Luật sư Lê Văn Minh
Báo Hà Nội Mới ra ngày 26/4/2009 có bài: Dưới chiêu bài dối trá “cầu
nguyện cho công lý” của tác giả Anh Quang, nội dung bài viết này quy
kết Linh mục Nguyễn Văn Khải và các Linh mục DCCT chia rẽ khối đại đoàn
kết dân tộc... Dưới góc độ pháp luật, chúng tôi có một số ý kiến về bài
viết này.
Dụng ý xấu!
Ngay những dòng đầu của bài viết, Anh Quang đã cho rằng, một số Linh
mục DCCT có "dụng ý xấu". Thế nào là dụng ý xấu? Đọc bài viết: Dưới
chiêu bài dối trá “cầu nguyện cho công lý” của Anh Quang chúng ta đã
bắt gặp nhiều từ ngữ mang tính miệt thị, xúc phạm đến Linh mục Nguyễn
Văn Khải, các linh mục DCCT và toàn thể giáo dân Công giáo. Đó là những
từ ngữ: “hỗn xược, hằn học, kích động, lôi kéo, hỉ hả, vô liêm sỉ…”.
Đây thực sự là sự xúc phạm nặng nề đến danh dự, nhân phẩm của các Linh
mục. Việc xúc phạm này là có "dụng ý xấu", là vi phạm pháp luật, cần
phải được ngăn chặn kịp thời và xử lý theo pháp luật. Bài viết này của
Anh Quang phải chăng đã được viết, được đăng với dụng ý xấu?
Hơn thế nữa, Anh Quang còn dám khẳng định rằng: "một số linh mục Dòng
Chúa Cứu thế đang lợi dụng dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng kêu gọi
chống phá Nhà nước, kích động khiếu kiện, coi thường kỷ cương pháp
luật...”. Căn cứ vào đâu mà Anh Quang lại viết một cách "manh động", vu
khống một cách trắng trợn cho người khác, coi thường pháp luật như thế?
Anh Quang viết như thế nhằm mục đích gì? Viết như thế phải chăng là có
"dụng ý xấu"?
Ai chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc?
Trong bài viết nêu trên của tác giả Anh Quang, người đọc dễ dàng thấy
rằng, tất cả những chi tiết nói về Linh mục Nguyễn Văn Khải như: kêu
gọi giáo dân cầu nguyện cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn
trọng, công lý và hòa bình sớm được hiển trị trên quê hương Việt Nam;
tuân theo đạo đức, tuân theo lương tâm mình; đồng hành với dân tộc...,
đều không có gì để thấy rằng ngài chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc hay
vi phạm những điều to tát như bài viết của Anh Quang đề cập, trái lại,
đó còn là điều tốt và không ai có thể chối cãi.
Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng: việc cầu nguyện cho bất công
sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình sớm được hiển
trị trên quê hương Việt Nam của các Linh mục, giáo dân Công giáo hay
của bất kỳ chức sắc, tín đồ tôn giáo nào đều là chuyện bình thường và
là sự thể hiện cao tinh thần trách nhiệm công dân, thể hiện thái độ yêu
nước, là "đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của
dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người",
như Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2001 đã đề ra.
Tuy nhiên, tác giả Anh Quang nhận định rằng: "kêu gọi giáo dân cầu
nguyện "Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và
hòa bình sớm được hiển trị trên quê hương Việt Nam" thực chất là hành
vi chống lại các chủ trương, chính sách hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư
nước ngoài của Đảng và Nhà nước". Đây là nhận định hết sức hồ đồ và
xuyên tạc, thể hiện sự vu khống một cách trắng trợn, thô bỉ. Hành vi
này của Anh Quang phải chăng đã bị các thế lực thù địch, chống phá nước
ta mua chuộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa các
tầng lớp nhân dân, chia rẽ nhân dân với chính quyền nhân dân, với các
tổ chức xã hội, chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn
giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ
chức xã hội, có dấu hiệu của tội "Phá hoại chính sách đoàn kết" được
quy định tại Điều 87 Bộ luật hình sự.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Các cơ quan chức năng cần điều tra, xem xét
hành vi này của Anh Quang vì đã có dấu hiệu "nhằm chống chính quyền
nhân dân" qua bài viết này.
Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan báo chí cần ngăn
chặn kịp thời những bài viết tương tự như bài viết của Anh Quang nêu
trên để giữ gìn sự trong sáng của báo chí cách mạng, đặc biệt là không
để những phần tử xấu lọt vào cơ quan báo chí để viết, phát tán những
bài có những từ ngữ có vẻ như phục vụ công tác Đảng, nhưng thực chất là
chống lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân
dân, đã "gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc", có dấu hiệu vi phạm
pháp luật hình sự. Những cá nhân này cần được điều tra, xử lý kịp thời
theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Lê Văn Minh
Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực luợng
vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia
rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Nguồn: DCCT
Thế nhưng, trên trang web
Chuacuuthe, một số linh mục Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam và Giáo xứ Thái
Hà tán phát những bài viết với giọng điệu hằn học, phản động, chống đối
chế độ, coi thường chính quyền, lợi dụng dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn
giáo để kích động bà con giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,
cố tình can dự vào các vấn đề chính trị của đất nước với dụng ý xấu.
Thậm chí, Nhà thờ Thái Hà còn ngang nhiên ra Thông cáo tổ chức một cuộc
cầu nguyện vào tối 25-4-2009 để kêu gọi giáo dân hiệp thông.
Trong Thông cáo, với vai trò là phát ngôn viên của Giáo xứ Thái
Hà, linh mục Nguyễn Văn Khải hỗn xược nêu lý do cần phải cầu nguyện là
vì "hiện tượng bất công tràn lan trên khắp đất nước; trước sự kiện môi
trường sống của đồng bào, đặc biệt của anh chị em dân tộc thiểu số ở
Tây Nguyên, đang có nguy cơ bị hủy hoại do chủ trương khai thác bô-xít
ở đây; trước sự kiện đất đai ở nhiều nơi trong đó có Giáo xứ Thái Hà
đang bị ngang nhiên lấn chiếm...".
Với những ai theo dõi hành vi và lời nói của linh mục Nguyễn
Văn Khải từ trước đến nay sẽ chẳng khó khăn gì mà không nhận ra ngay,
cái mà linh mục Khải gọi là "bất công" thực chất là sự hằn học trước
kết quả của phiên xét xử phúc thẩm 8 giáo dân phạm tội "Gây rối trật tự
công cộng" và "Phá hoại tài sản" tại 178 Nguyễn Lương Bằng. Kết quả của
phiên tòa đã tỏ rõ sự công minh của pháp luật, đồng thời thể hiện sự
khoan hồng của Nhà nước đối với những giáo dân do kém hiểu biết, thiếu
thông tin, bị kẻ xấu kích động mà vi phạm pháp luật. Một phiên tòa được
sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội, thế nhưng lại không như ý muốn
của linh mục Nguyễn Văn Khải cũng như sự dày công chuẩn bị những màn
kịch "gây áp lực với chính quyền" của Nhà thờ Thái Hà.
Để chuẩn bị cho cuộc "đấu tranh đòi công lý" cùng với 8 bị can,
Nhà thờ Thái Hà đã cho chuẩn bị 5 nghìn cành vạn tuế, 5 nghìn bức ảnh
Đức Mẹ Công lý (đã được phát hết trong buổi sáng) và 8 nghìn bánh mỳ
(được phát hết trong buổi trưa) và ước tính có khoảng 10 nghìn người
tham dự... như lời linh mục Khải đã hỉ hả tường trình bề trên về cuộc
ra tòa của 8 giáo dân ngày 27-3-2009.
Cũng chẳng có gì lạ khi linh mục Khải tỏ ra rất phấn khích khi
đã kích động, lôi kéo được hàng ngàn giáo dân kéo về trước cửa tòa án,
nhằm gây thanh thế, gây sức ép với chính quyền, làm tắc nghẽn giao
thông suốt buổi sáng tại một cửa ngõ quan trọng của thành phố, bởi tính
chất phản động, coi thường chính quyền, tìm mọi cách để kích động lật
đổ chế độ của linh mục Nguyễn Văn Khải đã được bộc lộ rất rõ trong các
trả lời phỏng vấn của linh mục này với Đài RFA trước đó. Ngày
10-2-2009, khi trả lời phỏng vấn Đài RFA, linh mục Khải cho rằng "nhà
cầm quyền phải chấp nhận đau thương, chấp nhận lột xác, dân tộc mới có
tương lai tươi sáng hơn". Khi gặp mặt chính quyền quận và thành phố để
đối thoại về vấn đề đất đai tại 178 Nguyễn Lương Bằng, linh mục Nguyễn
Văn Khải luôn "nhã nhặn" nói rằng các linh mục và giáo dân luôn kiềm
chế, việc làm của các giáo dân là tự phát, các linh mục không xúi giục.
