Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 10 » Đảng Cộng sản Việt Nam liệu có vô thần?
2:01 PM
Đảng Cộng sản Việt Nam liệu có vô thần?




Sét đánh hư hại mái ngói và đầu đao cửa Quảng Đức (Huế)

Có lẽ ai sinh ra trên đời trong lòng cũng đều mang một nỗi sợ hãi vô hình nào đó. Nỗi sợ hãi tồn tại từ thời nguyên thủy khi con người phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt và hùng vĩ. Lắm lúc nỗi sợ hãi xuất hiện từ khi sinh ra cho tới khi mất đi. Bé thì sợ ma, sợ quỉ, sợ bóng đêm, sợ cô độc, lớn lên có ý thức thì chuyển sang nỗi lo sinh mệnh. Kẻ nghèo khó lo cơm áo hàng ngày, còn kẻ có quyền thế thì lại lo nhất là đánh mất quyền lực. Ấy là những nỗi sợ thường ngày. Có lúc nỗi sợ hãi cất thành lời, mà nhiều khi lại chỉ ẩn dấu trong sâu thẳm cõi lòng không bao giờ được bộc bạch.

Có nỗi sợ chỉ vì sự an nguy bản thân, có nỗi sợ về sự an nguy cho xã tắc. Nếu ai đó nói rằng không hề có nỗi sợ, thì hẳn người đó phải là một kẻ không có trái tim và là con người vô cảm.

Tại sao con người lại sợ? chẳng phải ta tin vào một điều gì đó là có thật thì mới có nỗi sợ tồn tại sao? Hay nói ngược lại không có niềm tin thì làm sao có nỗi sợ hãi. Vậy có cách nào để hóa giải hay giảm bớt sợ hãi không?

Nếu ai có dịp được vào thăm một văn phòng hay trụ sở làm việc nào đó của cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam, để ý kỹ thì tại một vài cơ quan nào đó trên nóc tủ tài liệu đã sắp sẵn bát hương được dấu khá kín đáo. Mặc dù trên thực tế nó không được phép xuất hiện tại những nơi như vậy. Vào mỗi dịp lễ tiết có thể thoảng nghe mùi hương khói quyện bay. Người ta làm điều đó để làm gì? Thành kính tổ tiên ư? không thích hợp. Cầu mong xã tắc dân an ư? Không đúng chỗ. Thích đốt lửa chăng? Không phải, vì rất nguy hiểm. Thích ngửi mùi hương chăng? Cũng không, thế thì làm gì? Thế chẳng phải tìm tới một niềm tin hư vô nào đó sao.

Lại thấy rằng, không chỉ những ngày lễ lạt cầu siêu mới thấy các xe ô tô biển xanh của cơ quan nhà nước xuất hiện tại đó. Mà thậm chí ngay cả ngày thường đâu đó cũng vẫn thấy ẩn hiện rồi biến mất một cách lặng lẽ vội vàng.

Nếu quả thật những người cộng sản là những kẻ vô thần, vô thánh thì tại sao lại thấy những nhà thờ tổ, nhà thờ họ (Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Việt Tiến….) được xây dựng bề thế, nguy nga không tiếc tiền của. Lẽ nào thành kính tổ tiên mà lại phải hoang phí cỡ vậy nếu không nói là họ có một thức tâm niệm cầu mong người quá cộ phù hộ độ trì cho họ thăng quan, tiến chức hay là vì những mục đích khác? Còn những ngôi chùa bề thế tầm cỡ gần đây được bàn tán nhiều là chùa Bái Đính và Đại Nam Quốc Tự kia có phải do nhà nước làm? Nếu không phải thì tư nhân nào đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để thờ cả phật lẫn bác Hồ nếu không có sự ủng hộ của thế lực đứng đằng sau cả về phương diện pháp lý và tiền bạc?


