Thứ Ba, 2024-03-19, 1:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 24 » “Nhân lúc bên ... Thái có loạn!”
9:18 AM
“Nhân lúc bên ... Thái có loạn!”

Vũ Thạch

Mặc dù đã được “tận tình điều chỉnh”, nhưng những thống kê của của Bộ Công An Trung Quốc vẫn làm thế giới giật mình. Trong năm 2003 đã có 58 000 vụ biểu tình phản đối của dân chúng trên cả nước. Đây là con số chỉ tính những vụ có trên mười ngàn người trở lên, mà công an gọi là những “sự cố đông người”. Đến năm 2004 có 74 000 vụ, năm 2005 lên đến 87 000 vụ. Có lẽ những “sự cố đông người” như vậy sau đó đã được xếp vào loại bí mật quốc gia, nên từ năm 2006 trở đi, không thấy Bộ Công An Trung Quốc công bố những thống kê loại này nữa.



Với những thống kê vừa kể, trung bình ở nước Tàu mỗi ngày có từ hai đến ba trăm vụ biểu tình lớn hơn 10 000 người. Trong đó không thiếu gì những vụ dân chúng chiếm trụ sở, lật, đốt xe nhà nước, xô xát với công an. Thế nhưng không hề thấy báo hay đài nào của nhà cầm quyền Việt Nam đưa tin, hoặc bình luận điều gì về hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc; hệ thống chính trị đã khiến người Tàu biểu tình nhiều và biểu tình triền miên như vậy. Ngược lại, ngay khi Thái Lan có biến động trong những ngày vừa qua; dù Thủ tướng Thái cho biết chưa có ai mất mạng, và không tới 100 người bị thương cả nặng lẫn nhẹ, Ban Tuyên Huấn Trung Ương đã lập tức chỉ thị cho mọi báo, đài Việt Nam tận tình khai thác, từng ngày từng giờ; đặc biệt là hình ảnh khói lửa của những vụ đốt vỏ bánh xe ngoài đường phố, để chứng minh về hậu quả gọi là “đáng sợ”, của thể chế dân chủ đa đảng. Xen kẽ vào đó là những lời bình về một xã hội ổn định để phát triển của chế độ “không đa đảng” ở Việt Nam hiện nay, và coi đó là chế độ thích hợp và hữu hiệu nhất.

Ở đây, người ta phải tự hỏi: tại sao Thái Lan “loạn” thế, mà vẫn phát triển hơn xa Việt Nam? Chính các cơ quan Nhà Nước cũng phải công nhận rằng, nếu Thái Lan đứng yên tại chỗ, không tiếp tục phát triển, thì cũng phải mấy thập niên nữa Việt Nam mới bắt kịp được họ. Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi về con đường tương lai của Việt Nam : Có nên chấp nhận ổn định trong ung thối như hiện nay không? Cái giá của đổi thay là gì? Có nên đi con đường của Thái Lan không? v.v...

Bên cạnh đó, những xáo trộn tại Thái Lan qua lời bình của báo đài nhà nước, cũng gợi lên một số câu hỏi khác. Phải chăng đa đảng đồng nghĩa với bất ổn ? Nếu đa đảng đồng nghĩa với bất ổn, thì tại sao hàng trăm quốc gia đang theo thể chế đa đảng nhưng không hề bất ổn ? Thái Lan cũng đa đảng nhưng tại sao thỉnh thoảng lại có loạn ? Như vậy, hẳn là thể chế đa đảng ở Thái có điều gì bất bình thường chăng ????



Quả vậy, nếu tìm hiểu về nội tình chính trị của Thái Lan, người ta sẽ thấy những yếu tố tiềm ẩn, tạo nên những chu kỳ biến động chính trị

Trước hết là Quốc Vương và Hoàng Gia Thái : Tuy ít được đề cập đến, nhưng có thể khẳng định rằng, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, thế lực chính trị vô địch tại Thái vẫn là phe Hoàng Gia. Quốc Vương Thái Bhumibol Adulyadej, còn gọi là vua Rama Thứ 9, ở ngôi vua đến nay đã 59 năm, và được nhiều học giả quốc tế đánh giá là một chính trị gia vô cùng mưu lược. Ông và ban tham mưu của ông đã thành công trong việc chứng minh sự cần thiết của hoàng gia tại đất Thái, và liên tục không để cho nền dân chủ tại nước này có nhiều thời gian bén rễ.

