Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:29 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 29 » Trọng nghĩa hay trọng tiền?
8:02 AM
Trọng nghĩa hay trọng tiền?

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Một bài báo trên trang An Ninh Thủ đô ngày 23/4/2009 của tác giả Trọng Nghĩa được thay đổi nội dung trong chỉ mấy tiếng đồng hồ? Điều gì đã xảy ra vậy?

Đẹp đâu phải ở cái tên


Thoạt nhìn tên tác giả, cái tên thật đẹp: Trọng Nghĩa. Có lẽ khi sinh ra tác giả này, ông bố bà mẹ nào đó cũng có một ước mơ cho người con của mình khi lớn lên có được những đức tính tốt đẹp như truyền thống của đất nước, của dân tộc như cha ông đã dạy: “Trọng nghĩa – khinh tài”.

Nhưng, đọc nội dung bài viết, thật sự tôi thấy thất vọng cho ông bố bà mẹ nào đó nếu biết được những ước mơ của mình chỉ là hão huyền. Đâu còn có “trọng nghĩa” ở đây và chắc là với những bài báo kiểu này, thì chữ “khinh tài” chỉ là điều vớ vẩn?

Vẫn là những lời lẽ ngô nghê hằn học sặc mùi kết tội và cố tình bẻ cong sự thật – một kiểu đánh đòn hội chợ truyền thống với lợi thế độc quyền của báo chí, tác giả đã không thể nói lên được điều gì hơn là sự xuyên tạc sự thật một cách không ngại ngùng, đó có là “trọng nghĩa”?

Thử đọc một số dòng để hiểu nội dung bài báo muốn nói gì và trình độ của tác giả ra sao, nhưng cái chính chúng ta hiểu bản chất con người của tác giả và tờ báo là gì?

Mở đầu bài báo viết: “Ngày 23-4-2009, mượn danh giáo xứ Thái Hà, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải - người được gọi là phát ngôn viên giáo xứ Thái Hà - đã phát đi trên trang web Chuacuuthe cái gọi là “Thông cáo của giáo xứ Thái Hà” với nội dung kích động, xuyên tạc sự thật. Đằng sau cái thông cáo ấy, người bình thường nhất cũng có thể nhận ra Linh mục Nguyễn Văn Khải muốn điều gì”.

Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Khải là phát ngôn viên của Giáo xứ Thái Hà, đó là sự thật. Linh mục Khải chẳng cần mượn danh ai, ở đó Linh mục Khải đã ghi rõ ràng là phát ngôn viên.

Vậy thì ai mới là người mượn danh?

Tác giả mang tên Trọng Nghĩa, có thật là Trọng Nghĩa hay không? với những lời lẽ trong bài viết ai cũng có thể trả lời được tác giả này là trọng nghĩa hay trọng gì? Vậy ai đã “mượn danh”?

Tờ báo mang tên An ninh Thủ đô lại đưa ra một sự kiện và cố tình suy diễn nội dung theo ý áp đặt của mình, mập mờ dẫn dụ nhân dân Thủ đô vào sự nhầm lẫn, thoá mạ một chức sắc tu hành, miệt thị cộng đồng tôn giáo một cách trơ trẽn, dẫn đến sự kỳ thị tôn giáo, không tôn trọng các chức sắc tu hành…

Điều đó chính là phá hoại sự đoàn kết trong quần chúng nhân dân. Vậy nó có còn là “An ninh” hay không? Ai đã mượn danh chỗ này?

Điều dễ thấy sự hèn hạ và không chính đáng của tác giả bài báo là khi nói về bản thông báo được đăng trên chỉ ghi rất mơ hồ là trang web Chuacuuthe mà không dám ghi rõ ràng tên của trang web đó là dcctvn.net? Trong khi tên miền chuacuuthe đã bị đánh sập không thương tiếc ngay từ những ngày đầu Thái Hà nóng lên, mặt khác tên miền chuacuuthe.com đã được cẩn thận dựng bức tường lửa che chắn, do vậy dù độc giả có tìm cả ngày cũng không thể nào tìm ra được trang web đó. Vậy mà họ vẫn sợ? Có gì ở trang web đó khiến họ sợ hãi đến vậy?

