Lê Văn Cương
Viện Chiến lược và Khoa học Công an
Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2009
VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC CHẾ BIẾN BAUXITE Ở DAK NÔNG VÀ LÂM ĐỒNG CỦA TKV
Sau khi dự các cuộc hội thảo khoa học do VUSTA và Văn phòng Trung ương
Đảng tổ chức và khảo sát các cơ sở khai thác, chế biến Bauxite ở Dak
Nông, Lâm Đồng, tôi có một số ý kiến (bước đầu) như sau:
1. Dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên do TKV làm chủ đầu tư là không hiệu quả về kinh tế, bởi lẽ:
Trong dự án TKV trình Thủ tướng Chính phủ có mấy vấn đề:
1. Một là, TKV chưa tính đến, hoặc tính chưa hết, chưa đủ các chi phí
chắc chắn sẽ phát sinh như: vấn đề vận chuyển quặng, bán thành phẩm,
hóa chất phục vụ khai thác, chế biến và xuất khẩu (trên quãng đường
khoảng 250km), chi phí sử dụng điện, nước....
2. Hai là, Trung Quốc sẽ chuyển công nghệ lạc hậu sang Việt Nam (Trung
Quốc có công nghệ tiên tiến hoặc có thể mua công nghệ tiên tiến của các
nước phát triển, nhưng họ không chuyển cho Việt Nam).
3. Ba là, việc TKV chọn Trung Quốc là đối tác duy nhất bao tiêu sản phẩm là hết sức rủi ro, nguy hiểm.
Tôi không rõ TKV không biết, hay biết mà cố tình không báo cáo đầy đủ ? Tôi tin là có cả hai.
Còn nhiều vấn đề khác, nhưng với 3 vấn đề trên có thể đưa ra dự báo:
chỉ riêng về mặt kinh tế, dự án khai thác, chế biến Bauxite của TKV ở
Tây Nguyên chắc chắn không có hiệu quả, thậm chí có thể lổ lớn.
2. Dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên của TKV về lâu dài, sẽ gây ra thảm họa về môi trường, sinh thái.
- Một là, các hồ chứa bùn đỏ ở Dak Nông và Lâm
Đồng có thể an toàn trong khoảng 10 - 15 năm tới, ngoài 20 năm không ai
có thể yên tâm. Mùa mưa Tây Nguyên kéo dài nhiều tháng; có những trận
mưa lớn kéo dài tới 5 -7 ngày, thậm chí đến 10 ngàỵ. Trong điều kiện đó
các hồ chứa bùn đỏ trên cao nguyên rất có thể xảy ra sự cố (tràn hồ,
lún sụt, vỡ đập, rạn nứt đáy hồ...).
- Hai là, nơi khai thác, chế biến Bauxite ở Dak
Nông và Lâm Đồng nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Sê-rê-Pôk
(chảy sang đất Campuchia và sông Mê Kông). Không ai có thể bảo đảm là
khai thác, chế biến Bauxite sẽ không làm ô nhiễm (nhiễm bẩn, nhiễm độc)
nguồn nước của hai con sông này. Có khoảng 15 triệu người sử dụng nước
của hệ thống sông Đồng Nai (nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, sản
xuất...). Tập đoàn TKV hoàn toàn không có khả năng (về tài chánh, công
nghệ...) khắc phục, xử lý ô nhiểm đối với sông Đồng Nai và sông
Sê-rê-Pôk.
Chi phí để khắc phục thảm họa môi trường sẽ lên đến hàng chục tỷ đôla,
sẽ lớn hơn hàng chục lần lợi ích thu được từ khai thác, chế biến
Bauxite.
3. Dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia
Các đe dọa đối với an ninh quốc gia không diễn ra nhanh chóng và dễ
nhận thấy như hiệu quả kinh tế và tai biến môi trường. An ninh quốc gia
bị suy yếu nghiêm trọng do:
- Một là, dự án không có hiệu quả về kinh tế,
thậm chí thua lỗ, từ đó tác động lớn đến chính trị - xã hội của đất
nước, dân mất lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà
nước.
- Hai là, thảm họa về môi trường sinh thái sẽ tác
động to lớn đến ổn định chính trị- xã hội. Hàng chục triệu người sẽ
phải chịu hậu quả nặng nề về môi trường sống mà không thể khắc phục
được trong thời gian ngắn.
- Ba là, Trung Quốc vào Tây Nguyên là họ đã có
điều kiện khống chế đối với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện
nay Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri - sát
biên giới tỉnh Dak Nông với thời gian 99 năm, và Trung Quốc đã làm chủ
các dự án kinh tế lớn ở tỉnh A-Ta-Pu - tỉnh cực Nam của Lào, giáp với
Việt Nam và Campuchia (tại ngã ba Đông Dương). Đây là hậu họa khôn
lường đối với an ninh quốc gia. Không rõ những người quyết định cho
Trung Quốc vào Tây Nguyên có biết điều này không ?
4. Kiến nghị
4.1. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ trực tiếp nghe ý kiến của các nhà khoa học về dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên.
4.2. Cho làm thử với quy mô nhỏ (khoảng 300 ngày tấn alunune/năm), sau 5-10 năm sẽ quyết định quy mô lớn.
NGƯỜI BÁO CÁO
Thiếu tướng, PGS TS Lê Văn Cương
|