Phong Uyên
Trong tập hồi ký các cố vấn Trung Quốc qua Việt Nam từ 54 đến 54 mà ông Dương Danh Hy dịch ra tiếng Việt đăng trên Diễn Đàn, có hồi ký của Trương Quảng Hoa nói về ông Hồ đi Trung Quốc hồi đầu năm 1950 xin viện trợ:
"Một buổi chiều hạ tuần tháng 1/50, có một ông già thân hình gầy gò đầu
quấn khăn mặt đi bộ đến cửa Thủy khẩu Long Châu Quảng Tây. Ông già
chính là Hồ Chí Minh. Đi cùng có Trần Đăng Ninh Trung ương Đảng phụ
trách hậu cần và 5, 6 trợ lý... Theo chỉ thị của Trung ương ĐCSTQ, đồng
chí phụ trách ban bảo vệ quân khu Quảng Tây cùng 30 cán bộ quân sự đi
đón... Hồ Chí Minh đi ô tô từ Nam Ninh tới Lai Tân rồi từ đó lấy xe lửa
đi Bắc Kinh".
Hồ Chí Minh và Mao Trạch Ðông tại Bắc Kinh tháng 7/1955
Trương
Quảng Hoa còn kể lại chuyện ông Hồ nhờ Trung Quốc sắp xếp cho đi Liên
Xô để có thể nương bóng Mao Trạch Đông, ( khi đó ở Moscou ) gặp Stalin
xin viện trợ: "Tối 6/2 đến Moscou... Bộ Chính trị ĐCSLX mở tiệc khoản
đãi. Stalin không đến dự... Mao Trạch Đông biết rõ tâm trạng Stalin lo
lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc như Tito... Stalin sau
cùng chỉ tiếp Hồ Chí Minh ở văn phòng mình. Có mặt đại sứ Trung Quốc là
Vương Gia Tường. Phía Việt Nam ngoài Hồ Chí Minh chỉ có Trần Đăng
Ninh... Stalin rất không hài lòng...". Theo Trương Quảng Hoa, Stalin từ
chối viện trợ Việt Nam và đùn cho Mao Trạch Đông toàn quyền lo về
chuyện này, đồng thời có ý trách Hồ Chí Minh đã "không hoàn toàn nhận
thức mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và chiến tranh chống Pháp. Hồ
Chí Minh phải hứa (với Mao Trạch Đông ?) "Đảng chúng tôi sẽ nhanh chóng
nghiên cứu và bắt tay làm việc này". Tai hoạ cải cách ruộng đất triệt
tiêu tư sản bắt nguồn từ lời hứa này.
Trương Quảng Hoa còn tiếp
tục kể lại với một giọng vừa khôi hài vừa miệt thị giai thoại không
biết có thật hay không là ông Hồ thấy Mao Trạch Đông ký hiệp ước với
Liên Xô cũng muốn có hiệp ước nên nói với Stalin "Các đồng chí ký hiệp
ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây cũng muốn ký một hiệp ước !". Stalin
(ám chỉ Hồ Chí Minh núp bóng Trung Quốc lẻn qua Liên Xô chứ đâu có được
mời) nói: "Thế người ta hỏi đồng chí ở từ đâu ra chúng tôi giải thích
như thế nào?". Hồ Chí Minh nói: "Đồng chí cho máy bay chở tôi lượn một
vòng trên trời sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên
báo không được sao ?”. Stalin cười lớn: "Đó quả là sức tưởng tượng đặc
biệt của người phương Đông các anh !". Mọi người phá lên cười.
Hồ Chí Minh đến Moscow tháng 7/1955, có Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Nguyên soái Klementi Voroshilov (trái), là tay chân thân cận của Josef Stalin ra đón
Đọc
những đoạn hồi ký này mới thấy các " đồng chí " Tàu cộng và Nga Xô coi
thường Hồ Chí Minh như thế nào. Thử so sánh với cách tiếp đãi của "kẻ
thù" Pháp 3 năm về trước khi Hồ Chí Minh qua Pháp đàm phán:
Tháp tùng chủ tịch Hồ Chí Minh có tướng Salan, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Bắc Đông Dương.
