Tỉnh Đồng Nai cho hay đang có tình trạng nhiều công nhân nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại các khu công nghiệp đóng trong địa bàn tỉnh.
Website của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thừa nhận "còn nhiều khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài".
Chính quyền tỉnh đã triệu tập một cuộc họp đa ngành để bàn việc tăng cường quản lý lao động ngoại. Theo Công an và sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đồng Nai, kiểm tra tại 48 doanh nghiệp trên địa bàn, các ngành chức năng đã phát hiện tới 600 người nước ngoài sống và làm việc tại đây.
Chỉ 200 người có giấy phép lao động.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng trăm nhân công nước ngoài không phép. Ông Lâm Duy Tín, phó Giám đốc sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, cho BBC biết đa phần số lao động này là người Trung Quốc và có cả Hàn Quốc.
"Chủ yếu họ làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, hoặc là do nhà thầu nước ngoài trúng thầu đưa vào."
Theo ông Tín, đã có các văn bản chỉ đạo để xử lý doanh nghiệp và lao động vi phạm, như "phạt tiền, cảnh cáo hay đề xuất cho lao động xuất cảnh về nước", tuy những hình thức này chưa được quy định trong luật.
Con số công ty bị kiểm tra cũng còn là số ít và chưa kể cả ngàn doanh nghiệp đóng tại hơn 20 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Gần đây báo chí trong nước đã đánh động dư luận về tình trạng lao động phổ thông nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, vào làm việc ở Việt Nam. Con số ước tính có tới hàng vạn.
Cơ quan chức năng vẫn khẳng định không có chính sách cho phép nhập lao động phổ thông nước ngoài.
Chấn chỉnh hạn chế
Văn phòng Chính phủ cho hay hồi đầu tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì một phiên họp để xem xét các vấn đề đặt ra xung quanh tình hình đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài và lao động từ nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
Ông Dũng thừa nhận tình trạng người lao động nước ngoài sang sinh sống, làm việc tại Việt Nam tăng nhanh, nhất là gần đây.
Ông đã yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng và quản lý lao động nước ngoài tại các địa phương để xử lý và báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/05.
Trong khi đó, bộ LĐ-TB-XH tuyên bố "đã nắm được thực trạng này".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa trong một phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ nói ông đã "trực tiếp đến Quảng Ninh, Hải Phòng kiểm tra thực tế" và "khẳng định lượng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép ở những địa phương này không phải ít".
"Như ở Quảng Ninh, Hải Phòng có lúc cao điểm lên tới khoảng 2.000 lao động ở một công trường."
Việt Nam không cho phép tuyển lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Thứ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa
Ông Hòa cho hay "cả nước hiện có trên 50.000 lao động đến từ hơn 40 quốc gia khác nhau, chủ yếu là lao động người châu Á".
"Trong đó số lao động hợp pháp, được cấp phép chiếm khoảng 70%, còn lại 30% là lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc theo visa du lịch."
Ông thứ trưởng nhắc lại chủ trương chỉ cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi người đó có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, là có bằng cấp, có tay nghề. Tuy nhiên trần 3% cho số lao động kỹ thuật nước ngoài tại mỗi dự án đã được bỏ.
"Việt Nam không cho phép tuyển lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam."
Ông Nguyễn Thanh Hòa nói các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý tình trạng này.
Việc lao động phổ thông ồ ạt vào Việt Nam, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong nước tăng cao vì khủng hoảng kinh tế, đang khiến người dân quan ngại và lo lắng.