Thứ Ba, 2024-11-05, 8:31 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 25 » Mối nhục của một quốc gia
8:01 PM
Mối nhục của một quốc gia

Ngô Nhân Dụng

Một cuốn tiểu thuyết đang bán rất chạy ở Trung Quốc, đã được dịch sang tiếng Anh, kể chuyện loài sói và loài người sống chung trên cánh đồng cỏ ở Nội Mông. Cuốn Wolf Totem của Jiang Rong là một bản anh hùng ca về những cánh đồng cỏ mênh mông. Trong không gian bát ngát đó sói và người vừa đấu trí và đấu sức giành sự sống, vừa cộng tác để gìn giữ cho những thảo nguyên khỏi biến thành sa mạc, suốt mấy ngàn năm từ thời trăm ngàn năm trước cho tới bây giờ. Ðọc đến trang 319 trong bản dịch do Penguin Press xuất bản, thấy một đoạn tả cảnh một con sói xông vào đàn cừu, bắt một con ăn thịt ngay tại chỗ.


Tokyo: Thủ tướng Nhật Taro Aso tiếp kiến Nông Ðức Mạnh tại Dinh Thủ tướng ngày 20/04/2009

Chuyện Wolf Totem, tức Lang Tú Ðằng (Tú Ðằng đọc là Tu Ðen, phiên âm chữ Totem) là câu chuyện một sinh viên đại học Bắc Kinh bị đày lên Mông Cổ đi chăn cừu để “học tập lao động” trong thời “Cách mạng Văn hóa,” giống như cuộc đời tác giả Jiang Rong (Khương Nhung) đã trải qua. Một bữa anh sinh viên này được bạn rủ đi lên trên đồi quan sát những hang ổ chuột chũi và học kế bắt chúng, bỗng anh phải quay lại khi thấy một con sói tấn công đàn cừu.

Anh chứng kiến cảnh con chó sói cắn cổ vật ngã một con cừu, rồi nó xé da xả thịt ăn. Ðó là một con sói đói quá phải mạo hiểm một mình đi bắt cừu giữa ban ngày, thay vì chờ cả bầy tấn công ban đêm theo trận thế. Anh sinh viên vẫn cho rằng đạo quân của Thành Cát Tư Hãn đã học phép bầy binh bố trận của loài sói cho nên mới chinh phục được bao nhiêu mảnh đất từ Âu Châu sang Á Châu. Anh đứng quan sát con sói ăn mồi, theo kế của người bạn Mông Cổ kiên nhẫn chờ con sói ăn no nặng bụng rồi mới động thủ thì sẽ hạ được nó dễ dàng.

Ðàn cừu bị sói tấn công lúc đầu hoảng sợ chạy tán loạn. Nhưng khi thấy con sói bắt đầu ngồi xuống bàn tiệc ăn thịt một đồng loại rồi thì cả đàn cừu yên tâm, vì một con sói thường ăn không hết một con cừu đã no, và khi no rồi thì con sói không màng đến những món ăn trước mắt. Lũ cừu dần dần lại bình thản đứng gặm cỏ như cũ. Nhiều con cừu còn tò mò tiến đến gần ngó xem con sói nó ăn thịt “đồng bào” mình như thế nào, giống như người ta đi xem thiên hạ đánh nhau. Tác giả mô tả bộ mặt của mấy chú cừu kia có vẻ như muốn nói với con cừu đang bị ăn thịt: “May quá! Con sói nó ăn thịt mày! Thành ra nó không ăn thịt tao!” Nhiều con cừu bạo dạn tiến tới sát bên cạnh, cả đám chen chúc nhau để được nhìn rõ xem con sói đang ăn tiệc một mình như thế nào.

Nhân vật của Jiang Rong là một sinh viên ham đọc sách. Nhìn cảnh đó, anh nhớ lại một đoạn văn của Lỗ Tấn. Nhà văn tả cảnh thời trước Ðại Chiến Thứ Hai khi quân Nhật chiếm Trung Quốc, một đám đông người Trung Hoa cũng đứng quan chiêm cảnh một quân nhân Nhật Bản chuẩn bị chém đầu một người Trung Hoa. Anh sinh viên tự nhủ, “Chẳng trách được, những người du mục Mông Cổ họ coi người Hán cũng giống như đàn cừu.”

