Vũ Khởi Phụng
Các bạn thân mến,
Từ
hơn một năm nay, tôi đa đoan với những vấn đề ở Thái Hà, Hà Nội, nên có
phần lơ là với những chuyện xảy ra ở những địa phương khác. Đến khi
những cơ quan truyền thông nước ngoài và các trang mạng loan tin việc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng báo động công khai về các hiểm hoạ
tiềm tàng trong vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tôi mới giật mình.
Việc quân sự và quốc phòng thì tôi không dám lạm bàn, nhưng tôi trăn
trở về vấn đề môi trường và thân phận của anh chị em đồng bào Thượng ở
Tây Nguyên.
Ngày
xưa, tôi đã từng biết cả một vùng từ Đà Lạt xuống Lâm Đồng, thiên nhiên
đẹp như mơ, như một cõi địa đàng. Vẻ đẹp ấy đã tàn tạ nhiều phần do tác
động của con người. Nhưng chưa bao giờ Tây Nguyên và Lâm Đồng bị đe doạ
tàn khốc như trong viễn ảnh mỏ bauxite. Hơn nữa, nếu Đại tướng và nhiều
nhà chuyên môn về môi trường dự đoán đúng, thì không chỉ Cao Nguyên mà
cả vùng xuôi miền Nam cũng bị vạ lây ở mức độ chưa từng có.
Tôi
lại nối những cảnh báo ấy với những gì thấy được ở gần Hà Nội, những
làng mắc bệnh ung thư bên Bắc Ninh, những vùng nước ngầm bị nhiễm độc,
những dòng sông cá chết ở Hà Nam… Rồi một vụ to lớn là vụ xí nghiệp
Vedan đầu độc cả một vùng sông nước và nông nghiệp ở miền Nam. Ở nơi
nào cũng nổ ra những vụ ô nhiễm như thế, và cứ trầm trọng thêm mãi, thì
chúng ta và các thế hệ mai sau sẽ ra thế nào? Tôi tin rằng giữa sự huỷ
hoại thiên nhiên và tâm thể lý con người có mối tương tác. Đây là một
vấn đề nghiêm trọng, tôi xin khoan bàn ở đây.
Với
đồng bào Thượng, tôi không có duyên được sống nhiều với anh chị em để
phục vụ, nhưng được sống trong Giáo Hội, tôi cũng có nhiều dịp thăm
viếng, khi thì Kontum, Pleiku, khi thì Đà Lạt, Lâm Đồng. Tôi đã được
đến thăm Tân Rai, nay chính là địa điểm khai thác bauxite, khi Tân Rai
còn hoang sơ. Tôi được gặp cả các vị thừa sai miền Thượng lẫn bà con
giáo dân, và các bạn sinh viên người dân tộc về học hành ở các thành
phố. Qua những tiếp cận, bên cạnh những điều phấn khởi, tôi được chia
sẻ những lo âu, bức xúc, có khi là những tâm trạng bế tắc không lối
thoát nơi các cộng đồng dân tộc. Trong các cộng đồng ấy, người Kinh khó
có ai tự đồng hoá được với bà con dân tộc, và được bà con thân tình
chấp nhận như các vị thừa sai.
Xét
bề ngoài, ta có cảm tường như bà con dân tộc đã tiến một bước dài, từ
những ngày Cao Nguyên còn đẹp như mơ, nhưng cuộc sống trong xã hội là
một điều hết sức phức tạp, không thể chỉ lượng giá bằng một chút ngoại
diện, mà phải tính đến những tương quan vật chất và tinh thần. Và chính
từ những tương quan ấy đã nảy ra những bóc lột, đau buồn, đôi khi vô
vọng mà tôi đề cập sơ qua trên đây. Vả chăng, ở nhiều nước và nhiều
lúc, sự đụng chạm giữa các dân tộc ít người với những nhóm người phát
triển hơn đã gây ra những hậu quả điêu đứng thế nào cho người yếu thế
là một vấn đề đã từng được nghiên cứu; chỉ có điều những bài học kinh
nghiệm ấy hình như chưa bao giờ được ứng dụng một cách rốt ráo trong
thực tế phát triển của Tây Nguyên.
“Phát triển toàn diện” là một ý niệm được nhắc tới trong Giáo Hội từ ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố thông điệp “Các dân tộc đồng tiến”
(Populorum Progressio). Nhưng làm thế nào để “phát triển toàn diện” thì
xem ra chưa tìm được công thức cụ thể. Có vẻ như những người thiết tha
với vấn đề thì không thực hiện được, hoặc không được thực hiện. Còn
những người đang chủ động phát triển, thì chẳng quan tâm đến cái “toàn
diện”, hoặc nếu có thì chắp vá một cách hời hợt. Nếu chương trình khai
thác bauxite tiến hành đúng kế hoạch, với sự hiện diện ồ ạt của công
nhân Trung Quốc, thì vấn đề chỉ càng thêm khó khăn trầm trọng mà thôi.
Và như thế anh chị em dân tộc có nguy cơ còn nghèo đói triền miên về
vật chất, kéo theo một sự xâm hại tương đương về mặt tinh thần và tâm
linh.
