Aude Genet – Phan Tường Vi chuyển ngữ
HÀ NỘI - Kế hoạch để cho một công ty của Trung Quốc khai thác
bô-xít ở Việt Nam đã gây nên sự phản đối kịch liệt và hiếm thấy từ
những người chỉ trích dự án này, họ cho rằng sự tàn phá môi trường và
xã hội sẽ tốn kém gấp bội phần so với sự ích lợi kinh tế.
Một vài người sợ dự án này, vốn đã được lãnh đạo của hai đảng cộng sản
Trung Quốc và Việt Nam đồng ý với nhau mà không qua một sự thảo luận
rộng rãi hơn, rốt cuộc nó sẽ đồng nghĩa với chuyện cho phép Bắc Kinh
mặc nhiên chiếm giữ một vùng có tính chiến lược của Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam ước tính lượng bô-xít dự trữ ở Việt Nam là 5 tỉ 5 tấn
- một nguồn tài nguyên hấp dẫn những công ty khai thác khoáng sản hàng
đầu trên thế giới.
Năm 2007, một kế hoạch khai thác bô-xít bao gồm hai công trình được
điều hành bởi Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam
(Vinacomin) ở Cao Nguyên đã được xét duyệt.
Một công ty con của hãng nhôm Trung Quốc Chinalco đã được trúng thầu
xây dựng một trong hai nhà máy này, trong lúc công ty nhôm của Mỹ Alcoa
hợp tác với Vinacomin để nghiên cứu tính khả thi của nhà máy thứ nhì.
Nhưng ở một nước mà người dân vẫn nhớ đến một cách đắng cay 1.000 năm
bị người Tàu đô hộ - và mới gần đây là cuộc chiến biên giới ngắn ngủi
năm 1979 - bất cứ sự hiện diện nào của người láng giềng khổng lồ phương
Bắc trên lãnh thổ Việt Nam đều được xem như là một sự đe dọa.
Nhà văn Nguyên Ngọc, mà những công trình của ông tập chú về Cao Nguyên
và cư dân của vùng này cho rằng có một sự hiểm họa về lâu về dài vùng
này sẽ bị “Hán hóa.”
“Vùng Cao Nguyên giữ một vị trí chiến lược cho toàn vùng nam Đông Dương,” ông Ngọc nói, ông cũng dẫn chứng là những công ty Trung Quốc hiện đang khai thác bô-xít ở biên giới Lào.
“Người ta nói rằng người nào nắm được vùng Cao Nguyên, người đó sẽ nắm vùng nam Đông Dương.”
Trong lúc dự án bô-xít cùng lúc phơi bày “những vấn đề tài chánh, sinh thái và xã hội,” ông Ngọc nói "vấn đề quan trọng nhất là sự an ninh và tính độc lập quốc gia."
| Welcome to China. Nguồn: Babui, DCVOnline
|
Trong một nước độc đảng khi mà chuyện biểu tình công khai xưa nay vốn
hiếm, thì lần này các khoa học gia, thành phần trí thức và cựu chiến
binh đã đoàn kết cùng nhau với những chỉ trích chế độ mãnh liệt nhằm tố
giác và phản đối những kế hoạch này của nhà nước.
“Sự “nổi tiếng” của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là
một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn
nạn” khác,” 135 nhà trí thức Việt Nam tuyên bố trong một bản kiến
nghị chỉ trích kế hoạch khai thác bô-xít và đã đệ trình cho Quốc Hội
hôm thứ Sáu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói kỹ nghệ khai thác bô-xít sẽ giúp
thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở vùng Cao Nguyên, theo bài tường
thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà nước ước tính những dự án này sẽ cần số vốn đầu tư hơn 10 tỉ đô-la
và sẽ, vào năm 2025, sản xuất hằng năm từ 13 đến 18 triệu tấn ô-xít
nhôm, là một sản phẩm bô-xít đã được chế biến bán phần.
Những người chỉ trích nói rằng chuyện khai thác mỏ này chỉ sẽ mang lại
lợi tức tài chánh khiêm tốn, có được từ sự xuất cảng hầu hết lượng
ô-xít nhôm này.
Người chống đối nổi bật nhất là Tướng Võ Nguyên Giáp, 97 tuổi, người đã từng lãnh đạo Việt Nam đánh bại thực dân Pháp.
Trong lá thư ngỏ gởi cho nhà nước, ông cảnh báo về sự nguy hiểm đối với
môi trường, với đời sống của người thiểu số bản địa, và với “sự phòng
thủ và an ninh” của Việt Nam.
Hội Cựu chiến binh ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ những quan
điểm tương tự, và giáo sư kinh tế Nguyễn Quang Thái nói với nhà nước
trong bản báo cáo gần đây là lời cảnh báo của tướng Giáo nên được tôn
trọng.
“Chúng ta KHÔNG NÊN cho phép lao động người nước ngoài vào vùng này,” ông Thái viết, nhưng không đề cập đến chữ Trung Quốc.
Khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên – đáng chú ý là ngành sản
xuất cà phê – đã gây nên nhiều xung đột có tính bạo động ở vùng Trung
Nguyên, là nơi người thiểu số vùng thượng du theo đạo Thiên Chúa giáo
sinh sống và những người này đã và đang đấu tranh chống lại nhà nước vì
đã tịch thu đất đai của họ và đàn áp tôn giáo họ.
Tu sĩ Phật giáo bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ, người lãnh đạo Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà nước Việt Nam cấm sinh hoạt,
đã kêu gọi mọi người lên tiếng tố cáo “những hậu qủa tàn phá” của kế
hoạch khai thác bô-xít này lên những người dân bản xứ.
Sự hiện diện lâu dài của người Trung Quốc ở vùng Cao Nguyên sẽ đặt để
một sự “hăm dọa đáng sợ” cho nền an ninh quốc gia, ông Thích Quảng Độ
nói.
Nếu những dự án bô-xít được tiến hành, những nhà khoa học e rằng sẽ có
sự tàn phá rộng lớn vùng đất màu mỡ mà cây rừng, cà phê và trà được
trồng trên đó.
Họ cũng lo lắng về sự ô nhiễm nguồn nước và nói rằng dân số địa phương,
mà một số trong họ đã nhận hay sẽ nhận tiền bồi thường, có nguy cơ mất
đất và không đạt tiêu chuẩn làm việc trong những nhà máy.
Nhà văn Nguyên Ngọc nói sẽ có thể có “những cuộc nổi loạn mới” bởi người thiểu số trong vùng này.
Các chuyên gia ước tính hằng ngàn công nhân Trung Quốc sẽ đến làm việc
cho những dự án bô-xít này và nói rằng hằng trăm người Trung Quốc đã có
mặt ở tỉnh Lâm Đồng, nơi mặt bằng đang được phát quang.
“Cho những nước như Việt Nam… khai thác tài nguyên thiên nhiên nhằm vào sự phát triển là cần thiết,” nhà địa chất Đặng Trung Thuận nói. “Khai thác là điều hiển nhiên, nhưng ở mức độ nào?”
© DCVOnline
|