Thứ Ba, 2024-11-05, 8:43 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 4 » Luật tiếp cận thông tin: Một trò hề mới
10:10 PM
Luật tiếp cận thông tin: Một trò hề mới

Lê Diễn Đức

Theo báo Pháp Luật Tp. HCM, hôm 23/06/2009 Bộ Tư pháp đưa ra thảo luận dự thảo về Luật Tiếp cận thông tin. [¹]

Khi bàn đến lĩnh vực thông tin, có hai hai vấn đề cơ bản, đó là nguồn cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin.

Trong cái ao làng thông tin của các ông trọc phú Ba Đình, tức Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, mọi chuyện đã rõ ràng, tôi không biết họ tranh luận cái nỗi gì cho mất sức, tốn thời gian, tiền bạc.

Báo cáo tình hình thực hiện các quyền con người, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam chẳng đã xác định rất rõ nguồn cung cấp đó sao?

Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất (đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam), 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người”. [²]

Đúng là tự do báo chí vào loại nhất thế giới như Thụy Điển cũng không thể nào tạo ra được một bản ca khúc hoành tráng như trên!

Theo tôi, các cuộc bàn luận chỉ có thể cốt tìm cách đùn đẩy, quy kết lỗi cho nhau những trường hợp khó xử. Ví dụ, khi có nhà báo phá rào như Nguyễn Việt Chiến, đưa tin lấy từ chính từ cơ quan điều tra của Bộ công an, như báo Du Lịch đụng đến vùng cấm, ảnh hưởng đến quan hệ chủ tớ với Bắc Triều, hay là trang web của Bộ Công thương hót Trung Nam Hải lỗ liễu đến độ làm sôi động dư luận…

Chẳng thế mà tờ Pháp Luật cho hay, “câu hỏi ai có trách nhiệm cung cấp thông tin này được tranh luận nhiều nhất”.

Nếu theo như bản báo cáo của Bộ Ngoại giao đã dẫn, thì ta có thể liệt ngay Việt Nam vào danh sách các quốc gia cởi mở về tiếp cận thông tin vào loại hàng đầu của hành tinh:

Người dân Việt Nam ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với khoảng 20 triệu người truy cập, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%). Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác”.

Phải thừa nhận Hà Nội có tài ảo thuật điệu nghệ và tung hoả mù thuộc loại siêu đẳng. Cũng dễ hiểu, những tên ăn cướp thường hay la làng, gái đĩ thường già mồm, thằng mù không sợ tối, thằng điếc không sợ súng. Tóm lại, không có thằng nào “Chí Phèo”, ngoa ngoắt, trơ trẽn hơn bộ máy tuyên truyền của CHXHCN Việt Nam.

Đúng vậy! Cả nước không có lấy một tờ báo, đài phát thanh, truyền hình tư nhân. Toàn bộ guồng máy thông tin khổng lồ mà bản tường trình kể ra được nuôi sống bằng thuế của dân và tài nguyên của đất nước, nội dung chuyển tải nằm dưới sự chỉ đạo tuyệt đối của Ban văn hoá tư tưởng Trung ương Đảng. Cấm in, thu hồi ấn phẩm, cho các nhà báo, nhà văn nghỉ việc hoặc vào tù chỉ vì đi trệch với đường lối và mục đích tuyên truyền của chế độ, là chuyện xảy ra thường xuyên tại Việt Nam.

Tôi có thể cả quyết rằng, trong 20 triệu được nêu, số người truy cập các trang web tình dục, khiêu dâm, giải trí rẻ tiền chiếm bội thế. Các trang mà qua đó có thể trau dồi nhận thức chính trị, dân chủ, nâng cao dân trí và trách nhiệm xã hội, ở Việt Nam được gọi là “nhạy cảm”, chứ không phải các trang sex. Hệ thống tường lửa phong toả những trang này, bởi vì chúng không hợp nhãn với nhà cầm quyền, bị coi là thế lực thù địch, phản động.

Hồi tháng Ba năm nay, Tổ chức Phóng viên không Biên giới đã đưa ra danh sách 12 quốc gia “thù nghịch với Internet”, trong có Việt Nam.


Tự do truy cập Internet kiểu Việt Nam - Foto: CPJ

Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới, hôm 03/05/2009, Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (Committee for Protection of Journalists – CPJ) cũng công bố danh sách 10 quốc gia “khó khăn nhất đối với các blogger”. Đó là Miến Điện, Iran, Syria, Cuba, Ả Rập Saudi, Việt Nam, Tunesia, Trung Quốc, Turkmenistan và Ai Cập.

Tháng 9/2008, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, hay Điếu Cày, đã bị bỏ tù 30 tháng vì tội trốn thuế nhưng các điều tra của CPJ cho thấy ông bị trừng phạt chính vì trên blog của mình ông đã viết những bài khác với ý của nhà cầm quyền, đặc biệt là về mối quan hệ với Bắc Kinh qua sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa.

