Phạm Trần
Nhìn
lại Việt Nam sau 34 năm, không ai có thể ngờ rằng hoà bình đắt giá hơn
chiến tranh và lằn ranh ngăn cách giữa người Việt Nam ở hai bên bờ cuộc
chiến vẫn còn nguyên đó.
Hãy nhớ lại thời Cộng sản Việt Nam áp
dụng chính sách kinh tế bao cấp, trung ương tập quyền, lao động tập thể
hợp tác xã, và cảnh người dân xơ xác trong áo quần xốc xếch cầm tem
phiếu mua thực phẩm đứng nối đuôi nhau trước các cửa hàng quốc doanh để
nghĩ về đời sống bây giờ.
Tình hình kinh tế
Trước
hết, ngày nay trên đất nước Việt Nam không còn cảnh xếp hàng đến lượt
mình thì cô thư ký cửa hàng nhà nước bảo hết hàng rồi, hay Việt Nam
phải nhập cảng gạo như thập niên 70, nhưng vẫn còn hàng chục triệu
người dân không có công ăn việc làm ổn định và rất nhiều người vẫn
thiếu ăn, thiếu mặc. Và dù đã qua gần 10 năm đầu của Thế kỷ 21 Việt Nam
vẫn còn là một trong số quốc gia nghèo nàn và lạc hậu nhất trên thế
giới.
Thứ nhì, nhà nước CSVN, từ sau Đại hội đảng IX năm 2000,
đã theo đuổi giấc mơ muốn biến đất nước lệ thuộc vào nông nghiệp thành
một nước công nghiệp vào năm 2020, nhưng sau hơn 20 năm được gọi là
“đổi mới”, tiêu chí này đã có những dấu hiệu khó đạt được.
Thứ
ba, dù Việt Nam bây giờ đứng hàng thứ nhì xuất cảng gạo trên thế giới,
chỉ sau có Thái Lan, nhưng nhiều triệu người vẫn còn bị đói nghèo. Nhà
nước Việt Nam, dựa vào tiêu chuẩn của mình chỉ nhận còn chừng từ 11 đến
13% trong số 85 triệu người dân còn trong diện đói nghèo. Nhưng nếu dựa
theo tiêu chuẩn nghèo của Liện Hiệp Quốc thì con số này phải là từ 18
đến 20 phần trăm. Số ngưởi dân tộc (thiểu số) ở vùng cao và cùng sâu
vẫn chiếm tỷ lệ đói nghèo cao nhất, nhưng không ai nắm được con số
chính xác.
Tuy nhiên, trong một Báo cáo vào tháng 12/2008 nhà nước Việt Nam đã nhìn nhận: “Hiện
cả nước có 61 huyện thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, chiếm
khoảng 18% tổng số hộ ở nông thôn vào cuối năm 2007, trong đó trên 90%
là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Thứ tư, chủ trương nóng vội
của Việt Nam từ năm 2000 khi thu hẹp diện tích trồng lúa để lấy đất xây
các khu công nghệ do vốn đầu tư của nhà nước, hay hợp doanh với nước
ngoài và tư nhân nhưng vì làm dài trải, có tính thi đua, thiếu quy
họach, hàng hoá làm ra thiếu tiêu chuẩn, nhất là về phương diện vệ sinh
nên hàng xuất khẩu bị trả về, hay chất lượng không tốt bằng hàng nước
ngoài khiến ít người mua mà giá thành lại quá cao nên nhiều công ty bị
thua lỗ hay phá sản.
Thứ năm, hàng trăm ngàn công nhân trong
nước mất việc từ cuối năm 2008 do hậu quả kinh tế suy thoái toàn cầu đã
ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài và của Việt Nam. Một trong những
khuyết điểm kinh tế lớn của nhà nước là đã để lệ thuộc quá lâu vào việc
làm mướn (gia công) cho các công ty nước ngoài. Khi các công ty này
phải đóng cửa bỏ về nước, hay vì hàng làm ra không bán được nên phải
cho công nhân nghỉ việc thì số công nhân, phần đông không có tay nghề,
phải đi lang thang kiếm bất cứ công việc gì. Nhiều người trong số họ
phải quay về quê ăn bám gia đình, tăng thêm gánh nặng kinh tế xà xã hội
cho nông thôn vốn lệ thuộc phần lớn vào đồng lương của số người đi làm
xa nhà.
