Ngô Nhân Dụng
Ngày
hôm qua có một cuộc hội thảo về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên
Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, do một ông phó thủ
tướng chủ trì. Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam đóng vai
nghiên cứu và thuyết trình. Tuy người ta có cảm tưởng liên hội này là
một tổ chức tư nhân nhưng trong thực tế các thứ hội trên đều do đảng
Cộng Sản nắm đầu, qua hệ thống Mặt Trận Tổ Quốc. Nghĩa là các ý kiến và
đề nghị của họ nhiều phần phải được “ở trên” duyệt trước.
Tuy
nhiên, cho bàn luận về vấn đề khai thác bauxite là một điều tiến bộ. Dư
luận dân Việt Nam đã bàn tán sôi nổi về đề tài này, nhất là trong giới
thanh niên và trí thức. Người ta đã bàn từ khi những hoạt động khai
thác bắt đầu, sau cả năm trời mới thấy chính quyền cho phép đem bàn
công khai. Tuy chậm, nhưng vẫn hơn là tiếp tục bịt tai, bịt miệng không
cho ai nói, không cho ai nghe.
Nhưng các tin tức về nội dung các
cuộc thảo luận rất tổng quát. Tựu chung người dân Việt không thể biết
tại sao trước đây mấy chục năm các cố vấn Nga đã khuyến cáo không nên
khai thác bauxite (vì lo việc khai mỏ sẽ tác hại đến tài nguyên thiên
nhiên khác và hủy hoại môi trường sống của người dân) mà bây giờ đảng
Cộng Sản lại làm ngược lại. Tại sao chính quyền cộng sản, từ Bộ Chính
Trị trở xuống lại quyết định cho người nước ngoài vào khai thác bauxite
một cách vội vàng và kín đáo như thế? Tại sao trong số các công ty nước
ngoài thì Trung Quốc lại đóng vai trò chính? Có ai biết bao nhiêu nhân
viên người Trung Quốc đã vào làm việc ở Tây Nguyên, họ có giấy phép làm
việc tạm thời hay theo quy chế nào hay không? Và bao nhiêu câu hỏi khác.
Không
biết sau cuộc hội thảo này chính quyền cộng sản có thay đổi gì trong
chương trình khai thác bauxite, được ông Nguyễn Tấn Dũng nói là một
“chính sách đường lối lớn của Ðảng” hay không? Thay đổi lớn hay chỉ
thay đổi son phấn đủ cho dân Việt Nam tưởng là nhà nước đã lắng nghe và
đã đổi mới? Những câu hỏi trên đây có hy vọng bao giờ được trả lời hay
không?
Thông tin là một quyền của người dân mỗi nước. Ở những
nước Dân Chủ, báo chí được tự do như ở xứ Mỹ, chính quyền chẳng giữ
được thứ bí mật nào cả. Không những người dân có quyền tìm hiểu mà
những người nắm quyền hành tự coi có bổn phận phải để cửa ngỏ cho dân
tha hồ nhìn vào, bên trong làm gì dân có quyền thấy hết. Không phải chỉ
có chuyện chính trị, ngay cả những quyết định chuyên môn về kinh tế,
tài chánh cũng vậy.
Ngày Thứ Tư vừa qua, Ngân Hàng Trung Ương
Mỹ, gọi là Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang (Fed) mới công bố biên bản buổi
họp gần đây nhất của Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ (tên gọi là Open Market
Committee) trước đó ba tuần. Chính sách tiền tệ là một vấn đề mọi người
kinh doanh quan tâm để đặt kế hoạch làm ăn. Các cụ thống đốc Hệ Thống
Dự Trữ Liên Bang Trung Ương cùng với năm vị chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên
Bang Ðịa Phương (luân phiên trong số 12 vị) họp nhau trong phòng mật để
quyết định về số phận đồng tiền trong túi của 280 triệu dân Mỹ. Cho nên
người dân bình thường cũng quan tâm. Vì những quyết định của họ, như
mua nhà, mua xe, mua trả góp hay trả tiền mặt, để dành tiền cho con đi
học sau này, để dành tiền cưới vợ, đều có thể chịu ảnh hưởng của chính
sách về lãi suất, về số tiền lưu hành trong xã hội. Ủy Ban Tiền Tệ của
Ngân Hàng Trung Ương quyết định chính sách đó, cho nên ba tuần lễ sau
khi họp xong, người ta cho dân Mỹ, tất cả mọi người dân được biết trong
phiên họp các cụ đã bàn thảo với nhau như thế nào.
Cứ một vài
tháng các nhà kinh doanh, giới đầu tư, và các nhà báo lại chờ đợi phiên
họp Ủy Ban Thị Trường của Fed. Trước ngày họp bình thường đã có bao
nhiêu người bàn ra tán vào. Kỳ họp vừa qua ai cũng biết các cụ sẽ không
tăng lãi suất, vì kinh tế đang xuống; nhưng cũng không giảm, vì nó
xuống gần sát số zero rồi, nhưng ai cũng vẫn hồi hộp chờ đợi, coi các
cụ trong Ủy Ban Thị Trường họp xong thì kết quả ra sao. Và khi các
quyết định được công bố, Fed sẽ bơm thêm hơn một ngàn tỷ đô la vào thị
trường bằng cách in 300 tỷ đô la mua công trái, và mua những trái khoán
về địa ốc khác, thì thị trường chứng khoán tăng lên ngay lập tức.