Cần nhấn mạnh rằng, trong cuộc cách mạng thông tin, văn hoá bloger ngày nay giữ vai trò quan trọng và đang phát triển mạnh. CPJ nhận định Việt Nam là nơi mà các blogger bù vào khoảng trống giữa các nguồn tin do báo chí chính thống trong nước độc quyền. Hà Nội phản ứng bằng cách gia tăng các quy định, hạn chế còn chặt hơn cả Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua quyết định hồi tháng 10/2008,  chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan riêng để quản lý Internet thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông.

Trong cuộc trao đổi cho dự thảo luật tiếp cận thông tin, cũng có những người nhận ra vấn đề.

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cho rằng, các tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm và sử dụng nguồn công sản rất lớn, thất thoát, tham nhũng xuất phát nhiều tại đây. Vì vậy, chủ thể này phải có trách nhiệm công khai thông tin cho công chúng. Trong cơ chế một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo mọi nguồn lực xã hội “mà không công khai thì cũng đáng suy nghĩ”.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, còn biết rất rõ, “ở các nước dân chủ phát triển, quyền tiếp cận thông tin của công chúng được quy định ở mức độ tối đa, thông tin mật thu hẹp tối thiểu và những gì không mật thì ai cũng có quyền biết. Thậm chí một số nước còn đưa vào luật những trường hợp ngoại lệ là ngay cả thông tin mật, trong trường hợp đặc biệt vẫn có quyền tra cứu”.

Thế nhưng ông ta kết luận bằng một câu hỡi ôi: “Tuy nhiên, luật của ta không thể thoát ly thực tiễn trong nước là còn những vùng nhạy cảm khi nói tới quyền tiếp cận thông tin của người dân”.

Cái vùng nhạy cảm của thực tiễn nước ta là gì, có lẽ ai cũng hiểu.

Gần đây nhất, những vụ tham nhũng lớn dính líu tới các quan chức tai to mặt lớn, như vụ ăn tiền viện trợ phát triển của Nhật CPI, vụ in tiền Polymer, rút kinh nghiệm từ hậu quả vụ PMU 18, báo chí trong nước có đề cập tới nhưng giờ đây dường như đã bị khống chế, không đưa thêm thông tin về “vùng nhạy cảm” nữa.

Trong khi đó, đại sứ Australia tại Việt Nam Allaster Cox, trong vụ tiền Polymer đã nói với VietnamNet, rằng ông  hoan nghênh vai trò của tờ báo The Age và truyền thông “đóng vai trò quan trọng trong việc đào bới những vụ việc khả nghi và điều tra các quan chức”.

Không có quốc gia nào mà giới cầm quyền không có vấn đề lạm quyền, tham nhũng, chỉ ở mức độ lớn hay nhỏ. Nhưng ở các quốc gia dân chủ, truyền thông báo chí tự do là lực lượng xã hội mạnh nhất, năng động nhất để phát hiện, ngăn cản, hạn chế các tiêu cực xã hội và lành mạnh hoá nó qua các diễn đàn thông tin.

Tự do báo chí, nếu được đảm bảo đúng chức năng, sẽ trở thành quyền lực thứ tư, có thể làm thay đổi cả một chính quyền.

 
 Nhà báo Augstein ra toà, năm 1962
- Foto: Dhm.de
 
Năm 1962, toà án Đức xử phóng viên tuần báo Der Spiegel Rudolf Augstein vô tội, dù đã tiết lộ kế hoạch phòng thủ quốc gia trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dẫn đến sự sụp đổ chính phủ liên minh khổng lồ CDU-SPD, là một đơn cử điển hình.

Có thể kể thêm trường hợp nhiều người Việt biết đến, đó là hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post đã làm cho Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon khốn khổ, trước khi bị buộc thôi chức vì vụ “Watergate” năm 1972.

Điều cơ bản nhất đã được giáo sư Nguyễn Đăng Dung nhắc đến trong cuộc trao đổi ra dự luật tiếp cận thông tin là cơ chế độc đảng, nhưng với thái độ dè dặt.

Không phải “đáng suy nghĩ” mà là ngược lại mới đúng. Suy nghĩ làm gì khi mà toàn bộ hoạt động của xã hội, kể cả tư tưởng và quyền tự quyết của con người, bị một đảng cầm quyền duy nhất, không do dân bầu chọn, vừa đá bóng vừa thổi còi và sẵn sàng đè bẹp theo luật maphia mọi cá nhân có chính kiến đối lập, có hại cho sự duy trì quyền cai trị của Đảng cộng sản.

Mọi thứ luật của nhà cầm quyền, không chỉ riêng về thông tin, không có mục đích gì khác hơn là tiếp tục xiết chặt đinh ốc của cỗ máy kiểm duyệt, trấn áp, đồng thời tìm cách hợp thức hoá sự phân chia mánh mung trong các nhóm quyền lợi.

Luật gì trong bối cảnh này cũng chỉ là thứ trang phục diêm dúa của vở diễn tuồng chèo đã cũ rích. ■

© http://ledienduc.wordpress.com

Nguồn tham khảo:
- [¹]
: http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=258895
- [²]
: http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns090423105036
 Nguồn: Ledienduc's Blog
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 850 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 525
Khách: 525
Thành Viên: 0