Những
trăn trở về môi trường và cuộc sống “toàn diện” của anh chị em dân tộc
khiến tôi không an tâm về dự án bauxite. Tôi mong có thể làm một cái gì
để đóng góp cho thiện ích chung, mà không biết phải làm thế nào. Thế
rồi Tuần Thánh và lễ Phục Sinh đến, nhà thờ ngày nào cũng đông đúc, bộn
bề. Mối lo toan bauxite chỉ biết nằm yên một chỗ trong tâm trí, chứ
không sinh sôi được cái gì cả. Nhưng tôi có một niềm an ủi nho nhỏ, ấy
là dư luận xã hội bắt đầu chuyển động. Sau lễ Phục sinh, đã thấy dấy
lên một phong trào góp ý. Các bậc thức giả, trong đó có nhiều vị rất có
uy tín trong xã hội, đã lên tiếng một cách khá sôi nổi và sâu sắc. Như
thế đúng là một biến chuyển tích cực, hiếm thấy trong xã hội chúng ta.
Tuy
nhiên, vẫn còn đó một nỗi ưu tư: các nhà chính trị, quân sự, các học
giả, các nhà trí thức, các chuyên viên, một vài nhân vật tôn giáo đều
đã có tiếng nói. Về phần chúng ta, những tín hữu Chúa Kitô, có cần nói
gì, bày tỏ gì không? Hoặc không nói gì cũng là nói chăng? Nhưng đó là
nói cái gì? Bát Nhật Phục Sinh qua đi, nhà thờ vẫn như bặt vô âm tín về
vụ bauxite. Thật ra, trên mấy trang mạng có một vài ý kiến của mấy bạn
giáo dân, nhưng e rằng những ý kiến đơn lẻ đó có thể bị mất hút giữa
bao nhiêu sự ồn ào thì sao? Tôi lại thấy các vị bên Phật Giáo báo động
vụ khoét núi khai thác than ở danh thắng Yên Tử, nhờ vậy đã bảo vệ được
một môi trường thiên nhiên, văn hoá, và tâm linh quý giá. Nhân Cơ hay
Tân Rai không phải là danh thắng, nhưng chứng ta cũng có một điều rất
quý: đó là tình liên đới với các bà con dân tộc nghèo nói chung, với
các đồng đạo ở Tân Rai nói riêng. Cuối cùng ở Thái Hà, chúng tôi quyết
định thắp nến cầu nguyện. Trước sau chúng tôi vẫn tin vào sự cầu
nguyện.
Đúng
vào ngày chúng tôi cầu nguyện, lại có một diễn biến mới. Đó là lá thư
của linh mục Lê Quang Uy được phổ biến trên mạng. Cha Uy có những tâm
trạng như tức nước vỡ bờ. Cha thống thiết kêu gọi mọi người ký tên vào
kiến nghị yêu cầu xét lại các dự án khai thác bauxite. Chỉ trong vài
tiếng đồng hồ, hằng mấy trăm người thuộc đủ mọi thành phần, trong nước
và ngoài nước, đã hưởng ứng. Thế ra đằng sau cái vỏ bề ngoài lặng lẽ,
cộng đồng dân Chúa vẫn canh cánh ưu tư chuyện môi trường, và liên đới
với anh chị em nghèo. Tiềm năng ấy thật khích lệ. Rồi đến tối buổi cầu
nguyện ở Thái Hà đông nghịt người thắp nến. Như vậy, chúng ta vào cuộc
hơi chậm, nhưng cũng có khí thế.
Sự
thể mới này khiến cho tôi hiểu rằng từ nay những điều Giáo Hội Công
Giáo nói về vấn đề bảo vệ môi trường và công bình xã hội sẽ có một tập
thể tín hữu đông đảo lắng nghe. Tôi muốn được đóng góp một phần nhỏ vào
nhiệm vụ chung bằng cách ôn lại đạo lý của Giáo Hội. Những đạo lý này
không mới, vì đã có sẵn nhiều năm nay rồi. Nhưng có lẽ những lo toan
hàng ngày có thể làm cho ta quên lãng ít nhiều. Chúa Giêsu dạy: “Khi Thánh Thần đến, Ngài sẽ làm cho anh em nhớ lại những điều Thầy dạy” (x. Ga 14,26). Phải chăng trong những chuyển biến gần đây trong xã hội, cũng có một hơi gió của Thánh Thần làm cho ta “nhớ lại”
các điều Hội Thánh dạy? Vả lại, nhiệm vụ không phải chỉ là ký tên vào
một kiến nghị, tham gia một buổi cầu nguyện, hay phát biểu một vài câu.
Nhiệm vụ là kiên trì đi theo định hướng bảo vệ môi trường sống và cảm
thông liên đới với anh chị em nghèo, đặc biệt nơi các vùng dân tộc.
Những giáo huấn của Hội Thánh là một “của ăn đường” cho một quá trình
xây dựng lâu dài.
Trước
mắt, trong bối cảnh bauxite Tây Nguyên, tôi xin giới thiệu những tuyên
bố của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về mối quan hệ của các sắc dân
bản địa với đất đai và tài nguyên của họ và những đoạn sứ điệp hoà bình
của Đức Bênêđictô XVI trong ba năm gần đây liên quan đến nghĩa vụ bảo
vệ môi trường.
Tôi
biết có nhiều anh chị em đang nghiên cứu về đạo lý của Hội Thánh. Xin
anh chị em tiếp tay tiếp sức để càng ngày càng làm rõ con đường ta đi.
Với
nhiều anh chị em tuy không cùng một niềm tin tôn giáo với chúng tôi,
nhưng vẫn thân tình với chúng tôi trên con đường phục vụ con người,
chúng tôi hy vọng đạo lý Công Giáo sẽ củng cố thêm sự cảm thông và đoàn
kết.
Xin cám ơn tất cả anh chị em.
24/04/2009
Vũ Khởi Phụng