Các nước Á Ðông đã từng bị quân Nhật chiếm đóng ôm một nỗi hận rất lớn đối với đám quân đội của Thiên Hoàng. Người Việt Nam không chia sẻ cảm tưởng đó vì nước ta chỉ bị quân đội Nhật chính thức chiếm đóng trong một thời gian ngắn, từ cuộc đảo chính vào Tháng Ba tới ngày nước Nhật đầu hàng vào Tháng Tám. Ngược lại, người Việt thường có cảm tình với người Nhật, vì các nhà ái quốc trong phong trào Ðông Du đã sang Nhật tìm học; một phần khác vì quân Nhật đã lật đổ chế độ đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta.

Các nước khác ở Á Ðông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan thì không may đã phải sống dưới ách cai trị rất tàn bạo của đoàn quân Nhật Bản, cho nên trong ký ức của họ còn chứa nhiều niềm phẫn uất. Lỗ Tấn từng đánh thức đồng bào của ông bằng cách nhắc nhở đến những mối nhục của người Trung Hoa trong thời đại ông sống. Ông bắt đầu bằng việc mô tả những hình ảnh lạc hậu, chậm tiến, những hủ tục trong xã hội Trung Hoa; với những cảnh người mạnh ức hiếp người yếu, người giàu sống phè phỡn bên cạnh người nghèo đang đói lả chờ chết. Ðồng bào ông sống trong cảnh đó nhưng nhiều người không hề ý thức được rằng sống như vậy đã là một nỗi nhục.

Tuy nhiên chàng sinh viên trong truyện Wolf Totem, và tác giả Khương Nhung, có dịp nhớ lại Lỗ Tấn thì chỉ nhớ tới cảnh nhục nhã khi những người Trung Hoa dửng dưng đứng coi một người Nhật chém cổ đồng bào của họ mà không làm gì để phản kháng. Chắc hình ảnh đó đã làm cho các nhà văn, từ Lỗ Tấn đến Khương Nhung, ghi khắc một nỗi xấu hổ rất lớn trong lòng, có dịp thì phải nhớ lại. Có lẽ loài người không chú ý đến những nỗi nhục nhã chính mình gây cho mình. Trái lại, ai cũng dễ ghi nhớ nỗi nhục khi phải so sánh mình với người khác; so sánh gia đình mình với gia đình khác, dân tộc mình với dân tộc khác. Một người đàn ông đối xử tàn tệ với vợ con mình thường không cảm thấy nhục khi người khác chứng kiến. Nhưng thấy con mình bị người hàng xóm mắng một câu thì, không biết phải trái ra sao, đã rất dễ nổi lòng căm phẫn!

Ngày xưa Phan Bội Châu sang đến Nhật Bản, ngay trong những ngày đầu, đã ba lần cụ cảm thấy xấu hổ khi thấy lối sống của những người dân bình thường ở Nhật Bản và chợt nhớ đến đồng bào mình ở nước “An Nam” và cảm thấy nhục nhã. Ðó là những cảnh mấy người cảnh sát Nhật ở nhà ga xe lửa tận tâm đi tìm hành lý của cụ bị thất lạc, rồi đem tới tận nơi, cúi đầu và nghiêng mình xin lỗi xin trả lại cụ. Ở nước Nam ta, cụ không thấy người Việt ăn ở với nhau như vậy. Một cảnh khác là cụ Phan và cụ Tăng Bạt Hổ kêu một anh kéo xe chở mình đi tìm một người du học sinh Trung Hoa được các nhà cách mạng Trung Hoa khác giới thiệu. Anh phu xe đưa hai cụ đến địa chỉ không tìm thấy, anh hỏi thăm rồi lại đưa đi nữa, quanh quẩn suốt cả buổi mới tìm ra. Nhưng anh chỉ lấy đúng số tiền của chuyến xe đi từ nhà ga tới địa chỉ đó, cụ Phan muốn trả thêm tiền công đi tìm nhưng anh nhất định không nhận. Lại một lần nữa, cụ Phan nhớ tới đồng bào mình và cảm thấy hổ thẹn.

Nỗi hổ thẹn của Phan Bội Châu xuất phát từ nền giáo dục Nho Giáo. Khi cụ trông thấy những người Nhật Bản có nghĩa khí, sống trung trực, giữ danh dự, đúng như hình ảnh mẫu người “quân tử” mà chính cụ đã học từ cha mẹ, thầy giáo của mình; cụ cảm thấy hổ thẹn vì Việt Nam và Nhật Bản cùng chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo mà sao nước người ta có những người bình dân ăn ở quân tử như vậy, còn nước mình thì rất ít? Mạnh Tử nói biết hổ thẹn là mầm mống của đức Dũng, Phan Bội Châu chứng tỏ điều đó.

Ông Nông Ðức Mạnh mới qua thăm Nhật Bản, nhưng chắc ông không được trải qua những kinh nghiệm như Phan Bội Châu. Tuy nhiên, thế nào cũng có lúc ông phải cảm thấy đỏ mặt, nếu như làn da mặt của ông cũng bén nhạy như phần lớn loài người. Ðó là khi các quan chức Nhật Bản nhắc nhở các quan chức Việt Nam nên tích cực hơn trong việc chống tham nhũng. Trong việc bang giao, người ta không thể nói rõ hơn.

Tại sao chính phủ Nhật Bản phải lên tiếng nhắc nhở như vậy? Không phải vì người ta cố ý nhắc nhở tới vụ các cán bộ cao cấp của đảng cộng sản đã bắt các nhà thầu Nhật phải hối lộ hàng triệu Mỹ kim, hay những cán bộ ăn cắp tiền Nhật viện trợ làm cầu làm đường để đi đánh cá bóng đá, để làm nhục các vị khách người Việt đang sang thăm nước Nhật. Nhưng chính phủ Nhật Bản phải cảm thấy họ có bổn phận nêu lên vấn đề đó chỉ vì họ chịu áp lực của dư luận dân chúng. Cả nước Nhật biết tiền đóng thuế của họ đem cho Việt Nam đã bị các cán bộ cộng sản ăn cắp như thế nào. Nếu chính phủ Nhật không nói gì đến, thế nào họ cũng bị báo chí và phe đối lập chỉ trích.

Nhưng nếu làn da mặt của ông Nông Ðức Mạnh cũng bén nhạy như những người Việt Nam khác, chắc hẳn không cần chờ đến lúc được nhắc nhở về việc bài trừ tham nhũng thì mới thấy chút hổ thẹn trong lòng. Chỉ cần khi được đưa đi du ngoạn qua những vườn hoa anh đào ở Tokyo thì một người Việt Nam bình thường, tự đáy lòng cũng phải cảm thấy hổ thẹn rồi. Vì ai cũng nhớ lại cảnh hoa anh đào Nhật Bản đem sang Hà Nội đã bị người ta tranh nhau bẻ, hái công khai như thế nào trong ngày Hội Anh Ðào năm ngoái. Chính phủ Hà Nội có thể cảm thấy hãnh diện vì đã giữ được trật tự trong lễ hội năm nay. Nhưng ở một nước mà phải huy động được tới 500 cảnh sát công an tới bảo vệ 6 cây hoa anh đào, thì người dân nghe tới cũng phải cảm thấy không đáng hãnh diện chút nào cả.

Nếu như Phan Bội Châu sống vào thời nay thì chỉ cần nhìn thấy dân Nhật Bản đi coi hoa anh đào mà không có một viên cảnh sát nào phải đứng canh gác hoa, cụ Phan cũng phải thấy xấu hổ rồi. Như rất nhiều người Việt Nam đang sống ở Nhật Bản đang chia sẻ nỗi hổ thẹn đó.

Một nỗi nhục do hành động của một cá nhân gây ra thì chỉ một cá nhân đó ăn năn và xấu hổ. Nhưng khi những đồng bào vô danh của mình tham dự vào những hành động nhục nhã, thì cả dân tộc cũng chia sẻ nỗi nhục đó. Cái nhục càng được chia cho nhiều người thì lại càng lớn hơn.

Tại sao dân tộc Việt Nam mình lại lâm vào cảnh nhục nhã như vậy? Chắc hẳn đồng bào ta cũng biết lý do vì đâu rồi.

Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 777 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0