Lâm Thế Nguyên
Sau
mấy mươi năm chiến tranh và đối kháng, cuối cùng thì người Việt đã bắt
đầu có được sự đồng thuận lớn qua vấn đề Hoàng sa - Trường Sa và
Bô-xít. Sự đe doạ nghiêm trọng về chủ quyền quốc gia ở biển Đông và dự
án khai thác bô-xít ở vùng Tây Nguyên đã đưa mọi thành phần dân tộc đến
gần với nhau. Vấn đề đang được đặt ra là nhà nước Việt Nam (NNVN), qua
sự lãnh đạo của đảng CSVN, sẽ đặt quyền lợi đất nước lên trên sự khác
biệt chính kiến hay không?
Sự tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và
Trường Sa không phải là vấn đề riêng của các đoàn thể đối lập với NNVN.
Vô số người trí thức, đảng viên đảng CSVN và người dân ở trong nước đã
mạnh dạn lên tiếng cảnh báo NNVN về tình trạng chủ quyền bị xâm phạm.
Vấn đề này không còn là một nguy cơ, mà đang hiện thực hoá từng phần
một cách chính thức bởi nhà cầm quyền Trung Cộng. Trong vị trí cầm
quyền, đảng CSVN có quyền chọn thái độ và đối sách thích hợp cho vấn đề
này, nhưng thái độ và đối sách đó không thể đi ngược lại ý kiến và
nguyện vọng chung của nhân dân.
NNVN có quyền chọn chính sách
đối ngoại mềm dẻo với Trung Cộng qua con đường thương thảo, nhưng mềm
dẻo không có nghĩa là chấp nhận tình trạng chủ quyền đất nước bị xâm
phạm. Là một nuớc nhỏ đứng cạnh Trung Hoa, tổ tiên chúng ta đã luôn
khiêm nhường trong việc đối ngoại, chấp nhận cả việc triều cống ngay
sau khi đánh thắng một cuộc xâm lăng. Nhưng khi đụng đến lãnh thổ nước
nhà, ông cha ta đã quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá, ngay cả tuyên chiến
đối đầu với đế quốc phong kiến. Dân tộc ta thẳng thắn lên án các triều
đại phong kiến đã xâm lăng nước Việt nhưng người Việt ta không giữ lòng
thù hằn với người Trung Hoa. Người Việt chúng ta luôn hiếu hoà và trọng
tình hữu nghị, nhưng tinh thần đó cần phải đi song song với ý thức bảo
vệ chủ quyền quốc gia.
Chúng ta đủ khôn ngoan để không tự đặt
nước Việt trở thành kẻ thù của Trung Hoa nhưng vì danh dự dân tộc và
tiền đồ Tổ Quốc, chúng ta nhất định không chấp nhận thái độ của nhà cầm
quyền Trung Cộng là coi thường nước Việt và người Việt. Chúng ta muốn
duy trì tình hữu nghị với nhân dân Trung Hoa nhưng chúng ta phải giữ
gìn lãnh thổ, lãnh hãi và chủ quyền quốc gia bằng mọi giá khi cần
thiết – ngay cả phải chứng tỏ bằng thái độ mạnh nhất.
Trong tinh
thần đó, chúng ta muốn NNVN phải thể hiện ý chí bảo toàn chủ quyền đất
nước một cách rõ ràng, mạnh mẽ và dứt khoát. Chúng ta hoan nghênh sự
lên tiếng của NNVN mỗi khi chủ quyền quốc gia có vấn đề đe doạ, nhưng
chỉ lên tiếng suông rồi âm thầm chấp nhận quyền lợi đất nước bị thua
thiệt là một thái độ không thể chấp nhận được. Nếu đảng CSVN không thể
có thái độ cứng rắn về chủ quyền đất nước, giải pháp tốt nhất là tạo
điều kiện để nhân dân ở trong nước và cộng đồng kiều bào ở ngoài nước
đồng thanh phản ứng. Thái độ chung của người Việt sẽ giúp cho những
người lãnh đạo nhà nước Việt Nam có sức mạnh để có phản ứng kịp thời và
hợp lý, nếu như họ nhận thức được nguy cơ vong quốc.
Đối với kế
hoạch khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, vấn đề không phải là tiến hành như
thế nào, mà là phải huỷ bỏ ngay toàn bộ kế hoạch đang có. Cho đến nay,
bên cạnh sự nghiên cứu và ý kiến của tập thể người Việt ở ngoài nước,
giới trí thức có uy tín trong nước đã có những sự báo động rõ ràng. Sự
lên tiếng của một số chuyên gia trong bộ máy nhà nước Việt Nam và nhiều
cán bộ, sĩ quan cao cấp tương ứng với tiếng nói của giới trí thức ở
trong và ngoài nước càng cho thấy tính chất đe doạ xác thực của vấn đề.
Nói
chung, kế hoạch khai thác bô-xít ở Tây Nguyên không thể tiếp tục dù là
có được điều chỉnh khoa học hay được bổ sung bởi các kế hoạch bảo vệ
môi trường hay cải thiện dân sinh cho người dân địa phương. Nhu cầu bảo
vệ an ninh quốc phòng và bảo đảm an toàn môi trường sinh thái cho các
tỉnh liên hệ cần được đặt ưu tiên hơn bất cứ lý do gì khác.
Chấp
nhận cho Trung Cộng khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là một quyết định sai
lầm chiến lược trong việc phòng thủ quốc gia và bảo vệ môi sinh. Nhà
nước Việt Nam cần lắng nghe ý kiến của những người trí thức ở trong và
ngoài nước để không đặt quốc gia vào cảnh lâm nguy rất khó để tháo gỡ.
Nhà nước Việt Nam hãy mở một cuộc hội thảo sâu rộng, dân chủ và tự do
về ảnh hưởng của việc khai thác bô-xít để lượng định lại vấn đề trước
khi quá muộn. Nhà nước Việt Nam cũng cần tổ chức trưng cầu dân ý để
thấy được ý kiến cụ thể của nhân dân toàn quốc, và của cộng đồng người
Việt ở nước ngoài.
Trước sự đe doạ về chủ quyền và an ninh quốc
gia, Nhà nước Việt Nam, nói đúng hơn là Bộ Chính Trị đảng CSVN, đang
đứng trước một sự chọn lựa lớn là vì quyền lợi riêng tư của đảng, hay
vì dân, vì nước. Sai lầm trong các quyết định chiến lược này, đảng CSVN
sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử cho hành động mang tính “rước
voi về dày mả tổ”.
Đảng CSVN hãy lắng nghe tiếng báo động và nguyện vọng của nhân dân trước khi quá muộn./.
Lâm Thế Nguyên (ÐVDVN) (Trích Tập san Hoa-Mai #36 -- Phát hành tháng 04/2009) Nguồn: Ðảng Vì Dân
|