Thứ Tư, 2024-12-18, 10:45 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 11 » Báu vật của tiền nhân
7:16 AM
Báu vật của tiền nhân

Lao Động số 78 Ngày 10/04/2009 Cập nhật: 8:18 AM, 10/04/2009

(LĐ) - Nói "báu vật" là bởi, đây là tài liệu duy nhất còn nguyên vẹn được một dòng tộc trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gìn giữ, liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sáng ngày 9.4.2009, tại thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tộc họ Đặng đã tổ chức một ngày giỗ đặc biệt. Con cháu trong họ tề tựu đông đủ về nhà thờ tổ để chứng kiến cuộc dâng hiến báu vật của dòng họ mình cho Nhà nước.

Đó là "tờ lệnh" từ thời Minh Mạng, điều động binh phu đảo Lý Sơn và các vùng ven biển khác của Quảng Ngãi ra bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Trong số những binh phu được điều động ra Hoàng Sa ngày ấy, có ông Đặng Văn Siểm - người thuộc dòng họ Đặng ở Đồng Hộ này.

Nói "báu vật" là bởi, đây là tài liệu duy nhất còn nguyên vẹn được một dòng tộc trên đảo Lý Sơn gìn giữ, liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để dâng hiến báu vật này cho quốc gia, dòng họ Đặng đã tổ chức một bữa giỗ vô cùng đặc biệt của dòng họ mình, vượt ra ngoài các quy ước thông lệ của dòng tộc.

Chính vì sự đặc biệt của ngày giỗ mà lễ vật bày trên các mâm cỗ toàn là những thứ mà những bà mẹ Lý Sơn từ hàng trăm năm trước đã gói ghém cho con em mình để làm hành trang mang theo suốt trong những ngày lênh đênh trên biển - từ đình An Vĩnh của đảo Lý Sơn đến quần đảo Hoàng Sa!

Nghe các mẹ, các dì của dòng họ Đặng giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng loại bánh bày lên các mâm cỗ, chúng tôi như được sống lại cái thời của cha ông từ mấy trăm năm trước, chuẩn bị hành trang để lên đường trực chỉ Hoàng Sa!
Có cả cảnh sát cơ động ra đảo Lý Sơn để "hộ tống" tờ lệnh. Ảnh: Chiến Thắng-Trần Đăng

"Đánh thức" báu vật
Ông Đặng Lên - người thay mặt tộc họ Đặng trao báu vật cho ngành văn hoá Quảng Ngãi - tiết lộ: "Họ Đặng có nhà thờ riêng, tất cả các tài liệu liên quan đến dòng tộc, chúng tôi đều cất giữ cẩn thận trong một chiếc tráp làm bằng gỗ quý. Chỉ có trưởng nam mới được mở cái tráp này vào những ngày giỗ họ.
Riêng "tờ lệnh" này, theo tôi được biết thì cứ 20 năm mới mở một lần cho con cháu xem. Chẳng hạn như trong năm 1939, 1959, 1979, 1999 thì mở. Riêng năm nay là trường hợp đặc biệt và là lần mở cuối cùng, dòng tộc được mở ra". Tài liệu này trước do ông Đặng Tôn - trưởng tộc, anh ruột ông Đặng Lên, cất giữ. Năm 2003, ông Tôn mất, giao lại cho con là Đặng Văn Thành, nhưng Thành còn trẻ nên việc "chăm sóc" đều do ông Lên đảm nhận.

Tuy nhiên, vì là tài liệu bằng chữ Hán, dòng họ Đặng không ai đọc được nên chỉ cất giữ thế thôi chứ chẳng hiểu trong ấy nói gì. Tháng hai vừa qua, nhân giỗ họ và chuyện chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, chú cháu ông Lên quyết định photocopy một bản, nhờ người dịch nên mới biết đó là "tờ lệnh" của quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, điều động binh phu ra giữ Hoàng Sa, trong đó có ông Đặng Siểm - người thuộc dòng họ Đặng, được phân làm đà công (lái thuyền).

