Thứ Năm, 2024-11-21, 10:52 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 1 » Lời “nhận tội và xin khoan hồng” không phải là chứng cứ buộc tội
9:18 PM
Lời “nhận tội và xin khoan hồng” không phải là chứng cứ buộc tội

Ls Lê Trần Luật

Thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông Việt Nam hay đưa tin: bị can, bị cáo đã “nhận tội và xin khoan hồng”… Thông tin như vậy làm cho dư luận thấy rằng, các cơ quan chức năng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp dư luận tỏ ra hoang mang và đặt nhiều nghi ngờ.

Trong bài viết này, tôi xin phân tích một số thuộc tính của chứng cứ và ý nghĩa pháp lý của việc nhận tội và xin khoan hồng.

Chứng cứ là những gì có thật có liên quan đến vụ án, được thu thập theo trình tự nhất định, dùng để xác định có hay không hành vi phạm tội (điều 64 bộ luật tố tụng hình sự). Như vậy, dễ dàng nhận thấy chứng cứ có 3 thuộc tính sau đây:

- Tính có thật (hay còn gọi là tính khách quan)
- Tính hợp pháp (thu thập theo trình tự luật định)
- Tính liên quan

Về tính khách quan

Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ chứng cứ được dùng để chứng minh cho một nhận định, một kết luận phải là những sự kiện, tài liệu, đồ vật được phản ánh trung thực. Những sự kiện, tài liệu, đồ vật này tồn tại độc lập với ý thức con người. Chúng không thể là sự suy diễn, phỏng đoán và tưởng tượng theo ý chí chủ quan. Đây là thuộc tính quan trọng nhất của chứng cứ. Thực tế cho thấy, trong phần lớn những vụ án oan sai, sai sót xuất phát từ việc chứng cứ không bảo đảm sự khách quan; theo đó, các cơ quan chức năng dựa trên việc nhận tội của bị cáo để đi đến kết luận bị cáo có tội.

Dư luận có lẽ còn nhớ vụ án vườn cao su:

Tại vườn cao su của tỉnh H, cơ quan chức năng phát hiện được một xác chết của một người phụ nữ bị giết chết. Tại hiện trường, các cơ quan chức năng tìm được chiếc đồng hồ và vết chân trượt của anh T. Tại cơ quan điều tra cũng như tòa án, anh T đều thừa nhận đã giết người phụ nữ đó. Tòa đã tuyên xử anh tử hình. Trong thời gian chờ thi hành án, thì ở một vụ án của tỉnh khác, đối tượng M đã khai nhận chính mình đã giết người phụ nữ ở vườn cao su tại tỉnh H chứ không phải anh T. Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra lại và xác định anh T không giết người. Tuy nhiên sau khi được tha bổng thì anh T đã chết vì bệnh tật do thời gian bị giam cầm quá lâu. Sự thật là anh T có đi ngang qua hiện trường nơi người phụ nữ bị giết, do trời tối và lại có mưa nên trượt chân và văng chiếc đồng hồ.

Đây là vụ án có thật. Ví dụ này nhằm khẳng định: lời nhận tội không bao giờ được phép xem là chứng cứ, vì lời nhận tội không bảo đảm tính khách quan của chứng cứ. Lời nhận tội là một thái độ chủ quan.

Ngoài ra, thực tế có nhiều vụ án về tai nạn giao thông mà người có bằng lái xe thường hay nhận tội cho người không có bằng lái xe (mục đích để tránh tình tiết tăng nặng hình phạt). Chỉ đến khi tòa án tuyên một hình phạt khá cao thì người nhận tội thay mới khai ra toàn bộ sự thật.

Xuất phát từ thuộc tính khách quan này của chứng cứ mà bộ luật tố tụng hình sự qui định không được lấy lời người bị bắt, người bị tạm giam làm chứng cứ định tội.

Về tính hợp pháp

Chứng cứ phải được thu nhập theo một trình tự hợp pháp. Thuộc tính này buộc các cơ quan chức năng phải tôn trọng pháp luật khi thu thập chứng cứ. Những tài liệu, thông tin, đồ vật được thu thập bất hợp pháp sẽ không được xem là chứng cứ.

