Báo Pháp Luật TPHCM ngày 8/4/2009 có đăng bản tin ngắn:
“Khoảng
16 giờ ngày 7-4, tại trường huấn luyện khu vực nước suối Vĩnh Hảo
(huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra một vụ tai nạn khi huấn
luyện dân quân tự vệ làm một người bị đứt nguyên bàn tay.
Anh Lê Văn Thắng, cán bộ Chi nhánh
Điện Phan Rí Cửa, trong khi thực hành môn ném thuốc nổ TNT đã để thuốc
nổ trên tay làm đứt lìa bàn tay trái. Những gói thuốc nổ này do học
viên tự tạo để thực hành, có cán bộ chuyên môn hướng dẫn và kiểm tra an
toàn.
Đây là đợt huấn luyện tự vệ khối cơ quan hành chính sự nghiệp năm 2009 do Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong tổ chức”.
Thoạt tiên, đọc sơ qua bản tin thấy
rất bình thường, thì cũng là một trong vô vàn vụ tai nạn trong lao động
hay giao thông vẫn đăng nhan nhản trên mặt báo hàng ngày ấy mà. Nạn
nhân bị mất một bàn tay trái vẫn còn may mắn, có những người còn mất cả
hai bàn tay, mất hai chân, mất cả mảng da đầu, hoặc mất cả mạng sống vì
tai nạn lao động.
Nhưng đọc kỹ hơn sẽ thấy rằng nạn
nhân Lê Văn Thắng không phải là công nhân ở các cơ sở sản xuất, không
phải công nhân vận hành, kỹ thuật điện mà là công chức ngồi bàn giấy
(cơ quan hành chính sự nghiệp) và anh bị tai nạn cũng không phải trong
lúc đang làm công việc chuyên môn của mình, mà là bị thương trong giờ
làm việc vì được “huấn luyện tự vệ”.
RFI (Pháp quốc) ngày 9/4/2009
trích đăng nguồn tin của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cho biết: Có hai người
đàn ông tộc Duy Ngô Nhĩ đã bị xử bắn hôm 09/04/2009 tại Khách Thập
thuộc tỉnh Tân Cương. Họ đã bị Toà án Khách Thập kết án tử hình về tội
khủng bố vì “lao thẳng chiếc xe tải vào nhóm công an biên phòng khiến
cho 17 người thiệt mạng” và “ném bom tự tạo vào lực lượng giữ gìn trật
tự”. Với hai hành vi trên của hai người Duy Ngô Nhĩ chắc chắn ở bất cứ
quốc gia nào cũng đều bị xử về tội khủng bố chớ không riêng gì Trung
Quốc.
Tự vệ là chống lại sự tấn công trái
pháp luật của ai đó nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản hợp pháp của mình
hay của người khác. Người tự vệ có quyền chống đỡ sự tấn công một cách
tương xứng, khống chế, bắt giữ kẻ phạm tội nhưng không được gây thiệt
hại, nguy hiểm đến người xung quanh.
Ném bom tự tạo bằng thuốc nổ là hành
vi tấn công bằng vũ khí nguy hiểm, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng là sát thương nhiều người một lúc, hoặc phá hủy tài sản trong bán
kính lớn, chớ không phải là hành động tự vệ.
Ai cũng biết rằng TNT là một loại
thuốc nổ có sức công phá cực mạnh có tên trong danh mục vũ khí quân
dụng, chỉ có quân đội mới được quyền sử dụng, người nào tàng trữ, sử
dụng là phạm tội hình sự. Tại sao Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong
“huấn luyện tự vệ” mà lại cung cấp thuốc nổ TNT và dạy cách làm bom tự
tạo để ném cho cán bộ công chức cơ quan hành chính sự nghiệp?
Người am hiểu bộ máy quân đội và nhà
nước Việt Nam đều hiểu rằng không phải Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy
Phong được tự ý làm cái việc cung cấp thuốc nổ, cử cán bộ quân đội dạy
cho học viên làm bom tự tạo và kiểm tra an toàn, mà giáo án “vượt qua
pháp luật” này đã có báo cáo và được sự đồng thuận của cấp trên Ban chỉ
huy quân sự huyện Tuy Phong, ít nhất là Ban chỉ huy quân sự tỉnh, UBND
huyện, UBND tỉnh, Huyện ủy, Đảng ủy tỉnh Bình Thuận, nếu không thì làm
gì Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phong điều động được công chức hành
chính sự nghiệp của nhà nước ra “huấn luyện” trong giờ làm việc? Còn
các cơ quan nói trên có báo cáo lên “trên” đến cỡ nào nữa thì chưa biết.
Việc ngấm ngầm huấn luyện cho công
chức bàn giấy tự tạo bom và tấn công khủng bố (ném thuốc nổ) cho thấy
nhà cầm quyền CSVN đã bộc lộ sự lo sợ, rúng động trước tình hình ngày
càng bị người dân ghét bỏ, và họ sẳn sàng điên cuồng làm bất cứ điều gì
để bảo vệ quyền lực thống trị xã hội của mình. Lo sợ đến mức độ ngay cả
lực lượng quân đội, công an đông nghịt trong tay, vũ khí trang bị tận
răng (nhìn họ phô trương lực lượng trong hai lần xét xử giáo dân Thái Hà thì biết)
mà cũng thấy chưa đủ, không thể tin tưởng được hai lực lượng này, đành
phải cố công vơ vét thêm các anh hành chính “tay ngang” như nạn nhân Lê
Văn Thắng.
Đan Tâm