Vào
ngày “April Fool’s Day” 1-4 vừa qua, đài Á Châu Tự Do loan báo là ông
Nguyễn Tấn Dũng từ chức Thủ tướng, và yêu cầu Quốc Hội từ nhiệm...
Trước đó vài tiếng đồng hồ, dư luận cũng xôn xao về một tin “Cá Tháng
Tư” khác trên mạng x-cafevn.org. Màn đùa dai này không làm ngạc nhiên
những người quen văn hoá Tây phương, song rõ ràng đã gây sốc, kể cả sự
mừng rỡ, cho không ít người khác khi thoáng nghe thông tin qua dạng
truyền khẩu. Điều gì sẽ xảy ra cho chính trường Việt Nam nếu thật sự ông Nguyễn tấn Dũng “bất ngờ loan báo quyết định từ chức trong phiên họp đặc biệt của Bộ Chính Trị “ vì
“không giải quyết được tình trạng lạm phát, không có kế hoạch để vực
nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng nhất
là không lắng nghe nguyện vọng của người dân khi tiếp tục để Trung Quốc
khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.” ? Những người dân và đoàn thể đấu tranh đối lập đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam sẽ vận dụng được gì ở cơ hội bất ngờ này khi “ông
Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra lời kêu gọi các uỷ viên khác trong Bộ Chính
Trị cũng nên xin nghỉ việc, để trao quyền điều khiển đất nước cho thành
phần mà ông gọi là có tầm nhìn chiến lược hơn”. Và
nếu bản tin “Cá Tháng Tư” trên mạng x-cafevn.org cũng là một điều nhiều
người đang mong đợi, thì những tác động gì đã có thể khiến đảng CSVN
huỷ bỏ dự án khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên, khi nó đã là một “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”? Mặt khác, người Việt Nam đã sẵn sàng để chiến đấu bảo vệ lãnh thổ tổ quốc chưa khi “Quốc
Hội sẽ triệu tập một phiên nhóm khẩn cấp để thông qua luật khẳng định
Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, tương tự như luật được chính phủ
Philippines ban hành cách đây một vài tuần.” và Trung Cộng sẽ có hành động xâm lăng bằng quân sự như năm 1979? Hai
nguồn tin trên có thể được kiểm chứng ngay trong vài chục phút đồng hồ
nhưng ở một một số người có quan tâm đến hiện tình Việt Nam, nó tồn
đọng nhiều câu hỏi chưa có những sự trả lời thoả đáng. Với
cung cách quản lý và lãnh đạo của đảng CSVN như đã có, người ta thừa
hiểu rằng cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng không phải là chìa khoá của toàn
bộ vấn đề Việt Nam. Nói cách khác, dù ông có từ chức thật sự thì những
vấn đề gai góc đang có sẽ không phải vì thế mà tự nhiên được hoá giải
ngay. Bộ Chính Trị đảng CSVN có một quá trình thật dài về phương thức
chọn những người giống họ gần như đúc (về quan điểm và ý hướng lãnh
đạo) vào trong cơ cấu tối cao này. Những người bất chợt suy nghĩ hay
toan tính khác hơn đa số uỷ viên khác sẽ bị cô lập ngay, như trường hợp
đã xảy ra với Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch. Bộ
Chính Trị CSVN cũng không có phe thân Tàu hay thân Mỹ rõ ràng. Hình ảnh
có vẻ thân Tàu hay Mỹ của từng giai đoạn chỉ là sự khác biệt về sự tính
toán nên vận dụng Tàu hay Mỹ cho từng hoàn cảnh chính trị. Mặt
khác, với thế trận đầy phức tạp và nguy hiểm trong nội bộ cơ quan quyền
lực lớn nhất nước, chắc chắn sẽ không có một cá nhân nào trong Bộ Chính
