Kể
từ khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo quyết định của chính phủ nhất
quyết tiến hành dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên bất chấp những cảnh
báo của các nhà khoa học về tác hại đối với môi trường và văn hóa ở
vùng này, làn sóng phản đối dự án này ngày càng mạnh, nhất là vì nhiều
người sợ rằng Trung Quốc trong tương lai sẽ kiểm soát vùng Tây Nguyên,
đe doạ đến an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Trong
một bài báo đăng trên mạng ngày 28/3, tờ Tuổi Trẻ khi tường thuật về
buổi tọa đàm về các biện pháp kích cầu trong xây dựng đã trích lời ông
Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - khẳng định các nhà
thầu VN đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu
thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài và nhất là các nhà
thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về
điện, ximăng, hóa chất... Ông Hùng nói: "Đáng quan tâm là các nhà
thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị
của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất
được". Qua bài báo này, tờ Tuổi Trẻ tiết lộ là hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam.
Trong
số này có bao nhiêu công nhân Trung Quốc là việc cho dự án khai thác
bauxit, hiện chưa có con số chính xác, nhưng có lẻ là rất đông, theo
như quan sát của người dân địa phương tại Tây Nguyên. Một điều chắc
chắn là các dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên đang được tiến hành rất
khẩn trương.
Bằng chứng là gần đây hãng tin Dow Jones có loan
tin là Tập đoàn Marubeni của Nhật vừa cho biết rằng họ và công ty China
Aluminum International Engineering Co. (Trung Quốc), đã nhận được đơn
đặt hàng để bán một nhà máy luyện nhôm sẽ được sử dụng ở Đắk Nông. Theo
dự kiến, việc xây dựng nhà máy sẽ hoàn tất vào năm 2011 và khi vận hành
sẽ đạt công suất 600,000 tấn alumima/năm.
Cũng hãng thông tấn
Dow Jones cho biết, đây là đơn đặt hàng cho nhà máy luyện nhôm thứ nhì
tại Việt Nam. Trước đây, đã có một hợp đồng được TKV (Tập đoàn Than
Khoáng sản Việt Nam) ký với Marubeni, trị giá 50 tỉ Yen (khoảng 52
triệu USD), để mua một nhà máy luyện nhôm đặt tại phía Bắc Sài Gòn.
Trong
một bản tin đăng ngày 6/3, tờ Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, công ty Alumin
Nhân Cơ, thuộc TKV đã hoàn tất việc san ủi 200 héc ta đất để chuẩn bị
xây dựng một nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp,
tỉnh Đắk Nông. Theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, "các hạng mục phụ trợ khác như văn phòng, đường dẫn vào nhà máy..., đã hoàn thành". Cũng theo Sài Gòn Tiếp Thị,
"nhà máy luyện oxid nhôm vừa kể có công suất 600,000 tấn/năm và đại
diện TKV, đại diện công ty Alumin Nhân Cơ đã lên đường sang Trung Quốc
để ký hợp đồng xây dựng nhà máy với công ty cổ phần nhôm Trung Quốc
(Challico). Nhà máy này theo dự kiến sẽ được khởi công xây dựng đầu quý
2 năm nay".
Trước tình hình đó, ngày càng có nhiều nhà trí
thức lên tiếng phản đối dự án bauxit Tây Nguyên vì tác hại kinh khủng
của nó đến môi trường. Gần đây nhất, nhà báo Lê Phú Khải từ Sài Gòn,
với tư cách một đảng viên, đã viết thư đề ngày 18/3 gởi cho tổng bí thư
Nông Đức Mạnh, trong đó có đoạn viết rằng:
‘’Vấn đề bauxite
còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả
dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo.Mười năm nữa sông Đồng Nai và
những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền
Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra toàn
quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite
của họ trên toàn quốc vào năm 2008.
Chính vì lẽ đó, với tư
cách một công dân, một nhà báo lâu năm, tôi kiến nghị lên Ông Tổng Bí
thư, người có trách nhiệm cao nhất của Đảng cầm quyền: Hãy đưa vấn đề
khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra bàn ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng,
Quốc hội và Nhà nước để dừng lại dự án này khi chưa quá muộn.’’
Nhưng
chính là sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc ở Tây Nguyên đang
gây lo ngại ngày càng nhiều về mặt an ninh quốc phòng. Trong một bức
thư đề ngày 2/3 năm 2009 gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà văn quân
đội Phạm Đình Trọng ghi nhận là:
''Qua những vụ việc đất
đai ở biên cương phía bắc, có thể dễ dàng nhận ra bài bản cướp đất của
phương Bắc là: Lặng lẽ chiếm đất ở từng điểm nhỏ lẻ, rải rác, coi như
đó chỉ là những vụ việc cục bộ, địa phương, nhà nước trung ương không
hay biết! Nhà nước trung ương cứ cao giọng nói hữu hảo, cứ ban phát lời
vàng hữu nghị nhưng cục bộ cứ lấn đất, chiếm đất, lặng lẽ mà chiếm,
không gây ồn ào thành sự kiện quốc gia là được! Cả hệ thống truyền
thông khổng lồ của ta cũng làm ngơ đồng lõa!''
