Thứ Ba, 2024-11-05, 8:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 29 » Bằng chứng Hoàng Sa
9:35 PM
Bằng chứng Hoàng Sa

Huy Đức

Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh ví von việc bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa là “cắm  mốc” cho quần đảo ấy. Tất nhiên, như ông Minh nói, cột mốc đó chỉ có thể cắm “trong lòng dân”; ông Ngữ vẫn ngồi ở đất liền và Hoàng Sa vẫn đang bị xâm lăng bởi quân Trung Quốc.

Mấy tuần trước, báo chí đã đưa tin khá đậm về một tờ lệnh đã có cách đây 175 năm. Tờ lệnh được đưa ra năm 1834, “phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa”, vừa được dòng họ Đặng ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) trao cho Nhà nước. Dòng họ Đặng đã cất giữ tờ lệnh này qua sáu đời và nay trở thành “tài sản quốc gia”. Theo các chuyên gia, “đây là tờ lệnh còn nguyên bản gốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.


Sắc chỉ cùng con dấu của triều đình sai đội thủy quân ra Hoàng Sa năm 1834

Từ năm 1816, Hoàng đế Gia Long đã “long trọng xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa”. Gia Long làm việc này, một năm sau khi sai cai đội Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa xem xét (tháng Giêng năm 1815). Từ đó cho tới tháng Giêng năm 1974, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa luôn hiện diện bằng xương, bằng thịt. Ngoại trừ tuyên bố “khống” của Phát xít Nhật trong thời gian họ chiếm Trung Hoa. Không ai có thể đưa ra những bằng cứ lịch sử xác đáng hơn để tranh chấp Hoàng Sa với người Việt Nam cả.

Tuy nhiên, quần đảo ấy đã hai lần bị người Trung Hoa dùng vũ lực để xâm lăng bất hợp pháp: Một vào năm 1956, lợi dụng khi quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế quân Pháp ở Hoàng Sa, Bắc Kinh và Đài Loan đã đưa quân ra chiếm đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn, hai hòn đảo vào hàng lớn nhất ở phía Đông Hoàng Sa; Một vào tháng Giêng năm 1974, Bắc Kinh đưa tàu chiến ra chiếm phần còn lại của Hoàng Sa từ tay những chiến sỹ hải quân Việt Nam giữ đảo.


Quần đảo Hoàng Sa

Tờ lệnh thời Minh Mạng tìm thấy ở Lý Sơn là vô cùng quý giá. Nhưng, bằng chứng lịch sử đâu chỉ là những tư liệu ngày xưa. Sự kiện ngày 19 tháng Giêng năm 1974, ngày Trung Quốc “dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ” là Việt Nam, cũng chính là bằng chứng. Bằng chứng về “một hành động hoàn toàn phi pháp” của Trung Quốc xét theo Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888.

 
  Ðề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
Theo đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh vùng I, Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH): Ngày 15-1-1974, địa phương quân Hoàng Sa bắt đầu phát hiện tàu đánh cá lạ. Ngày 16-1, khi người nhái của Hải quân VNCH đổ bộ lên đảo Duncan và Drummond thì đụng ngay một toán quân nhân Trung Quốc. Chiều 16-1, mọi diễn biến đã được đích thân đề đốc Thoại báo cáo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khi ấy đang ở Mỹ Khê. Ngày 17, trên lãnh hải Việt Nam xuất hiện thêm hai tàu quân sự Trung Quốc.

Sáng 17-1, toàn bộ diễn tiến được đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cập nhật cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng thống Thiệu khi ấy vẫn đang ở Đà Nẵng, lập tức: Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng I: “Trước hết dùng biện pháp ôn hòa yêu cầu các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh hải; Nếu họ không nghe thì nổ súng cảnh cáo; Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ lực”. Đại tá Hà Văn Ngạc, ngay sau đó đã được đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cử lên soái hạm Trần Bình Trọng ra thẳng Hoàng Sa; cùng đi có hộ tống hạm Nhật Tảo.

Sáng 19-1-1974, báo cáo với đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại qua bộ đàm đại tá Hà Văn Ngạc cho biết: “Các hạm đội Trung Quốc đang áp sát từng chiến hạm Việt Nam”. Theo đề đốc Thoại, lúc đó, cố vấn Mỹ tại Sài Gòn cho biết, ở khu vực Hoàng Sa có khoảng 17 chiến hạm của Trung Quốc. Đại tá Ngạc thống nhất với đề đốc Thoại là khi không tránh được nổ súng thì phía Việt Nam sẽ phải nổ súng trước để giảm thương vong.

Vào lúc 10giờ30 sáng ngày 19-1-1974, Đại tá Ngạc đã để hệ thống bộ đàm “on” và đề đốc Thoại đã nghe được tiếng súng của đôi bên trong trận tử chiến kéo dài 30 phút ấy. 15 chiến sỹ hải quân Việt Nam thuộc toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, đã đứng sát bên nhau và cùng bật ra bài hát “Việt Nam, Việt Nam” khi nhìn thấy soái hạm của quân Trung Quốc trúng đạn. Nhưng, cuộc chiến ấy là không cân sức. Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ khi ấy ở rất gần đã không cử bất cứ chiến hạm nào ra chi viện. Người Mỹ và người Trung Quốc vừa mới nắm tay nhau.