Thứ sáu, tuy có chủ trương “đổi mới”, nhưng đảng CSVN
lại vẫn ngông nghênh không chịu “đổi màu” để mở cửa hội nhập toàn diện
với thế giới bên ngoài. Nhà nước vẫn chỉ muốn làm ăn theo lối “nửa
vời”, có lợi thì mở, không có lợi và không kiểm soát được thì lại co
vòi, đóng lại, cộng thêm nạn giấy tờ, thủ tục chồng chất, thiếu minh
bạch và không công bằng khiến cho nhiều nhà đầu tư nản lòng bỏ cuộc.
Nền kinh tế đã thiếu bền vững, vì vậy càng lung lay hơn.
Thứ
bảy, như đã quy định trong Cương Lĩnh năm 1991, đảng CSVN tiếp tục làm
kinh tế dựa vào lý luận rất mơ hồ và lung tung là: “Phát triển nền kinh
tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành
theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế quốc doanh
và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc
dân. Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả
lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu”.
Chủ trương “nửa đom
đóm, nửa đèn dầu” này đã biến thành cái giá quá đắt cho Việt Nam phải
trả. Sau hơn 20 năm đổi mới từ năm 1986 dù đã được gia nhập WTO (World
Trade Organization) được trên 2 năm, nhưng Việt Nam vẫn chưa được Tổ
chức thương mại Quốc tế này nhìn nhận có nền kinh tế thị trường. Vì lý
do này, Việt Nam chưa được hưởng các quyền lợi mậu dịch và tài chính do
WTO dành cho các nước có thị trường kinh tế tự do, cởi mở, công bằng và
ngay thẳng với mọi đối tượng.
Hồi tháng 6/2008, khi đến Hoa Kỳ,
Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, đã xin Tổng thống George W. Bush
yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
nhưng vì ông Bush sắp mãn nhiệm và Quốc Hội sắp phải bầu lại nên yêu
cầu này cũng chỉ được “nghe rồi bỏ đấy”. Bây giờ việc này nằm trong tay
Tổng thống Barack Obama và Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát , nhưng
chưa biết đến bao giờ yêu cầu của Việt Nam mới được đem ra thảo luận.
Tuy
nhiên, cho đến bây giờ, trong đảng CSVN vẫn còn một số người có đầu óc
bảo thủ và cực đoan nhưng lại có ảnh hưởng trong đảng vẫn khư khư cho
rằng Việt Nam không cần phải nhượng bộ theo đòi hỏi của WTO mà cứ giữ
vững thứ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Người
đứng đầu nhóm “cãi chày, cãi cối” này là Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy
viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ông Bình viết trên Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng rằng: “WTO
không thừa nhận nước ta có kinh tế thị trường vì lẽ ta theo định hướng
xã hội chủ nghĩa, họ cho ta 12 năm nữa để cắt bỏ định hướng xã hội chủ
nghĩa mới được công nhận là kinh tế thị trường! Mặc họ, ta độc lập, tự
chủ, đường ta ta cứ đi, không cần xin họ để có kinh tế thị trường "đầy
đủ”! Kinh tế thị trường có nhiều dạng thức, nhiều hình thái khác nhau.
Có kinh tế thị trường tự do cổ điển, có kinh tế thị trường chủ nghĩa tự
do mới, có kinh tế thị trường xã hội của chủ nghĩa xã hội dân chủ, có
kinh tế thị trường chỉ huy v.v… Mỗi kiểu thị trường ấy lại có nhiều mầu
sắc khác nhau. Ở nước ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, cũng là một hình thái kinh tế thị trường chứ sao, vậy ai được
phép cấm?” (Tạp chí Tuyên Giáo, 11/2008)
Tuy nhiên hiện nay
trong đảng CSVN đang có khuynh hướng đòi bỏ chủ trương xây dựng đất
nước phải dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh. Những người này cho rằng quan điểm này đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn
Đức Bình, người đóng vai quan trọng trong việc hoàn thành Cương lĩnh
năm 1991 đã chống lại khuynh hướng này trên Tạp chí Tuyên giáo hồi
tháng 11 năm 2008.
