Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:29 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 8 » Khai thác bô xít Tây Nguyên: 3 vấn đề, 3 kiến nghị
11:12 PM
Khai thác bô xít Tây Nguyên: 3 vấn đề, 3 kiến nghị


  • Apr. 8th, 2009 at 10:00 AM



Lời Toà soạn : - Trước thềm Hội thảo về khai thác bô xít Tây Nguyên diễn ra vào ngày 9 tháng 4 năm 2009, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân phân tích hiệu quả kinh tế, môi trường - xã hội của các dự án bô xít Tây Nguyên và kiến nghị lấy Tân Rai làm thí điểm. Tuần Viet Nam Net (báo điện tử VietNamNet) đã giới thiệu nội dung bài viêt này của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân.

Nội dung như sau:

Ảnh: reychem.com


Từ tháng 11/2008, sau khi dự án “Tổ hợp bô-xít-nhôm Lâm Đồng” tại Tân Rai được khởi công ngày 26/7/2008, và tiếp đó dự án “khai thác bô-xít sản xuất alumina Nhân Cơ” (Đắc-Nông) sẽ được khởi công trong quý I-2009, và những thông tin về dự kiến hợp tác đầu tư với nước ngoài khai thác bô-xít quy mô lớn ở Tây Nguyên kèm theo bao tiêu sản phẩm từ 2007 đến 2015 có xét đến 2025, có rất nhiều bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng bày tỏ sự lo ngại trước quyết định khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, nhất là vào thời điểm hiện nay với sản phẩm sơ chế là alumina, đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh tế, cảnh báo về công nghệ và hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường thiên nhiên và xã hội.

Sau nhiều tháng chờ đợi, một cuộc hội thảo khoa học về khai thác quặng bô-xít để sản xuất alumina ở Tây Nguyên sẽ được tổ chức ngày mai, 9/4/2009 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với thành phần tham dự được mời gồm đại diện các Bộ ngành và các địa phương có liên quan, các nhà khoa học và hoạt động xã hội.

Dư luận mong rằng hội thảo sẽ là một sự phản biện được lắng nghe, một cuộc đối thoại xây dựng vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước và của vùng đất Tây Nguyên. Nhằm mục đích đó, bài viết này góp một số ý về ba nhóm vấn đề và đề xuất ba kiến nghị.

Trước tiên là về hiệu quả kinh tế. Tổng Công ty Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) chắc chắn đã có những tính toán của mình để thuyết minh là hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có hiệu quả kinh tế tính cho suốt thời gian tồn tại của chúng, ước tính là 50 năm.

Vấn đề là các dự án này (và quy hoạch khai thác bô-xít nói chung) đã được tính toán trong thời gian mà nhu cầu nhôm, alumina của thế giới và khu vực đang lên cao, trong khi đó giá alumina trên thị trường thế giới hiện nay và trong thời gian trước mắt xuống rất thấp và chưa ai nói được là còn sẽ kéo dài bao lâu trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Vì vậy nhà đầu tư phải xem xét lại tính toán về hiệu quả kinh tế của các dự án hiện nay (và trong quy hoạch) phù hợp với tình hình mới không thuận lợi như lúc lập luận chứng ban đầu.

Chalco, một tập đoàn lớn hàng đầu về nhôm của Trung Quốc, cho hay sẽ cắt chi tiêu tới 34%, tương đương 1,9 tỷ đôla, trong năm 2009 vì nhu cầu nhôm thế giới giảm sút mạnh. La Kiến Xuyên, chủ tịch mới của tập đoàn, thông báo ngày 30/3/2009 vừa qua, tập đoàn này "sẽ siết chặt các hợp đồng mua và sáp nhập tại các thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời hoãn các dự án kế hoạch để đối phó với khó khăn hiện thời".

Chắc TKV đã nhận được thông tin này và đã liên hệ đến mình và đến việc hợp tác đầu tư, để không vì khó khăn mà giãn tiến độ hoặc “treo” các dự án, và nhất là hạ thấp trình độ công nghệ, hy sinh hoặc “rút gọn” khâu xử lý chất thải bùn đỏ, thậm chí đổ bừa chất thải chưa xử lý ra môi trường như đã bắt gặp trong thời gian qua.

Trong quy hoạch khai thác bô-xít giai đoạn 2007-2015 có xét đến 2025, có việc đầu tư một tuyến đường sắt dài khoảng 270 km với chênh lệch độ cao 700 mét, đi qua một vùng địa hình khá phức tạp, để đưa sản phẩm alumina từ Tây Nguyên về xuất khẩu tại cảng Kê Gà (Bình Thuận).

Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng chỉ số ICOR của nền kinh tế Việt Nam hiện nay khá cao, phản ánh hiệu quả đầu tư thấp trong thời gian qua. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư phải là một mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thứ hai là về môi trường. Hiệu quả kinh tế là quan trọng, nhưng tác động lên môi trường còn quan trọng hơn nhiều, cho hôm nay và cho mai sau.

Theo TKV, do cấu trúc địa chất, bô-xit Tây Nguyên có diện phân bố rộng, thường ở trên sườn và đỉnh đồi, chiều dày các vỉa quặng trung bình 3-5m, nằm dưới lớp đất phủ với khoảng cách trung bình 0-2m.

Các dự án sẽ tận dụng các thung lũng trên cùng một địa bàn, cách nhau không xa, cho hai mục đích rất khác nhau, nằm ở hai đầu của quy trình sản xuất alumina: làm hồ tích nước trong mùa mưa phục vụ tuyển quặng và sản xuất alumina, và làm hồ chứa bùn đỏ, chất thải rất nguy hiểm từ quy trình sản xuất này.

Viêc tận dụng các thung lũng như đã nói không an toàn chút nào bởi lẽ bùn đỏ chứa một dung dịch kiềm đi kèm có tính ăn mòn mạnh, có thể thẩm thấu gây tác hại cho đất xung quanh và làm ô nhiễm nguồn nước, và nhất là vào mùa mưa, khi lượng nước mưa lớn [3] tích tụ ở các hồ bùn đỏ có thể tràn ra ngoài hoặc làm vỡ đập.

Nói về nguồn nước cho sản xuất alumina tại hai nhà máy, TKV cho biết nhà thầu sẽ sử dụng 100% nước mặt, không sử dụng nguồn nước ngầm, bằng cách đắp đập tạo hồ chứa và một phần điều hoà nước từ các đập hồ thuỷ điện của vùng trong mùa khô

.

Xin lưu ý Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam rằng nước trong các đập và hồ thủy điện đều đã được quy hoạch để sử dụng đa mục tiêu ở hạ lưu cho dân sinh, nông nghiệp, thủy sản, … vì ở đó cũng rất cần nước vào mùa kiệt!

Báo cáo của các nhà thầu bảo đảm rằng việc xử lý ô nhiễm, chất thải bùn đỏ, sẽ được làm triệt để nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, và với phương pháp khai thác theo trình tự cuốn chiếu, “công tác hoàn thổ, phục hồi không gian sẽ được hoàn nguyên ngay sau khi khai thác xong từng khu vực”



Trong khi đó tỉ lệ dành cho việc xử lý chất thải, đặc biệt chất thải bùn đỏ, lại chỉ chiếm 5,4 – 5,6% tổng vốn đầu tư của nhà máy trong mỗi dự án.

Chính vì vậy và mặc dù việc xử lý chất thải bùn đỏ ở các nước được dẫn chứng như là an toàn (mà theo chúng tôi biết không hẳn là như vậy), chúng tôi vẫn cho rằng môi trường là một vấn đề chưa thể yên tâm.

Gần đây thôi, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa 100 mỏ bô-xít vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mỏ bô-xit Nhữ An đã bị đóng cửa sau một năm hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, cùng nhiều chứng bệnh lạ xuất hiện.

Nước này cũng ra quy định các doanh nghiệp khai thác bôxit chính quy phải trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu sau 4 năm khai thác, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Thứ ba là về vấn đề xã hội. Nhiều bài đã phân tích sâu về tác động đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng vấn đề xã hội gắn với vấn đề môi trường và môi trường là một điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự ổn định cuộc sống và cho sức khỏe của người dân trên địa bàn và các địa bàn lân cận.

Các báo cáo cho biết “tổng diện tích chiếm đất của toàn bộ dự án alumina Nhân Cơ khoảng 3.570 ha, trong đó phần mỏ khoảng 2.620 ha; các công trình đập, hồ chứa nước khoảng 500 ha; phần nhà máy sản xuất alumina khoảng 150 ha; các dự án tái định canh, định cư khoảng 300 ha”. Có thể khẳng định rằng tác động lên xã hội của dự án rộng hơn khoảng không gian này nhiều.

TKV cho biết con em của Lâm Đồng và Đắc Nông đã được gửi đi đào tạo để phục vụ hai nhà máy. Hoạt động của các nhà máy sẽ kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác. Kinh tế thuần nông lâm sẽ chuyển dần sang kinh tế đa ngành nghề. Thu ngân sách và thu nhập của của người dân của hai tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông sẽ tăng.

Nếu được như vậy thì rất tốt và đáng mừng. Thế nhưng Greg Zelder và Sebastian Africano, Giáo sư về Chủng tộc, Đói nghèo, và Môi trường Raquel R. Pinderhughes, Đại học Bang San Francisco đã chỉ ra rằng khai thác bô-xít hầu hết đã làm gia tăng đói nghèo cho người dân bản địa.