Tiếp cận với văn bản nhân ngày giỗ đặc biệt của họ Đặng vào sáng ngày 9.4, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết: "Lệnh được viết trên giấy dó, kích thước 24cm x 36cm. Từ chất liệu giấy, màu sắc, mực viết đến kích thước... đều đúng "quy chuẩn" của một văn bản thời phong kiến nên có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đây là tài liệu thật.

Điều đáng trân trọng là, suốt 175 năm, trải qua bao chính biến của lịch sử và khắc nghiệt của khí hậu vùng biển mà dòng họ Đặng vẫn giữ nguyên vẹn tài liệu này. Hơn nữa, đây là tài liệu vô cùng quý giá vì nó khẳng định thêm một lần nữa, Hoàng Sa là của chúng ta!". Báu vật đã được "đánh thức". Báu vật ấy giờ không còn là tài sản của một dòng tộc nữa, mà thành tài sản quốc gia rồi.

Giải mã những thông điệp trong tờ lệnh
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm "đính chính" một số thông tin đã được các báo đưa mấy ngày qua: "Đây là tờ lệnh, giống như giấy gọi nhập ngũ bây giờ, chứ không phải sắc chỉ của vua. Tờ lệnh này do quan Án sát và Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi chuyển về, chứ không phải từ kinh đô.
Nội dung tờ lệnh có ghi rằng giao cho Nguyễn Văn Hùng - người đã từng ra Hoàng Sa vào những năm trước đó, tuyển chọn trong tỉnh 3 chiếc thuyền tốt và 24 dân phu ven biển, thạo đường biển, cứ đến hạ tuần tháng ba thì thuận theo thời tiết mà đi. Cuối tờ lệnh có ghi ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) và kèm danh sách 10 người đi Hoàng Sa. Có một dích dắc chỗ này: Sao nói hạ tuần tháng ba là đi

Hoàng Sa mà cuối lệnh lại ghi tháng tư? Và nữa, sao lệnh nói Nguyễn Văn Hùng chọn 24 dân phu mà danh sách kèm theo tờ lệnh chỉ có 10 người? Cần lưu ý văn tự của câu này: "Cứ đến hạ tuần tháng ba thì thuận theo thời tiết mà đi". Như vậy, lệnh này chỉ là kế hoạch chung chứ không giao ngày cụ thể. 24 mộ phu mà lệnh đề cập ấy đã đi trước rồi: "Nay, nhân các việc đã xong xuôi, các phái viên đã đi lê thuyền đến...", nghĩa là số người này đã đến Hoàng Sa trước đó rồi, 10 người trong tờ lệnh là bổ sung thêm một thuyền nữa mà thôi".

Theo tiến sĩ Diện, cũng qua tờ lệnh này cho thấy việc đi Hoàng Sa dưới thời nhà Nguyễn được chia làm nhiều đợt rất chặt chẽ và quy củ, chứ không phải chỉ đi vào tháng hai như câu ca vẫn tồn tại trên đảo Lý Sơn: "Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa". Binh phu cũng được tuyển chọn nhiều vùng trong tỉnh Quảng Ngãi, chứ không chỉ riêng đảo Lý Sơn.

"Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội". Ông cha ta từ lâu đã xác định sự "quan yếu" của hải trình Lý Sơn - Hoàng Sa và cũng khẳng định quần đảo ấy là rất quan trọng đối với chủ quyền của đất nước.

Tờ lệnh dòng tộc họ Đặng cất giữ 175 năm qua. Ảnh: Chiến Thắng-Trần Đăng.

Làm gì với "tài sản quốc gia"?
Thật khó để trả lời một cách rốt ráo trước câu hỏi đó. Ông Lê Nhụ - cháu bên ngoại dòng họ Đặng, trước khi giao báu vật cho Nhà nước, có gửi gắm: "Từ 175 năm trước, cha ông chúng tôi đã ý thức được ý nghĩa của việc giữ gìn mảnh đất Hoàng Sa ấy, dù biết rằng ra đi bằng những chiếc thuyền nan như thế là đồng nghĩa với sự hy sinh. Gian khó là vậy, nhưng cha ông chúng ta vẫn giữ mảnh đất ấy hết đời này sang đời khác. Không lẽ con cháu hôm nay phải chịu lỗi với ông bà?".

