Phạm Hồng Sơn
Không
hoàn thiện là một đặc tính tự thân của thế giới tự nhiên. Nhưng đối với
xã hội loài người, sự không hoàn hảo ngoài lý do tự nhiên, còn có thêm
những lý do do chính con người gây ra, một cách vô tình hay cố ý. Hoàn
thiện bản thân, hoàn thiện xã hội luôn là ước mơ, khao khát chính đáng
của loài người từ hàng ngàn năm nay. Để ước mơ và khao khát chính đáng
đó trở thành hiện thực, không có cách nào khác hơn là phải tích cực và
chủ động đấu tranh với các nhân tố, thế lực đang gây ra hay giấu đi
những yếu kém, khuyết tật, suy đồi của bản thân cũng như của xã hội. Vì
vậy đấu tranh đã nghiễm nhiên là một đặc tính và là một bổn phận của
mọi công dân trong các xã hội, kể các xã hội văn minh nhất. Tuyên ngôn
Nhân quyền hay các Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị,
kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hợp Quốc không chỉ là việc minh xác
những quyền tối thiểu của con người trong một xã hội văn minh mà chính
là sự cổ vũ, thúc đẩy cho mọi đấu tranh để các quyền đó đến được với
tất cả mọi người. Đối với các xã hội mà nhà nước không phải do dân bầu
lên, cuộc đấu tranh đó đương nhiên phải bức thiết và cam go hơn rất
nhiều. Bởi quyền con người, dù có được thừa nhận tại những nơi đó,
không chỉ thiếu hụt hay thực thi hời hợt mà nó còn bị các thế lực quyền
thế kìm giữ cho riêng chúng một cách hung hãn. Dùng sức mạnh cơ
bắp hay vũ khí để bảo vệ bản thân chống lại cái ác đến từ đồng loại hay
thiên nhiên là dạng đấu tranh có tính chất sơ khai, bản năng nhất của
con người. Do đó một xã hội muốn thoát khỏi sự man rợ phải là một xã
hội biết thừa nhận và cổ vũ các phương pháp đấu tranh bất bạo động -
chỉ dùng lý lẽ và các cách thức ôn hòa để tạo áp lực nhằm cải biến, sửa
chữa các khuyết tật của cá nhân, tổ chức hay toàn xã hội. Một nhà nước
muốn xã hội văn minh hơn thì phải biết cổ vũ, khuyến khích các phương
pháp đấu tranh bất bạo động. Một nhà nước muốn người dân thực sự là Con
Người thì không bao giờ ngăn cản hay đe dọa các sáng kiến đấu tranh bất
bạo động. Các xô xát hay bạo lực có thể xảy ra trong các cuộc
đấu tranh bất bạo động, trước tiên phải thuộc trách nhiệm nhà nước. Với
một hệ thống pháp luật minh bạch và được thực thi đúng đắn, cùng với
các phương tiện và nguồn lực khác, một nhà nước có thiện ý hoàn toàn có
khả năng kiểm soát và ngăn chặn được mọi nguy cơ bạo lực có thể xảy ra
trong các phương thức đấu tranh bất bạo động của dân chúng. Nếu một nhà
nước thoái thác việc đảm bảo an ninh cho một cuộc tuần hành để phản đối
sự nhũng lạm trắng trợn tiền thuế của dân hay một cuộc biểu tình ngồi
trên quảng trường nhằm xiển dương lòng yêu nước trước sự ngang ngược
của quốc gia láng giềng, nhà nước đó có còn đủ tư cách là một nhà nước
của dân? Gánh thêm một nhiệm vụ có thể sẽ làm cho trách nhiệm của một
nhà nước thêm phức tạp. Nhưng đổi lại, và chỉ có thế, nhà nước đó mới
chứng tỏ được tính chất của dân, do dân và vì dân và, quan trọng hơn,
nhà nước đó có thêm một sức mạnh để ngăn chặn hay loại bỏ các hư hỏng,
khuyết tật lỳ lợm nhất của chính bản thân nó một cách hữu hiệu. Đấu
tranh bất bạo động đã chứng tỏ không chỉ đem lại được độc lập cho nhiều
quốc gia bị thực dân đô hộ hàng trăm năm mà nó còn là phương thức để
chuyển hóa nhiều chính quyền độc đoán, ác nghiệt, thiếu tự chủ sang
chính quyền đa nguyên, nhân ái và tự chủ. Đương nhiên vẫn có
những cá nhân, thế lực, nhà nước không muốn dân chúng đấu tranh thực sự
với các bất công, các khuyết tật của xã hội hay chế độ chính trị, dù là
đấu tranh bất bạo động. Nhưng đối với người dân, không thể không tự tìm
hiểu, nghiên cứu các phương pháp đấu tranh bất bạo động nếu không muốn
bản thân và con cháu mãi vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn của áp bức,
chiến tranh và lại áp bức.
Phạm Hồng Sơn 29/06/2009 Nguồn: DCCT
|