Thứ Sáu, 2024-03-29, 6:10 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 20 » “Ông cố vấn” Singapore và những nỗi đau của dân Việt
11:20 AM
“Ông cố vấn” Singapore và những nỗi đau của dân Việt

Alfonso Hoàng Gia Bảo

 
 
Tuần qua, tin tức về chuyến viếng thăm VN của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được truyền thông trong nước đưa tin một cách hết sức phấn khởi và hồ hởi. Từng lãnh đạo một quốc gia đạt đến thịnh vượng nhất Asean, những lời vàng ngọc được vị lãnh đạo 86 tuổi này ban phát suốt hành trình Nam Bắc từ 13-17/4 vừa qua, như “ VN cần tập trung các khoản kích cầu cho các dự án hạ tầng vì cách làm này vừa nâng cấp được hạ tầng cơ sở vừa giải quyết được bài toán việc làm, tạo ra thu nhập và thu nhập đó sẽ quay vòng kích thích tiêu dùng…VN không chỉ đối phó với suy thoái mà cần chuẩn bị thật kỹ các phương án đón đầu khi kinh tế phục hồi, phải sớm lo tái đào tạo lực lượng lao động bị mất việc do khủng hoảng kinh tế…” v.v… xuất hiện nhan nhản khắp các mặt báo trong nước suốt tuần, chứng tỏ giới lãnh đạo Hà Nội bị mê hoặc bởi “ông cố vấn”.

Làm sao các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết v.v… tránh khỏi việc bị ‘hớp hồn’ này vì mặc dù được tẩm nhiều bơ sữa tư bản mặt mày trông đã sáng sủa, bớt thâm đen xám xịt, bân bẩn như lớp đàn anh Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh… nhưng tiền bạc mới chỉ có thể bóc đi khỏi họ cái vỏ xấu xí bề ngoài, còn kiến thức cần thiết của những nhà kỹ trị chuyên nghiệp một khi đã chẳng được học hành lúc nhỏ, thì nay có mà đem bán hết cả nước VN này đi chắc chắn cũng không có ông thầy nào dám đứng ra đảm bảo sẽ giúp họ lấp bớt những lỗ hổng kiến thức ấy.

Tôi còn nhớ ngày ông Dũng lên làm thủ tướng, một tờ điện tử trong nước đã nhanh hẩu đoảng vội đăng tiểu sử ông tân thủ tướng chắc muốn để lấy điểm cùng độc giả nhưng lại sơ xuất khai báo quá thành thật về trình độ văn hóa của ông tân thủ tướng chỉ với mấy chữ “học tiểu học ở trường…” nên vài giờ sau, khi tôi quay lại định copy cái lý lịch có một không hai này thì chẳng còn thấy đâu.

Điều này cho thấy giới lãnh đạo VN cũng rất mặc cảm về những lỗ hổng kiến thức của mình nên mới phải “tốt khoe xấu che” nhưng sự thật thì vẫn mãi là sự thật, nào ai có thể giấu mãi cây kim trong bọc? Chính những lúc đất nước gặp khó khăn do suy thoái kinh tế như hiện nay, là lúc chúng phải đang bắt lòi đầu ra.

Càng được khuyên, càng rối?

Nếu ở các thế kỷ trước, các triết gia và nhũng nhà tư tưởng lớn có khả năng làm khuynh đảo khiến thế giới bị phân hoá ra thành nhiều nhóm ý thức hệ khác nhau: tư bản, cộng sản, trung lập, không liên kết v.v… thì giờ đây là lúc những nhà kinh tế đang đi dọn dẹp, thu gom tất cả về lại một đầu mối đó là sự chi phối gần như tuyệt đối của kinh tế. Quốc gia nào văn minh giàu mạnh nơi ấy sẽ nắm giữ nhiều thứ chân lý. Do vậy, muốn chiến thắng trên chiến trường ngày nay sẽ không còn là chuyện giỏi chịu nếm mật nằm gai, anh dũng chiến đấu mà cái đầu lại dốt đặc cán mai hoặc chỉ cần dở chiêu ‘lật lọng’ như CSVN năm xưa. Chính vì vậy mà họ đâm ra bế tắc!