Trị muốn tự cô lập và huỷ diệt lấy chính mình. Có thể nói là với hoàn
cảnh nước ta, rất khó để có một “Gobachev Việt Nam”. Và một “Yeltsin Việt Nam” chỉ có thể xuất hiện vào giờ phút sau cùng trước khi chế độ Cộng sản bị thay đổi. Tóm
lại, xác suất ông Nguyễn tấn Dũng hay một người lãnh đạo của bộ máy cầm
quyền CSVN từ chức vẫn có thể xảy ra, nhưng chắc chắn tình hình Việt
Nam sẽ không tự nhiên thay đổi 180 độ từ sự kiện đó. Cho nên, mừng vì
thấy đất nước có dấu hiệu thay đổi là chính đáng, song mừng khi nghe
tin một người lãnh đạo CSVN từ chức thì có thể là không chín chắn. Tuy
nhiên, nếu vì một động lực hay áp lực nào đó mà Bộ Chính Trị đảng CSVN
lên tiếng nhận khuyết điểm về những sai lầm trong quá trình cai trị đất
nước trong suốt mấy mươi năm qua, và muốn trao quyền lãnh đạo lại cho
một thành phần có “tầm nhìn chiến lược hơn”, thì thay đổi đó
chưa hẳn đã là một dấu hiệu tốt. Ví dụ như giả thiết này có xảy ra thì
có thể quyền hành lãnh đạo chỉ chuyển đổi sang một thành phần Cộng sản
khác thích hợp với tình hình mới mà thôi, vì thành phần Bộ Chính Trị
đương quyền từ nhiệm không hẳn có nghĩa là đảng CSVN sẽ từ bỏ quyền
hành lãnh đạo. Đảng
nói hơn nữa là nếu như Bộ Chính Trị đảng CSVN bất ngờ chấp nhận chia sẻ
một số quyền lực lãnh đạo, thì chắc chắn điều bất ngờ đó sẽ đặt nhiều
tổ chức chính trị người Việt ở trong và ngoài nước vào một hoàn cảnh
lúng túng không ít. Bởi lẽ, dù các đoàn thể đối lập có mục tiêu đấu
tranh tương tự nhau song người ta chưa thấy có bằng chứng nào về một sự
chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở Việt Nam, nhất
là trong hoàn cảnh đảng CSVN vẫn còn hiện diện ở một tỷ lệ đáng kể
trong bộ máy nhà nước. Có thể nói là rất ít tổ chức chính trị sẵn sàng
chấp nhận và có đủ chuẩn bị hợp lý cho việc đứng chung với đảng CSVN
trong một thứ chính quyền liên hiệp mới như là một bước tiến dân chủ. Một
hoàn cảnh chính trị phức tạp khác có thể xảy ra là đảng CSVN nhận thấy
sự bất lực trước sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng và phải phản
ứng, các đoàn thể đối lập sẽ phải chọn lựa một thái độ hợp tình hợp lý
là có đứng chung với đảng CSVN để bảo vệ chủ quyền đất nước và bờ cõi
hay không? Trong hoàn cảnh đó, sự khác biệt về chính kiến có thể đặt
dưới và sau quyền lợi của tổ quốc hay không? Nói
chung, với vô số sự mâu thuẫn đang mỗi ngày chồng chất thêm một cách
nhanh chóng, tình hình Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ
trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta không phải chỉ là
nhận định hay bày tỏ thái độ ở mỗi biến chuyển. Điều chúng ta cần làm
là chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế cá nhân, đoàn thể hay liên minh, để
có thể chủ động tạo thời thế, hay ít nhất cũng có thể khai dụng được
thời cơ chính trị khi nó bất ngờ xảy đến. Trách
nhiệm của các đoàn thể chính trị là phải đấu tranh quyết liệt để buộc
đảng CSVN phải từ bỏ sự lãnh đạo độc quyền, chứ không phải chỉ chờ đợi
sự từ chức của một nhân vật lãnh đạo CS và chờ đợi thái độ của người
Cộng sản kế tiếp trong vai trò lãnh đạo mới./. Lê Nguyên Bình
|