Yếu tố con người đã được xem trọng đúng mức chưa trong cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ?

Dự án Nhân Cơ chỉ cho con số 300 ha dành cho tái định canh, định cư. Nhưng số người tái định cư là bao nhiêu, họ là ai, cuộc sống vật chất và tinh thần của họ như thế nào, nguyện vọng của họ ra sao, … không thấy nói.

Công tác tái định cư của các công trình Sơn La, Dung Quất và xa hơn là Hòa Bình cho chúng ta nhiều bài học quý mà trước tiên là cần tiếp cận vấn đề xã hội sâu sắc hơn, nhân văn hơn, đậm đà tình dân tộc, nghĩa đồng bào hơn.


Từ những ý kiến trên đây, xin đề xuất
ba kiến nghị:

1. Nếu không thể dừng, lấy dự án Tân Rai làm dự án điểm. Tập trung chỉ đạo và yêu cầu tập đoàn thầu theo phương thức EPC thực hiện dự án đúng các cam kết, đặc biệt việc xử l‎ý an toàn nhất chất thải bùn đỏ. Giám sát việc thực hiện. Làm cho tốt công tác tái định cư. Tổng kết kinh nghiệm.

2. Tập trung xây dựng cho xong dự án quy hoạch tổng thể khai thác bô-xit Tây Nguyên có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) song hành trước khi triển khai bất kỳ dự án nào mới.

3. Khi dự án quy hoạch hoàn thành, nếu một trong năm tiêu chí (tổng vốn đầu tư; tác động lên môi trường; số dân di dời tái định cư; đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định) chạm giới hạn cho phép thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đúng theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của Quốc hội.

Khai thác bô-xit Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng về nhiều mặt, cần được tiến hành từng bước chắc chắn. Quặng vẫn nằm đó trong lòng đất và chờ đợi được khai thác với công nghệ sạch và tiên tiến, trong một quy hoạch chặt chẽ và toàn diện. Chỉ có như vậy nó mới góp phần vào sự phát triển đất nước một cách bền vững.

  • Giáo sư. Nguyễn Ngọc Trân


Khai thác bô - xít: Câu chuyện Ấn Độ và Haiti

Câu chuyện Ấn Độ

Tại Ấn Độ “vấn đề” các nền văn hoá bản địa ở các vùng đất giàu bauxite đã trở thành điểm bạo loạn nóng bỏng giữa dân cư và chính phủ.

Năm 1998 công ty Norsk-Hydro của Na Uy đã tìm thấy bauxite ở bang Orissa. Vấn đề của công ty là 2100 gia đình ở 24 làng đã cản trở.

Trong 32 triệu dân của bang Orissa, có bảy triệu thổ dân tập trung ở các vùng giàu quặng là các hạt Raigada, Koraput và Kalahandi nơi họ chiếm đến 80% dân cư.

Chỉ riêng ở Orissa có gần 64 triệu ha đất trồng trọt và được chiếm giữ một thời, hiện đang được khai mỏ và ước tính có 50.000 người tị nạn môi trường.

Dân bộ tộc và thổ dân ở Ấn Độ chỉ chiếm 8% dân số nhưng lại chiếm đến hơn 40% dân bị di dời.

Ở Ấn Độ các bộ lạc, chứ không phải chính phủ, kiểm soát đất bộ lạc. Điều này có nghĩa là các bộ lạc phải quyết định liệu các công ty khai khoáng có thể được phép khai mỏ hay không.

Một nhóm môi trường trong vùng đã tổ chức một cuộc điều tra cho thấy 96% dân cư trong hạt chống lại dự án bauxite.

Cảnh sát vùng đã dùng vũ khí chống lại người dân địa phương, hiển nhiên cảnh sát hoạt động vì lợi ích của công ty, và đã bắt hầu hết các chủ đất ít nhất một lần và ép buộc họ ký bán đất cho công ty.

Tháng 12/ 2000 đã có các cuộc bạo loạn chống lại công ty và các kế hoạch của họ để khai khoáng ở trong vùng, trong đó cảnh sát đã giết chết 2 người.

Các tổ chức nhân quyền tin rằng Norsk-Hydro đã đồng loã trong việc giết người bởi vì cảnh sát đã ép dân địa phương ký bán đất, cơ bản họ đã trở thành tổ chức đánh thuê không chính thức của công ty.

Nếu công ty đồng loã, nó vi phạm các nguyên tắc một và hai của Hiệp ước Toàn cầu (Global Compact) của Liên Hiệp Quốc.

Nguyên tắc một của Hiệp ước nói rằng các công ty đồng ý “hỗ trợ và tôn trọng sự bảo vệ các quyền con người quốc tế trong phạm vi ảnh hưởng của họ”.

