện nhà sản xuất alumin tồn tại và phát triển;

4/ Lựa chọn một phương án vận tải hợp lý nhất để giảm đến mức tối đa chi phí vận chuyển. Lời giải cho bài toán vận tải chỉ có thể tìm ra được nếu có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương có liên quan.

  • Việt Nguyễn

(*) Definition of Cash cost in English

Cash costs, in mining, are the costs of production, at site level, per unit of output. Cash costs include operational cash costs at site level. This:

  • includes transport, refining and administration costs and royalties
  • excludes non-cash costs such as depreciation and amortisation
  • excludes costs not at site level (such as head office costs).

Tài liệu tham khảo

1. Alcan Investor Workshop: Alcan Bauxite and Alumina . Montreal, December 7, 2004, Michael Hanley, President – Alcan Bauxite and Alumina

2. CRU Monitor – Alumina, March 2007

3. Alumina Limited’s Company Profile – http://www.aluminalimited.com

4. BHP Billiton says the $US2.2 billion ($3.29 billion) expansion of the Worsley alumina refinery in Western Australia is on-track despite financial and commodity market turmoil. November 11, 2008. Australian Associated Press

5. Ausenco acquires Pipeline System Incorporated, ASX Investor Presentation – 5 February 2008, PSI and Ausenco.

6. CVRD to build world"s first bauxite pipeline – Brazil – (BNamericas.com)

7. Vận chuyển khoáng sản rắn bằng đường ống: Một công nghệ cần được quan tâm. Trần Minh Huân, Tạp chí Công nghiệp

8. London Metal Exchange – http:// www.lme.co.uk

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 907 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 51
Khách: 51
Thành Viên: 0