Thế nhưng, người ta lại thấy, trong đám đông giáo dân tụ tập cầu nguyện
trái phép tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, ở giữa luôn có mặt linh
mục Khải hô hào, kích động giáo dân.
Trong bản Thông cáo, một lý do nữa mà Nhà thờ Thái Hà thấy "bức
xúc" cần phải tổ chức giáo dân cầu nguyện đó là: "Cho các nhà lãnh đạo
quốc gia sáng suốt nhận ra tác hại về môi sinh về kinh tế cũng như về
an ninh quốc phòng của dự án bô-xít ở Tây Nguyên... để từ đó ngừng dự
án".
Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương
nhất quán từ Đại hội IX đến Đại hội X của Đảng. Bộ Chính trị đã nhiều
lần bàn bạc và ra nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng
ngành công nghiệp bô-xít, nhôm phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Tiếp thu ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của
Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và
phê duyệt Quy hoạch vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít
giai đoạn 2007 - 2015 trên cơ sở bảo đảm hiệu quả KT-XH, bảo vệ môi
trường sinh thái, an ninh, quốc phòng phù hợp với yêu cầu phát triển
của cả nước và khu vực Tây Nguyên... Có thể khẳng định, việc triển khai
dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là một quyết định đúng đắn, phù hợp
với yêu cầu phát triển đất nước. Quá trình xây dựng quy hoạch đã được
tiến hành đúng trình tự pháp luật, đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến
công khai của nhân dân và các nhà khoa học.
Thế nhưng, các linh mục của Dòng Chúa Cứu thế đã xuyên tạc về ý
nghĩa và hiệu quả của dự án, nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây
mâu thuẫn giữa nhân dân khu vực có dự án với nhà đầu tư. Việc Nhà thờ
Thái Hà, thông qua phát ngôn viên là Nguyễn Văn Khải, kêu gọi giáo dân
cầu nguyện "Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý
và hòa bình sớm được hiển trị trên quê hương Việt Nam" thực chất là
hành vi chống lại các chủ trương, chính sách hợp tác quốc tế, kêu gọi
đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước.
Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2001 với chủ đề "Để họ
được sống và sống dồi dào" (Ga 10, 10) nhấn mạnh: "Để yêu thương và
phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc,
đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát
triển xã hội và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh
tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng
nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết... bởi
vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả quyền lợi và nghĩa
vụ".
Dư luận xã hội nói chung và dư luận của hơn 6 triệu đồng bào
công giáo chân chính sống "Kính Chúa, yêu nước" đang hết sức phẫn nộ
trước việc một số linh mục Dòng Chúa Cứu thế đang lợi dụng dân chủ, tự
do tôn giáo, tín ngưỡng kêu gọi chống phá Nhà nước, kích động khiếu
kiện, coi thường kỷ cương pháp luật, không tôn trọng và bất hợp tác với
chính quyền. Các linh mục Nhà thờ Thái Hà mà cụ thể ở đây là linh mục
Nguyễn Văn Khải là ai, tự cho mình có quyền gì mà được phán xét các chủ
trương, đường lối chính sách của Đảng, đánh giá những thành quả của
công cuộc đổi mới? Trong những lần gặp chính quyền, linh mục Nguyễn Văn
Khải luôn cao giọng nói rằng: "Chúng tôi là những người tu hành, giảng
dạy đạo lý, nếu chúng tôi không tuân theo pháp luật thì không nói được
ai. Chúng tôi dạy dân sâu hơn cả pháp luật nữa là tuân theo đạo đức,
tuân theo lương tâm mình". Và ngay trong Thông cáo, linh mục Khải cũng
dẫn lời Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Chúng ta phải
đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với
dân tộc mình". Đạo đức, lương tâm ư? Đồng hành cùng dân tộc ư? Đấy
chẳng qua chỉ là sự ngụy biện vô liêm sỉ.
Trong Luật Báo chí có quy định rõ: "Nhà nước tạo điều kiện
thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; quyền tự do ngôn
luận", đồng thời nghiêm cấm lợi dụng tự do báo chí, ngôn luận để "kích
động nhân dân chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; phá hoại khối đại
đoàn kết dân tộc". Những trang web phản động nêu trên cần phải bị loại
bỏ; những kẻ có mưu đồ chính trị đen tối, tự tách mình ra khỏi khối đại
đoàn kết dân tộc, lợi dụng dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do
ngôn luận để chống phá cách mạng phải chịu trách nhiệm hình sự trước
pháp luật.
Anh Quang
|