Thực ra, đâu chỉ có trang web của Dòng Chúa cứu thế đăng bản thông cáo đó. Ngoài ra còn những trang khác nữa như Vietcatholic.org hoặc giaoxuthaiha.org. Nhưng chắc chắn là có cho kẹo thì tác giả cũng không dám đăng những tên miền này nếu muốn đi đúng lề phải.

Hãy nhìn kỹ và hãy học cách hành xử đàng hoàng đi. Trên những trang web của người Công giáo, những bài báo dù không được ưa chuộng bởi nội dung xuyên tạc của nó, nhưng khi được trích dẫn, vẫn trích nguồn và dẫn link tới bài viết một cách đàng hoàng.

Sự thật và lẽ phải không nằm ở chỗ mập mờ và hèn mạt.

Ai xuyên tạc sự thật?

Nội dung bản Thông cáo của Giáo xứ Thái Hà có “kích động, xuyên tạc sự thật” hay không, người đọc chắc không đến nỗi ngu muội để không hiểu được những gì bản thông cáo đã nói.

Tác giả viết: “Khi đưa ra luận điệu “Trước hiện tượng bất công tràn lan trên đất nước”, Nguyễn Văn Khải đã cố tình khái quát hóa một số việc riêng rẽ, nhằm tấn công trực diện vào bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam - một xã hội mà ở đó, phương châm và hành động “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” đang mỗi ngày một trở thành hiện thực”.

Đọc đoạn văn này của tác giả, tôi cứ ngỡ mình đang sống trong lòng đất nước những năm 60, khi bức màn sắt chụp lên đất nước, cách biệt hoàn toàn với thế giới xung quanh, nên những điều báo chí nói đều là cẩm nang, là Kinh Thánh và được mọi người nhắm mắt cũng tin tưởng.

Nhưng thời nay đã khác.

Sự bất công có lan tràn hay không thiết nghĩ rằng dù có nhắm mắt lại ai cũng hiểu chỉ trừ tác giả và tờ báo cố tình không hiểu?

Chỉ nhìn ngay các mục trên tờ An Ninh thủ đô thôi, hàng loạt ngày càng nhiều những vụ án cướp, giết, hiếp… những chuyện con đánh bố, chồng đánh vợ, học sinh đánh thầy giáo… Đó là gì nếu không phải là sự bất công trong xã hội? Một xã hội có nhiều tội phạm và tệ nạn, có là một xã hội công bằng không? Xin hãy hiểu rằng công bằng không thể xuất hiện trong tội ác.

Hàng đoàn dân oan, hàng loạt án oan, những người dân kéo nhau về thủ đô ngày càng nhiều để kêu oan, khiếu kiện… đó có phải là hậu quả của sự “công bằng, tốt đẹp” mà tác giả bài báo muốn nói? Những cán bộ, công chức là nô bộc của dân đã bóp nặn ông chủ mình từng hào bạc cắc trên đường phố, trong công sở. Những ông đầy tớ dân xà xẻo từ bát cơm cứu đói của dân đến cả gia sản đất đai như là chuyện bình thường… có là sự công bằng tốt đẹp?

Điển hình nhất, hai vụ án xét xử 8 giáo dân Thái Hà gần đây được công phu chuẩn bị bởi hàng loạt cảnh sát và phương tiện, đổ ra biết bao nhiêu tiền bạc và nhân lực như một cuộc chiến. Hãy so với những phiên toà xét xử quan chức tham nhũng bằng những phiên toà khác, để tìm hiểu sự công bằng.

Hãy đừng nói nhiều đến những khẩu hiệu, những khẩu hiệu đó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó là sự thật, nếu nó được thực hiện. Những khẩu hiệu được nêu ra sáng loà, nhưng tối tăm trong thực tế thì hãy nhớ rằng nhân dân không còn ngu dốt và thừa thãi lòng tin.

