Bản Tin Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển – Ngày 21 tháng 4, 2009
Một tu sĩ Phật Giáo gốc Khmer Krom, sau một năm tù ở Việt Nam và đang bị quản chế tại gia, đã chạy thoát sang Thái Lan lánh nạn.
Nhân
cơ hội được chính quyền Việt Nam cho phép về lại Cam-Pu-Chia để dự tang
lễ của mẹ, Sư Tim Sakhorn đã đào thoát được sang Bangkok vào ngày 12
tháng 4 và một tuần sau đó đã trình diện Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
“Ngay
khi nhận được tin từ những người bạn trong tổ chức Khmer Krom ở Hoa Kỳ,
chúng tôi lập tức kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp và liên lạc
với CUTN/LHQ ở Bangkok để yêu cầu bảo vệ,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám
Đốc Điều Hành của UBCNVB, nói.
Sư Tim Sakhorn tại phiên toà xử ngày 8 tháng 11, 2007 Theo
Ts. Thắng, Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh cho biết sẽ liên lạc ngay
với CUTN/LHQ để yêu cầu sự quan tâm đặc biệt đối với trường hợp của Sư
Sakhorn.
Sinh ở An Giang, Việt Nam năm 1968, Sư Sakhorn cùng gia
đình di tản sang Cam-Pu-Chia năm 1978 và được ban cấp quốc tịch
Cam-Pu-Chia. Năm 2007, Sư Sakhorn, lúc ấy đang trụ trì chùa Boaknaram ở
tỉnh Takeo, đứng ra tổ chức giúp đỡ cho các tu sĩ và Phật tử Khmer Krom
chạy thoát sự đàn áp ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, vốn có chính sách
đàn áp người Khmer Krom từ năm 1975, đã leo thang đàn áp sau cuộc biểu
tình của hơn 200 vị tu sĩ Khmer Krom ngày 8 tháng 2, 2007 nhằm đòi hỏi
tự do tôn giáo.
Trước sự phản đối của chính quyền Việt Nam, Giáo
Hội Phật Giáo Cam-Pu-Chia lột áo tu hành của Sư Sakhorn. Sau đó chính
quyền Cambốt giải giao Ông cho Công An Việt Nam. Ông bị đưa ngày vào
tù. Ngày 8 tháng 11 toà án Việt Nam xử Ông một năm tù về tội làm mất
đoàn kết dân tộc, mặc dù mọi hoạt động của Ông là ở Cambốt. Ông còn bị
cáo buộc là đã phát tán tài liệu của tổ chức Khmer Krom Foundation, có
trụ sở ở Hoa Kỳ.
Ngày 28 tháng 6, 2008 Ông mãn hạn tù và bị quản
chế tại gia với sự canh phòng 24/24 của công an. Ông bị chính phủ Việt
Nam bắt buộc trở lại quốc tịch Việt Nam. Nhiều tổ chức nhân quyền liên
tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép Ông về lại Cam-Pu-Chia, nhưng
vô ích.
Ngày 4 tháng 4, 2009, Ông được phép về Cam-Pu-Chia hai
tuần để dự tang lễ của mẹ. Tại đây Ông được phục hồi chức sắc tu sĩ.
Tuy nhiên công an Cam-Pu-Chia luôn theo dõi Ông và chuẩn bị trao trả
Ông về Việt Nam. May mắn Ông đã tẩu thoát được sang Thái Lan.
Tổ
chức Khmer Krom Federation hiện đang giúp đỡ cho vị sư này, một nạn
nhân tiêu biểu của cuộc đàn áp thô bạo của chính quyền Việt Nam đối với
người dân Khmer Krom ở sáu tỉnh miền Tây, nhất là sau các cuộc biểu
tình tháng 2 năm 2007.
Do hậu quả của cuộc đàn áp này, hàng trăm
người Khmer Krom đã chạy sang Cam-Pu-Chia lánh nạn. Tuy nhiên tại đây
họ không được bảo vệ và luôn đứng trước nguy cơ bị bắt cóc và trục xuất
về Việt Nam, như trường hợp của Sư Sakhorn. Một số đồng bào Khmer Krom
lần nữa phải lên đường đi lánh nạn ở Thái Lan.
Trước dòng người
tị nạn mới này, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã phối hợp với Khmer Krom
Foundation và Asylum Access, một tổ chức pháp lý có trụ sở ở San
Francisco, để cử phái đoàn luật sư cùng thông dịch viên đến can thiệp
hồ sơ cho người Việt lánh nạn ở Thái Lan.
Cuối tháng 12 năm
ngoái, Ts. Thắng cùng với Sư Dhammo, người Khmer Krom hiện tu hành ở
Canada, đến Bangkok để tiếp xúc với các luật sư của tổ chức Asylum
Access và một số tổ chức bảo vệ người tị nạn như Jesuit Refugee
Services và Bangkok Refugee Center. Tiếp sau đó, trung tuần tháng 2 năm
nay cựu Đại Sứ Grover Joseph Ree, Cố Vấn Cao Cấp Về Các Đề Án Quốc Tế
của UBCNVB, đến Bangkok để tiếp xúc với CUTN/LHQ cũng như một số tổ
chức bảo vệ nhân quyền và tị nạn.
Đầu tháng 3, luật sư Asa
Piyaka, người Mỹ gốc Thái và là Cố Vấn Về Các Đề Án Quốc Tế của UBCNVB,
đến Bangkok cùng với một thông dịch viên do tổ chức Khmer Krom
Foundation gởi đi. Tại đây, LS Piyaka phối hợp với các luật sư của
Asylum Access để phỏng vấn các trường hợp người Việt đang xin tị nạn và
chuẩn bị cho họ trước khi vào cuộc phỏng vấn với CUTN/LHQ.
“Chúng
ta nói nhiều đến cuộc đàn áp đang diễn ra ở Việt Nam nhưng ít ai nói
đến hậu quả của nó là số người phải bỏ nước đi lánh nạn ngày càng
đông”, Ts. Thắng nhắc nhở.
Ngoài số trên 200 người Khmer Krom
đang lánh nạn ở Thái Lan còn có khoảng 50 đồng bào dân tộc (Thượng)
theo đạo Tin Lành và một số nhỏ người Kinh thuộc các tổ chức nhân quyền.
CUTN/LHQ cho biết sẽ quyết định về đơn xin tị nạn của Sư Sakhorn vào trung tuần tháng 6.
Trong
chuyến viếng thăm đồng bào Việt ở Houston cuối tuần qua, DB Cao Quang
Ánh cho biết sẽ tiếp xúc ngay với văn phòng CUTN/LHQ ở Hoa Thịnh Đốn để
can thiệp đặc biệt cho Sư Sakhorn cũng như để nêu vấn đề bảo vệ cho
hàng trăm người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan nói chung.
Nguồn: Mạch Sống
|