Bị Trung Quốc gọi là 'tà giáo' và cấm hoạt động, phong trào Pháp Luân Công đang thâm nhập nước láng giềng Việt Nam, với con số người theo học ngày càng tăng.
Con số người tập Pháp Luân Công ở Việt Nam là bao nhiêu không ai biết vì không có thống kê, cũng không có tổ chức hội và đăng ký thành viên, nhưng có thể hàng trăm hoặc hàng nghìn người.
Pháp Luân Công chưa được hợp pháp hoạt động tại Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có lý do an ninh, nhưng có thể vì Hà Nội ngại ngần trước một chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ vốn đã quá phức tạp với Trung Quốc.
Thời gian gần đây, dân các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đã dần quen mắt trước cảnh tượng các nhóm Pháp Luân Công tụ họp tại một số nơi công cộng.
Thí dụ tại công viên Thống Nhất ở Hà Nội, hàng sáng một nhóm nhỏ các thành viên đều đặn tập khí công, nắng cũng như mưa. Nhìn gương mặt bình thản và tĩnh tại của những người tập Công, khó có thể tưởng tượng chỉ cách đây vài năm thôi, người Việt Nam còn chưa biết Pháp Luân Công là gì.
Tuyên truyền của Trung Quốc đả phá phong trào Pháp Luân Công đã khiến nhiều người, kể cả giới báo chí trong nước, cho rằng đây là một giáo phái phản động.
Anh Trần Hiếu, một kiến trúc sư, kể lại khi anh mới bắt đầu đến với Pháp Luân Công, việc tham gia rất khó khăn.
"Nhiều người bị công an gọi lên thẩm vấn xem họ đến với Pháp Luân Công như thế nào, ai truyền bá cho họ. Có người sợ nên đã thôi tập."
Anh Hiếu đã theo tập Pháp Luân Công gần 5 năm nay và mô tả sự kỳ diệu của môn này.
"Hồi đó tôi mới lấy vợ và bác sỹ nói tôi không thể có con được."
Thế nhưng sau khi tập Công, nay anh đã có một bé trai ba tuổi rưỡi.
Mạng internet
Giống nhiều người Việt Nam, anh Hiếu tìm thấy thông tin về Pháp Luân Công trên mạng internet và cảm thấy cuốn hút trước các lợi ích về sức khỏe mà việc tập khí công này mang lại.
Trên mạng phapluan.org, các thành viên chia sẻ với nhau nhiều trải nghiệm thần kỳ của mình. Họ cũng có thể đọc thêm thông tin về Pháp Luân Công, hoặc tải tài liệu hướng dẫn tập Công.
Pháp Luân Công do ông Lý Hồng Chí, người mà các thành viên gọi là 'sư phụ', sáng lập và giới thiệu ra công chúng năm 1992. Phong trào này tự nhận hiện đã có tới 100 triệu môn đồ tại 80 quốc gia.
Với triết lý kết hợp các yếu tố hao hao đạo Phật và Đạo giáo, Pháp Luân Công tự cho mình không phải là một tôn giáo mà là một môn tu luyện, bao gồm có luyện khí công và tu tâm tính qua ba nguyên tắc cơ bản: Chân-Thiện-Nhẫn.
Pháp Luân Công bị cấm tại Trung Quốc năm 1999 sau khi hàng chục nghìn thành viên tụ tập biểu tình trước trụ sở chính của đảng Cộng sản ở Bắc Kinh để phản đối đàn áp.
Phong trào Pháp Luân Công từng bị chính quyền nước này coi là "đe dọa nghiêm trọng nhất cho xã hội trong nửa thế kỷ nay".
Thế nhưng đối với anh Hiếu, "Pháp Luân Công dạy chúng ta sống tốt, sống có ích, chứ đây không phải là một phong trào chính trị".
Quan ngại
Mới tuần trước, cảnh sát đã giải tán một nhóm tập Pháp Luân Công ở công viên Tao Đàn, TP Hồ Chí Minh, và tịch thu tài liệu của họ.
Có người cáo buộc rằng Trung Quốc đã gây áp lực với Việt Nam về Pháp Luân Công.
Chính phủ Bắc Kinh trong quá khứ đã nhiều lần yêu cầu các nước không cho Pháp Luân Công hoạt động.
Ngay cả ở Hong Kong, nơi Pháp Luân Công có đăng ký hợp pháp, một số cuộc tụ họp ở nơi công cộng của phong trào này cũng đã không tổ chức được vì chính quyền ngăn chặn.
Tuy nhiên ông Willy Lam, giảng viên tại Trung Hoa đại học ở Hong Kong và là một chuyên gia uy tín về Trung Quốc, nói không giống như ở đại lục, Pháp Luân Công không bén rễ được vào xã hội Hong Kong và do vậy không phải là 'đe dọa' cho chính quyền trung ương.
Theo ông, tổ chức này đã suy yếu và con số thành viên cũng giảm.
Ông Lam cho rằng hiện nay ngay cả Bắc Kinh cũng không cho Pháp Luân Công là đe dọa lớn về an ninh nữa, và Việt Nam không cần phải lo lắng quá.
Ông nói: "Chắc chắn sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội sẽ theo dõi chặt. Nhưng chừng nào các thành viên Pháp Luân Công ở Việt Nam không có hành động gây bối rối cho chính quyền như tổ chức biểu tình đông người nhân các chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài, thì sẽ không có phản ứng gì quá quyết liệt".
Thế nhưng để Pháp Luân Công có thể hoạt động một cánh chính thức thì còn cần thời gian.
Anh Nguyễn Nam Trung, một thành viên Pháp Luân Công lâu năm ở TP Hồ Chí Minh, nói các môn đồ đã xin đăng ký nhiều năm nay mà không được.