Tôi giật mình khi đọc đến đoạn văn: “Người dân Việt Nam, trong đó có cả triệu người theo các tôn giáo đang được hưởng một cuộc sống tự do, dân chủ - cuộc sống mà ở nhiều nước trên thế giới người dân lành đang mơ ước”.

Thật sự tôi không hiểu được tác giả đang định nói đến “nhiều nước trên thế giới” đang mơ ước cuộc sống nhân dân Việt Nam là những nước nào? Phải chăng đó là những tên “tư bản giãy chết” mà hiện nay vẫn thường doạ cắt viện trợ ODA cho Việt Nam làm bao nhiêu dự án phải đình trệ? Phải chăng là những quốc gia từng được Việt Nam mệnh danh “chó săn đế quốc” như các nước xung quanh mà hiện nay chúng ta đang đem con dân mình cho họ bóc lột sức lao động hòng kiếm chút tiền còm về nuôi sống gia đình?

Hay ở những nơi mà những người đàn ông già cả, què quặt, ốm đau cũng có thể đến Việt Nam và được cả trăm thiếu nữ thoát y biểu diễn hòng mong được họ mua về đất nước họ? Hay ở những nơi mà những cô gái Việt Nam chúng ta được trưng bày trong tủ kính như món cá cảnh cho người địa phương tha hồ lựa chọn?

Phải chăng tác giả muốn nói đến Bắc Hàn xã hội chủ nghĩa anh em? Nơi mà hàng năm cả thế giới nhốn nháo thông tin cứu trợ vì nạn đói luôn đe doạ? Nơi mà chắc thế giới sẽ dành để làm mô hình cho hậu thế học hỏi về “Thiên đường Chủ nghĩa cộng sản”?

Hoặc tôi chưa được chứng kiến những đất nước đó, hoặc tác giả cố tình nhằm mắt nói liều. Hai điều đó, những người có nhận thức sẽ tự tìm cho mình câu trả lời.

Hài hước nhất, là tác giả này đã viết: “Nguyễn Văn Khải đã vượt quá giới hạn của một người tu hành, can thiệp vào chính trị, đi ngược lại lợi ích của đất nước” .

Cần phải nói ngay rằng dù là người tu hành, thì linh mục Nguyễn Văn Khải cũng là một công dân. Không có bất cứ điều luật nào cấm công dân bàn tán, tham gia hoặc hoạt động chính trị. Chính trị không hề được quy định là độc quyền của bất cứ một nhóm người nào. Việc công dân có tham gia chính trị hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân đó.

Tôi không thể hiểu tại sao khi tham gia, can thiệp chính trị lại là đi ngược lợi ích đất nước? Vậy những người tham gia hệ thống chính trị hiện nay có là đi ngược lại lợi ích đất nước hay không? Phải chăng chỉ có họ tham gia, thì đi xuôi, còn tất cả những thành phần khác tham gia là đi ngược lợi ích đất nước? Lợi ích đất nước hay lợi ích của ai?

Những nhà sư luôn luôn tụng niệm “đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” thường diện áo cà sa, những linh mục quốc doanh thường mặc áo tu sĩ trong diễn đàn quốc hội, trong các tổ chức chính quyền, mặt trận, uỷ ban họ có “vượt quá giới hạn của một người tu hành, can thiệp vào chính trị, đi ngược lại lợi ích của đất nước” hay không? Hay chỉ vì họ được lãnh đạo tuyệt đối của Đảng nên việc làm đó không phải là chính trị?

Những dòng tác giả này viết về việc khai thác bauxite đã chứng minh việc bóp méo sự thật đến mức độ trơ trẽn và bịa đặt trắng trợn, bài báo viết: “Ai cũng biết, việc khai thác quặng bauxite là một vấn đề lớn, dự án đã được đưa ra bàn trong các hội thảo khoa học, đã được trình trước Quốc hội để các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến, Đảng và Nhà nước đã lắng nghe mọi ý kiến, phân tích trên cơ sở khoa học và đời sống dân sinh để có một quyết định đúng đắn, vì sự giàu mạnh và phát triển bền vững của đất nước” .