Tại buổi lễ bàn giao "tờ lệnh" này cho ngành văn hoá, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người thuộc dòng tộc họ Đặng, lần đầu tiên mới nhìn thấy tận mắt "báu vật" này và họ thật sự xúc động khi bàn giao nó cho Nhà nước.

Theo phản ánh của chính quyền huyện Lý Sơn, những ngày qua, có một số người giả danh cán bộ nghiên cứu văn hoá, muốn chiếm đoạt nguồn tài liệu này của dòng họ Đặng. Sự việc đã được báo cáo với chính quyền nên UBND huyện Lý Sơn đã ra một văn bản gửi tất cả các dòng tộc trên đảo.

Theo đó, từ nay về sau, tất cả các tài liệu, hiện vật liên quan đến Đội Hoàng Sa được cất giữ trong các tộc họ trên đảo, tuyệt đối không được mua - bán, cho mượn hoặc đổi chác nếu như không có sự đồng ý của chính quyền. Ai vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tờ lệnh của dòng họ Đặng là một tài liệu vô cùng quý báu đối với chúng ta, để lần nữa Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, ở Lý Sơn bây giờ, nhìn bất cứ chỗ nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của những người lính từng dong buồm ra Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước.

Một Âm linh tự với bia "chiến sĩ trận vong" - nơi thờ các anh linh những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa, luôn nghi ngút khói hương, một đình An Vĩnh - nơi xuất phát của Đội Hoàng Sa hằng năm, vẫn như còn hôi hổi lời thề của cha ông trước khi ra đảo; rồi những ngôi mộ tưởng niệm vẫn song hành với người dân trên đảo mấy trăm năm nay. Tất cả những điều vừa kể đã thành tài sản quý báu của quốc gia. Đó chính là cột mốc của biên cương được cha ông chúng ta xác lập từ thuở mang gươm đi mở cõi.

Tối hôm qua (mùng 9.4, tức rằm tháng ba âm lịch), hàng ngàn người dân Lý Sơn lại đổ về Âm linh tự để tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - một cách tưởng vọng tiền nhân đã hy sinh vì chủ quyền của tổ quốc, được người dân Lý Sơn gìn giữ mấy trăm năm rồi. Một lần nữa, Hoàng Sa lại thức - ngủ với chúng ta!
Trần Đăng-Chiến Thắng

Nội dung tờ lệnh (Bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đức Toàn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
“Quan Án sát và Bố chánh tỉnh (Quảng) Ngãi làm việc cấp bằng này. Chiếu theo tháng trước tiếp được công văn của Bộ Binh, vâng sắc (triều đình) cho bộ ấy trước là phải thi hành việc tuyển chọn, trưng tập 3 thuyền, sửa sang bền chắc, đợi sẵn ở kinh. Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Nhân kính theo đó mà xem xét và tuyển chọn trong tỉnh 3 thuyền tốt, cùng với đó là các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng - đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền. Cốt yếu là phải chọn mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng là 24 tên, cứ đến hạ tuần tháng ba thì thuận theo thời tiết mà đi.

Nay, nhân các việc đã xong xuôi, các phái viên đã đi lê thuyền đến; chọn thủy thủ giỏi mà Võ Văn Hùng đã tuyển chọn là bọn Đặng Văn Siểm có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.

Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội.
Các người có trách nhiệm kê ở dưới đây. Vậy nên có bằng cấp này.
Trở lên là bằng cấp.

Đà công Đặng Văn Siểm người thôn Hoa Diêm, phường An Hải, huyện Bình Sơn và Dương Văn Định, người thôn Hoa Diêm theo đây mà thi hành.


Thủy thủ
Tên Đề - Phạm Vị Thanh, An Vĩnh phường;
Tên Sơ - Trần Văn Kham, An Vĩnh phường;
Tên Lê - Trần Văn Lê, Bàn An ấp;
Vũ Văn Nội,
Tên Trâm - Ao Văn Trâm, Lệ Thủy Đông hai tên
Tên Xuyên - Nguyễn Văn Mạnh, An Hải phường
Tên Doanh - Nguyễn Văn Doanh, Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Nhã thôn
Trương Văn Tài
Minh Mệnh năm thứ 15 (1834), tháng tư, ngày 15”.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 768 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 34
Khách: 34
Thành Viên: 0