Là người rất thông hiểu và tận dụng yếu tố tâm lý quần chúng, quốc vương Thái đã cho phục hồi nhiều nghi lễ cung kính hoàng gia như một phần của nền văn hóa Thái. Trong đó có những lệ như : đi bằng đầu gối trước mặt vua, hay cả nước để tang nhiều tháng trời khi có người thuộc hoàng gia qua đời, v.v . ... Bên cạnh đó, lúc nào nhà vua cũng cẩn thận vun bồi lòng thương mến của dân đối với ông và Hoàng Gia, qua các hoạt động từ thiện, hoặc gần gũi với quần chúng nghèo khổ. Ông tạo được hình ảnh nhân ái của quốc vương và hoàng gia trong dân chúng mặc dù phí tổn cho các hoạt động đó được trích từ ngân quỹ quốc gia, hoặc chỉ là một phần rất nhỏ trong số tài sản khoảng 35 tỉ mỹ kim của nhà vua.

Để duy trì hình ảnh “hoàng gia phi chính trị”, nhà vua ít khi phê phán các chính khách, hay chính sách của chính phủ Thái trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những đòn phép chính trị của ông thường do các cố vấn thực hiện một cách “bán chính thức”. Đặc biệt, mỗi khi có đảo chánh thì ông lại xuất hiện như một vị cứu tinh của quốc gia.


Ban Tuyên Huấn Trung Ương chỉ thị cho mọi báo, đài Việt Nam khai thác những
vụ đốt vỏ bánh xe ngoài đường phố bên Thái Lan

Thật vậy, kiểm điểm lại suốt từ thời nội các đầu tiên của tướng Plaek Pibulsonggram giữa thập niên 1950, cho đến nội các dân sự của thủ tướng Thaksin Shinawatra giữa thập niên 2000, người ta dễ thấy chu kỳ diễn đi diễn lại như sau:

    * Dù là gốc quân sự hay dân sự, khi một thủ tướng bắt đầu tưởng mình oai quyền hơn vua, bắt đầu nghĩ đến việc quốc hữu hóa một phần đất đai của hoàng gia, bắt đầu than phiền công khai về các khoản cung phụng hoàng gia quá tốn kém cho ngân quỹ quốc gia, hoặc bắt đầu nêu câu hỏi có cần vai trò của hoàng gia trong nền chính trị quốc gia hay không; họ đều bị đảo chánh trong vòng vài tháng sau đó.
    * Các tướng cầm đầu đảo chánh đều nhân danh bổn phận bảo vệ danh dự của nhà vua là lý do chính. Nhưng nhà vua thường can thiệp để các quan chức đảo chánh tha mạng cho những người cầm quyền cũ để họ đi lưu vong hoặc đi “tu” một thời gian.
    * Nhưng lần nào chính quyền quân sự cũng không được ngồi lâu. Các cố vấn riêng của nhà vua bắt đầu khuyến khích dân chúng và các lãnh tụ dân sự xuống đường phản đối, đòi phục hồi thể chế dân sự.
    * Khi áp suất đã đủ, nhà vua gọi các lãnh tụ quân đội vào cung và yêu cầu làm 3 việc: thứ nhất, hãy sửa lại bản hiến pháp cho vừa ý; thứ hai, đưa ra một ông tướng về hưu hay một chính khách thân quân đội ra lập chính phủ dân sự; và thứ ba, rút quân về trại lính. Thế là nhờ vua mà đất nước lại có sinh hoạt chính trị dân sự bình thường.
    * Nhưng thường thì chỉ sau nhiệm kỳ đó, dân chúng lại bầu những người không thuộc phe quân đội lên nắm quyền. Nói cách khác, ngay khi có cơ hội dân chúng Thái đều muốn đẩy quân đội ra khỏi vị trí cầm quyền.
    * Và khi nội các dân sự đã tương đối đứng vững, các chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách kinh tế, bắt đầu triển nở và dễ tạo các đụng chạm với quyền lợi hoặc danh dự của hoàng gia.
    * Thế là chu kỳ đảo chánh lại trở lại từ đầu.

