Trần Khải
Người khai sáng ra các kinh điển chủ nghĩa Cộng Sản—Karl Marx, tức Các
Mác - sẽ suy nghĩ thế nào về tình hình nhà nước Hà Nội ra lệnh đình bản
báo Du Lịch trong ba tháng? Trước tiên, nên thấy rằng Các Mác là người
bênh vực quyền tự do báo chí, và bản thân Mác đã hưởng dụng quyền tự do
báo chí để viết ra các kinh điển đồ sộ làm nền móng cho các phong trào
cộng sản quốc tế.
Thứ nữa, đóng cửa báo Du Lịch phía sau có phải là một cuộc tranh chấp
nội bộ ngầm hay không? Về mặt kinh tế, đóng cửa báo này là phá hoại
Tổng Cục Du Lịch, trong khi nhà nước có thể chỉ cần kỷ luật hành chánh
đối với người chọn bài, hay người viết bài là đủ, nếu thực sự thấy rằng
báo này đã “sai phạm.” Vì đóng cửa báo này, là làm tê liệt một hoạt
động lớn của Tổng Cục Du Lịch, đánh một quả rất là nặng nề khi đóng cửa
một bộ phận liên hệ tới đời sống gia đình của hàng trăm nhân viên biên
tập, quảng cáo và phát hành. Hãy nhìn trường hợp báo Tuổi Trẻ, Thanh
Niên… khi đụng tới vấn đề các quan lớn tham nhũng, cũng chỉ có 2 nhà
báo bị khởi tố, nhưng không hề đóng cửa các báo này ngày nào. Hay có
phải, đóng cửa báo Du Lịch ba tháng là để dằn mặt toàn thể báo giới VN,
rằng nói chuyện biên giới biển đảo là “vi phạm nghiêm trọng luật báo
chí Việt Nam,” theo lệnh đình bản do Thứ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền
Thông, còn “nhạy cảm” hơn chuyện chống tham nhũng?
| Một tấc bản đồ vạn tấc quê hương Nguồn: Báo Du lịch
| Theo
quyết định đình bản, lý do chính vì các bài viết và thông tin trên số
báo Tết Kỷ Sửu 2009, và dịp này lệnh cũng yêu cầu báo này chỉnh đốn lại
đội ngũ lãnh đạo.
Trên trang mạng của báo Du Lịch, phần “Giới thiệu chung” ghi rằng:
“Báo Du lịch là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Du lịch, hoạt động theo
Luật Báo chí; có chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chính
sách phát triển du lịch và hoạt động của Ngành theo định hướng của
Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch. Báo Du lịch chịu sự
quản lý trực tiếp của Tổng cục Du lịch và quản lý nhà nước về hoạt động
báo chí và xuất bản của Bộ Văn hoá và Thông tin…” (hết trích)
Như thế, đây không phải là báo tư nhân. Mà thực tế, không hề có báo tư
nhân ở VN hiện nay. Vậy thì sao lại tự mình đóng cửa một tờ báo của
mình, tự mình bịt miệng của mình ba tháng như thế? Hay bởi vì Tổng Cục
Du Lịch trước giờ không chịu cúng phong bì với Bộ Thông Tin? Bởi vì, kỷ
luật các báo khác trước giờ chỉ làm nhẹ thôi - hình phạt đình bản là
hình phạt giành cho kẻ thù, không phải để áp dụng với chính “cơ quan
ngôn luận” của mình? Tại sao như thế? Hay phải chăng, bàn chuyện biên
giới, biểu tình vì Trường Sa và Hoàng Sa là lập tức trở thành kẻ thù
của nhà nước?
Chưa hết, chính hành vi đóng cửa báo Du Lịch, dù chỉ là ba tháng, cũng đã làm lộ nguyên hình Đảng CSVN đang khai tử Các Mác.
Trên trang Ý Kiến (http://mangykien.net), bài viết nhan đề “Đảng ta…
giết Các Mác bằng Luật báo chí?” do người ký tên Sinh viên Sơn gửi, đã
viết, trích:
“Có người nói Luật Báo Chí của VN là nhát dao giết Các Mác (Karl Marx). Phải tìm hiểu mới thấy câu này không vô lý.
Nhà nước VN định sửa đổi Luật Báo Chí nhưng nay lại hoãn. Cái khó nhất
là phải đưa ra định nghĩa thế nào là “báo chí tự do” ở nước ta, để cho
nó không “chửi” lại quan niệm chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta hãy
chờ xem Luật Báo Chí được đảng CSVN sửa đổi ra sao.
Ông tổ của Chủ nghĩa CS - Các Mác - từng là nhà báo, từng phụ trách một
tờ báo tư nhân dưới chế độ tư bản. Chế độ này tất nhiên không ưa cộng
sản, nhưng vẫn để những báo cộng sản lưu hành tự do và đảng Cộng Sản
hoạt động. Ngược lại, không một đảng CS nào khi đã “cướp chính quyền”
lại dám để các đảng khác hoạt động, dù là hoạt động hoà bình.