Không hiểu tác giả này lấy cơ sở nào để đăng lên những thông tin này cho nhân dân Thủ đô khi mà đội ngũ trí thức đất nước và nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả bậc công thần chế độ đang thẳng thắn đề nghị dừng lại dự án Bauxite để cứu Tây Nguyên? Khi mà những khu dự án đã đưa nhân lực Trung Quốc vào làm việc nhưng chỉ đến gần đây mới có một buổi thảo luận về dự án gây nhiều tranh cãi này. Cũng chẳng có thông tin nào rằng Quốc Hội đã được trình, nhân dân được đóng góp ý kiến?

Chắc cần phải hỏi lại tờ An ninh Thủ đô điều này: Nhân dân nào và quốc hội nào đã được Đảng và Nhà nước lắng nghe về vấn đề bauxite Tây Nguyên Việt Nam thời gian qua?

Nếu tác giả và tờ báo cho rằng việc nói đến việc cứu lấy Tây Nguyên qua vụ dự án Bauxite “là chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc” , là “can thiệp thô bạo vào những quyết sách của Đảng và Nhà nước” thì người đầu tiên đáng được xử với những “tội tày đình” này phải là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một công thần chế độ đã cả gan gửi thư đến can ngăn Thủ tướng chính phủ. Sau đó hàng ngũ những trí thức, nhân sỹ, những nhà văn… những người có tâm huyết với đất nước lần lượt phải đưa vào tù hoặc xử bắn để những quyết sách của Đảng và Nhà nước không bị ai can thiệp.

Và cũng đến đây thì ai tim đen, ai tim đỏ đã rõ ràng.

Cũng có một chi tiết mà tác giả đã nói như sau: “linh mục Nguyễn Văn Khải đã cố tình “xới” lại một chuyện cũ - mà chuyện đó đã êm thấm” .

Vâng, đã êm thấm, khu đất đó đã được giữ lại, không thể bán, đổi, chia chác.

Nhưng êm thấm với ai lại là chuyện khác. Thực ra, khu đất đó đã êm nhưng chưa thấm, nó vẫn làm các cán bộ, công an vất vả những ngày người dân Thái Hà có lễ lớn, hàng loạt cảnh sát, dân phòng được huy động để chặn con đường đi ra vườn hoa bằng dây thừng, bằng rào người…

Người ta vẫn chưa thấm, vì mới mấy ngày đây thôi, khu đất Hồ Ba Giang của Giáo xứ Thái Hà lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại” trong việc chiếm dụng bởi công quyền.

Và nó vẫn là một nỗi đau trong lòng những giáo dân xót xa cho tài sản Giáo hội khi họ đang tiếp tục hành trình tìm kiếm sự thật, họ đã thấm, nhưng không êm.

Hài hước nhất là những dòng sau đây của tác giả Trọng Nghĩa trên tờ An ninh Thủ đô: “Cầu nguyện gì mà: “Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam”? Cầu nguyện gì mà: “Cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt… quyết định ngưng dự án khai thác…”. Cầu nguyện gì mà “Cho công lý và sự thật được thực thi ở giáo xứ Thái Hà” v.v và v.v. Nói gọn lại, người ta chỉ thấy trong nội dung buổi “cầu nguyện” được Nguyễn Văn Khải đưa ra như một “Lời kêu gọi” đi ngược lại những gì mà một người tu hành chân chính cần làm”.

Đọc những dòng này, tôi thật sự ngạc nhiên với trình độ nhận thức của tác giả và cả ban biên tập tờ báo. Từ ngạc nhiên đến phẫn nộ. Họ định nói điều gì? Họ do dốt nát hay đột ngột họ nói thật tâm? Họ đã viết những điều ngây ngô của một đứa trẻ lên ba chưa có khái niệm về ngôn ngữ? Họ không hề biết cầu nguyện là gì? Họ muốn người tín ngưỡng phải cầu nguyện điều gì?