Nguyên tắc hai đòi hỏi các công ty “đảm bảo các công ty của riêng mình không đồng loã trong các vụ lạm dụng các quyền con người”.

Những cáo buộc này chỉ ra vấn đề lớn hơn về các công ty xuyên quốc gia lớn tương tác ra sao với dân địa phương trong đòi hỏi của chúng đối với nguồn lực tự nhiên và nguyên liệu.

Các cộng đồng địa phương không được coi là cần thiết nội tại cho đất nước – thay vào đó lại là sự bỏ rơi dân địa phương không cho họ tận dụng các nguồn lực mà họ sở hữu.

Bởi vì sự sao nhãng nhận thức này, các nhà đầu tư nước ngoài coi tình hình như tình huống do nghĩa vụ của họ đối với nền kinh tế toàn cầu (chẳng nhắc tới ví tiền của họ) mà họ khai thác các vùng này.

Trong nhiều trường hợp lời cam kết với các nền văn hoá bản địa không được cả công ty lẫn chính phủ tính đến, để người ta phải lưu ý đến các mối tương tác giữa các chính phủ và các công ty tương ứng.

Câu chuyện Haiti

Tiếp sau việc khám phá ra Bauxite năm 1943 ở Jamaica, các công ty đã ngó tới khả năng có bauxite tại các đảo khác ở Mỹ Latin.

Hè năm đó công ty Reynolds Metals đã tìm thấy bauxite in Haiti và tiến hành ký hợp đồng tô nhượng với chính phủ Haiti.

Giống hầu hết các hợp đồng giữa các công ty siêu quốc gia và các chính phủ các nước chậm phát triển, hợp đồng này rất thiên vị cho công ty.

Hợp đồng cho Reynolds “độc quyền ưu tiên tiến hành thăm dò và khai thác quặng bauxite và tất cả các quặng khác chứa hay có thể chứa nhôm,” với hầu như toàn bộ diện tích Haiti được quy định.

Thoả thuận kéo dài 60 năm sau khi ký, buộc chính phủ chấp nhận các điều khoản ở giai đoạn đầu của quá trình mặc cả mà có thể không còn thích hợp trong tương lai.

Yếu tố chính ở đằng sau sự chấp nhận các điều kiện này là sự thực rằng chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho đàm phán của Reynolds vì 2 lý do chủ yếu:

Cầu về nhôm đã tăng do Chiến tranh Thế giới II và, khi đó, chính phủ Mỹ đã thử phá thế độc quyền của Alcoa trong công nghiệp nhôm.

Cùng với cú “thúc” của chính phủ Hoa Kỳ, đã có các lý do khác để chính phủ Haiti tin rằng hợp đồng là tốt cho đất nước:

Hợp đồng có hứa về việc làm (cho dù công ty chỉ thuê công nhân không có kỹ năng và không có hứa hẹn gì về đào tạo các vị trí quản lý hay hành chính).

Haiti cũng nhận được một khoản royalty (tiền thuê mỏ) gắn với sản xuất bauxite – khi đó royalty là 30,5 cent/tấn.

Năm 1963 hợp đồng được đàm phán lại và royalty thực sự bị giảm xuống 20 cent/tấn!

Chính phủ cũng đã tin rằng công ty sẽ thêm vào cho cơ sở hạ tầng của đất nước.

Tất cả cái mà đất nước nhận được dưới dạng hạ tầng là một đoạn đường dài 8 dặm chỉ để chuyên chở alumina đã tinh luyện sang Hoa Kỳ - đường này ít có tác động đến toàn nền kinh tế.

Công ty cũng đã xây 1 nhà máy điện, cơ sở hạ tầng nước, và 1 bệnh viện chỉ để công ty và nhân viên của nó sử dụng.

Cùng với những “giám sát” này của chính phủ, đối với dân chúng cái lớn nhất mà chính phủ đã làm, là đi thoả thuận giúp ngăn chặn đình công, tạo ra một liên minh gây rối loạn để chặn ngay cả các hình thức sơ đẳng nhất của sự trao quyền cho lao động.

Cần lưu ý rằng số lao động do Reynolds sử dụng là nhỏ (khoảng 0,5%) so với phần còn lại của lực lượng lao động 45.000 người.

Loại thảo thuận này củng cố khái niệm về đồng loã xảy ra với cách cư xử của chính phủ, đặc biệt các chính phủ ở các nước đang phát triển, phụ thuộc vào công nghiệp hoá, và các công ty xuyên quốc gia không có trách nhiệm giải trình nào đối với công dân của các nước nơi chúng khai thác tài nguyên của họ.

Trích từ: "Bauxite and Aluminium: From A to Z”, của các tác giả Greg Zelder, Sebastian African, Raquel R. Pinderhughes, State University at San Fransisco, California, 2003

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 860 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0