Phe bảo thủ, tiêu biểu như Nguyễn Đức Bình, đã thể hiện quan điểm của họ trong Cương lĩnh 1991. Họ lý luận rằng: “Chủ
nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế
giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất
định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch
sử”.
Bằng chứng tụt hậu
Nhưng
cho đến năm 2009, sau 18 năm thi hành Cương lĩnh năm 1991 “Xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội”, Việt Nam vẫn chưa tiến
được một bước trong sự nghiệp gọi là “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”
đất nước.
Để chứng minh cho những nhận định trên, chúng ta hãy cùng đọc Báo cáo của Nhà nước hồi tháng 3/2009: “Bước
sang năm 2009, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm, khó có khả năng
phục hồi sớm, tiếp tục tác động tiêu cực lớn đến kinh tế nước ta. Quý I
năm 2009, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước chỉ đạt 3,1%, là mức
thấp nhất trong nhiều năm qua; xuất khẩu chỉ tăng 2,4%; công nghiệp
tăng 2,1%; khách du lịch nước ngoài giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2008;
đầu tư nước ngoài chậm lại.”
Mặt khác, Tô Huy Rứa, Ủy viên
Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đã đưa ra những hình ảnh bi
quan của nền kinh tế năm 2009.
Trong báo cáo về “Một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay” tại cuộc Hội thảo dài 2 ngày (13-14/4/2009) của Hội đồng Lý luận Trung ương tại tỉnh Bắc Ninh, Tô Hhuy Rứa nói: “Tốc
độ tăng trưởng GDP (Gross Domestic Product, Sản xuất Nội Địa) suy giảm.
Hoạt động xuất, nhập khẩu chịu tác động nặng nề. Nguồn vốn đầu tư quốc
tế suy giảm, đầu tư nước ngoài vào nước ta cũng chịu ảnh hưởng bất lợi.
Các lĩnh vực quan trọng khác cũng chịu những tác động bất lợi của khủng
hoảng kinh tế toàn cầu như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thị trường
chứng khoán có những biến động rất bất thường, thị trường bất động sản
rơi vào tình trạng bị “đóng băng”; nguồn thu ngoại tệ phi mậu dịch – du
lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối đều giảm. Hoạt động tín dụng có biểu
hiện chững lại do xuất khẩu sụt giảm và sức mua trên thị trường nội địa
chưa được cải thiện; các ngân hàng đang phải đối mặt với “bài toán” hóc
búa về khả năng thanh toán…”
“Về thực tiễn: Tăng trưởng
kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước; chất lượng, hiệu
quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch
theo hướng hợp lý và hiện đại hoá còn chậm. Các cân đối vĩ mô trong nền
kinh tế còn thiếu vững chắc, thực lực kinh tế của quốc gia còn yếu, dễ
bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Con đường và giải pháp
tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, về cơ bản, vẫn dựa chủ yếu vào
việc gia tăng quy mô các yếu tố đầu vào, vì thế tỷ lệ giá trị gia tăng
trong hầu hết các sản phẩm còn rất thấp.
Hầu hết các
mặt hàng xuất khẩu được coi là chủ lực nhiều năm nay vẫn là nguyên liệu
thô, hàng sơ chế, hàng gia công cho nước ngoài, kéo theo sự thua thiệt
lớn trong quan hệ thương mại quốc tế.
Kinh tế nhà nước chưa thể
hiện rõ vai trò chủ đạo. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hoạt động
thấp; trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý vẫn tụt hậu xa so với các
nước tiên tiến; tính độc quyền còn cao. Kinh tế tập thể còn nhỏ bé,
phát triển chậm, vai trò thực tế còn mờ nhạt. Kinh tế tư nhân chưa phát
triển mạnh đúng với tiềm năng.”