Tôi xin kể về vụ án vườn tiêu:

Theo trình báo của chủ vười tiêu – người bị mất cắp, tại hiện trường công an thu thập được một chiếc dép bị bỏ lại (do đối tượng trộm cắp leo qua tường rào nên bị đánh rơi). Cơ quan công an xác định đó là đối tượng K; tại nhà của K, cơ quan công an đã thu giữ một chiếc dép còn lại. Màu sắc và kích cỡ của chiếc dép giống như chiếc đã được thu thập ở hiện trường. Bản thân K cũng thừa nhận mình bị mất một chiếc dép. Nhưng do cơ quan công an quên lập biên bản tạm giữ chứng cứ cho chiếc dép thu được tại hiện trường, nên tại phiên tòa, luật sư của K cho rằng “chiếc dép đó không phải là chứng cứ”. Kết quả là, tòa án đã tuyên K không phạm tội.

Khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng có khi bộc lộ nhiều thiếu sót, gây nghi ngờ về tính xác thực của chứng cứ được thu thập. Cũng có khi, điều tra viên lấy lời khai của bị can bằng cách quay video nhưng không cho người đó xem lại, không lập biên bản, mớm cung cho các bị can khác bằng cách cho họ xem lại đoạn video trước khi trả lời.

Còn nhớ trong vụ án xét xử 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà, một trong những chứng cứ mà các cơ quan chức năng buộc tội các giáo dân là đoạn video ghi lại những cảnh giáo dân cầu nguyện. Tại tòa, tôi đã cho rằng chứng cứ này là thiếu khách quan và được thu thập không hợp pháp, vì người quay đoạn video đó là lực lượng công an quận Đống Đa, hay đúng hơn, cơ quan công an đã tự tạo ra chứng cứ để buộc tội các giáo dân.

Vụ dân oan ở Quận 9 cũng là một ví dụ điển hình. Ngày mở phiên tòa, tôi xin hoãn và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc của đoạn video quay cảnh dân oan “Gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên đề nghị này của tôi không được chấp nhận và tòa án đã xử 9 dân oan mỗi người vài năm tù.

Về tính liên quan, tôi xin phép viết trong bài khác.

Như vậy, chúng ta thấy rằng: “lời nhận tội và xin khoan hồng” không phải là chứng cứ buộc tội. Việc công bố tài liệu là lời khai, video âm thanh và hình ảnh người nhận tội chưa chắc bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ.

Ý nghĩa của việc “nhận tội và xin khoan hồng”

Chúng ta biết rằng “không ai bị xem là có tội khi chưa có phán quyết có hiệu lực của tòa án”. Việc nhận tội và xin khoan hồng là thái độ của người bị tạm giữ, tạm giam đối với hành vi của người đó. Tòa án có thể không chấp nhận lời nhận tội của người đó và tuyên người đó vô tội. Cho nên “việc nhận tội và xin khoan hồng” chỉ có ý nghĩa khi tòa án phán quyết rằng người đó có tội. Việc nhận tội dẫn đến người đó phải thành khẩn khai báo về hành vi của mình cũng như những người có liên quan.

Không phải lời nhận tội nào cũng phản ánh đúng ý thức cá nhân của người đó. Chúng ta cũng phải đánh giá tổng thể hoàn cảnh và điều kiện nhận tội. Có thể người đó bị bức cung, nhục hình, bị dụ dỗ hoặc mong muốn sớm tự do, v.v.

Thậm chí việc nhận tội cũng có thể là một bước đi có tính toán của bị cáo khi những căn cứ khởi tố và quy kết phạm tội quá sơ sài, quá thiếu sót và bị phụ thuộc quá nhiều vào tính chủ quan, thành kiến của cơ quan điều tra. Thực tế cho thấy không ít trường hợp bị cáo đã phản cung ngay tại phiên tòa và tự tìm lý lẽ biện hộ cho mình. Trong các trường hợp này thì hành động nhận tội trước đó không còn ý nghĩa nữa, kể cả khi người đó bị tòa án phán quyết rằng người đó có tội.

Xin lưu ý, các tội của chương “An ninh quốc gia” trong Bộ luật hình sự luôn luôn bắt buộc rằng “phải có mục đích nhằm chống chính quyền”. Không có mục đích này thì không bao giờ có tội. Nếu chúng ta thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ chứng kiến đối lập để xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ thì không ai được phép kết luận chúng ta có tội.

Sài Gòn 1/7/2009
Ls Lê Trần Luật

Nguồn: DCCT
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1142 | Added by: danchu | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0