Thứ Ba, 2024-11-05, 8:52 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 20 » Nguyễn Tấn Dũng né vụ bauxite, hội đàm ‘chân thành’ với Ôn Gia Bảo ở Hải Nam
11:44 AM
Nguyễn Tấn Dũng né vụ bauxite, hội đàm ‘chân thành’ với Ôn Gia Bảo ở Hải Nam


‘Hoan nghênh’ việc Trung Quốc đưa công nhân vào Việt Nam để ‘sản xuất’

HẢI NAM (NV) - Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã đến đảo Hải Nam để dự Diễn Ðàn Châu Á Bác Ngao ngày Thứ Sáu.
Trong cuộc hội đàm với Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, Nguyễn Tấn Dũng không nhắc đến những đề tài đang gây tranh luận ở trong nước liên quan đến mối quan hệ giữa hai quốc gia, như vụ công nhân Trung Quốc được mang đến Tây Nguyên để khai thác bauxite mới đây và sự tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa trong nhiều năm qua.

Thay vào đó, hai thủ tướng chỉ đề cao tình hữu nghị giữa Hà Nội và Bắc Kinh, và hầu hết giới truyền thông tại hai quốc gia cũng lập lại mối quan hệ thắm thiết cùng với những hợp tác tốt đẹp trong tương lai.

Trên trang tin điện tử Nhân Dân, một cơ sở truyền thông của Cộng Sản Việt Nam, một bản tin mô tả buổi hội đàm giữa Nguyễn Tấn Dũng và Ôn Gia Bảo như sau: “Trong không khí hữu nghị, chân thành, hai bên đã trao đổi ý kiến về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, về quan hệ hai nước trong thời gian qua cũng như các biện pháp triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.”

Bản tin dài trên 2,000 chữ đã không nhắc đến vấn đề Trung Quốc đang khai thác quặng mỏ tại Tây Nguyên mặc dù đây là một đề tài đang được nhiều tờ báo nhắc đến ở Việt Nam. Ðó là chưa kể vấn đề các công ty Trung Quốc đã thắng thầu một cách bất thường trong các dự án xây cất tại Việt Nam.

Nhân dịp nói chuyện với đài BBC mới đây, Tiến Sĩ Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây Dựng của CSVN, có đưa ra nhận xét:

“Trước kia không có tình trạng lao động nước ngoài vào nhiều là vì các nhà đầu tư chủ yếu đến từ các nước tương đối phát triển. Họ vào đây cốt để đầu tư, hoặc có dự án thì họ phải chịu trách nhiệm về thiết kế xây dựng nhưng sử dụng lực lượng nhân của Việt Nam vì rõ rằng giá nhân công (ở Việt Nam) rẻ hơn.

“Thế nhưng gần đây có một số nước, trình độ phát triển chỉ hơn Việt Nam ít nhiều, đầu tư hoặc nhận thầu công việc tại Việt Nam và mang luôn nhân công của họ sang.”

Phạm Sỹ Liêm đã nhìn nhận “đây là sơ suất.” Tuy nhiên, ông cho rằng nhà nước không chủ trương giao việc cho người ngoại quốc trong khi người dân đang bị thất nghiệp. Phạm Sỹ Liêm cho rằng “chủ dự án, chủ đầu tư, người ký hợp đồng với nhà thầu” mới là thành phần có trách nhiệm.

Ðến thời gian gần đây, báo chí và dư luận trong nước mới bắt đầu xôn xao về vấn đề người Trung Quốc giành mất việc làm của người Việt Nam. Số lao công từ Trung Quốc có thể lên tới hàng vạn người. Mấy ngày trước đây, nhật báo Tuổi Trẻ từng viết:

“Hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam nhưng chưa được cấp phép lao động. Phần lớn trong số họ đều là lao động phổ thông, không có tay nghề. Ngoài những công việc làm ôsin, buôn bán nhỏ, đông nhất trong số họ là đi theo các nhà thầu, phần lớn là nhà thầu Trung Quốc.

“Nhiều nơi như ở công trình khai thác bôxit ở Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Ðồng), nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng, công trình khí-điện-đạm Cà Mau..., số lao động Trung Quốc luôn áp đảo lao động trong nước, với số lượng mỗi nơi từ 700 đến trên 2,000 người/công trình.”

Trước một đề tài nóng bỏng với người Việt Nam bị “áp đảo” như vậy, Nguyễn Tấn Dũng đã nói gì nhân dịp ông đến dự hội nghị tại Bác Ngao?

Báo Nhân Dân viết về buổi gặp gỡ giữa thủ tướng CSVN và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Quách Thanh Côn: “Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp của Quảng Tây đầu tư, sản xuất tại Việt Nam, tập trung đẩy mạnh một số dự án trọng điểm coi đây là hướng đi tích cực cho việc phát triển kinh tế vùng biên hai nước.”

Một bản tin của Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng ghi nhận một lời tuyên bố tương tự của Nguyễn Tấn Dũng, “Việt Nam hoan nghênh sự đầu tư của các công ty Trung Quốc.”

Không chỉ mới đây qua vụ nhân công từ Trung Quốc được “nhập cảng” vào Việt Nam, mối quan hệ phức tạp giữa hai nước là nguồn phiền não cho đất nước từ lâu, đưa đến những xung đột trong nội bộ của người Việt Nam.

Vào năm ngoái công an đã đàn áp, bắt giữ những người biểu tình nhân dịp Thế Vận Hội được tổ chức tại Bắc Kinh. Người dân đã lên tiếng phản đối sự việc nhà nước Việt Nam đã để cho Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn lãnh thổ như tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Một trong những người bị công an bắt giam là nhà báo Nguyễn Hoàng Hải, tức blogger Ðiếu Cày. Ông đã bị đưa vào tù chỉ vì viết nhiều bài chống Trung Quốc xâm chiếm các hải đảo của Việt Nam.

Diễn Ðàn Châu Á tại Bác Ngao trên đảo Hải Nam được tổ chức dựa theo khuôn mẫu của Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ. Trong ba ngày từ 17 đến 19 Tháng Tư, 2009, các nguyên thủ quốc gia sẽ thay phiên nhau trình bày về đề tài “Á Châu: Ðối Phó Với Khủng Hoảng.”

Một bản tin của Trung Quốc cho biết 11 nhà lãnh đạo đã nhận lời tham dự Diễn Ðàn Châu Á Bác Ngao mà trong đó có các tổng thống từ Pakistan, Kazaskhtan, Togo và các thủ tướng từ Mông Cổ, Miến Ðiện, Phần Lan, Albani, New Zealand, Papua New Guinea. Ngoài ra, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và cựu Thủ Tướng Nhật Yasuo Fukuka cũng sẽ tham dự. (h.d.)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 867 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 554
Khách: 554
Thành Viên: 0