Từ đó, nhà
văn Phạm Đình Trọng càng đặt nghi vấn về quyết định của chính phủ cho
phép Trung Quốc khai thác bauxít ở Tây Nguyên :
''Lạ quá,
qui hoạch khai thác bô xít ở Tây Nguyên mới được Chính phủ phê duyệt,
luận chứng kinh tế kĩ thuật đang soạn thảo, các nhà khoa học còn đang
tranh luận nên hay không nên khai thác bô xít ở Tây Nguyên, thế mà công
dân Trung Hoa, người cầm bản đồ, người mang cưa máy, người cuốc, người
xẻng đã xục xạo ở Tây Nguyên!
Dư luận người dân Việt Nam đang
lo ngại, đang xôn xao bàn tán về tính hiệu quả, về thảm hoạ môi trường
khi khai thác bô xít Tây Nguyên và càng lo ngại hơn khi hàng ngàn trai
tráng Trung Hoa sẽ có mặt đông đảo, trùng trùng đội ngũ ở Tây Nguyên,
trung tâm bán đảo Đông Dương, khi đó ông Thủ tướng mới tuyên bố rằng
khai thác bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước! Chủ
trương lớn của đảng và nhà nước mà Quốc hội của dân chưa được bàn định
thì người Trung Hoa đã xắn tay áo thực hiện chủ trương lớn của đảng và
nhà nước ta rồi! Điều này làm cho người dân phải đặt câu hỏi: Chủ
trương lớn khai thác bô xít Tây Nguyên có thực sự vì đất nước Việt Nam,
có thực sự vì nhân dân Việt Nam?''
Trước đó, thiếu tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cũng đã viết thư
khuyên can thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cảnh báo rằng :
''Chúng
ta đều biết Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo
Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là
đe doa Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của
chúng ta, sau khi đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài
Gòn. Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm,
bảy nghìn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và
hoạt động tại đây, sẽ hình thành một "thị trấn Trung Hoa", một "căn cứ
quân sự" trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí
đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải
quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ
thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh
mạng cùng xương máu sẽ như thế nào ?!''
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 6/4 vừa qua, nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt cũng chia sẻ những mối lo âu nói trên.
RFI:
Kính thưa ông Bùi Minh Quốc, là một người sống ở Đà Lạt, cách không xa
các mỏ bauxit, ông có suy nghĩ như thế nào về dự án khai thác bauxit
Tây Nguyên?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Từ lâu tôi đã để
ý đến dự án khai thác bauxit Tây Nguyên, mà cụ thể là trên đất Lâm
Đồng, tức là điạ bàn huyện Bảo Lộc, cách Đà Lạt hơn 120 km. Những người
từ Bảo Lộc về cho biết là từ nhiều tháng qua, người dân tại đây đã xầm
xì bàn tán về việc Trung Quốc vào khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Dư
luận lại càng bàn tán nhiều hơn kể từ khi có ý kiến của đại tướng Võ
Nguyên Giáp gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi đến thư của thiếu tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, rồi ý kiến
của các nhà khoa học, nhà trí thức như tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giáo
sư Phạm Duy Hiễn hay nhà văn Nguyên Ngọc.
Dự án này tàn phá
môi trường không chỉ của Tây Nguyên, mà còn của những vùng bên dưới
nữa. Vì đây là thượng nguồn sông Đồng Nai, cho nên nó ảnh hưởng đến
toàn bộ vùng Đông Nam bộ và Sài Gòn. Rừng bị phá, tức là văn hóa các
dân tộc Tây Nguyên bị phá, vì như nhà văn Nguyên Ngọc có nói, văn hóa
Tây Nguyên trước hết là văn hóa rừng.
Ý kiến của riêng tôi là
dự án khai thác bauxit Tây Nguyên đã là một sai lầm, sai lầm này càng
lớn hơn nữa vì đối tác được chọn lại là Trung Quốc, như tôi đã nhấn
mạnh trong bài viết ''Chống diễn biến hòa bình của chủ nghĩa bành
trướng hiện đại Trung Quốc''
RFI: Xin ông giải thích
rõ hơn về khái niệm này? Nguy cơ của dự án khai thác bauxit Tây Nguyên
đối với an ninh quốc phòng của Việt Nam là như thế nào?