 

Chuyện khác, người ta cũng lại thấy đập vào mắt khi đi trên đường phố Hà Nội là những xe ô tô xịn của tư bản đeo biển số xanh nhà nước với tổng số là 8 nước hoặc 9 nước gì gì đó theo quan niệm số đẹp. Không tin ư? xem cái biển số xe 80B- 1999 thì biết ai đã từng là chủ nhân của nó. Tại sao các vị phải làm thế, khi bốc thăm biển xe đơn thuần bốc phải số đó, hay chú lái xe tự làm điều đó cho bản thân? Hay do ý thích riêng của vị lãnh đạo? Có trời mới biết.

Lại nữa, khi họ xây dựng các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước thì cái công trình nào cũng có phần nghi lễ gọi là động thổ chọn ngày đẹp để khởi công. Còn chuyện khởi công xong bỏ đó thì xin không bàn ở đây. Làm công trình nào cũng nhấn mạnh yếu tố phong thủy, đường, hướng. Nếu vô thần làm thế để làm chi cho nhọc? Lại xem cái cổng Bộ Ngoại giao tại số 1 Tôn Thất Đàm, Hà Nội. Hai năm trước họ đã làm một đài phun nước cỏn con trước cổng Bộ với lời giải thích để tăng vẻ đẹp, nhưng quan trọng hơn là họ làm thế vì tin rằng nó hợp với phong thủy, có thể tránh tà khí cho Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam vậy.

Thực ra con người ta ai sống trên đời cũng có một bản ngã. Không thể nói không tin một điều gì cả, nếu không tin người thì chí ít cũng phải tin vào bản thân mình. Còn nếu không tin vào bản thân mình, không tin vào lý tưởng nữa thì lúc đó chính là khi nảy sinh sự khủng hoảng về niềm tin, mà ở đây chính là sự khủng hoảng về lý luận của ĐCS VN đó. Photobucket


 
Gương mặt ưu tư kia đang ẩn chứa nỗi lòng gì
(ảnh chụp CTN Nguyễn Minh Triết tham dự lễ hội giỗ tổ Hùng Vương
10/3 âm lịch tại đền Hùng, Phú Thọ)

 

Liệu có mối liên hệ nào giữa các hiện tượng tự nhiên với hoạt động của con người không? Liệu có thật sự tồn tại cái gọi là tâm linh hay không? Chắc rằng mỗi người đều tự có câu trả lời cho riêng mình.

Không phải vô nghĩa khi ông cha lập nên các đàn tế Nam giao hay đàn Xã tắc. Ông cha lập nên cái đó để cầu cho quốc thái dân an, mong quốc gia thái bình thịnh trị. Vậy tại sao những người cộng sản lại nhẫn tâm phá bỏ các di tích ấy đi vì cho rằng đó là mê tín dị đoan, rồi sau này lại bỏ tiền ra phục dựng. Đó có phải là sự thành tâm thật sự, hay là sự lo lắng trong lòng không yên?.

Liên tiếp 2 năm qua, sét đánh sập cổng An Hòa khi họ tổ chức cúng lễ đàn Nam Giao, và sét cũng đã đánh sạt cửa Quảng Đức khi họ tổ chức tế lễ đàn Xã tắc. Các sự kiện tôn giáo này đã làm trời đất nổi giận, hay chỉ là sự ngẫu nhiên tình cờ? kế tiếp là sự xuất hiện những bất ổn xã hội? không ai có câu trả lời chính xác.


 
Cổng An Hòa bị sét đánh gây hư hại ngày 4/6/2008

Những điềm báo như vậy có phải là hiện tượng tự nhiên mang tính ngẫu nhiên hay là sự báo ứng? cũng không ai có câu trả lời cụ thể, chỉ biết rằng nếu thuận theo lẽ tự nhiên thì khi thành tâm làm những việc vì xã tắc, vì quốc dân đồng bào như vậy thì ông trời phải phù hộ mà đảm bảo cho buổi lễ được tiến hành hanh thông thuận lợi chứ. Vậy không thành tâm chăng? Hay quấy quá cho xong chuyện? Hay lại dối trên lừa dưới? Hỏi những vị ấy đi.