Máy
bay Pháp khởi hành từ Việt Nam sáng 31/5/46. Tới Pháp máy bay hạ cánh
xuống tỉnh Biarritz một thị trấn nghỉ mát danh tiếng nhất của Pháp hồi
đấy và ở khách sạn Carlton lớn nhất để Chủ tịch du ngoạn chờ đợi chính
phủ lâm thời mới Pháp thành hình.
Ngày 22-6-46 Hồ Chí Minh đáp
máy bay riêng của chính phủ Pháp tới Paris được mời về ở khách sạn
Royal-Monceau, khách sạn chuyên đón những chính khách ngoại quốc. Khi
ấy ở cùng khách sạn có ông Ben Gourion vị sáng lập ra nước Do Thái.
Ngày 2-7 thủ tướng mới của Pháp ông Georges Bidault đến tận khách sạn thăm xã giao ông Hồ.
Được mời đi đặt vòng hoa tại Khải hoàn môn và đi thăm cung điện Versailles, những nghi lễ chỉ dành cho các vị quốc trưởng.
So
với các nhà lãnh đạo những nước đòi độc lập thời ấy như Nehru Ấn độ,
Soekarno Nam Dương, thì Hồ Chí Minh được trọng vọng hơn nhiều. Nehru
cũng như Soekarno người nào cũng hơn 10 năm tù trong ngục thất thực dân
đế quốc trong khi Hồ Chí Minh không một ngày tù trong nước, chi nhiều
nhất là mấy tháng ở nhà tù "thiên đàng" Hồng Kông. Ấn Độ độc lập vẫn bị
thực dân Anh phân làm 2 nước Ấn Độ và Pakistan và vẫn phải công nhận
Anh hoàng trị vì thay mặt bởi phó vương (vice roi) Mountbatten.
Sở
dĩ Pháp o bế Hồ Chí Minh là vì ông Hồ đã khéo đưa vào phái đoàn đi đàm
phán với Pháp những tinh túy của quốc gia: Trưởng phái đoàn là ông
Nguyễn Tường Tam (sau vì bị bệnh thương hàn Phạm Văn Đồng mới thay
thế). Những nhân vật khác như Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Vũ Văn Hiền,Tạ
Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Đệ
v.v... Những người được đào tạo trong những trường lớn nhất của Pháp
nên Pháp không có lí do gì mà không trọng nể.
Hội nghị
Fontainebleau họp từ 6-7-46 đến 1-8-46 chỉ có mục đích là khẳng định
một cách chính thức những thành quả của Hiệp định sơ bộ 6-3-46 là:
Pháp
công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, quốc hội
riêng, quân đội riêng, tài chính riêng nằm trong liên bang Đông dương
và Liên hiệp Pháp.
Về thống nhất Việt Nam, Pháp cam kết sẽ ưng chuẩn những quyết nghị của dân Nam Kỳ sau cuộc trưng cầu dân ý.
15000
quân Pháp phải là người Pháp chánh gốc thay quân Tàu Tưởng giải giáp
quân Nhật và hợp tác với quân đội Việt Nam để giữ trật tự công cộng sẽ
được thay thế bởi quân đội Việt Nam mỗi năm 1/5 trong thời hạn 5 năm.
Tất
nhiên là những thế lực thực dân muốn giữ thuộc địa Nam Kỳ tìm đủ mọi
cách phá bĩnh Hội nghị Fontainebleau, nhưng ông Hồ đã khôn khéo ở lại
Pháp để phút cuối cùng ký được bản Tạm ước ( Modus Vivendi ) với tổng
trưởng bộ Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet thuộc đảng Xã hội Pháp. Bản
tạm ước này bảo toàn những thành quả đã đạt được từ hiệp định sơ bộ 6-3
và thêm những cam kết về phát triển tự do dân chủ.
Ngay từ cuối
tháng 11-46, 1 tháng sau khi ông Hồ trở về Việt Nam, những thế lực của
thực dân Pháp ở Việt Nam đã tìm đủ mọi cách gây hấn ở Hải Phòng, Lạng
Sơn, nhưng cũng chỉ có mục đích là để không thi hành toàn diện Tạm ước
Moutet trì hoãn việc trả lại Nam Kỳ. Những khiêu khích đó chỉ là những
phản ứng "tụt hậu" ( arrière-garde ) của thực dân trước sau cũng phải
trả lại Nam Kỳ cho Việt Nam.