Về lực lượng lao động, Tô Huy Rứa nhìn nhận: “Thị
trường sức lao động còn sơ khai: nguồn lao động tuy đông về số lượng,
gia tăng với tốc độ nhanh, nhưng chất lượng còn rất thấp. Cơ cấu lao
động còn nhiều mặt bất hợp lý, lạc hậu và chuyển dịch chậm. Tình trạng
thất nghiệp và thiếu việc làm còn nghiêm trọng”.
Hiểm hoạ xã hội - lãnh thổ
Do
tình trạng kinh tế tụt hậu , nhiều tệ nạn xã hội như nạn trộm cắp, mại
dâm, ma túy, lường gạt, gây thương tích đều gia tăng gây xáo trộn trong
xã hội.
Tô Huy Rứa xác nhận: “Lĩnh vực xã hội :đã có nhiều
vấn đề bức xúc, trong năm 2008 và quý I-2009 lại có những dấu hiệu gay
gắt hơn và tình hình này có thể còn diễn biến phức tạp”.
Nhưng
quan trọng hơn là tình trạng cách biệt giàu-nghèo trong xã hội, giữa
thành thị và nông thôn, giữa các vùng xa và cao và giữa các sắc dân
càng ngày càng giãn ra. Không ai biết rõ số phần trăm của khoảng cách
mà chỉ biết chắc rằng, trong khi nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những
thành phần có chức và có quyền mỗi ngày một giàu thêm thì những người
có đồng lương có định, nông dân và những người dân không có nghề chuyên
môn lại nghèo đi, không đủ ăn.
Sự cách biệt giữa những kẻ cầm
quyền với người dân còn được chứng minh trong nền giáo dục. Số trẻ em
con nhà nghèo thất học ngày một tăng cao, nhất là ở các vùng nông thôn
và khu vực thiếu việc làm từ Nam ra Bắc. Một cuộc điều tra ở vùng đồng
bằng song Cửu Long cho biết số học sinh con nhà nghèo phải bỏ học trung
bình từ 30 đến 40 phần trăm. Số trẻ em ở miền Trung cũng tương tự như
thế, nhưng ở vùng cao và vùng hải đảo thì có nơi lên đến hơn 50%.
Trong
khi đó, con cán bộ, đảng viên có điều kiện đi học lên đến 90% hoặc cao
hơn. Và trong số ngót 100 ngàn học sinh du học có đến 2/3 du học tự túc
đều là con nhà giàu và cán bộ, đảng viên.
Sự cách biệt quá xa
này đã khiến cho người dân,một số Đại biểu Quốc Hội và ít báo trong
nước nêu thắc mắc, nếu không tham nhũng và có cơ hội và phương tiện thu
nhập ngoài luồng thì làm sao mà lương cán bộ có thể cho con đi du học
nước ngoài?
Bằng chứng “quốc nạn” tham nhũng của Việt Nam vì vậy
đã hết thuốc chữa không có gì cần bàn luận sau gần 5 năm có Luật
“Phòng, Chống Tham Nhũng” (2005).
Nhân chứng Lê Khả Phiêu, Cựu Tổng Bí thư đảng nói lên điều này với hãng Thông tấn AFP (22/4/09): “Tôi luôn luôn mong ước và mong chờ những kết quả lớn lao hơn trong công tác chống tham nhũng.” (I have always wished and waited for greater results in this fight against corruption)
Ông Phiêu nói: “Sự
tiến triển trong việc chống tham nhũng hiện nay chưa đạt được như ý
muốn... Việc khó khăn nhất đối với Việt Nam là làm cách nào để có được
một nhà nước trong sạch”. (The progress
made leaves much to be desired... The biggest problem facing Vietnam
was figuring out how to create a "healthy administration".)
Tình
trạng phân hoá và mất đoàn kết dân tộc không chỉ tồn tại giới hạn trong
các lĩnh vực giàu nghèo và tham nhũng thối nát trong hàng ngũ cán bộ,
đảng viên mà còn lan rộng giữa người dân ở các địa phương khác nhau.
