Chủ Nhật, 2025-01-19, 0:42 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 21 » Khi quan chức “thích” làm khoa học
9:39 PM
Khi quan chức “thích” làm khoa học
Chuyện quan chức trong bộ máy hành chính đứng ra chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học có kinh phí từ ngân sách lâu nay tưởng như bình thường. Nhưng TS NGUYỄN QUANG A (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - ảnh) cho rằng hiện tượng này sẽ làm “méo mó nền khoa học” và tạo môi trường có thể dẫn đến “tham nhũng trong khoa học”.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Bích San - phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN - nói hậu quả là có thể thất thoát tới 40% tổng kinh phí cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học.

- TS NGUYỄN QUANG A: Không khó để chúng ta thấy nhiều quan chức trong bộ máy hành chính đã và đang làm lãnh đạo chương trình hoặc chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nào đó, nhất là các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội. Có thể là đề tài cấp bộ, cấp tỉnh... với kinh phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Đây là điều không xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Trước hết, các đề tài nghiên cứu khoa học dù ở cấp nào phải do các nhà khoa học thực hiện. Còn quan chức thì phải làm công việc của người được giao trách nhiệm quản lý nhà nước. Họ được hưởng lương từ tiền đóng thuế của người dân để làm công việc đó.

Ví dụ một đề tài khoa học liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải do các nhà khoa học thực hiện, còn trách nhiệm đương nhiên của quan chức là làm chiến lược, làm tham mưu... chứ không phải làm chủ nhiệm đề tài và được hưởng kinh phí từ ngân sách nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Chẳng hạn một tỉnh muốn có căn cứ thực hiện việc luân chuyển cán bộ phù hợp với đặc thù địa phương, trách nhiệm của giám đốc sở nội vụ là tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về việc này, chứ không phải “đẻ” ra đề tài khoa học về luân chuyển cán bộ để nghiên cứu. Nếu ngân sách nhà nước phải chi cho việc đó thì vô hình trung Nhà nước phải trả hai lần lương cho ông giám đốc này.

* Thưa ông, thực tế nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho công việc quản lý nhà nước?

- Ở đây cần phân biệt rõ chức năng của một quan chức và một nhà nghiên cứu khoa học. Không ai phản đối một ông bộ trưởng yêu thích khoa học, ngoài giờ hành chính ông ấy tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu theo sở thích của mình. Nhưng không nên lẫn lộn, Nhà nước có thể dùng ngân sách để đặt hàng các đề tài nghiên cứu hoặc các hướng nghiên cứu nếu thấy cần thiết, sau đó để cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học thực hiện.

Còn bộ trưởng hay giám đốc sở nào đó chỉ có thể tham gia đề tài nghiên cứu khoa học với tư cách cộng tác viên, chứ không thể là chủ nhiệm đề tài. Trong vai cộng tác viên thì phải làm việc ngoài giờ, vì trong giờ hành chính ông đã được trả lương để làm công việc liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Nếu thật sự lương thấp, cần cải thiện thì vấn đề là cải tổ hệ thống lương chứ không phải vẽ ra đề tài khoa học để tăng thu nhập.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A - Ảnh: K.H.

* Nhưng cũng có nhiều quan chức trưởng thành từ người làm chuyên môn, làm nghiên cứu khoa học?

- Một quan chức muốn nghiên cứu khoa học có thể từ chức để làm việc đó. Xã hội sẽ rất hoan nghênh. Tôi cho rằng việc các quan chức lấn sân sang nghiên cứu khoa học đang góp phần làm méo mó bức tranh này. Vì sao? Vì khi một quan chức làm nghiên cứu khoa học, một mặt ông ta sẽ giành mất một phần kinh phí lẽ ra chỉ dành cho giới nghiên cứu, mặt khác cương vị quan chức cũng sẽ ảnh hưởng tới tính khoa học của quá trình nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải khách quan, trung thực, có thể có đầu bài nhưng đáp số phụ thuộc vào thực tế nghiên cứu. Rất dễ có mâu thuẫn lợi ích nếu một người vừa là quan chức lại vừa nghiên cứu khoa học. Giữa một kết quả nghiên cứu trái với mục đích công việc mà vị quan chức đang hướng tới, cái nào sẽ được chọn?

Một nghiên cứu không được thiết kế để giữ khách quan ngay từ đầu là điều rất nguy hại trong khoa học. Đó là chưa kể đến nhiều sự méo mó khác. Ai đảm bảo tính khoa học của một nghiên cứu nào đó, khi hội đồng khoa học phải làm công việc đánh giá đề tài do quan chức cấp trên chủ trì?

* Vừa qua, Hiệp hội Khoa học Trung Quốc ban bố một bản quy phạm đạo đức khoa học của người làm công tác khoa học. Trên cơ sở bản quy phạm này, giới khoa học Trung Quốc đã kiến nghị nhà nước tách rời quyền lực học thuật và quyền lực hành chính. Không nên lấy luận văn, tác phẩm, dự án hoặc kinh phí nghiên cứu làm tiêu chuẩn đánh giá đối với cán bộ quản lý, ông nghĩ sao về điều này?

- Đây cũng là điều nên áp dụng ở nước ta. Cần chia tay lối “khoa học bao cấp”, hay nói cách khác là “hành chính hóa” nghiên cứu khoa học. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tốt hơn cho một nền khoa học tự chủ, độc lập.



PGS.TS PHẠM BÍCH SAN (phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN):

Tham nhũng trong khoa học biến hóa khôn lường

Hiện tượng người đứng đầu một cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn làm khoa học đang rất phổ biến, trong khi lẽ ra cần tách bạch hai công việc quản lý và nghiên cứu khoa học.

Theo tôi được biết, thực tế nước ta có ba dạng. Thứ nhất, một quan chức quản lý có thể là chủ tịch hội đồng khoa học của cơ quan đó. Thứ hai, một công việc của anh công chức phải làm và Nhà nước đã trả lương cho anh làm việc đó nhưng anh lại biến công việc đó thành một đề tài nghiên cứu khoa học để lấy thêm tiền ngân sách. Thứ ba, một công chức mặc dù có cương vị trong bộ máy quản lý nhưng vẫn giành cho mình làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học song thực tế chẳng làm gì cả mà để cho người khác làm, còn bản thân chỉ “đứng tên” và “ăn tiền”.

Tham nhũng trong khoa học có nhiều biểu hiện khác nhau và biến hóa khôn lường, vì đây là một trong những lĩnh vực khó kiểm soát. Trong nhiều trường hợp quan chức lấn sân sang nghiên cứu khoa học, không vì mục đích khoa học mà vì mục đích cá nhân, người ta đánh giá rằng mức độ thất thoát có thể lên đến 40% tổng kinh phí cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học. Thậm chí cuối cùng kết quả của không ít đề tài nghiên cứu đó chẳng có giá trị gì cả.

Các nước trên thế giới thường rất rạch ròi giữa cơ quan quản lý và cơ quan làm khoa học. Thậm chí cơ quan quản lý không được tham gia đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học. Muốn đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học thì các nhà quản lý thuê một cơ quan khoa học hoặc thuê một nhóm nhà khoa học đánh giá. Ở VN do vấn đề về cơ chế lương nên nhiều khi người ta coi làm khoa học như một nguồn để tăng thêm thu nhập.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 870 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 13
Khách: 13
Thành Viên: 0