1.
Quyền của quyền lực và không quyền lực là đề tài rộng, Nguyễn Hoàng chỉ đề cập đề tài này trong mối quan hệ với Dân chủ.
Trong dân gian, quyền của quyền lực và không quyền lực đã được mô tả
tinh túy qua các thành ngữ: “Một người làm quan cả họ được nhờ” hay
“Quan nhất thời, dân vạn đại”. Qua các thành ngữ này, chúng ta dễ dàng
nhận diện chân lý: Quyền của quyền lực có uy lực nhất thời, quyền của
Không quyền lực có sức mạnh tiềm tàng. Tuy không
có hiệu ứng cập nhật, nhưng lại là quyền quyết định. Thực tế xã hội
đương đại Việt Nam, vì tiềm tàng, nên quyền của không quyền lực thường
không được chú trọng sử dụng, bị uy lực lấn át, đánh cắp mà không hề nhận biết.
Trong bài “Suy nghĩ về môi trường dân chủ Việt Nam” Nguyễn Hoàng đã có
dịp đề cập đến những đặc điểm khác biệt giữa môi trường dân chủ Việt
Nam với các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ). Theo đó, bên quyền lực do
lịch sử để lại, đã có được những lợi thế trong việc ru ngủ bên không
quyền lực xa rời quyền sử dụng quyền lực trong một thời gian dài. Sau
cách mạng giải phóng dân tộc, người nông dân Việt Nam dễ dàng hài lòng
khi có được đất để canh tác, con em được cắp sách đến trường và được
tham gia bộ máy công quyền, được làm “quan” ở thành thị. Ranh giới
quyền lực này gần như bị xóa nhòa bởi sự mị dân tinh vi của bên quyền
lực, bởi sự tất bật mưu sinh của bên không quyền lực và quan trọng hơn
là nhu cầu tối thiểu của bên không quyền lực đã dần dà được đáp ứng. Đã
có không ít bài viết châm biếm bên quyền lực “đính” không quyền lực vào
các cơ quan công quyền như Công an nhân dân,
Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm lâm nhân dân và Tòa án
cũng nhân dân (!). Rốt cuộc, quyền của không quyền lực (nhân dân) tại
các cơ quan công quyền chẳng có ý nghĩa gì, nếu không nói là rẻ rúng.
Thực trạng môi trường dân chủ Việt Nam là như vậy. Sau khi tạo được vai
trò lịch sử trong giải phóng dân tộc, đảng CSVN độc quyền làm sứ mạng
nâng cấp cho nông dân Việt Nam. Triết lý đảng chẳng bao giờ sai, chỉ có
những kẻ lạm dụng quyền của đảng sai, từ lâu đã hằn sâu trong nếp nghĩ
của dân chúng. Sự độc quyền cai trị xã hội của đảng CSVN đã, đang phát
sinh nhiều bất cập. Hệ lụy của sự bất cập này là đã tạo
ra đất sống cho những “cường hào” mới ở nông thôn, các “quan tham”
trong các cơ quan công quyền từ địa phương đến trung ương. Sự xuống cấp
đạo đức từ một bộ phận không nhỏ công bộc trong hệ thống hành chánh
công, gieo rắc sự chán chường, bất mãn và sự hoài nghi trong dân chúng.
Hẵn nhiên, Đảng CSVN đã thấy được hệ lụy này đã, đang tạo ra sự thách
thức thực sự, đang âm ỉ mài mòn quyền lực của họ và sự hưng thịnh của
đất nước. Quốc nạn tham nhũng, cùng các nguy cơ tụt hậu từ lâu đã hiển
hiện trong các Nghị quyết của đảng, nhiều ban chỉ đạo cấp quốc gia đã
được thành lập để triệt phá nó. Tuy nhiên, các nguy cơ không những chưa
bị đẩy lùi, xem ra ngày càng trầm kha bởi sự tham gia của dân chúng
chưa đáng kể.
2.
