§ Nam Nguyên Washington 28-4-2009
-- Bộ Chính Trị cơ quan quyền lực cao nhất trên thực tế của Nhà Nước
VN, vừa có chỉ đạo mới nhất về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Theo thông tin ghi nhận, đại dự án khai thác bauxite có thể có bị
chậm lại, bị giới hạn bởi các điều kiện trong nội dung chỉ đạo của Bộ
Chính Trị.
Phát triển Tây Nguyên xanh : cao su và cà phê đem về nhiều lợi nhuận hơn khai thác bauxite rất nhiều. Photo courtesy Wikipedia.
Điều kiện bắt buộc cho mọi dự án bauxite
Sau những phản ứng gay gắt của công luận, ngày 9/4/2009 tại cuộc hội
thảo ở Hà Nội Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tuyên bố, chính phủ không
phát triển bằng mọi giá đồng thời sẽ xem lại hiệu quả kinh tế bauxite
Tây Nguyên.
Tiếp đến ngày 24/4/2009 Bộ Chính Trị công bố kết luận về việc khai thác Bauxite ở Tây nguyên.
Khi xem hoặc nghe thông tin truyền thông báo chí, về ‘kết luận của
Bộ Chính Trị liên quan đến quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế
biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025’, người dân
có thể hiểu rằng, Bộ Chính Trị đã xét lại, đưa ra các điều kiện bắt
buộc cho các dự án khai thác bauxite.
Đó là phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường, đảm bảo ổn định xã hội và hơn hết là đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là phải chăng Bộ Chính Trị đã lắng nghe ý
kiến công luận, ông Nguyễn Trung một chuyên gia về kinh tế chính trị ở
Hà Nội, tác giả nhiều bài viết gây tiếng vang trên báo chí đưa ra nhận
định:
“Tôi nghĩ rằng thông cáo của Bộ Chính Trị đã nói lên rất rõ điều này
và đấy là một sự lắng nghe tốt. Tất cả những ý kiến đề nghị xem xét lại
vấn đề bauxite thì đều được được cân nhắc lại và tôi nghĩ rằng thông
cáo của Bộ Chính Trị rất rõ và điều đó là đúng đắn.”
Tuy rằng Bộ Chính Trị có đưa ra chỉ đạo, tiếp tục thực hiện chủ
trương triển khai hai dự án ở Tân Rai tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ tỉnh Đăk
Nông.
Nhưng đối với dự án Nhân Cơ, Bộ Chính Trị chỉ đạo rà soát lại toàn
bộ các vấn đề có liên quan, nhất là đánh giá hiệu quả kinh tế và tác
động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ
môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện.
Dự án được giữ kín gần 10 năm
Theo nội dung thông báo ngày 24/4/2009 mang chữ ký của ông Trương
Tấn Sang, Thường trực Ban Bí Thư, chủ trương thăm dò khai thác chế biến
bauxite là chủ trương nhất quán từ Đại Hội IX và Đại Hội X Đảng Cộng
Sản VN cho đến nay.
Những người theo dõi tình hình VN tỏ ra khá ngạc nhiên vì qua gần
một thập niên với một chủ trương lớn của Đảng, mà đến nay Bộ Chính Trị
mới đưa ra những điều kiện cần phải có để có thể khai thác nguồn tài
nguyên bauxite ở Tây Nguyên.
Với diễn biến mới nhất này, phải chăng Tây Nguyên đã thoát khỏi một
kế hoạch phát triển mang tính huỷ hoại. Chuyên gia Nguyễn Trung từ Hà
Nội nhận định:
“Tôi mong là như vậy, bởi vì đương nhiên đứng về phát triển thì có
nhiều quan niệm khác nhau, quốc gia nào cũng vậy. Riêng theo ý tôi, tôi
muốn tìm cho Tây Nguyên một con đường phát triển khác là con đường phát
triển Tây Nguyên Xanh. Bởi vì quan điểm của tôi rất đơn giản là kinh tế
thượng nguồn của VN đã quá đủ rồi, VN cần sớm chuyển sang một thời kỳ
phát triển khác tức là phát triển theo chiều sâu và tôi nghĩ rằng vấn
đề này sẽ còn đang tiếp tục được thảo luận.”
