Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết vừa ký phê chuẩn Công Ước của Liên Hợp Quốc Về Chống Tham Nhũng.
Bản tin trên trang mạng của Thanh Tra Chính Phủ ca ngợi việc phê chuẩn Công ước là sự thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam "trong việc hoàn thiện cơ chế và tăng cường chỉ đạo thực hiện và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng".
Tuy nhiên, theo Quyết định phê chuẩn ngày 30.06.2009 của Chủ tịch nước thì Việt Nam không chịu sự ràng buộc và cũng không áp dụng trực tiếp các quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp của Công ước.
Việt Nam nói chủ đề làm giàu bất hợp pháp sẽ được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật trong nước, trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương với nước khác, theo nguyên tắc có đi có lại.
Các quan chức Thanh Tra Chính Phủ được BBC liên hệ nhưng từ chối trả lời.
Phù hợp với luật trong nước
Trước đó, trong Tờ trình Chủ tịch nước ngày 10.06.2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Công ước.
Tuy nhiên, Tờ trình đánh giá các quy định về việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, tham nhũng, hối lộ trong khu vực tư được nêu trong Công ước là "khá nhạy cảm", "chưa được pháp luật Việt Nam quy định" và "không bắt buộc phải thực hiện".
Dựa trên hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật trong nước, mỗi quốc gia thành viên sẽ cân nhắc áp dụng luật và các biện pháp cần thiết khác để xác lập tội hình sự đối với các hành vi cố ý làm giàu bất hợp pháp, dẫn tới việc làm gia tăng đáng kể các tài sản của một công chức mà người đó không thể giải thích một cách hợp lý, liên quan tới những khoản thu nhập hợp pháp của mình.
Điều 20, Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hợp Quốc
Đối với quy định về công khai, minh bạch tài chính công, hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng, giám sát tài khoản của những người đã và đang giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, Tờ trình nói "là những quy định bắt buộc, pháp luật Việt nam đã đáp ứng về cơ bản".
Việt Nam nhận định rằng không cần đặt vấn đề bắt buộc "sửa đổi hay xây dựng mới các quy định pháp luật cụ thể để thi hành Công ước."
Tờ trình của Chính phủ cũng khuyến nghị cần có "khóa an toàn" khi áp dụng Công ước "để xử lý những tình huống nhạy cảm, không để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại an ninh quốc gia".
Bên cạnh vấn đề không áp dụng quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, Việt Nam còn bảo lưu không áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp và dẫn độ của Công ước.
Công ước chống tham nhũng được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 07.10.2003 và Việt Nam đã ký hôm 10.12.2003.
Sau khi ký kết, các quốc gia cần tiến hành thủ tục phê chuẩn trước khi trở thành thành viên chính thức của Công ước.
Được biết, trước Việt Nam đã có 140 quốc gia ký kết và 136 quốc gia phê chuẩn Công ước này.