Nổi
bật nhất là tình trạng chia rẽ chưa sao hàn gắn được giữa người miền
Nam “bại trận” và những kẻ Bắc “thắng trận” sau 34 năm kết thúc chiến
tranh. Cho đến năm 2009, người dân miền Nam có “gốc gác” trong chính
quyền cũ vẫn còn bị kỳ thị trong việc xin việc làm, lý lịch con cái của
các cựu viên chức và sĩ quan quân đội VNCH vẫn còn là một “chướng ngại
vật” trong việc học hành. Thương bệnh binh, nhất là những người bị tàn
tật của quân đội VNCH không bao giờ được “tiêu chuẩn” nhà nước chữa trị.
Ngoài
ra cũng phải kể đến hoàn cảnh khó khăn hiện nay của khỏang 5 triệu
người dân tộc (thiều số) trên Tây Nguyên sau 34 năm thống nhất đất
nước. Số dân của núi rừng này vẫn bị đối xữ thiếu công bằng trên nhiều
phương diện, nhưng quan trọng nhất là họ vẫn bị kỳ thị trong các lĩnh
vực giáo dục, kinh tế và xã hội. Số phận đồng bào dân tộc ở vùng Tây
Bắc (miền Bắc), đặc biệt số dân theo đạo Thiên Chúa Giáo, cũng vẫn bị
nghi kỵ và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Trong lĩnh vực
chính trị, tuy đảng CSVN luôn luôn đề cao chủ trương “hoà hợp” với
những người bất đồng ý kiến, nhưng chưa bao giờ đảng CSVN chịu “hoà
giải” với những người một thời đối lập với họ. Nghị quyết 36 "Về công
tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ban hành ngày 26 tháng 3 năm
2004 là bằng chứng thất bại của chính sách không thật lòng của đảng
CSVN nên đã bị tẩy chay bởi người Việt tị nạn đang sinh sống ở nước
ngoài.
Ngay cả những người tranh đấu đòi dân chủ và tự do ôn hoà
trong nước cũng bị đảng CSVN hù hoạ, bỏ tù và loại bỏ. Bằng chứng của
thái độ này đã xảy ra cho các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Bác sĩ
Nguyễn Đan Quế, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Linh mục Nguyễn
Văn Lý, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Ấn Quang) v.v…
Cũng
vào thời điểm kỷ niệm 34 năm ngày VNCH rơi vào tay quân Cộng sản thì
nguy cơ đất nước có thể bị Tàu hoá đang diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam
bằng sự hiện diện ào ạt và phi pháp của hàng ngàn công nhân Tàu làm
việc trong các dự án kinh tế, xây dựng trên cả nước và khai thác quặng
bauxite trên Tây Nguyên.
Một phong trào phản đối sự có mặt của
người Tàu và kế họach khai thác quặng Bauxite dành cho người Tàu thực
hiện đang nổi lên ở trong nước và trong các cộng đồng người Việt ở nước
ngoài.
Vì an ninh quốc gia và sự tồn vong của dân tộc mà nguy cơ
Tàu “quản lý” toàn bán đảo Đông Dương bao gồm Việt-Miên-Lào, sau khi
đặt chân vào vùng đất Tây Nguyên chiến lược của Việt Nam cũng đã được
đặt ra trong các cuộc thảo luận này.
Việc này xảy ra vào lúc lực
lượng hải quân Trung Hoa gia tăng các hoạt động quân sự để bảo vệ cho
khu vực lãnh hải rộng lớn mà họ coi là “đặc quyền kinh tế” của họ chiếm
tới 75% diện tích của Biển Đông, bao gồm cả hai Quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam.
Đó là hình ảnh của Việt Nam cho đến
tháng 4 năm 2009, sau 34 năm Hà Nội xua quân chiếm lãnh thổ của Việt
Nam Cộng Hoà từ nam Vĩ tuyến 17 xuống mũi Cà Mau.
Ngày nay tuy
đất nước không còn chiến tranh và lãnh thổ không còn bị chia cắt, nhưng
lòng người dân ở 3 miền Nam-Trung-Bắc vẫn chưa có cơ hội xích lại gần
nhau thì đã phải lo đến hiểm họa ngoại xâm.
Phạm Trần (04/09)
|