Phạm Trần
Hoa Thịnh Đốn.- Hội nghị thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng
sản Việt Nam họp tại Hà Nội kéo dài 7 ngày, từ 29-6 đến 5-7-2009, diễn
ra vào lúc Việt Nam phải đối phó với hai vấn đề nan giải: Bauxite ở
trong nước và Trung Hoa uy hiếp chiếm lãnh thổ trên biển Đông.
Nhưng, theo lời phát biểu khai mạc của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng,
thì cả hai vấn đề đang được người dân trong nước và người Việt ở nước
ngòai đặc biệt quan tâm lại không được thảo luận.
Vậy, Hội nghị này sẽ bàn về những vấn đề gì để có lợi cho dân, cho
nước? Theo lời Mạnh, những người lãnh đạo trong đảng sẽ tập trung vào
3 vấn đề:
- Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh
năm 1991).
- Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển
kinh tế xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng chiến lược phát triển
kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020.
- Định hướng chuẩn bị Đại hội XI của Đảng và đại hội đảng các cấp.
Thành lập tiếp các tiểu ban chuẩn bị Đại hội và một số vấn đề quan
trọng khác.
Trong cả 3 đề tài thì việc “bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991”,
được coi là quan trọng nhất vì bất cứ sự thay đổi nào trong Cương lĩnh
này cũng sẽ ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của đảng CSVN.
Mạnh nói : “Kể từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, tình hình
thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc. Nhiều
vấn đề mới nảy sinh từng bước được Đảng ta nhận thức và giải quyết có
hiệu quả. Nhờ vậy, một số vấn đề liên quan đến Cương lĩnh đã được nhận
thức sâu sắc hơn; quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn...
...Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Tiểu ban tổng kết, bổ sung và
phát triển Cương lĩnh. Tiểu ban đã chỉ đạo và triển khai tổ chức lực
lượng nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991
theo từng lĩnh vực, từng ngành và đã tổng hợp thành báo cáo chung. Quá
trình nghiên cứu, tổng kết đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp tâm
huyết và trí tuệ phong phú của nhiều tập thể và cá nhân, của các đồng
chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thông qua các cuộc tọa
đàm, hội thảo, hội nghị xin ý kiến và các cuộc khảo sát thực tế ở nhiều
địa phương.
Đến nay, đã xây dựng được bản đề cương chi tiết Báo cáo, Bộ Chính trị
trình Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và cho ý kiến tại Hội nghị
này.”
BỔ XUNG VÔ ÍCH
Như thế rõ ràng là họ sẽ bàn về những đề nghị để bổ xung cho Nghị
quyết 1991, viết từ thời Đổ Mười lên cầm quyền khóa đảng VII, đúng
vào lúc Liên bang Xô Viết và các nước Cộng sản đông Âu tan rã.
Vì vậy, mục đích chính của Cương lĩnh 1991 được viết là để trấn an và
bảo vệ đảng. Nhưng nếu bổ xung mà không có thay đổi nào về nội dung 2
điểm quan trọng nhất của Nghị quyết khẳng định vai trò lãnh đạo
tuyệt đối và duy nhất của đảng thì có bổ xung bao nhiêu cũng vô ích.
Hai điều đó là : đảng CSVN chủ trương “...Tiến hành cách mạng xã hội
chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá làm cho thế giới quan Mác -
Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời
sống tinh thần xã hội...”, và : “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên
phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim
chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ
bản”.
Nhưng căn cứ vào lời nói của Mạnh trong buổi khai mạc ngày 29-6 (2009)
thì không cần phải đợi kết thúc kỳ họp, ai cũng có thể biết trước Ban
Chấp hành Trung ương sẽ không thay đồi 2 điểm quan trọng này. Bởi vì,
Mạnh đã yêu cầu các Ủy viên : “ Trong quá trình thảo luận cần bám sát
tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết của Trung
ương, của Bộ Chính trị; quán triệt tinh thần và phương pháp khoa học,
biện chứng, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển.”
Vậy Nghị quyết Chính trị của Đại hội đảng kỳ X, từ 18 đến 25-4-2006, đã viết gì về Chủ nghĩa Mác-Lênin?
Họ viết trong phần được gọi là “ Nâng cao bản lĩnh chính trị và trình
độ trí tuệ của Đảng” rằng đảng CSVN tiếp tục :“Kiên định chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ
sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống
đặt ra.
Nâng cao trình độ trí tuệ, chất lượng nghiên cứu lý luận của Đảng; tiếp
tục làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội của nước ta; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn đường
lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới.”
Và đảng này cũng cam đoan : “Toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và
toàn xã hội phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng,
lãng phí.”
Nhưng từ tháng 4 năm 2006 đến tháng 6 năm 2009, điều mà Nghị quyết
Chính trị của Đại hội đảng X viết rằng “Tình trạng suy thoái về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn
với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Những biểu hiện
xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục”, chẳng những
chưa được khắc phục mà còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Mặt khác, Hội nghị kỳ 10 còn phải đối mặt với tình trạng đang có thêm
nhiêu đảng viên, kể cả nhiều cấp lãnh đạo chủ chốt đã suy thóai tư
tưởng, ngại nói đến Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí
Minh. Nhiều người khác đã sống mất phẩm chất, đạo đức suy đồi, sống xa
dân, dọa nạt, đàn áp, ức hiếp dân để chiếm đất, chiếm tài sản của dân,
làm cho điều đuợc gọi là “liên hệ máu thịt” giữa dân và đảng them ngày
một phai nhạt.
