Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:51 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 17 » Ghi chép trên công trường bauxite Tân Rai
7:54 AM
Ghi chép trên công trường bauxite Tân Rai

Trần Đức Tài



Từ tháng 11.2008, những đợt công nhân Trung Quốc đầu tiên đã có mặt tại công trường bauxite Tân Rai (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng). Bây giờ, mặt bằng cho dự án đã được san phẳng với diện tích hơn 50ha. Hàng ngàn người hối hả thi công trên nền đất đỏ lầy lội. Theo chỉ huy thi công Quách Khách (đơn vị nhà thầu Chalico – Trung Quốc) công nhân Trung Quốc hiện có khoảng 700 người

Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau từ Trung Hoa đại lục như Sơn Đông, Sơn Tây, Quảng Đông… Cũng theo ông Quách Khách, vào thời điểm làm nước rút, số lượng công nhân Trung Quốc có thể lên đến 2.000 người. Trong suốt nhiều tháng qua, cuộc sống người dân địa phương của thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) có nhiều thay đổi. Người ta bàn luận, đón đầu phương cách làm ăn, kể chuyện những công nhân từ phương Bắc.

Thực hư những lời đồn thổi

7h sáng, con đường từ thị trấn Lộc Thắng vào khu mỏ bắt đầu nhộn nhịp. Các xe vật liệu xây dựng đổ về công trường. Những tốp công nhân áo xanh, dép vàng (người Trung Quốc) đi bộ từ các nhà trọ xung quanh bắt đầu vào ngày làm việc mới. Công việc của họ cũng chỉ là đào đất, xúc ủi. Công trình nhà máy bauxite Tân Rai vừa được rào lưới kỹ lưỡng. Nhà thầu đã thuê bảo vệ canh gác khách ra vào. Chuyện tăng cường an ninh ở khu vực quanh công trường có lẽ bắt đầu từ một sự cố gây ồn ào dư luận nơi đây. Một trong những nhà thầu phụ của Trung Quốc chậm trả lương, hàng chục công nhân vây quanh nhà ở của nhà thầu chính phản ứng. Vụ việc kéo dài, làm đình trệ thi công hơn hai ngày. Giờ thì tình hình đã tạm ổn. Sau vài tháng, những công nhân Trung Quốc sống xa nhà bắt đầu làm quen với “thổ ngơi” bản địa, sau những chầu nhậu say sưa đã đi vào làng “tìm hiểu” các cô gái. Người dân Lộc Thắng lại rộ lên dư luận công nhân Trung Quốc “quan hệ” với gái địa phương. Trong các hàng quán lúc trà dư tửu hậu, người ta kể là đã có hàng chục cô gái Việt có bầu. Đem câu chuyện này, chúng tôi gặp trưởng công an thị trấn Lộc Thắng, trung tá K’Diệp cho hay đó chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ.

Chúng tôi gặp Dương Trân, một công nhân đến từ công ty nhôm Sơn Đông (Trung Quốc), anh cho biết anh cùng nhiều công nhân khác được chọn lựa kỹ càng trước khi sang Việt Nam. Sáu tháng một lần, anh được phép về nhà thăm vợ con. Có một số ít công nhân thì may mắn hơn anh là được mang qua Việt Nam cả vợ con. Có một điều mà tất cả công nhân Trung Quốc được hỏi đều từ chối trả lời, đó là mức thu nhập. Tuy nhiên theo các cư dân địa phương cho biết mức thu nhập của công nhân Trung Quốc có thể 5 – 6 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức lương làm tường rào của thợ xây dựng Việt Nam. Chỉ huy thi công Quách Khách cho hay, việc đưa người Trung Quốc sang Việt Nam là bởi người bản địa chưa có tay nghề và tác phong công nghiệp. Ông Khách ghi nhận sự tiến bộ của người Việt Nam tăng lên rõ ràng sau khi dự án Tân Rai khởi công vài tháng.

Hai thái cực

Trong quán cà phê bình dân mang tên Không Tên Số 9, chị Tươi chủ quán đang thu xếp để trả, dẹp tiệm. Người phụ nữ hai con này nói: “Quán bán cũng sống được, đủ nuôi con. Nhưng chủ nhà tăng tiền thuê lên mãi không chịu nổi nên tôi chuẩn bị trả lại mặt bằng”. Chủ nhà thật ra muốn lấy lại nhà để cho người Trung Quốc thuê.

Nhiều chủ cho thuê nhà, mặt bằng ở Lộc Thắng bây giờ thấy rằng cho người Trung Quốc thuê nhà có lợi hơn. Một căn nhà trệt nếu cho các kỹ sư và chuyên gia nước bạn thuê sẽ thu được ít nhất 2 triệu đồng/tháng. Nguyên căn hộ ba tầng lầu xây mới, đủ tiện nghi có thể cho thuê với giá 10 triệu đồng/tháng hoặc hơn.