Cũng phải thôi, có bao giờ họ cầu nguyện đâu mà biết, chỉ có điều nhắc họ rằng: Cầu nguyện, là thể hiện những mong ước chân thành của mình với Đấng Thiêng liêng, cầu xin để ước mong của mình có cơ hội được thực hiện.

Vì vậy, nếu như cầu nguyện “Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam” “Cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt …”. “Cho công lý và sự thật được thực thi…” là “đi ngược lại những gì mà một người tu hành chân chính cần làm” như tuyên bố của tác giả bài báo trên, thì phải chăng những người tu hành và các tôn giáo phải cầu nguyện ngược lại những điều đó?

Chẳng hạn như “cầu nguyện cho bất công được thịnh hành và luôn phát triển, sự thật không bao giờ được tôn trọng để tôn thờ sự giả trá, cho các nhà lãnh đạo được ngu muội, cho công lý và sự thật không thể thực thi…” mới là điều mà “những nhà tu hành chân chính” cần làm?

Hình như tác giả và tờ báo đã cố tình nhạo báng ngôn ngữ Việt Nam bằng phương pháp từ điển… tra chéo? Ở Việt Nam, ai đã dung túng, nuôi dưỡng và có bao nhiêu “nhà tu hành chân chính” như vậy?

Phải chăng, đó mới là tôn chỉ mục đích định hướng của tác giả Trọng Nghĩa và tờ báo này?

Xin thưa, người Công giáo Việt Nam vốn có tâm lòng sáng và luôn vị tha, hướng tới những điều cao đẹp và đoàn kết. Bất cứ lúc nào cũng luôn cầu nguyện cho các nhà cầm quyền được hạnh phúc và sức khoẻ, biết cầm cân trị nước theo những chuẩn mực đạo đức cần có. Không phải đến bây giờ, mà từ xa xưa, người công giáo vẫn hàng ngày cầu nguyện như vậy.

Tất nhiên, từ việc cầu nguyện đến việc ước nguyện có được thực thi hay không, những đối tượng được cầu nguyện có đáp ứng được lòng mong mỏi của họ hay không, là một câu chuyện hoàn toàn khác biệt.

Bởi ngay cả với những tên khát máu nhất, những tội phạm tày trời nhất như những kẻ dữ đã đóng đinh Đức Giê su vẫn được Ngài cầu nguyện vì “chúng chẳng biết việc chúng làm”. Đó mới là sự khác biệt của người Công giáo gây những khó hiểu cho những người như tác giả và tờ báo này.

Hai tấm hình và sự xảo trá.

Hai bức hình được đưa lên trong bài báo này ở hai thời điểm khác nhau nói với chúng ta nhiều ý nghĩa. Bức hình đưa lên buổi sáng là bức hình khi chính công an đã không dẹp được giáo dân trước Toà Án phải nhờ linh mục Khải cầm loa để đề nghị giáo dân ổn định trật tự.

Bức hình này đã được đưa lên để chú thích rằng “Linh mục Nguyễn Văn Khải cầm loa kích động…”. Người ta không lạ gì trò đổi trắng thay đen một cách trơ trẽn nhất, hạ đẳng nhất ở những bài báo dạng này.

Nhưng sự đời cứ đi đêm hẳn có ngày gặp ma. Chiếc loa của Công an, hàng trăm công an dày đặc đứng đó mà để Linh mục Khải cầm loa kích động, thì quả là cả hệ thống công an này đã bất tuân pháp luật và không chịu làm việc?

Bức hình đó đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhân dân, ngay trưa hôm đó cả đoàn giáo dân kéo lên tận Toà soạn để phản đối việc làm trơ tráo này, đến chiều buộc họ thay đổi hình khác.