Ngày 20-1-1974, 10 chiến hạm Trung Quốc đã đổ một lực lượng hải quân hùng hậu lên đảo Hoàng Sa và Cam Tuyền, bắt đầu một thời đô hộ mới. Không biết đến bao giờ mới tống cổ được những tên xâm lược ấy ra khỏi bờ cõi Việt Nam.


Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt


Khu trục hạm Trần Khánh Dư


Ðại tá Hà Văn Ngạc

Thời gian qua, tôi cố gắng tìm gặp những người lính đã tham gia trận hải chiến lịch sử này. Đại tá Hà Văn Ngạc đã mất tại Dallas, Texas. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không còn. Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại hiện vẫn còn sinh sống tại bang Virginia, nhưng tuổi đã ngoài 80. Một số sỹ quan hải quân đã từng ở Hoàng Sa và đã từng tham dự trận hải chiến 1974 hiện vẫn còn sống rải rác ở nhiều nơi và tôi vẫn mong có ngày gặp họ. Tôi được đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trao cho bản danh sách những chiến sỹ hải quân Việt Nam hy sinh trong ngày 19-1-1974, bản danh sách có chữ ký của ông. Nhưng rất tiếc là vẫn còn một số người chỉ biết tên chứ chưa rõ họ.

Nhưng, tôi chỉ là nhà báo, chỉ làm những việc này trong khuôn khổ nghề nghiệp. Khi nhậm chức, ông Đặng Công Ngữ có hứa là sẽ đấu tranh để giành lại chủ quyền cho Hoàng Sa. Tôi nghĩ, như mọi người dân Việt Nam, ông Ngữ nói ước muốn này là vô cùng thành thật. Nhưng, khác với thường dân, thay vì chỉ ước mơ, ông Ngữ có thể ra tay ngay, thu thập những tư liệu lịch sử xưa cũng như tư liệu sống. Đặc biệt là tư liệu về “trận hải chiến Hoàng Sa 1974”. Một phần của lịch sử ấy là Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại; là các sỹ quan, chiến sỹ hải quân ở Hoàng Sa năm 1974. Đừng đợi đến đời sau, khi con cháu họ đưa lên một “công vụ lệnh” cử họ ra Hoàng Sa rồi mới ồ lên: “Tài sản!”. Lịch sử có giá ngay từ hôm nay, khi những người từng chiến đấu ở Hoàng Sa còn sống.

Tôi rất muốn được trao lại cho ông Đặng Công Ngữ bản danh sách có chữ ký của vị tướng đã ra lệnh nổ súng trong trận hải chiến Hoàng Sa. Nhưng, đấy chỉ là một phần rất nhỏ. Hãy tìm gặp những con người đã chiến đấu rất can trường ấy để thu thập những kỷ vật; những ký ức. Hãy mời họ đến trụ sở của huyện đảo Hoàng Sa, và sẽ rất vinh dự nếu tôi, một sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được cùng họ tham dự lễ vinh danh 58 liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh vì Hoàng Sa năm ấy. Tên tuổi của 58 liệt sỹ ấy xứng đáng được Chủ tịch Hoàng Sa cho trân trọng khắc lên bia. Tấm bia ấy không phải để vinh danh “lính ngụy”. Những người lính ấy đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc. Những người lính ấy là người lính Việt Nam. Trân trọng sự hy sinh của họ không chỉ vì họ là lịch sử mà còn vì đấy là đạo lý.

 

Tổn Thất Đôi Bên:
Về phía Trung Quốc: Soái hạm 274 bị chìm, toàn bộ Bộ tham mưu gồm đô đốc Phương Quang Kinh, tư lệnh phó hạm đội Nam Hải, 5 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá, 7 sỹ quan cấp úy và một số thuyền viên trên tàu chết; Hộ tống hạm 271 bị hư, phải ủi bãi, đại tá Vương Kỳ Ưu, hạm trưởng chết; Hai trục lôi hạm 389 và 396 bị hư hại nặng, 2 chỉ huy là trung tá Triệu Quát và đại tá Diệp Mạnh Hải, chết.

Về phía Việt Nam: Hộ tống hạm Nhật Tảo chìm, chỉ huy, trung tá Ngụy Văn Thà cùng với 24 chiến sỹ hải quân khác hy sinh, 26 người mất tích; Khu trục hạm Trần Khánh Dư bị hư hại, 2 chiến sỹ hy sinh; Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng bị hư với hai chiến sỹ hy sinh; Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, bị trúng đạn: 1 chiến sỹ hy sinh, 15 chiến sỹ trôi dạt suốt 15 ngày về Quy Nhơn và 14 người sống sót; 2 quân nhân người nhái hy sinh trên đảo; 43 quân nhân, nhân viên khí tượng Hoàng Sa, cùng với một cố vấn Mỹ đi cùng chiến hạm bị bắt đưa về Trung Quốc.

Nguồn: Blog Osin
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 776 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 551
Khách: 551
Thành Viên: 0