Bhumibol 
 Vua Thái Lan Bhumibol
Suốt 5 chu kỳ đảo chánh trong gần 60 năm qua, tuy mang nhiều tham vọng cai trị một mình, nhưng cánh quân đội vẫn không vượt qua được mưu lược của vua Bhumibol. Người nắm binh quyền Thái Lan là vị Tư Lệnh Lục Quân Thái. Nhưng khi cần thiết, nhà vua vẫn dễ dàng tìm được những ông tướng quân đội khác để lật đổ và thay thế viên tư lệnh đương nhiệm. Yếu điểm lớn nhất của những ủy ban quân quản hoặc nội các thân quân đội là nạn tham nhũng tràn ngập nhanh chóng. Đây cũng là yếu tố chính khiến người dân Thái bỏ phiếu thay thế họ bằng những chính quyền dân sự, độc lập với quân đội, ngay khi tình hình cho phép.

Bên cạnh hai lực chính trị truyền thống là hoàng gia và quân đội, từ cuối thập niên 1980 đến nay, khi nền kinh tế Thái bắt đầu phát triển, một lực chính trị mới xuất hiện. Đó là giới tài phiệt, mà điển hình là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Lực lượng chính trị này dùng đồng tiền để mua chuộc sự hậu thuẫn của dân chúng. Trong trường hợp của ông Thaksin, nhờ các thành công thương mãi, như độc quyền hệ thống điện thoại di động; với tiền bạc vung vãi trên con đường chính trị, ông đã tạo được những khối hậu thuẫn lớn, đặc biệt là nông dân thuộc miền Bắc Thái, qua tổ chức có tên là đảng Thai Rak Thai (tức Đảng Ái Quốc Thái Lan), v.v. và gần đây nhất là “đoàn quân áo đỏ” trong biến động chính trị vừa qua.

Cũng trong 2 thập niên phát triển vừa kể, một lực lượng mới xuất hiện khác là đội ngũ đông đảo sinh viên trí thức Thái. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thái có số đông thành phần trung lưu và hạ lưu được cơ hội học hỏi, tiếp cận, và rút kinh nghiệm từ thế giới bên ngoài. Họ trở thành khối người lý tưởng, muốn Thái Lan có một nền dân chủ đúng nghĩa và một nền kinh tế phát triển bền vững để phục vụ toàn dân Thái. Lý tưởng này được thể hiện qua sự ra đời của hàng chục ngàn các hội đoàn phi chính phủ và vô vị lợi để phục vụ lợi ích chung của người dân.

Ngoài các lực chính trị kể trên, Thái cũng còn các phe nhóm chính trị khác, đặc biệt là các tổ chức của người Thái theo đạo Hồi tại 3 tỉnh cực nam. Tuy nhiên, những phe phái này đều không có mấy ảnh hưởng trong xã hội, và thường thì “nay tụ, mai tan”

Do đó, khi tìm hiểu cội rễ các nguồn lực chính trị của Thái Lan hiện nay, người ta thấy một điều khá hiển nhiên là: Thái Lan còn nhiều biến loạn vì nước này KHÔNG CÓ DÂN CHỦ, chứ không phải có quá nhiều dân chủ. Cả 3 lực lượng chính trị chính hiện nay là hoàng gia, quân phiệt, và tài phiệt đều chỉ dùng các đảng phái làm bình phong nhưng thực tâm vẫn muốn nắm độc quyền. Họ không muốn có nền dân chủ bền vững, đặc biệt là sự vận hành phía sau hậu trường chính trị rất khôn khéo của nhà vua đầy mưu lược.

Đối diện với cả 3 cánh phi dân chủ đó là lực lượng những người trẻ yêu nước, có lý tưởng, muốn xây dựng xã hội dân sự và thuyết phục quần chúng soi mòn các lực phi dân chủ bằng con đường đấu tranh bất bạo động. Họ biết đây là cách duy nhất mà những người dân tay không có thể thắng được mọi loại bạo quyền. Quan trọng hơn nữa, đây cũng là cách để tạo được kết quả sau cùng là một chế độ dân chủ bền vững; vì quyền hành trong xã hội được trải rộng ra nhiều tầng lớp dân chúng. Và khi nền dân chủ là thành quả công sức tranh đấu của toàn dân, nền chính trị đó sẽ được mọi người bảo vệ.