Vậy lí do nào hay bị áp lực nào ông
Hồ đã trở mặt không tìm cách tiếp tục thoả hiệp với Pháp mà bỗng nhiên
phát động Tổng tấn công quân đội Pháp tại Hà Nội ngày 19-12-46 khởi đầu
cho Toàn quốc kháng chiến?
Ông Hồ là người nhiều thủ đoạn, nhiều
mưu kế mới vượt qua được những âm mưu thanh trừng của Stalin và của
những lãnh tụ ĐCS Đông Dương tay sai của Quốc tế cộng sản như Trần Phú,
Hà Huy Tập và cuối cùng mượn tay thực dân tiêu diệt được những người
này. Một người như vậy không phải là người đoản trí để không tính trước
nghĩ sau mà cho lệnh tổng tấn công ngày 19-12 khởi đầu Toàn quốc kháng
chiến với tất cả những hậu quả tai hại "sai một li đi một dặm" của nó
mà cho tới bây giờ toàn dân vẫn phải gánh chịu:
Cái tai hại đầu
tiên là nhờ tay quân đội Pháp tiêu diệt gần như toàn thể các thanh
niên, sinh viên học sinh yêu nước Hà nội nằm trong các đơn vị Tự vệ
thành, đơn phương chiến đấu trong khi ba sư đoàn chính quy ở tây-bắc Hà
Nội được lệnh án binh bất động không tiếp ứng.
Cả một thế hệ
thanh niên tư sản Hà Nội tập hợp thành Trung đoàn thủ đô, đục tường từ
nhà này thông qua nhà kia biến " mỗi nhà thành một pháo đài " trong bộ
quân phục bằng vải kaki mắc tiền cha mẹ may cho, với những khẩu súng
cũng cha mẹ tự bỏ tiền mua lại của lính Tàu lính Nhật, đã bị hi sinh
sau 60 ngày oai hùng chiến đấu. Cho tới nay không một tấm bia, một tấm
bảng, ghi tên những anh hùng đó trong khi ở Paris mỗi đầu đường nơi có
một người kháng chiến gục ngã khi Paris nổi dậy tự giải phóng, đều có
bảng ghi lại và mỗi năm đều có người đặt vòng hoa kỷ niệm. Tôi cũng xin
nói thêm là những thanh niên ưu tú thủ đô còn sống sót sau này chỉ huy
các đơn vị chính quy, lại một lần nữa sau chiến thắng Điện Biên, bị
triệt tiêu khi ĐCSVN theo lệnh Trung Quốc phát động phong trào chỉnh
huấn toàn quân diệt trừ " những thành phần tư sản còn ẩn núp trong quân
đội nhân dân".
Cái tai hại thứ 2 là lợi dụng độc quyền kháng
chiến thanh toán những người thuộc các đảng phái quốc gia. Trước đó có
lẽ vì sợ để Bảo Đại trong nước uy thế của "tối cao cố vấn" một ngày kia
sẽ khuynh loát mình nên viện ra một chức vụ đưa ra nước ngoài khiến sau
này không thể dùng Bảo Đại để dấu cái mặt cộng sản của mình được mà để
cho Pháp dùng tiền, dùng gái mua chuộc Bảo Đại, biến Bảo Đại thành lá
bài của Pháp.
Nếu còn giữ Bảo Đại trong nước, nếu thật tâm cộng
tác với các nhân sĩ quốc gia, với các nhân vật trí thức như trong chính
phủ Liên hiệp Kháng chiến lúc ban đầu thì Pháp không có lí do gì mà
không xin ngưng chiến để thi hành đúng những hiệp định đã cam kết. Cuộc
chiến tranh kháng Pháp sẽ không kéo dài 8 năm và bá quyền Tàu Mao, dù
có tới biên giới thay Tàu Tưởng cũng không thể có cách gì khống chế
Việt Nam được. Ông Hồ sẽ không phải trá hình làm ông lão khất thực xin
viện trợ Tàu để cả nước từ những chóp bu trong Đảng đến những phó
thường dân phải chịu hậu quả từ 60 năm nay, mất đất mất biển, mất tài
nguyên, mất môi trường, mất công ăn việc làm... 60 năm nay sống dưới
ách thực dân Tàu so sánh với 60 năm dưới ách thực dân Tây thật một trời
một vực. Tây có khai thác than đá, làm đồn điền cao su cũng tạo ra công
ăn việc làm cho người gánh than, cho phu cạo mủ. Những người này cũng
có khế ước luật pháp đàng hoàng bảo vệ tuy có khi vô phúc gặp phải
những tên cai tên đội như loại Lê Đức Anh hà hiếp.