Nhưng
tại sao quý vị trong ủy ban lại đi tới quyết định tăng số tiền lưu hành
lớn như thế? Ngày hôm qua các báo đều loan tin chi tiết về những ý kiến
được thảo luận trong phiên họp ngày 18 Tháng Ba vừa qua. Những cuộc
thảo luận trong Quỹ Dự Trữ Liên Bang được công bố trễ để cho thị trường
nguội bớt trước khi đọc các ý kiến dị biệt; nếu đọc sớm quá nhiều người
có thể bị ảnh hưởng do mấy lời bàn cãi, rồi mò đoán mà phản ứng vội
vàng. Nhưng sau một thời gian ngắn, mọi người đều có quyền được biết
các tin tức gây ảnh hưởng đến đời sống của họ. Chúng tôi không thuật
lại các ý kiến khác biệt trong biên bản phiên họp, vì tính chất chuyên
môn mà nhiều độc giả không hiểu hết. Trong biên bản phiên họp không
những các ý kiến do 12 thành viên của Hội Ðồng Tiền Tệ nói được nêu rõ,
mà cả những ý kiến của các chuyên gia trong ngân hàng trung ương nêu
lên cũng được kê ra. Các vị trong hội đồng phải biết ý kiến của các
chuyên gia, vì họ nghiên cứu các dữ kiện cụ thể, khách quan, và họ đưa
ra các đề nghị dựa trên hiểu biết về kinh tế học. Dân Mỹ cũng cần biết
điều nào là những kết luận của các chuyên gia, điều nào là ý kiến, phán
đoán của các thành viên trong hội đồng. Ðiều quan trọng là việc bàn
luận đưa tới những quyết định có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống
người dân phải được công bố chi tiết, để dân phê phán. Và để những
người đóng vai quyết định chịu trách nhiệm trước công chúng. Trách
nhiệm lớn nhất là uy tín của mỗi người, danh dự nghề nghiệp và tương
lai của mỗi người đều tùy thuộc vào các ý kiến đó; cho nên không nên
giữ bí mật.
Quý vị trong Ủy Ban Tiền Tệ nước Mỹ không do dân
chúng bầu ra. Không có luật lệ nào bắt buộc họ phải công bố các biên
bản phiên họp về chính sách tiền tệ. Nhưng họ ý thức là họ chịu trách
nhiệm với người dân. Ở nước Mỹ chuyện kinh tế là chuyện trọng đại hạng
nhất. Những quyết định của Ngân Hàng Trung Ương ảnh hưởng tới đồng tiền
trong túi tất cả mọi người dân. Họ có thể làm cho đồng tiền xuống giá
(vì gây lạm phát cao) hay lên giá (khi lạm phát xuống thấp). Ðó là
chuyện quan trọng, dân phải biết lý do của những quyết định đã ban hành.
Ở
Mỹ, những quyết định ảnh hưởng đến đời sống người dân là dân họ muốn
biết, họ còn muốn biết rõ các ông nghĩ ngợi thế nào, bàn bạc ra sao mà
đi quyết định như vậy. Cho nên các phiên họp của Quốc Hội phải công
khai. Ngay cả khi họp bàn những chuyện đại sự như chiến tranh hay hòa
bình, cũng phải họp công khai. Có thể nói các phiên họp của Quỹ Dự Trữ
Liên Bang, tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, đối với 280 triệu dân Mỹ nó
cũng quan trọng không khác gì các phiên họp của Bộ Chính Trị ở Hà Nội
đối hơn 84 triệu dân Việt Nam! Khi các giới chức thuộc Ngân Hàng Trung
Ương Mỹ đem biên bản cuộc thảo luận của họ ra công bố cũng chẳng khác
gì Bộ Chính Trị của một đảng Cộng Sản đang cầm quyền tiết lộ biên bản
các phiên họp của họ.
Nhưng không biết bao giờ thì người Việt
Nam mới biết lý do tại sao Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản lại quyết định
nhanh chóng việc cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở núi Trường Sơn
nước ta? Họ có đọc lại những khuyến cáo của các chuyên gia Nga bác bỏ
việc khai thác bauxite trước đây 20, 30 năm không? Khi quyết định cho
khai thác, có ông bà nào trong Bộ Chính Trị tỏ ý ngần ngại, còn ông bà
nào thì hăng hái ủng hộ việc mở cửa Trường Sơn cho người Trung Quốc vào
làm việc? Sau này sử sách sẽ phê phán quyết định của quý vị như thế
nào? Có ai chịu trách nhiệm về quyết định đó chăng, hay là lại đổ tội
tất cả lên đầu “tập thể?”
Những câu hỏi trên đây cho thấy sự
khác biệt giữa những xã hội dân chủ và độc tài. Người dân một nước dân
chủ có quyền biết tin tức. Họ được phép giám sát những người nắm quyền,
trong những quyết định có ảnh hưởng trên đời sống của họ, dù đó là
người do họ trực tiếp bầu lên hay được những người dân cử bổ nhiệm. Nếu
không biết tin tức nào cả thì làm sao mà giám sát? Báo chí độc lập và
tự do là khí cụ để người dân giám sát. Các định chế cân bằng kiểm soát
lẫn nhau giúp người dân dễ giám sát. Và các cơ quan chính quyền tự
nguyện mở cửa cho dân vào coi các quyết định của họ, để dễ làm việc
giám sát.
Trong các chế độ độc tài thì không như vậy. Những
người cầm quyền chẳng cần cho thằng dân biết gì cả. Các cụ quyết định
cái gì cũng làm trong bí mật. Sau khi gây tai họa cho đất nước rồi thì
các cụ vẫn được về nghỉ hưu an nhàn, để các đống rác lại cho đám tới
sau lo.
Thấy vậy chúng ta mới cảm thương những người dân sống dưới chế độ độc tài!
Ngô Nhân Dụng Nguồn: Người Việt Online
|