Và nếu như đây chỉ là hiện tượng tự nhiên đơn thuần, không liên quan gì tới vấn đề tâm linh thì chính quyền phải cho phép báo chí đăng tải sự kiện này công khai và kịp thời tới người dân để coi đó chỉ là một thông tin bình thường. Tại sao lại cấm không cho phép báo chí được đưa tin về khoảng thời gian trùng hợp xảy ra khi tổ chức sự kiện tế lễ cấp nhà nước với việc sét đánh gây hư hại như vậy. Điều này chẳng khác nào che dấu và bưng bít thông tin. Họ sợ dân tình mê tín hay chính bản thân họ mê tín. Bởi giả sử dân chúng có mê tín và suy diễn đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi được bản chất của hiện tượng. Vậy thì rõ ở đây ai là kẻ mê tín, ai là kẻ tin vào tâm linh rồi nhé.

Rút cuộc họ sợ cái gì? vì những nghi lễ giả tạo, không thành tâm chỉ khiến cho tim đen được phơi sáng trước bàn dân thiên hạ?

Một đất nước 4000 năm văn hiến với truyền thống văn hóa dân tộc đặc sắc, thế mà họ lại mang cái chủ thuyết ngoại lai về tẩy não nhân dân, để phá tan hoang những giá trị văn hóa phi vật thể đó. Họ thi hành chủ thuyết ngoại lai, nhưng có thật sự trong lòng họ tin rằng nó sẽ thành hiện thực? hay nó chỉ là phương tiện để giúp họ đạt được mục đích khác? Đây quả là những điều tồi tệ, tai ương cho dân tộc.

Chùa Bái Đính ở tỉnh Ninh BìnhĐại Nam Quốc Tự ở tỉnh Bình Dương


Bên trong chính điện Đại Nam Quốc Tự thờ ba pho tượng thật to của ba nhân vật là:
Đức Như Lai Phật tổ, giữa là Vua Hùng và dưới là Hồ Chí Minh.
Ba bức tượng này được dát vàng 24K (hoặc đúc bằng vàng 24k?)

 


 
Bàn thờ nhà cựu TBT Lê Khả Phiêu, thờ thần phật và HCM

Họ tôn thờ chủ nghĩa vô thần, họ coi tôn giáo là thuốc phiện và hạn chế dân chúng bày tỏ quyền tự do tín ngưỡng, họ hạn chế sự phát triển tôn giáo đích thực, thay vào đó là việc lập nên thứ tôn giáo quốc doanh dưới sự lãnh đạo của đảng. Giờ đây họ bật đèn xanh cho xây chùa Bái Đính, xây Đại Nam Quốc Tự là để thờ thần, thờ phật hay thờ Hồ Chí Minh? Có thứ tôn giáo nào lại lai căng đến vậy. Họ đã có cả một cái lăng cho riêng mình, cho riêng đảng, tại sao lại ghép thêm cả hình tượng Hồ Chí Minh và tôn giáo vào cùng như vậy?

Họ xây chùa đại to, đại lớn, đại bề thế để nhằm mong chuộc tội, hay sự xám hối về tinh thần, hay là sự ăn năn hối cải, hay đơn giản chỉ vì tâm linh mách bảo? họ làm vì động cơ trong sáng hay vì cái tôi đen đúa?.

Vậy khi mà ngoài miệng họ nói không tin, nhưng trong lòng họ làm ngược lại thì liệu con đường họ chọn có thể nào thành công?

Như đã nói ở trên nếu nỗi sợ hãi xuất phát từ cái tâm vì cộng đồng, vì sự an nguy xã tắc để chỉnh sửa lại mình, chấn hưng lại vượng khí đất nước thì đó mới là nỗi sợ hãi của người trí nhân. Tiếc thay.

Để kết bài này xin được họa rằng:

    Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
    Có ba thứ ấy mới là thành công
    Nay trời bỗng nổi cơn dông
    Sét kia giáng xuống lòng người phân ly
    Địa dư còn có bao chi
    Một phần đem bán một phần cho thuê
    Đất đai thêm sắc hao mòn
    Lòng dân oán hận đất trời nào dung
    Điềm kia báo ứng hiện về
    Đảng này kết cục một lời cáo chung

10/4/2009

Nguồn: Dongsongxanh

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 868 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 107
Khách: 107
Thành Viên: 0