Đất nước Thái đang tiến đến ngã 3 đường, với những ngã rẽ hệ trọng. Vua Bhumibol nay đã 81 tuổi và thái tử lại bị bệnh nan y khó có thể nối ngôi được. Vì vậy, cánh hoàng gia chắc chắn sẽ lung lay nhiều trong những năm trước mặt. Cùng lúc đó, cả cánh quân phiệt và tài phiệt đều đang nuôi hy vọng họ sẽ là lực lượng nắm độc quyền khi nhà vua qua đời. Những tranh chấp sắp tới giữa hai cánh này chắc chắn sẽ gây nhiều thiệt hại, và có thể là nhiều đổ máu cho người dân Thái. Vì thế, sự lớn mạnh kịp thời của lực lượng trí thức Thái có lý tưởng là hy vọng duy nhất để tránh bạo động và máu lửa. Nhưng, liệu hy vọng này có thành hiện thực kịp thời hay không khi mà sự uất hận của dân Thái trước bàn tay bạo hành của quân đội còn quá cao; mãnh lực đồng tiền mua chuộc của cánh tài phiệt còn quá lớn; và lòng thương mến hoàng gia còn quá mạnh?

Tóm lại, những chu kỳ đảo chánh suốt gần 60 năm qua trong chính trường Bangkok là tình trạng rất đặc thù của nước Thái Lan. Nhiều nước có đa đảng bên dưới thể chế quân chủ lập hiến như Anh, Nhật, Hòa Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, v.v.. nhưng không bị tình trạng nhiễu nhương như Thái Lan. Hơn thế nữa, trên thực tế Thái Lan chưa hề có thể chế dân chủ đa đảng thực sự, nên không thể quy kết các biến động vừa qua ở Thái là do dân chủ đa đảng sinh ra.

Trở lại tình hình nước nhà, nếu Thái Lan có một quốc vương, thì Việt Nam hiện nay có đến 15 ông vua đang ngồi trong bộ chính trị nắm quyền sinh sát cả nước. Mỗi ông vua này đều muốn làm chủ một vùng quân đội, một nhánh công an và một mạng lưới tài phiệt của riêng mình. Các ông vua gốc Việt này đều giống nhau ở một điểm là không ai khôn ngoan dựa vào dân như vua Bhumibol của Thái Lan. Hiện nay họ chỉ biết tranh nhau chỗ đứng trước ngai Hoàng Đế Hồ Cẩm Đào và bất cần người Việt nghĩ gì — từ Hoàng Sa - Trường Sa, đuốc Thế Vận, đến Bauxite Tây Nguyên, Ma Chiến Hữu, v.v…. Trước tình cảnh này, hiển nhiên ít người Việt nào muốn thấy cảnh bất ổn như trên đất Thái, dù lớn hay nhỏ; nhưng điều làm nhiều người lo lắng hơn nhiều là đất nước và các thế hệ Việt Nam tương lai còn lại gì sau những năm tháng nắm quyền của 15 “ông vua Lê Chiêu Thống thời đại”.

Soi rọi từ kinh nghiệm của nhân loại, đặc biệt trong 30 năm vừa qua, có lẽ con đường khả thi nhất để tránh tối đa thiệt hại cho đất nước là phương cách đấu tranh bất bạo động và xây dựng xã hội dân sự; hướng đến một tương lai trong đó toàn dân thực sự làm chủ đất nước; xã hội ổn định trong sự lành mạnh; và quốc gia phát triển một cách bền vững để đem lại phúc lợi cho toàn dân. Nếu ra sức làm việc ngay từ bây giờ, biết đâu đây sẽ là lãnh vực mà dân tộc Việt Nam có cơ may bắt kịp, và ngay cả vượt trước người dân Thái.

Vũ Thạch
Nguồn: Việt Tân
Category: Chính trị | Views: 837 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0