Nhưng lại một lần nữa, chứng nào tật ấy. Họ dùng bức hình khi linh muc Khải đề nghị bà con giáo dân ngồi xuống trật tự tại linh địa Đức Bà đề phòng bọn quần chúng tự phát mang áo Đoàn Thanh niên Cộng Sản phá rối trật tự được phái đến sau khi giáo dân bị xịt hơi cay. Hàng loạt công an vây xung quanh đã đứng im để bọn này mặc sức gào thét, chửi bậy. Vậy mà họ cho là Linh mục Khải kích động giáo dân Thái Hà?

Đây cũng là bài học cho chính linh mục Khải khi tiếp xúc với Công an, ông đã không chịu học bài học “làm ơn mắc oán, làm bạn lỗ vốn”.

Đoạn kết của bài báo, thật sự xứng đáng là câu chuyện hài đầy kịch tính nhất về nhân cách và trình độ tác giả.

Tác giả đã phải cầu viện đến chuyện ăn uống để lấy đó làm mục tiêu hành động cho con người và đánh giá người khác. Thật ra là tác giả đã nhầm lẫn lớn về cách sống. Chuyện ăn uống chỉ là một phần trong đời sống con người, cần thiết nhưng không phải là mục đích sống và là thước đo giá trị hạnh phúc của con người như tác giả suy nghĩ. Tôi cũng đã đọc đâu đó một câu rằng: “Nếu hạnh phúc con người chỉ là vật chất đầy đủ, thì con lợn còn hạnh phúc hơn” – Các Mác.

Nhưng, hài nhất vẫn là câu này: “Những điều chúng tôi vừa nói ở trên là lương tri tử tế…” đọc đến đây, chắc người nghiêm túc máu lạnh nhất cũng không khỏi bật cười về sự quảng cáo sống sượng của chính tác giả và tờ báo. Xin thưa, người có lương tri, tử tế hay không thiên hạ sẽ đánh giá về mình, tự đánh bóng mình bằng những quảng cáo lộng ngôn dù có hay ho đến mấy, tự nó đã cho thiên hạ biết bản chất kiêu ngạo và hợm mình của người đó.

Thật đúng là người ta thường nói đến cái người ta thiếu. Thường thì những kẻ tự cho mình là đạo đức, là lương tri tử tế chính là những kẻ thiếu trầm trọng món hàng xa xỉ này.

Quả thật câu “thùng rỗng kêu to” mà cha ông đã đúc kết luôn luôn cần dạy lại cho tác giả này am hiểu hơn. Và cả Ban biên tập tờ báo, khi để những dòng chữ hợm mình, dốt nát này được chình ình lên mặt báo của mình mà không thấy xấu hổ, chỉ càng để thiên hạ rõ hơn tâm địa đằng sau mà thôi.

Một bài báo của anh thợ rèn chuyên nghề bẻ cong ngòi bút, mạo danh lương tri, tự cho mình tử tế nhưng nội dung và hành động của nó đã lộ rõ bản chất không thể thay đổi: Dối trá, vu cáo và thay trắng đổi đen.

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh


Nguyễn Văn Khải đưa ra một “Lời kêu gọi” đi ngược lại những gì mà một người tu hành chân chính cần làm

Mở đầu bản thông cáo là một câu sặc mùi kích động: “Trước hiện tượng bất công tràn lan trên đất nước, trước sự kiện môi trường sống của đồng bào, đặc biệt của anh chị em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đang có nguy cơ bị hủy hoại do chủ trương khai thác bauxite tại đây, trước sự kiện đất đai của nhiều nơi, trong đó có giáo xứ Thái Hà đang bị ngang nhiên lấn chiếm…”, rõ ràng đây là một “mũi tên nhằm nhiều đích” của linh mục Nguyễn Văn Khải.

Khi đưa ra luận điệu “Trước hiện tượng bất công tràn lan trên đất nước”, Nguyễn Văn Khải đã cố tình khái quát hóa một số việc riêng rẽ, nhằm tấn công trực diện vào bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam - một xã hội mà ở đó, phương châm và hành động “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” đang mỗi ngày một trở thành hiện thực. Người dân Việt Nam, trong đó có cả triệu người theo các tôn giáo đang được hưởng một cuộc sống tự do, dân chủ - cuộc sống mà ở nhiều nước trên thế giới người dân lành đang mơ ước.

Kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trước chủ trương khai thác bauxite tại đây, rõ ràng Nguyễn Văn Khải đã vượt quá giới hạn của một người tu hành, can thiệp vào chính trị, đi ngược lại lợi ích của đất nước. Ai cũng biết, việc khai thác quặng bauxite là một vấn đề lớn, dự án đã được đưa ra bàn trong các hội thảo khoa học, đã được trình trước Quốc hội để các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến, Đảng và Nhà nước đã lắng nghe mọi ý kiến, phân tích trên cơ sở khoa học và đời sống dân sinh để có một quyết định đúng đắn, vì sự giàu mạnh và phát triển bền vững của đất nước.


Nguyễn Văn Khải dùng loa pin của mình kích động giáo dân ở giáo xứ Thái Hà.

Lập lờ trong việc đưa ra chuyện tranh chấp đất đai, trong đó nhắc lại việc giáo xứ Thái Hà, linh mục Nguyễn Văn Khải đã cố tình “xới” lại một chuyện cũ - mà chuyện đó đã êm thấm. Hàng nghìn người dân, trong đó có những giáo dân của giáo xứ Thái Hà đang hàng ngày được hưởng lợi, hít thở không khí trong lành, vui chơi, thể dục… nơi vườn hoa 1-6 tuyệt đẹp.

Vậy là chỉ trong mấy câu mở đầu của bản thông cáo, linh mục Nguyễn Văn Khải đã lộ rõ ý đồ kích động giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, can thiệp thô bạo vào những quyết sách của Đảng và Nhà nước.

“Tim đen” của Nguyễn Văn Khải đã lộ rõ!

Sau khi đưa ra một thứ kiến thức hổ lốn được chắp vá trong những mệnh đề “ý thức rằng…”, linh mục Nguyễn Văn Khải đã không ngần ngại khi tuyên bố: “Giáo xứ Thái Hà sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện”, mà nếu đưa hết nội dung ấy ra đây sẽ không khỏi khiến nhiều người dân bình thường phẫn nộ. Cầu nguyện gì mà: “Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam”? Cầu nguyện gì mà: “Cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt… quyết định ngưng dự án khai thác…”. Cầu nguyện gì mà “Cho công lý và sự thật được thực thi ở giáo xứ Thái Hà” v.v và v.v. Nói gọn lại, người ta chỉ thấy trong nội dung buổi “cầu nguyện” được Nguyễn Văn Khải đưa ra như một “Lời kêu gọi” đi ngược lại những gì mà một người tu hành chân chính cần làm.

Linh mục Nguyễn Văn Khải đang sống, đang ăn, đang uống trên đất Thủ đô ngàn năm tuổi, đang chứng kiến một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển, hà cớ gì phải đưa ra “Lời kêu gọi” trong buổi “cầu nguyện” cho “công lý và hòa bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam”? Chẳng lẽ có một thứ “công lý” dành riêng cho linh mục Nguyễn Văn Khải, để ông muốn nói ngược nói xuôi, đổi trắng thay đen theo ý mình? Và cũng chẳng lẽ có một thứ “hòa bình” dành riêng cho linh mục Nguyễn Văn Khải và một vài cộng sự của ông? Một thứ “hòa bình” để tự tung tự tác, phách lối rao giảng trái với giáo lý của Đức Chúa lòng lành.

Những điều chúng tôi vừa nói ở trên là lương tri tử tế, chúng tôi phân tích để ông thấy ông đã “quá đà” trong việc thực hiện chức phận của người tu hành, ông hãy tỉnh táo để suy nghĩ trước khi bị quỷ Sa-tăng cám dỗ.

Trọng Nghĩa
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 714 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 17
Khách: 17
Thành Viên: 0