Sự bế tắc của giới lãnh đạo VN hiện nay không chỉ ở chỗ bản thân họ không biết đào đâu ra sự tự tin để tự lèo lái đất nước qua những cơn phong ba bão táp một cách đầy quyết đoán, mạnh mẽ như chúng ta đang thấy ở tân tổng thống Mỹ B.Obama (tất nhiên chỉ mong họ có được vài phần của ông Obama cũng đã là đại phước cho dân tộc rồi) mà còn bởi họ cũng chẳng dám tin vào những “quần thần” có năng lực cỡ như các ông Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A v.v… vì e ngại nạn bè cánh ngay trong chính đảng CSVN của họ. Không phải tự dưng mà một trong những việc đầu tiên ông Dũng làm khi lên làm thủ tướng là dẹp bỏ ngay cái ban cố vấn cũ của ông Phan Văn Khải.

Chính vì sự bế tắc này mà Bộ Chính Trị CSVN những năm gần đây phải thường xuyên ‘cầu viện’ các tổ chức quốc tế như IMF hoặc các chuyên gia tư vấn nước ngoài như Giáo sư Michael E. Porter, nhóm nghiên cứu đại học Haward. Bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến đi Mỹ vừa qua cũng đã chủ động xin được gặp ông Alan Greenspan để được nghe vài lời khuyên bảo.

Nhưng gần gũi hơn cả với Hà Nội vẫn là “ông cố vấn” họ Lý của Singapore, mà ngoài chuyện bằng cấp chẳng thua kém ai, cũng đã từng tốt nghiệp luật và kinh tế tại các đại học Anh Quốc từ những năm 40, ông còn ưu việt hơn khối người có học vị cao trọng khác ở chỗ sự thịnh vượng của Singapore do ông lèo lái là thứ chứng chỉ sống về tài năng lãnh đạo.

Ngoài ra cũng còn phải kể đến sự ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’ cả về mặt chính trị mà đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông ở Singapore cũng cai trị Singapore nhiều thập niên y như một mình một chợ mặc sức tung hoành giống đảng CSVN, nhưng nhờ có mức sống cao nên dân chúng chẳng ai kêu ca. Chính những kỳ tích kinh tế này đã giúp Singapore chẳng những không bị Mỹ và các nước Phương Tây lên án độc tài, mà còn được khen ngợi về sự vươn lên bằng chính nội lực mà không nhờ nhiều vào viện trợ như Nhật và Hàn Quốc.

Ngay từ thời ông Võ Văn Kiệt còn làm thủ tướng, các nhà lãnh đạo VN đã bắt đầu dòm ngó sang Singapore để “kết bạn”. Hệ thống điện thoại di động 8 số đầu tiên ở VN tiền thân của CityPhone sau này chính là kết quả của mối liên doanh giữa hai “tập đoàn” con cháu Phan Văn Khải và Lý Quang Diệu.

Tóm lại, Hà Nội cảm thấy rất an tâm khi ‘làm bạn’ với ‘triều đại’ nhà Lý Singapore mà chẳng phải lo lắng về bất cứ ‘diễn biến hòa bình’ nào đe doạ. Những khái niệm về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo luôn được đặt ngoài vùng phủ sóng đối với mối quan hệ tay đôi này. Vì thế mà chúng ta không ngạc nhiên mỗi lần ông Lý Quang Diệu ‘có việc’ sang VN là mỗi lần truyền thông trong nước đưa tin hết sức tận tình và sốt sắng, mà có lẽ ngay cả các quan chức TQ đương chức có khi cũng còn chưa được hưởng chế độ ưu đãi này. Các chuyến đi của ông Lý Quang Diệu sang VN trước nay, gần như ông luôn gặp mặt đầy đủ các quan chức đảng và chính phủ VN.