Thử tưởng
tượng nếu ông Hồ không "sai một li đi một dặm" thì diễn tiến của nước
Việt Nam từ 1946 tới giờ chắc chắn sẽ như thế này:
Theo quy định
của Hiệp định sơ bộ 6-3-46 quân đội Pháp 5 năm sau (1951) đã lần lần
rút về nước trừ một số theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đóng ở biên
giới phía Bắc để giúp Việt Nam bảo vệ Liên Bang Đông Dương khi quân Tàu
cộng hồi cuối 49 đem quân tới sát biên giới.
Việt Nam nằm trong
Liên bang Đông Dương cùng với Lào và Cao Miên. Cũng như hồi Pháp thuộc
vì Miên và Lào ít dân số lại kém về kinh tế và cách tổ chức, nên số dân
Việt Nam sang làm ăn buôn bán khai thác tài nguyên và giúp về kỹ thuật
khá đông và là cùng Liên Bang nên không có vấn đề quốc tịch trong công
việc. Lào và Cao Miên đương nhiên là "sân sau" của Việt Nam trong tình
hữu nghị và trong văn hoá Pháp -Việt đã trở thành truyền thống từ thời
Pháp thuộc. Đảng Cộng sản giữ nguyên tên ĐCS Đông Dương trong bộ Chính
trị có đủ 3 thành phần Việt Miên Lào. Trung Quốc không có cách gì xâm
nhập nổi liên bang này.
Tạm ước Moutet được trở thành Hiệp định
thực thụ trong đó những khoản nói về tự do dân chủ được khẳng định rõ
ràng. Chế độ chính trị được biến đổi lần lần theo chế độ Dân chủ Xã hội
Tây Âu trong đó Đảng của ông Hồ có tên là Đảng Lao Động thay phiên nhau
cầm quyền hay liên minh với các đảng khác.
Liên Hiệp Pháp với
thời gian sẽ trở thành Liên hiệp các nước nói tiếng Pháp và Việt Nam là
một nước đông dân hơn nước Pháp có thể gần như là nước dẫn đầu trong
liên hiệp này gồm đủ mọi nước trong 5 châu 4 biển. Liên hiệp các nước
nói tiếng Pháp có liên quan mật thiết với Liên Hiệp Âu châu sẽ có đủ
sức mạnh về chính trị, kinh tế để giúp Việt Nam đương đầu với bành
trướng Tàu. Trường Sa - Hoàng Sa với tên Pháp là Paracels sẽ luôn luôn
là của Việt Nam đúng như Sấm Trạnh Trình đã tiên đoán về nhà Nguyễn mất
ngôi "Bao giờ Sen mọc Biển Đông (ý nói Nhật chiếm biển Đông), cha con
nhà Nguyễn bế bồng nhau đi".
Thật là quá tốt đẹp như một giấc mơ
và cũng khá gần sự thật. Tại sao Việt Nam lại "sai một li đi một dặm"
để chịu 30 năm cốt nhục tương tàn với 5 triệu người chết cả Bắc lẫn Nam
và rút cục đến bây giờ không có cách gì thoát khỏi nanh vuốt tụi Tàu.
Tôi tự hỏi hay chuyện ông Hồ thật đã chết và ông Hồ sau này là người
Tàu của học giả Đài Loan là chuyện có thật. Ông Hồ thật là ông Hồ 1946
đi Tây đàm phán và nói một câu bất hủ đặc Parisien "Plutôt flairer la
crotte des Français que manger toute notre vie celle des Chinois" (Thà
hít chút phân tây còn hơn suốt đời ăn phân thằng Tàu) có thể đã bị Tàu
thủ tiêu và ông Hồ đi bộ qua cửa Thủy Khẩu chỉ là ông Hồ giả được Mao
Trạch Đông đem qua Nga để trình diện với Stalin? Cũng có thể người dân
Việt tin là có quỷ nhập tràng, ông Hồ sau 1950 là ông Hồ bị "Tàu nhập
tràng"!
Phong Uyên Nguồn: Thông Luận
|