Công chúng không được biết tới đại kế hoạch bauxite Tây Nguyên, cho
tới khi chính phủ VN chính thức công bố vào năm 2007, từ đó đến nay
công luận phản ứng khá mạnh mẽ.
Chẳng hạn như Vietnam Net có loạt bài mang tựa đề ‘Đại kế hoạch
bauxite ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt’. Đến khi phải ngưng các
thông tin nhạy cảm hồi gần đây, báo chí đã đăng tải hoặc đưa lên mạng
khá đầy đủ những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia trí
thức.
Những ý kiến phản biện vừa nói đã nêu ra nhiều thực tế, như khai
thác bauxite ở Tây Nguyên trong điều kiện hiện tại sẽ không có hiệu quả
kinh tế, thậm chí sẽ lỗ vốn, môi trường tự nhiên sẽ bị huỷ hoại nghiêm
trọng, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị tước đoạt nguồn sống và đặc
biệt hơn cả là vấn đề an ninh quốc phòng.
Tây Nguyên từng được xem là mái nhà của Đông Dương với vị thế chiến
lược đặc biệt. Trong khoảng thời gian ngắn, các báo ở VN đã khai thác
nhanh về sự hiện diện của công nhân TQ làm việc cho dự án Tân Rai Lâm
Đồng, lúc này khoảng 700 người nhưng sau này có thể là hàng ngàn người.
Cao su và cà phê lợi hơn nhiều
Nếu chỉ xét về khía cạnh kinh tế, chúng tôi xin trích các số liệu so
sánh trong bài viết trên Vietnam Net của nhóm 3 tác giả là TS Nguyễn
Đông Hải, Nhà văn Nguyên Ngọc và TS Nguyễn Thành Sơn.
Theo đó các tính toán cho thấy, hiệu quả kinh tế của các dự án
bauxite thấp hơn nhiều so với cao su và cà phê. Cùng một số tiền bỏ ra,
thí dụ với dự án Nhân Cơ tổng đầu tư theo tính toán ban đầu khoảng gần
3.000 tỷ đồng, nếu phát triển bauxite chủ đầu tư sẽ khai quang 4.000 ha
cây nông nghiệp, nếu phát triển cây công nghiệp thì số vốn vừa nói sẽ
trồng mới được gần 35 ngàn ha cao su hay hơn 58 ngàn ha cà phê.
Tổng doanh thu hàng năm của bauxite chỉ đạt 1.450 tỷ đồng, còn cao
su hơn 2.200 tỷ đồng, của cà phê là 5.800 tỷ đồng. Khả năng thanh toán
nợ của dự án cao su và cà phê cao hơn bauxite 5 lần. Trong khi đó
bauxite có tổng thuế nộp ngân sách 30 tỷ đồng, còn cao su là 701 tỷ
đồng, nếu là cà phê lên tới 2.175 tỷ, như vậy trồng cà phê nộp ngân
sách nhiều gấp 72 lần đầu tư khai thác bauxite.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là dự án bauxite Nhân Cơ dự kiến sử
dụng 5 ngàn nhân công, nhưng trồng cao su với vốn đầu tư đó sử dụng
170.000 lao động và cà phê sẽ giúp 590.000 người có việc làm.
Khai thác bauxite khai quang 4.000 ha đất nông nghiệp, lượng bùn đỏ
phát sinh trong quá trình rửa quặng bauxite có thể tàn phá thảm thực
vật Tây Nguyên.
Bộ Chính Trị là người đề ra chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên,
và nay Bộ Chính trị ràng buộc những điều kiện có vẻ như đã lắng nghe
một phần công luận.
Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hai dự án thí điểm, dự kiến khai quang
tổng cộng 7.000 ha đất nông nghiệp để khai thác bauxite, nhưng nó là
tiền đề cho một đại kế hoạch lâu dài.
Chúng tôi xin trích nhận định của chuyên gia Nguyễn Trung trong bài
phân tích ‘Mất và được trong việc khai thác bauxite Tây Nguyên’ trên
Vietnam Net.
Ông Nguyễn Trung nói là ‘thế hệ chúng ta hôm nay cần làm mọi việc để
tránh phải đi vào lịch sử với tội danh là thế hệ huỷ hoại Tây Nguyên.
Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam thế hệ hôm nay đối với phát triển và tương lai của Tây Nguyên là không thể thoái thác’.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
|