Tất cả nỗ lực ‘tầm sư Singapore học đạo’ này của CSVN không ngoài mục đích giúp nuôi hy vọng duy trì sự độc tài nhờ có hình tượng Singapore cũng độc tài chẳng kém để có cái biện minh.

Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy!

Dân số Singapore chỉ bằng 1/3 Sàigòn và diện tích thì chỉ bằng gần 1/500 của VN nên họ chỉ là một hộ gia đình trong cả một bản làng lớn, nơi các mối quan hệ không thể còn dựa trên căn bản đạo lý như trong một gia đình mà phải bằng pháp luật mà luật lệ cộng sản VN ra sao thì ai nấy chắc cũng đã quá rõ chẳng cần mất công nói nhiều.

Do vậy, Đảng Nhân dân Hành động vẫn là đảng Nhân dân Hành động, CSVN vẫn mãi là CSVN với bao sự tệ hại của nó như trước nay. Nếu giới lãnh đạo Hà Nội vẫn chỉ là nhũng con người tối ngày chỉ lo bám víu vào sự tồn tại của Điều 4, thì VN vẫn không thể nào sớm thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu và đảng CSVN sớm muộn gì cũng phải bị dẹp bỏ.

Chưa biết giá trị những lời khuyên của ông Lý Quang Diệu đúng sai ra sao cũng như giới lãnh đạo Hà Nội sẽ vận dụng chúng vào thực tế ra sao, nhưng trước mắt cái giá tủi hổ mà những ai đang trăn trở đối với quê hương đất nước này phải trả thì đã quá rõ: vì đâu đất nước mình rộng lớn là vậy, sách đèn lâu đời là vậy mà nay phải đi thỉnh mời “ông cố vấn’ hàng xóm bé xíu sang để ban phát “lời khuyên”, ai đã biến đất nước dân tộc VN ta nên nông nỗi này? “Lắm thầy nhiều ma, lắm cha khó lấy chồng” người mà mất căn bản thiếu tự tin càng nghe nhiều lời khuyên liệu có càng thêm rối?

Lời khuyên “đắt giá”?

Nhìn cảnh người người “vồ vập” ông Lý Quang Diệu trong một cuộc họp ở Hà Nội để được nghe những ‘lời vàng ý ngọc’, khuyên dân Việt mình ‘làm lành tránh dữ’ được chiếu trên truyền hình quốc gia hai ngày trước (16/4) mà tôi không khỏi cảm thấy ‘bùi ngùi’ nhất lại là sắp gần đến ngày xui xẻo tận mạng 30/4/1975, càng khiến những ‘cựu cư dân Sàigòn’ chúng tôi nhớ lại cái thời 1975, thời mà đảo quốc Singapore của ông Lý Quang Diệu chẳng là cái đinh rỉ gì so với Sàigòn của VNCH, nên không ai có thể hình dung ra nổi một sự đổi ngôi thần kỳ: thầy VN phải xuống làm học trò của Singapore lại có thể xảy ra như hôm nay?

Trong số những ‘lời vàng thước ngọc’ của ông Lý Quang Diệu, cái khiến tôi quan tâm hơn cả chẳng phải là về kinh tế, mà lại là câu “trình độ tiếng Anh còn nhiều hạn chế là một điểm cần khắc phục” (http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30093&cn_id=336116 mà thoạt nghe không khỏi ngỡ ngàng, vì sao ông Lý Quang Diệu lại nỡ bóng gió chê bai dân Việt Nam mình vì dốt tiếng Anh, không được như Singapore của ông nên mới bị lạc hậu?