Một
trong những sự kiện gây phản cảm đã, đang bao trùm lên toàn xã hội là
quyền tự quyết dân tộc và chủ quyền quốc gia. Những ai đã từng chứng
kiến học sinh, sinh viên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tự phát
tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa và
Trường Sa cuối năm 2007, thấy rõ cảm giác quyền được bày tỏ ý chí bảo
vệ chủ quyền của nhân dân bị xúc phạm như thế nào. Gần đây, dự án khai
quặng bauxit Tây Nguyên tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc trong
mỗi trái tim của người Việt, bất luận tôn giáo, học vấn, nghề nghiệp,
trong hay ngoài nước trước nguy cơ chủ nghĩa bành trướng hiện đại
phương Bắc. Về kỹ thuật và kinh tế, nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt
Nam đã phân tích lợi ích kinh tế khai quặng bauxit không cao so với tác
hại nghiêm trọng đến môi trường do con người chưa có khả năng xử lý bùn
đỏ. Về chính trị, quân sự, đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số tướng
lĩnh quân đội cũng đã kịp thời lên tiếng. Xã hội là vấn đề mà mọi người
dễ nhận thấy, lo ngại nhất. Với hàng ngàn lao động phổ thông của Trung
Quốc có mặt lâu dài ở Tây Nguyên, bên cạnh các dịch vụ đi kèm, việc kết
hôn giữa công nhân Trung Quốc với dân địa phương ắt sẽ xãy ra. Người
Hoa vốn có truyền thống thích nghi với môi trường sống ở hải ngoại.
Thêm một cộng đồng người Hoa ở Tây Nguyên đang dần trở thành hiện
thực.Nếu điểm lại các sự kiện xã hội gần đây, chúng ta dễ dàng nhận
thấy, hầu hết do bên quyền lực “làm thay”. Việc mở rộng địa giới thủ đô
Hà Nội, hay lập hàng loạt lô cốt tùy tiện trên các tuyến đường ở thành
phố Hồ Chí Minh, đã gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Quyền của
không quyền lực thường xuyên bị lãng quên như vậy. Thiết nghĩ, đã đến
lúc bên quyền lực cần nghiêm túc đánh giá lại các chủ trương lấy dân
làm gốc, phát huy dân chủ nơi cơ sở, xây dựng Nhà nước pháp quyền của
dân, do dân và vì dân. Bên không quyền lực cần đánh thức quyền sử dụng
quyền lực tiềm tàng của mình trong việc tham gia quản lý xã hội, chống
tham nhũng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền công dân theo hiến
định.
Có
một thực tế, dù không được nhìn nhận là lực lượng chính trị đối lập,
nhưng hàng ngũ những nhà bất đồng chính kiến, những hiệp sỹ dân chủ
trong nước ngày càng lớn mạnh. Hầu hết họ là những trí thức, cựu chiến
binh đã từng, hoặc đang là đảng viên đảng CSVN. Những ý kiến tâm huyết
với vận mệnh đất nước, dân tộc của họ ngày càng có sức sống trong dân
chúng, quyền lực không thể không lắng nghe. Bên cạnh họ, mọi người cũng
đã nhận diện được một số ít người lạm quyền không quyền lực, quá khích,
hô hào chống phá chính quyền để được nổi danh, nhận tiền từ một số cá
nhân, hội đoàn hải ngoại tiếp tục nuôi ảo tưởng phục hận. Đây là điều
khó tránh khỏi trong môi trường dân chủ khắc nghiệt Việt Nam. Bởi vẫn
có người quan niệm rằng bất cứ ai viết, tán phát bài hô hào chống lại
độc quyền trên mạng, trả lời các đài báo nước ngoài, cọ xát nhiều với
Công an là dũng cảm, dân chủ, sẽ nổi danh (!).
Trước
hiểm họa của chủ nghĩa bành trướng hiện đại phương Bắc, hơn lúc nào
hết, Việt Nam cần phải có dân chủ để hòa hợp, đoàn kết, phát huy nội
lực. Dân chủ chỉ có được khi quyền của không quyền lực được đánh thức,
được tôn trọng và phát huy theo pháp luật.