Khi số lán trại tập thể trên công trường bauxite Tân Rai không đủ sức chứa cho công nhân Trung Quốc hiện tại, các nhà trọ bình dân nằm khuất sau các con lộ chính cũng nhiệt tình đón khách. Cứ một phòng trọ thuê dài hạn là 500 ngàn đồng/tháng, công nhân Trung Quốc muốn ở chung mấy người thì ở. Anh Đỗ Nhuận thì không lo, anh có căn nhà một trệt một lầu cách khu mỏ bauxite chừng 1km và đã cho người Trung Quốc thuê hai năm mở nhà hàng chuyên món Hoa. Anh Nhuận cho biết: “Họ thuê đầu bếp từ Chợ Lớn về nấu ăn. Cả phục vụ cũng người gốc Hoa. Hoá đơn tính tiền cũng không có tiếng Việt”. Đây là nhà hàng phục vụ khách Hoa thứ hai ở Lộc Thắng sau Trung Hoa Quán đã khai trương trước tết vừa qua.

Cùng với những người có nhà cho thuê, những ai có ô tô 12 chỗ cũng phát hiện cơ hội làm ăn mới: cho thuê xe. Nhiều nhóm bốn hay năm chuyên gia Trung Quốc thuê chung một căn nhà thường thuê chung một chiếc ô tô để đi lại giữa nhà ở và công trường hay đi chơi ở thị xã Bảo Lộc cách đó 20km vào những ngày nghỉ.

Chúng tôi ghé vào quán cà phê Thy Thy vào tối chủ nhật vì một chiếc ô tô như thế. Hơn chục người Trung Quốc nữ nhiều hơn nam đang ngồi uống nước và tán gẫu râm ran cả một góc quán. Những người đàn ông mặc âu phục bình thường nhưng các cô gái nhiều người còn mặc nguyên đồng phục của công trường. Không thấy hiện tượng chuyên gia Trung Quốc đi chơi cùng phụ nữ Lộc Thắng. Nhưng ở Bảo Lộc, hình ảnh các cô gái Việt cặp tay các chuyên gia nước bạn đi dạo quanh bờ hồ thị xã chiều chiều đã không còn hiếm thấy.

Các lớp dạy tiếng phổ thông Trung Quốc ở thị xã Bảo Lộc cũng đông dần học viên người Lộc Thắng. Ông Hồ Dzón vốn là người Hoa sinh trưởng ở Việt Nam nay định cư ở Lộc Thắng nói: “Không biết tiếng thì khó làm ăn với người Trung Quốc lắm. Chỉ có thể thông qua cò hay nhà thầu Việt Nam biết nói tiếng Trung. Và như thế thì bị ép giá nhiều lắm”.

Cách nhau 5km, cảnh nhộn nhịp, ồn ào của công trường bauxite Tân Rai hoàn toàn tương phản với vẻ im ắng, buồn nản của khu chợ trung tâm Lộc Thắng. Sự có mặt của cả ngàn người Trung Quốc vừa chuyên gia vừa công nhân ở Lộc Thắng này lâu nay không làm thay đổi nhịp buôn bán chung ở đây.

Ở các quán cà phê bình dân nơi các công nhân Trung Quốc thường ghé đến, hài kịch thường xuyên diễn ra là: Một nhóm vào quán gọi mỗi người một ly cà phê đen, sau đó xin thêm sữa, uống thêm rất nhiều nước trà, và cuối cùng trả tiền với giá những ly cà phê đen. Các công nhân Trung Quốc tằn tiện thế nào thì các chuyên gia của họ cũng chi tiêu kỹ lưỡng như thế. Ngay cả thuốc lá họ cũng hút thuốc lá Trung Quốc sản xuất. Ngoài những nhu yếu phẩm, mặt hàng bán được nhiều hơn hẳn từ ngày có người Trung Quốc ở Lộc Thắng chính là card điện thoại di động Viettel, loại rẻ nhất.

Trừ một số ít người nhạy bén với cơ hội và có điều kiện, người dân Lộc Thắng không thấy hồ hởi gì với tương lai mà dự án bauxite sẽ mang lại cho cuộc sống của họ. Chủ khách sạn Bảo An – một trong hai khách sạn cho chuyên gia Trung Quốc thuê dài hạn – bảo với chúng tôi: “Nếu các anh đến đây hôm sớm hơn thì không có chỗ trọ đâu. Các chuyên gia Trung Quốc vừa trả phòng để về nước”. “Sao họ không ở nữa?” – tôi hỏi. “Nghe họ nói, họ thầu xây dựng cả hai dự án Tân Rai này và trên Dăk Nông. Dự án Dăk Nông đình chỉ rồi nên họ tạm thời về nước”.

bài và ảnh
Nguồn: SGTT
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 718 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0