Không biết có phải vì sự quị lụy quá đáng của giới lãnh đạo Hà Nội bấy lâu nay đã khiến ông cựu thủ tướng Lý cảm thấy luôn rất tự tin, thoải mái trong những phát biểu liên quan đến nước VN như vậy hay không nhưng trước đây khi được khi được Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson (Anh Quốc) trao giải thưởng Học giả vào năm 2006 ông cũng đã từng đưa ra những nhận xét nghe khá là ‘phũ phàng’ “cuộc chiến Việt Nam đã đem đến “những lợi ích không ngờ đến” cho châu Á” hàm ý nhờ có bức tường VNCH mà cộng sản đã không vượt qua nổi bán đảo Đông Dương giúp cho các lân bang được tránh khỏi sự tàn phá của chủ thuyết này. Đồng thời cũng nhờ có chiến tranh VN mà Singapore cùng các nước trong vùng được hưởng lợi nhờ nhiều trăm tỷ dollars Mỹ đổ vào các hậu cứ như Utapao Tháilan, các căn cứ ở Philippinnes v.v…

Người Việt nào mà chẳng thấy đau khi phải nghe những lời như vậy khi biết rằng kẻ gây ra cuộc chiến ấy, những “người bạn mới” của ông, cũng chính là những ruột thịt của chúng ta.

Càng tiếp tục đau khi nghe ông Lý Quang Diệu lập luận tiếp “Bốn con rồng và bốn con hổ lại đã biến đổi hai nước cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thành các nền kinh tế thị trường mở và giúp họ có xã hội tự do hơn.” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/10/061013_lee_warcomment.shtml) nhưng trên thực tế lại là ngược lại, chính những nhà đầu tư Singapore, Tháiland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… mới là những bên đang tiếp tục khai thác cái sự đói nghèo của dân VN và TQ trong các khu chế xuất mọc lên khắp nơi trên lãnh thổ VN và TQ. Họ đến đây mà lại với lý do để “giúp VN sớm có xã hội dân chủ” mà chẳng phải vì lợi nhuận nghe mới nực cười làm sao!

Trở lại với việc ông Lý Quang Diệu khuyên nhà nước VN chịu khó đầu tư cho dân học tiếng Anh trong chuyến đi lần này, tôi chắc nó cũng đã khiến không ít người phải ‘vắt óc’ suy nghi mấy ngày qua. Vì cớ sự gì mà “ông cố vấn” Singapore đã chẳng ngần ngại đụng chạm đến tập quán văn hóa, ngôn ngữ của quốc gia khác, là điều rất hiếm khi các chính khách trong khi công du xứ người dám đề cập đến. Chẳng nhẽ một lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm như ông Lý Quang Diệu lại mắc phải ‘sai lầm chết người’ có thể sẽ khiến buồn lòng không ít người Việt yêu văn hóa Pháp? Tại sao ông không khuyên dân mình đi học tiếng Trung Quốc là cường quốc kế bên và cũng là ngôn ngữ của tổ tiên ông?

Sự hớ hênh đáng ngạc nhiên của “ông cố vấn” cộng thêm sự khó hiểu báo đài VN thoải mái đưa tin như chẳng hề có người VN nào nhận ra dân tộc mình đang bị xúc phạm, buộc chúng ta phải suy nghĩ về những ẩn ý sâu xa núp sau lời khuyên này và phải chăng đây cũng chính là lời nhắn nhủ giá trị nhất của ông Lý Quang Diệu trong chuyến thăm VN vừa kết thúc hôm qua, rằng “Hà Nội hãy mạnh dạn nghiêng hẳn vào Mỹ” một lời khuyên xem ra rất đúng lúc, kinh tế chỉ là chuyện nhỏ so với nguy cơ Trung Quốc đang lộng hành trong khu vực hiện nay mà chắc chắn cũng không thể không ảnh hưởng đến Singapore của ông.

Nếu không vì lý do chính đáng này thì những lời khuyên dân VN lo đi học tiếng Anh của ông Lý Quang Diệu sẽ không còn cách nào khác hơn để hiểu đó chính là những lời lộng ngôn. Mà điều này thì thật đáng tiếc cho ông!

Sàigòn, 18/4/2009
Alfonso Hoàng Gia Bảo
Nguồn: VietCatholic News
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 739 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0