Bùi Minh Quốc: Đây
là hình thức diễn biến hòa bình thông qua quan hệ giữa hai đảng. Bauxit
Tây Nguyên chính là bằng chứng cho thấy tính chất nguy hiểm đối với an
ninh quốc gia, như thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nêu lên. Ở phía
Đông Bắc, Trung Quốc xây một căn cứ hải quân rất mạnh ở đảo Hải Nam.
Căn cứ này không phải để nhằm chống một cuộc xâm lăng nào, mà là chính
là để đe doạ Việt Nam.
Bây giờ, họ thông qua việc hợp tác khai
thác bauxit để đưa người vào Tây Nguyên. Theo những tin tức từ địa
phương mà tôi nắm được, tại khu Bảo Lâm, người Trung Quốc đã vào đầy ở
đó, đã xây nhà, xây cửa thành những khu vực riêng, đã tiến hành ũi đất
khai thác. Đứng về mặt an ninh quốc phòng, thì từ Bảo Lâm đến Sài Gòn
chỉ cách 180 km, mà theo đường chim bay thì còn ngắn hơn nữa. Những
người Trung Quốc được đưa vào Tây Nguyên, nhìn bề ngoài là công nhân,
nhưng bên trong họ là lính tráng thì sao ? Như ông Nguyễn Trọng Vĩnh có
nói, họ đưa súng ống vào đâu có gì là khó ?
Nói chung, đây là
một vấn đề chính trị rất phức tạp, rất nghiêm trọng, với nguy cơ mất
nước đang hiện ra. Nước ta coi như đang bị một gọng kìm. Phía Đông Bắc
là căn cứ hải quân, phía Tây Nguyên thì đang hình thành một địa bàn
quân sự trá hình. Tôi hết sức lo lắng, nhất là vì cả đời tôi đã tham
gia cứu quốc, nay lại thấy đất nước đùng trước một nguy cơ như thế, thì
làm sao mà yên lòng được ?
Trao đổi với những bạn bè gần xa,
tôi thấy ai cũng đều có tâm trạng như vậy, tức là hết sức lo lắng, bất
bình và đều rất mong là những nhà lãnh đạo cho dừng ngay dự án này.
Việc này theo lẽ phải được đưa ra cho toàn dân bàn, theo đúng chủ
trương của Đảng là ''dân biết, dân bàn''. Hơn nữa, về mức số vốn đầu tư
thì đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, mà lại liên quan
đến an ninh quốc phòng. Thế mà, người dân đã bị đặt trước việc đã rồi.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một người trong cuộc, thuộc Tập đoàn Than và
Khoáng sản, một người biết rõ vấn đề từ rất lâu, đã nói thẳng ra rằng
đây là một sai lầm cố ý của Tập đoàn Than Khoáng sản.
Có những
dấu hiệu cho thấy là những người lãnh đạo cao nhất của đất nước này
đang có một cái mắc míu, cái vướng víu gì đó, cho nên mới lệ thuộc vào
Trung Quốc như thế, rồi cứ ngấm ngầm cho làm, bây giờ mới bùng ra là
người Trung Quốc đã vào đầy ở Tây Nguyên rồi. Động thái của họ thật là
khó hiểu.
RFI: Theo ông biết thì những ý kiến phản bác dự án bauxit nay còn được loan tải rộng rãi trên báo chí chính thức không?
Bùi Minh Quốc: Nói
chung những ý kiến trên mặt báo chính thức là không phản ánh được tâm
trạng của nhân dân và của đảng viên. Đảng đã có chủ trương ''dân biết,
dân bàn'', nhưng biết và bàn ở đâu bây giờ? Báo chí Việt Nam rõ ràng là
không thể hiện được'' dân biết, dân bàn'', nhất là đối với dự án khai
thác bauxit Tây Nguyên này.
Theo tôi việc cần làm trước hết là
phải thông tin cho nhau, đặc biệt là phổ biến thật rộng rãi những bức
thư của tướng Giáp, tướng Vĩnh, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nhà văn
Nguyên Ngọc, v.v... Những ý kiến ấy rất có cơ sở, rất có tính thuyết
phục để phản bác chủ trương khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Những ai
chưa hiểu rõ vấn đề khi đọc qua những bức thư ấy thì sẽ hiểu rõ ngay.
Từ đó, mọi người có thể cùng lên tiếng.
RFI: Gần
đây, Hoà thượng Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam
thống nhất, có kêu gọi ''biểu tình tại gia'' để phản đối dự án bauxit.
Ông có ý kiến gì về lời kêu gọi này?
Bùi Minh Quốc:
Tôi thấy ý kiến của Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng rất hay, nhưng còn
tính khả thi của nó đến đâu thì ta sẽ xem. Tôi nghĩ là bằng cách này
hay cách khác, mỗi người tùy hoàn cảnh, vị trí của mình, nên bày tỏ
thái độ cá nhân cũng như thái độ tập thể.
RFI: Xin cám ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc.