Ngô Nhân Dụng
Hàng ngàn người Việt Nam, ở trong nước và bên ngoài, đã ký tên vào bản kiến nghị
yêu cầu đảng Cộng Sản Việt Nam ngưng vụ khai thác các mỏ bô xít
(bauxite) ở cao nguyên Trung phần. Việc khai mỏ này đe dọa môi trường
sống và tài nguyên kinh tế ở các vùng từ Tây nguyên xuống bờ biển miền
Trung nước ta. Mỗi ngày càng nhiều người hưởng ứng cuộc tranh đấu của
những nhà trí thức đại diện cho lương tâm dân tộc Việt. Bộ Chính Trị
đảng Cộng Sản vẫn cương quyết khai thác bô xít và chưa chịu lùi bước.
Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng đều tuyên bố đó là
một “đường lối lớn” của đảng, cho nên từ bây giờ có thể gọi tên nhóm
người này là đảng Bô Xít.
Trước phong trào phản đối ngày càng
lan rộng, ông Thủ Tướng Bô xít Nguyễn Tấn Dũng đã bay qua đảo Hải Nam
để xin ý kiến của các đồng chí từ Bắc Kinh bay xuống. Nếu người Việt
Nam ở Úc Ðại Lợi (Australia) có thể mô phỏng dư luận nước này mà phong
cho ông Nguyễn Tấn Dũng làm phó đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội. Giống như
ông Thủ Tướng Úc Kevin Rudd đang được các đại biểu đối lập trong Quốc
Hội phong cho tước hiệu Ðại sứ Lưu động của Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Quốc. Thủ Tướng Rudd đang tính chấp thuận cho công ty Nhôm Trung Quốc
(China Aluminium Corporation, viết tắt là Chinalco) mua và khai thác
các quặng mỏ ở Úc, trong đó cũng có cả quặng bô xít. Tháng Sáu này hội
đồng chính phủ phụ trách việc cho phép các công ty ngoại quốc đầu tư
vào Úc mới quyết định về việc cho phép Chinalco mua 18% cổ phần của
công ty Rio Tinto, để trở thành cổ đông với phần hùn lớn nhất hay
không. Nhưng hiện nay phong trào phản đối trong dân chúng Úc đang lên
cao, chắc chắn là gây ồn ào náo nhiệt hơn ở Việt Nam vì dân Úc được tự
do viết báo, lên đài bầy tỏ ý kiến.
Trung Quốc có chiến lược tìm
tài nguyên khắp thế giới. Từ hàng chục năm qua, Bắc Kinh cho người đi
mua quyền khai thác quặng mỏ kim loại và dầu lửa ở Châu Phi, Châu Á và
Nam Mỹ. Tuần báo Economist đã viết một bài nhan đề “Thực Dân Mới” với
hình bìa là một đoàn người Trung Quốc cưỡi ngựa và lạc đã đi trên sa
mạc ở Phi Châu, người dẫn đầu trương cao ngọn cờ ngũ tinh mầu đỏ của
Trung Quốc. Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa này các nhà thực dân
mới không cần dùng súng đạn đi xâm chiếm đất nước khác như đám thực dân
vào thế kỷ 18, 19 - trừ khi họ đã dùng súng chiếm từ trước, như Trung
Quốc đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, và chiếm thêm Trường Sa
năm 1988. Nhưng họ không thể sử dụng đường lối đó với các quốc gia độc
lập khác. Bây giờ họ phải dùng thị trường thay cho bãi chiến trường,
lấy tiền bạc (tốt nhất là dùng đô la Mỹ) làm khí giới, qua các thị
trường chứng khoán họ mua cổ phần của các công ty về quặng mỏ và dầu
lửa. Hoặc điều đình trực tiếp mua luôn quyền làm chủ tất cả một công
ty, để được hưởng những tài nguyên mà công ty đó được quyền khai thác.
Giống như năm 2005 công ty CNOOC của Trung Quốc đã toan mua Unocal của
Mỹ để mua lấy quyền khai thác dầu khí của Unocal ở Trung Á, Miến Ðiện
và Úc. Hồi đó các đại biểu Quốc Hội đã buộc chính phủ Mỹ phải tìm cách
ngăn cản, cho nên Cnooc đành bỏ cuộc khi thấy gặp khó khăn.
Năm
ngoái, tổng số tiền mà Trung Quốc đã chi vào việc đầu tư ở nước ngoài
là 52 tỷ Mỹ kim, bằng hai phần ba tổng sản lượng nội địa của Việt Nam;
trong đó hai phần ba là để nắm quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trong ba tháng đầu năm 2009 họ đã bỏ ra 23 tỷ Mỹ kim trong 65 vụ thương
thuyết đầu tư kiểu này. Dùng cơ cấu thị trường đi mua tài nguyên nước
khác là phương pháp làm ăn lương thiện, tôn trọng luật chơi kinh tế.
Nhưng chính phủ một nước mạnh như Trung Quốc vẫn có thể dùng biện pháp
khác, gây ảnh hưởng trực tiếp trên chính quyền các nước khác để được ưu
đãi trực tiếp khai thác lâm sản, đá quý (Miến Ðiện và Lào) hoặc quặng
mỏ (như ở Việt Nam, Congo). Trong trường hợp đó họ chỉ dùng “diễn biến
hòa bình” chứ không dùng vũ lực, mà lại không tốn tiền như khi phải mua
cổ phần trên các thị trường.
Vụ Chinalco mua Rio Tinto trở thành
một đề tài chính trị ở Úc vì báo chí và các đại biểu Quốc Hội Úc tìm ra
rằng chưa đầy một tuần sau khi ông chủ tịch Chinalco ký giấy thuận trả
gần 20 tỷ Mỹ kim để mua 18% cổ phần của Rio Tinto, thì ông ta được
thăng lên cấp phụ tá bộ trưởng trong chính phủ Bắc Kinh, với trách
nhiệm đi mua thêm tài nguyên các nước khác. Một điều ai cũng biết nhưng
ở Úc từ trước không ai nêu ra, là Chinalco không phải là một công ty
kinh doanh thuần túy. Như tất cả các xí nghiệp lớn ở Trung Quốc, họ là
những cánh tay nối dài của đảng Cộng Sản và nhà nước có nhiệm vụ thực
hiện các mục tiêu chính trị. Cộng Sản Trung Quốc dùng các xí nghiệp
quốc doanh như những đạo quân đi chiếm tài nguyên của thế giới qua thị
trường kinh tế tư bản. Ông chủ tịch công ty Chinalco đóng vai trò một
nhà kinh doanh khi ra nước ngoài mua bán, nhưng trong đảng Cộng Sản thì
ông là một cán bộ do Bộ Chính Trị điều động.
Ông Tiêu Á Khánh
(Xiao Yaqing) 49 tuổi tốt nghiệp kỹ sư vào lúc Ðặng Tiểu Bình bắt đầu
tư bản hóa kinh tế nước Trung Hoa. Ông leo lên dần dần trong guồng máy,
được Giang Trạch Dân và Chu Dong Cơ chiếu cố cất nhắc, năm 2004 được
lên làm bí thư đảng ủy công ty Chinalco. Năm đó ông đã tranh mua với 10
công ty quốc tế khác, thắng cuộc đấu thầu mua một quặng mỏ bô xít ở Úc
với giá 3 tỷ đô la Mỹ. Ðó cũng là thời gian Trung Quốc bắt đầu chú ý
tới mỏ bô xít ở Việt Nam. Mỏ bô xít này nằm bên vùng khai thác mỏ của
Rio Tinto, công ty khai thác khoáng sản lớn thứ ba trên thế giới. Năm
2007, Chinalco cộng tác với một công ty Á Rập Sau đi mua mỏ đồng ở Peru
từ một công ty Canada. Họ tranh thắng dễ dàng vì họ không quản ngại trả
giá cao để đạt mục đích chính trị.
Cuối năm 2007, công ty khai
thác mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton của Anh đề nghị mua các cổ phần
để chiếm đa số kiểm soát công ty Rio Tinto. Lúc đó ai cũng biết Rio
Tinto đang mang những món nợ lớn tới 38 tỷ đô la Mỹ, sau khi vay để mua
công ty nhôm Alcan của Canada, món nợ này khiến nhiều cổ đông lo sợ
muốn bán cổ phần của họ. Nếu thành công, BHP sẽ làm chủ những mỏ sắt
lớn nhất thế giới. Rio Tinto không muốn bị BHP “nuốt” cho nên đi tìm
các công ty khai mỏ khác điều đình bán cổ phần cho họ, hy vọng rằng làm
như vậy BHP sẽ không thể chiếm được đa số cổ phần với khả năng áp đảo.
Nghe tin đó, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc đã họp khẩn cấp các
công ty khai mỏ, nằm trong guồng máy dưới sự điều hợp của Cơ Quan Phát
Triển và Ðổi Mới (NDRC) của Bắc Kinh. Chinalco được trao nhiệm vụ đóng
vai “phò cứu” cho Rio Tinto bằng cách mua cổ phần của hãng này.
Ðể
thực hiện “diễn biến hòa bình” trên, Chinalco được hai ngân hàng nhà
nước Trung Quốc tài trợ, một ngân hàng do con ông Chu Dong Cơ đứng đầu,
ngân hàng kia có con một người phụ tá của ông Ðặng Tiểu Bình điều
khiển. Tiếu Á Khánh đã mời công ty nhôm Alcoa của Mỹ hợp tác, góp một
phần nhỏ trong cuộc đầu tư này để khỏi lộ liễu.
Ðêm 31 Tháng
Giêng năm 2008, sau khi thị trường New York và London đều đóng cửa,
đích thân ông Tiếu Á Khánh cùng với các chuyên viên thị trường của công
ty cố vấn đầu tư Mỹ Lehman Brothers thức suốt đêm đặt mua các cổ phần
của Rio Tinto trên các thị trường quốc tế. Cứ như vậy, họ thu mua được
9% số cổ phần của Rio Tinto với số tiền 14 tỷ Mỹ kim, ngày hôm sau
Chinalco trở thành cổ đông có số cổ phần lớn nhất của công ty khai mỏ
Anh-Úc này. Sau đó, BHP bỏ ý định mua Rio Tinto. Nhưng cũng từ đó giá
cổ phần các công ty mỏ và kim loại tụt xuống vì kinh tế thoái trào khắp
nơi khiến nhu cầu kim loại đột ngột giảm bớt. Có lúc giá cổ phần xuống
thấp đến mức số tiền đầu tư của Chinalco đã mua cổ phần Rio Tinto chỉ
còn trị giá 4 tỷ Mỹ kim, lỗ khoảng 10 tỷ.
Nhưng địa vị của ông
Tiếu Á Khánh không bị lung lay. Trái lại, ông còn nghe lời khuyên của
công ty cố vấn Mỹ J.P. Morgan đề nghị tăng gấp đôi số cổ phần Chinalco
làm chủ. Dịp may vừa tới, công ty Rio Tinto đang mang những món nợ lớn
và tới Tháng Mười năm 2009 sẽ phải trả gần 9 tỷ đô la tiền nợ. Tháng
Mười Hai năm 2008, ông Douglas Rithcie, giám đốc chiến lược của Rio
Tinto đã nói chuyện với đại diện của Chianlco ở Úc, để nhờ giới thiệu
với các ngân hàng Trung Quốc ngõ hầu có thể vay nợ mới trả nợ cũ.
Chinalco
lúc nào cũng sẵn tiền, đã đề nghị cho Rio Tinto vay hơn 7 tỷ Mỹ kim
dưới hình thức trái khoán “khả hoán” (convertible bonds), mà các trái
khoán nay có thể đổi thành cổ phần của công ty Úc. Ngoài ra, Chinalco
sẽ bỏ ra thêm hơn 12 tỷ đô la mua một số mỏ quặng của Rio Tinto. Ban
giám đốc của công ty Úc đã chấp thuận đề nghị này, thay vì bán thêm cổ
phiếu trên thị trường để gây vốn lấy tiền trả món nợ đáo hạn Tháng Mười
năm nay.
Nhưng khi báo chí loan tin Chinalco sắp bỏ thêm 19.5 tỷ
đô la để làm chủ 18% số cổ phần của Rio Tinto, dư luận Úc và cả thế
giới phải chú ý. Người ta thấy đây không phải là một cuộc mua bán hoàn
toàn vì lý do kinh tế mà đằng sau còn những ẩn ý chính trị. Nhất là khi
nghe tin ông Tiếu Á Khánh được thăng quan tiến chức, thì mối nghi ngờ
trên càng lớn, khiến các đại biểu Quốc Hội Úc phải chất vấn ông thủ
tướng, một người nói thông thạo tiếng phổ thông Trung Quốc và đã từng
làm nhà ngoại giao của Úc ở Trung Quốc trước đây. Vì vậy ông Kevin Rudd
được dân Úc phong làm Ðại sứ Lưu động của chính phủ Trung Quốc!
Tại
Úc Nghị Sĩ Barnaby Joyce lên ti vi đặt câu hỏi: “Chính phủ Trung Quốc
không bao giờ cho phép chính phủ Úc mua một mỏ kim loại ở Trung Quốc!
Tại sao chúng ta lại để cho người Trung Quốc mua và kiểm soát một tài
sản chiến lược của nước ta?” Ở Việt Nam nhiều người cũng muốn đặt câu
hỏi giống như vậy, nhưng họ không bao giờ được nói công khai trên báo,
trên đài. Vì đảng Bô Xít Việt Nam kiểm soát tất cả các phương tiện
truyền thông, bịt miệng tất cả những ý kiến chống Bô xít.
Ðến
Tháng Sáu này chúng ta mới biết sau cùng tham vọng làm chủ một phần năm
tài sản Rio Tinto của đảng Cộng Sản Trung Quốc có thành công hay không.
Trong kinh tế thị trường theo lối tư bản, hiện tượng một công ty nước
này làm sở hữu chủ các xí nghiệp của nước khác không làm ai ngạc nhiên.
Vì đồng tiền có được tự do tìm chỗ đầu tư sinh lời cao nhất thì kinh tế
thế giới mới phát triển mạnh. Nhưng trong trường hợp các công ty Trung
Quốc đầu tư thì khác. Vì ai cũng biết các công ty này chỉ là dụng cụ
của chính phủ Bắc Kinh để thực hiện tham vọng gây ảnh hưởng chính trị
của họ.
Trong vụ khai thác Bô xít ở Việt Nam, họ có tham vọng
gì, chắc chỉ có Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Bắc Kinh biết
với nhau thôi, mà Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội chưa
chắc đã biết. Nhưng khi hàng ngàn nhà trí thức ở trong nước và hải
ngoại đã lên tiếng yêu cầu ngưng ngay việc này, nếu đảng Cộng Sản Việt
Nam vẫn nhất định bịt tai không nghe thì phải đổi tên họ thành đảng Bô
xít thật.
Giáo Sư Tôn Thất Thiện đang cư ngụ ở Canada đã đề nghị
người Việt hải ngoại nêu vấn đề môi trường sống ở Tây nguyên bị tàn phá
nếu khai thác bô xít để yêu cầu các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế
điều tra, can thiệp và can ngăn các lãnh tụ đảng Bô xít Việt Nam. Ðó là
một phương pháp đấu tranh mới mà chúng ta cần vận dụng.
Ngô Nhân Dụng Nguồn: Người Việt Online
|