Bản thân Mác cũng chính thức đưa ra quan điểm về báo chí tự do. Theo
ông, đối nghịch với báo chí tự do là “báo chí bị kiểm duyệt”. Ông hết
lời ca ngợi báo chí tự do và lên án nghiêm khắc dạng đối nghịch…
…Ông nêu cái đối lập của báo chí tự do (tức là báo chí bị kiểm duyệt)
“là cái quái dị không có tính cách”, “là con quái vật được văn minh
hóa, cái quái thai được tắm nước hoa.” (hết trích)
Nhưng, ông Thứ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông, người đã ký quyết định
đình bản bốn tháng sau số báo Tết Kỷ Sửu, có phải là hiện thân của “con
quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa” mà ông Các
Mác đã nói?
Bài viết nhan đề “Đàng sau quyết định đình bản báo Du Lịch” do Nam
Nguyên, phóng viên đài RFA, thực hiện ngày 18-4-2009 đã viết về cuộc
phỏng vấn do đài này thực hiện:
“…Trả lời đài chúng tôi, ngày 16/4 ông Nguyễn Quốc Thái Trợ Lý Phó Tổng Biên Tập Phụ Trách của tờ Du Lịch phát biểu:
“Chúng tôi chấp hành quyết định của Bộ Thông Tin Truyền Thông (TTTT) nhưng tôi không đồng ý với nội dung của quyết định đó.
Bởi vì trong quyết định đó, Bộ TTTT nói để kiện toàn tổ chức, phần này
chúng tôi không bàn. Còn về những bài trong số báo Xuân, trong đó nêu
ra bài ‘Tản mạn đảo xa’ của phóng viên Trung Bảo. Chúng tôi thấy rằng
bài báo đó là một bài viết thể hiện những bức xúc, lo lắng và buồn
phiền của một công dân một quốc gia bị nước khác xâm lấn phần đất quê
cha đất tổ của mình. Một biểu lộ về lòng yêu nước như vậy, tôi nghĩ
không nên bị kết án.”
Đình bản vì biểu lộ lòng yêu nước?” (hết trích)
Điều cần ghi nhận thêm về số báo sau cùng, trong đó có bài viết về khai
thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên, có phải đây là thêm một nguyên nhân chính
để Bộ ra lệnh đình bản?
Đài RFA tường thuật thêm:
“Sự kiện chúng tôi ghi nhận được là trong số báo sau cùng ngày
13/4/2004, tờ Du Lịch có bài báo khác cũng không kém phần nhạy cảm. Bài
báo có tựa đề ‘ Dự án Bauxite-Nhôm Tân Rai Lâm Đồng: Đã tính đến nông
dân chưa?’
Bài viết có đoạn: ‘Là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia về
Bauxite-Nhôm, triển khai ở Tây Nguyên. Dự tổ hợp Bauxite-Nhôm Tân Rai
Thị trấn Lộc Thắng tỉnh Lâm Đồng có diện tích 2.297ha. Trong lúc còn
nhiều ý kiến trái chiều về các dự án khai thác Bauxite; sự phồn thịnh
của người dân trong vùng chưa thấy, thì dự án này ngày càng lộ ra nhiều
điều đáng quan tâm như: môi trường sinh hoạt, tái định cư, đầu tư sản
xuất của người dân.
Ở một đoạn khác phóng viên viết: ‘ Đến xã Lộc Ngãi huyện Bảo Lâm tỉnh
Lâm Đồng trong những ngày giữa tháng 4, một không khí lao động hối hả
trải dài trên diện tích hàng nghìn ha. Chưa đầy hai năm trước, toàn bộ
khu vực này còn là một màu xanh của những nương chè, cà phê, đồi
thông…bây giờ mọi thứ đã thay đổi, thay vào đó là màu đỏ đất bazan,
khói bụi…” (hết trích)
Tới đây thì hình như quá nhạy cảm. Thế nên, người phụ trách báo Du Lịch nói là ‘không bình luận.’
Đài RFA kể thêm:
“Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nguyễn Quốc Thái, Trợ lý Phó Tổng Biên
Tập Phụ Trách Báo Du Lịch, phải chăng giọt nước tràn ly, bài Bauxite
Lâm Đồng đăng ngày thứ Hai 13/4 thì ngày 14/4 Báo Du Lịch bị đình bản.
Ông Thái đáp:
“Xin các ông tự nhận định và đánh giá, tôi xin phép được không bình luận vấn đề này”…” (hết trích)
Thấy rõ, ông Các Mác hay ông Hồ Chí Minh có tái sinh vào Hà Nội hay Bắc
Kinh thì cũng bó tay thôi. Không chỉ là bịt miệng ba tháng, mà thực tế
là bịt miệng từ khi chào đời, bởi vì có báo tư nhân nào đâu để cho ông
Mác, ông Hồ được viết. Như thế, các chuyện biên giới và biển đảo kể như
không có trong tự điển ngữ vựng của ông Mác, ông Hồ rồi.
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
|