The Economist
Diên Vỹ chuyển ngữ
Chính quyền đặt phát triển kinh tế lên trên tinh thần bài ngoại và thiên nhiên
Trong
một quốc gia độc đảng, nơi mà người dân thường xuyên bị bỏ tù nếu dám
chỉ trích chính sách nhà nước, việc lên tiếng phản đối thì hầu như rất
hiếm hoặc là rất dại dột. Nhưng việc chính phủ dự định mở cửa cho các
công ty Trung Quốc được quyền khai thác một số địa điểm trong vùng đất
có trữ lượng bauxite khổng lồ, nằm trong vùng Tây Nguyên tươi tốt đã
gây nên một phản ứng chỉ trích chưa từng có trong mọi tầng lớp. Họ bao
gồm vị anh hùng thời chiến 90 tuổi Võ Nguyên Giáp, vị tu sĩ chống đối
Thích Quảng Độ, và đông đảo những nhà khoa học hàng đầu cũng như những
người trong phong trào bảo vệ môi trường.
Tướng Giáp lại phải vào trận chiến mới
Việt
Nam may mắn có được một trữ lượng bauxite đứng thứ ba trên thế giới,
đây là thứ nguyên liệu thô dùng để chế biến nhôm, và chính quyền cộng
sản này rât muốn gặt hái lợi nhuận từ nó. Trong dự án được Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng gọi là "một chính sách lớn của đảng và nhà nước", chính
quyền đang tìm cách kêu gọi khoảng trên 15 tỉ đô-la đầu tư nhằm xây
dựng các công trình khai thác bauxite và luyện nhôm cho đến năm 2025.
Họ đã ký kết hợp đồng với một công ty con của Chinalco, một tập đoàn
khai thác mỏ do chính phủ Trung Quốc sở hữu, để xây dựng một công trình
mỏ, và đã đồng ý với Alcoa, một công ty nhôm khổng lồ của Hoa Kỳ để
nghiên cứu tính khả thi của một mỏ khác.
Những nhà chỉ trích
cho rằng tiến hành những việc khai thác bauxite với qui mô lớn trong
khu vực hiện đang trồng cà phê và những nông sản khác sẽ gây ra những
hậu quả không thể khắc phục nổi đối với môi trường và đảo lộn đời sống
của những dân tộc ít người đang cư trú ở Tây Nguyên. Bauxite thường
được khai thác từ các mỏ lộ thiên, thường để lại những vết sẹo khổng lồ
trên đất. Quá trình tinh chế cũng thải ra chất "bùn đỏ" độc hại, có thể
gây ô nhiễm nghiêm trọng nếu bị trôi lẫn vào các sông ngòi.
Bấy
nhiêu chưa đủ, sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào một dự án đầy
tranh cãi này đã hâm nóng lại tinh thần bài Hoa đang âm ỉ ở Việt Nam,
nơi từng bị người láng giềng lớn đô hộ cả nghìn năm và từng chiến đấu
chống lại nó trong một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1979.
Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
đang bị đặt ngoài vòng pháp luật, cho rằng Việt Nam đang đứng trước
"nguy cơ mất nước" vì "hàng loạt các ngôi làng của nhân công Trung Quốc
đang dựng lên ở Tây Nguyên, và khoảng 10 nghìn người Trung Quốc sẽ đến
định cư trong năm tới." Những lời nói của ông được hưởng ứng bởi đội
quân blogger Việt Nam đầy nhiệt tình, và một nhóm chống khai thác
bauxite đã được thành lập tại trang Facebook, một trang mạng xã hội nổi
tiếng, đã tập hợp gần khoảng 700 thành viên. Dường như không chỉ những
blogger người Trung Quốc là những người duy nhất dùng đến việc thổi
bùng ngọn lửa bài ngoại. Mặc dù chắc chắn đa số trong họ bị tinh thần
này lôi cuốn, nhưng bên cạnh đó còn có những quan tâm thực sự vì quá
khứ tồi tệ về môi trường của nhiều công ty khai thác mỏ Trung Quốc.
Cho
dù dưới động cơ nào đi nữa, chính quyền Việt Nam vẫn đang lo lắng trước
sự chống đối Trung Quốc của công chúng. Họ vừa đóng cửa tờ bán nguyệt
san Du Lịch trong vòng 3 tháng vì đã đăng tải một loạt các bài viết về
những tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia. Lý do nằm trong việc Trung
Quốc là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đang có một
thâm thủng mậu dịch khổng lồ với người láng giềng và đang thúc đẩy
chính phủ Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa để cân bằng sự thâm thủng
này. Trong khi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm 40% trong quí đầu
của năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái - và đa số các quốc gia giàu có
đang thiếu tiền - Việt Nam cần tiền từ Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Phong
trào chống đối Trung Quốc sẽ càng thất vọng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng vẫn dành một tuần lễ thăm viếng Trung Quốc để tìm cách kêu gọi đầu
tư và hứa hẹn sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty Trung Quốc
hoạt động ở Việt Nam. Sau khi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia
Bảo, ông Dũng nói rằng hai quốc gia sẽ phấn đấu để phát triển nền
thương mại song phương từ 20 tỉ trong năm 2008 lên đến 25 tỉ trong năm
2010 và tìm cách đối phó với tỉ lệ chênh lệch trong thương mại.
Phó
Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa tuyên tố tại một hội nghị các nhà khoa
học quan tâm về ảnh hưởng môi trường rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi
dự án bauxite "bằng mọi giá". Nhưng trên thực tế thì trong thời buổi
kinh tế suy sụp như thế này, kẻ ăn xin không được quyền kén chọn.