§ Đỗ Hiếu Washington 28-4-2009
-- Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, cuối tuần qua, ra thông báo
liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite,
thời gian tới, đồng thời cũng chỉ thị tiếp tục triển khai 2 dự án tại
Tân Rai và Nhân Cơ.
Theo báo chí thì các công trường (khai thác bauxit ở
Tây Nguyên) này, sử dụng hầu như 100% chuyên viên và công nhân Trung
Quốc. Photo courtesy báo Tuổi Trẻ.
Bộ chính trị khẳng định, việc thăm dò, khai thác, chế biến bauxite
là chủ trương chiến lược nhằm phát triển kinh tế đất nước nói chung,
đồng thời góp phần mở mang kinh tế, xã hội, cải tiến đời sống tại Tây
Nguyên nói riêng.
Theo giải thích của bộ chính trị thì Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm,
nên đảng và chánh phủ cần đặc biệt quan tâm đến lãnh vực an ninh quốc
phòng, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, trong giai đoạn
trước mắt và cả tương lai về sau.
Dự án không đưa ra cơ sở tổng thể cũng như hiệu quả kinh tế
Ngoài ra, bộ chính trị đặc biệt lưu ý đến kế hoạch dự án, gồm cả
hiệu quả kinh tế và xã hội, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị
trường , sản phẩm làm ra phải có sức cạnh tranh, trong khu vực và trên
thế giới.
Khi được hỏi ý kiến về những chỉ thị vừa kể, tiến sĩ Mai Thanh
Truyết, chủ tịch hội đồng quản trị hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, trụ
sở tại Nam California Hoa Kỳ, người thường lên tiếng trên cơ quan
truyền thông quốc tế về bauxite, nhấn mạnh:
“Trên 2 công trường Tân Rai, Bảo Lộc và Nhân Cơ, Đắc Nông, dự án
không đưa ra được cơ sở tổng thể, cũng như chiết tính hiệu quả về kinh
tế hay xã hội, ngoài những từ chung chung như tạo phúc lợi cho dân,
thêm công ăn việc làm, không dẫn chứng được bằng những con số cụ thể.
Tuy nhiên theo báo chí thì các công trường này, sử dụng hầu như 100%
chuyên viên và công nhân Trung Quốc.”
Trung Quốc sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại?
Vẫn theo thông báo của bộ chính trị thì, khai thác bauxite có tác
động lớn đến môi trường, từ khai thác đến chế biến, vận chuyển, xử lý
chất thải, các công trường phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại
trên thế giới.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết phân tích thêm về khía cạnh chuyên môn khi đón nhận thông tin này:
“ Kỹ thuật khai thác bauxite do Trung Quốc hiện sử dụng là công nghệ
nước, tạo ra chất phế thải là bùn đỏ, gây độc hại cho môi trường. Trong
khi đó, Úc Châu là quốc gia khai thác nhôm lớn nhất thế giới, sản xuất
mỗi năm 17 triệu tấn, đã áp dụng phương pháp khô, nên giảm thiếu rất
nhiều sự phế thải.
Hơn nửa từ cao độ 400 đến 600 mét, so với mặt biển, xét không thuận
lợi cho việc vận chuyển và xử lý chất thải, kế hoạch khai thác bauxite
nơi đó, tức là vùng Tây Nguyên, không được điều nghiên kỹ lưỡng và
thiếu mọi hạ tầng cơ sở, so với đồng bằng Bắc Việt.
Thông báo của bộ chính trị chỉ là cách xoa dịu phản ứng mạnh của dư
luận trong và ngoài nước đối với vấn đề bauxite ở Tây Nguyên”.
100% chuyên viên và công nhân Trung Quốc
Mặt khác, bộ chính trị cũng yêu cầu các cấp chánh quyền phải quan
tâm đúng mức đời sống và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên
và việc tuyển dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định pháp luật.
Chị Hờ Nguyên, thuộc sắc tộc Ê Đê không cho đó là sự thật đang diễn ra nơi xứ sở mình:
“Chỉ là cách nói ngon ngọt thôi, đi sâu vào vấn đề thì người dân Tây
Nguyên không có gì hết, vẫn còn bị áp bức, kềm kẹp, không được tự do.
Chuyện tìm kiếm công ăn việc làm rất gay go, khó khăn, không đúng như
tuyên truyền với thế giới là nhà nước luôn cải thịên đời sống người sắc
tộc.”
Chị kể lại là sự có mặt của công nhân Trung Quốc ngày càng nhiều:
“Trung Quốc đang có mặt tại vùng Tây Nguyên để khai thác mỏ, gây tác
hại cho môi trường, khiến dân chúng nơi đây chịu nhiều thiệt thòi.
Cộng sản ký hợp đồng với Trung Quốc, chiếm lấy những chỗ tốt, chỉ để lại cho người Thượng những gì tệ hại, điêu tàn nhất”
Bộ chính trị cũng chỉ đạo các bộ ngành phải có bước đi thích hợp,
vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhằm bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như
lâu dài của đất nước, hầu đạt hiệu quả toàn diện.
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
|