Tình trạng này cũng giống hệt như những điều đã ghi trong Nghị quyết
chính trị của Đại hội đảng X, khi nói về tình trạng cán bộ, đảng viên
trong khỏang thời gian giữa hai kỳ Đại hội IX và X, từ năm 2001 đến năm
2006, theo đó : “ Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng,
lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng.
Nhiều tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải
quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công tác tư tưởng còn thiếu tính
thuyết phục. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan
trọng trong công cuộc đổi mới. Công tác tổ chức và cán bộ còn nhiều mặt
yếu kém. Chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao..... Tình
trạng nói nhiều làm ít, làm không đến nơi đến chốn hoặc không làm còn
diễn ra ở nhiều nơi. Hiệu lực quản lý nhà nước còn thấp trên một số
lĩnh vực như: quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân
hàng, tài nguyên môi trường, sở hữu trí tuệ... Công tác kiểm tra, thanh
tra còn thiếu hiệu lực….Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán
bộ chủ chốt, yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiên
phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ.”
Rồi đây, khi Hội nghị 10 kết thúc vào ngày 5-7 (2009), mọi người sẽ
không ngạc nhiên khi thấy đảng sẽ một lần nữa hù họa tòan dân và ra
lệnh cho lực lượng võ trang nhân dân, công an phải tăng cường đề cao
cảnh giác trước điều được gọi là những âm mưu chống phá của các “thế
lực thù địch”, hay âm mưu “diễn biến hòa bình” , và những kẻ “nội thù”
đang cấu kết với các thế lực bên ngòai chống đảng và nhà nước.
Nếu làm theo lệnh của Nông Đức Mạnh thì mọi người sẽ không thấy lạ khi
thấy Hội nghị 10 sẽ lập lại quan điểm của đảng lên án, như họ viết
trong Nghị quyết Chính trị Đại hội đảng X rằng : “Các thế lực thù địch
vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", gây bạo loạn lật
đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế
độ chính trị ở nước ta.”
Tuy nhiên trong khoảng thời gian 3 năm từ tháng 4 năm 2006 đến tháng 6
năm 2009, chưa ai trong nước hay ở nước ngòai có thể hình dung được kẻ
thù “diễn biến hoà bình" mà đảng tuyên truyền có hình thù như thế
nào.
Chỉ có điều rõ ràng là người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay hải
ngoại, cũng đã thấy rõ hiểm họa Tầu Bắc Kinh đang đe dọa lấn chiếm chủ
quyền trên biển Đông của Việt Nam, sau khi đã đạt được mong muốn dành
lấy Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc của Việt Nam năm 1999.
Các hành động Tầu tăng cường tuần dương, cấm ngư dân Việt Nam đánh cá,
và đã bắt ngư dân để đòi chuộc tiền và buộc họ phải ký giấy nhìn nhận
“vi phạm chủ quyền lãnh thổ ” của Trung Hoa trong khu vực thuộc chủ
quyền lãnh thổ của Việt Nam quanh vùng hai quần đảo Hòang Sa và Trường
Sa từ giữa tháng 5/2009 đến nay là một bằng chứng nghiệm trọng.
Trong khi đó trên đất liền, ngòai những nhượng bộ trong phân định lại
biên giới năm 1999, đảng CSVN còn dành ưu tiên cho Tầu vào xây dựng các
nhà máy khai thác Bauxite tại vùng đất chiến lược Tây Nguyên tại hai
tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông để lấy chất Alumina bán cho Tầu, là một
bằng chứng khác của hiểm họa mất chủ quyền kinh tế về tay Bắc Kinh.
Phản ứng trong và ngoài nước về việc đảng CSVN để mất chủ quyền lãnh
hải và tài nguyên thiên nhiên vào tay Tầu Bắc Kinh đang hừng hực như
bốc lửa, dù cho nhà nước cố tình bóp méo sự thật hay đổi trắng thay đen
về khả năng bảo vệ mội trường và làm chủ tài sản của Tổ tiên.
Vậy mà, cũng như kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 12 vừa kết thúc trong
hoang mang về việc nhà nước để cho Tầu vào thao túng trên “nóc nhà
Đông Dương”, núp dưới danh nghĩa giúp Việt Nam khai thác Bauxite, Hội
nghị kỳ 10 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa X cũng không dám hé
răng nói đến vấn đề bảo vệ chủ quyền và tài nguyên của đất nước.
Như vậy thì thà đừng họp còn hơn. Họp để tiêu phí tiền của mồ hôi nước
mắt của nhân dân để nói những chuyện trên trời, dưới đất trong khi
hàng ngàn công nhân Tầu bất hợp pháp đang nghênh ngang khắp làng trên
xóm dưới cướp việc của người dân thì lại giả vờ như không thấy.
Chẳng lẽ trên 180 Ủy viên Trung ương của cái đảng trên 3 triệu đảng viên này mắt lòa hết cả rồi sao?
(07/09)
..
|