Hiện đang có những hướng nghiên cứu mới được áp dụng ở Việt Nam trong khảo sát các vấn đề về nghèo đói trong xã hội ở các tầng lớp nhân dân ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn ở trong nước.
"Bên cạnh hướng nghiên cứu truyền thống về nghèo đói kinh tế, hiện người ta đang nghiên cứu thêm nghèo đói dưới các góc độ nghèo tri thức và nghèo nhân văn," Tiến sĩ Trần Xuân Bình, Trưởng Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Huế cho BBC Việt ngữ biết trong cuộc phỏng vấn hôm 02/7/2009.
Ông Bình cho biết kể cả trong trường hợp thu nhập quốc dân được nâng dần lên, Việt Nam cần hết sức lưu ý tới hai loại hình nghèo đói trên.
Một số có thể dẫm đạp lên các giá trị nhân văn và còn có các hành vi làm tổn hại tới cộng đồng.
TS. Trần Xuân Bình
Nghèo đói tri thức và nghèo đói nhân văn có thể có hệ lụy trực tiếp từ tình trạng hạn chế các cơ hội trong xã hội mà nhóm nghèo do nguyên nhân kinh tế đang phải gánh chịu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia từng nhiều năm khảo sát nghèo đói ở khu vực đầm phá Tam Giang ở Huế này, thì ngay cả trong nhóm những người giàu lên cũng xuất hiện tình trạng nghèo về tri thức và nhân văn.
"Nghèo về tri thức và nhân văn cho thấy nhiều người giàu lên có thể vẫn ít có ý thức về việc học hành, nâng cao nhận thức về văn hóa thực thụ, dù họ có nhiều cơ hội hơn và thay vào đó, một số có thể dẫm đạp lên các giá trị nhân văn và còn có các hành vi làm tổn hại tới cộng đồng, xã hội và lịch sử."
Nghèo đói và trốn thuế
Nhà xã hội học từ Huế cũng bình luận về các hướng mới trong đánh giá nghèo đói kinh tế.
"Hiện các chuẩn nghèo tại Việt Nam thay đổi liên tục, từ quốc gia, tới vùng miền và xuống cả địa phương và các nguyên nhân của nghèo đói cũng rất đa dạng," ông Bình nói.
"Tuy nhiên hiện tượng trốn thuế đặc biệt ở nhóm giàu ở đỉnh trên cùng, mà hiện cũng khó xác định là chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong nhóm chiếm khoảng từ 5-10% dân số Việt Nam, có vẻ là một trong các nguyên nhân trực tiếp của bất bình đẳng xã hội và khoảng cách giàu nghèo đang giãn rộng."
Một bộ phận những người có quyền chức ở địa phương, nhiều người có thể trốn thuế thu nhập, lợi tức qua việc không khai báo đầy đủ hoặc lách luật đối với những tài sản hoặc dòng thu nhập.
TS. Trần Xuân Bình
Ông Bình giải thích thêm rằng tại Việt Nam, trong nhóm dân số giàu có, có hiện tượng một bộ phận không nhỏ được hưởng lợi từ hệ thống chính trị, quyền lực và đang đảm bảo lợi thế xã hội giàu có của mình bằng việc trốn thuế, đặc biệt là thuế thu nhập và lợi tức cá nhân.
"Hiện tượng này cũng xảy ra trong một bộ phận những người có quyền chức ở địa phương, nhiều người có thể trốn thuế thu nhập, lợi tức qua việc không khai báo đầy đủ hoặc lách luật đối với những tài sản hoặc dòng thu nhập dẫn tới tài sản của họ như buôn bán, tích trữ địa ốc, tài chính, cổ phiếu và các tài sản có giá trị khác."
Ông Bình cũng cho hay hiện tượng trốn thuế thu nhập và tợi lức, mặc dù đang được kỳ vọng xử lý, đã lan rộng từ các lĩnh vực kinh tế tới giáo dục, nơi thu nhập cá nhân khai thuế của các viên chức ở khu vực công mới bắt đầu được xử lý giản đơn qua hình thức 'trả lương qua thẻ tín dụng ngân hàng.'