Thứ Tư, 2024-12-04, 2:16 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 4 » Vụ hầm Kim Liên : Tội trời, vạ đất hay lỗi người
10:25 PM
Vụ hầm Kim Liên : Tội trời, vạ đất hay lỗi người
Phạm Viết Đào, nguồn X-Café

Lại thêm một sự cố cầu đường làm choáng váng dư luận và làm tẽn tò các nhà xây dựng cầu đường Việt Nam : Chiếc hầm vượt nút giao thông Kim Liên-Đại Cồ Việt bị biến thành sông ngay trong ngày cắt băng khánh thành- thông xe. Sau khi các quan chức Hà Nội và chủ đầu tư cắt băng đỏ khai trương vào sáng ngày 16/6/2009, chính thức thông xe con đường hầm tại nút giao thông này, trông thật hoành tráng, ngoạn mục nhưng lập tức đã biến thành sông sau một trận mưa khoảng 30 phút ngay sau đó...

May mà ông trời còn chiếu cố cho cái lễ này cử hành xong mới giáng cho một trận mưa hình như để " lật tẩy " cái tài thiết kế, xây cầu của Việt Nam; kết cục là chỉ 30 phút mưa thôi, một cơn mưa bình thường đầu hạ mà con đường hầm này đã biến thành một giòng sông nhỏ, trông cùng nên thơ nếu không có những chiếc ôtô, xe máy liều lĩnh chạy qua xô nước tung toé...

Người đi đường háo hức muốn thưởng thức cái cảm giác lâng lâng được tự mình lưu thông qua một con đường hầm hiện đại nhất Việt Nam, con đường hầm được đầu tư 467 tỷ đồng đành phải tìm rẽ qua hướng khác. Mãi đến chiều, sự lưu thông qua con đường này mới được tái lập và chúng tôi đã tranh thủ ghé qua đường hầm này xem: tại sao ông trời lại tai ác làm vậy, chơi khăm các chuyên gia cầu đường Việt Nam ngay trong ngày trọng hỷ, ngày khánh thành. Tôi đoán, trưa nay chắc những người tham gia góp công, góp tiền làm nên chiếc hầm đường bộ này đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn để ăn mừng thắng lợi. Nhưng với cơn mưa này thì chắc chắn chén rượu, cốc bia sẽ sặc mùi đắng, chát?

Ai đã có dịp đi công tác qua thủ đô các nước thấy việc người ta xây dựng những chiếc hầm vượt như thế này dễ dàng như không ? Thế mà đối với thành phố Hà Nội, chiếc hầm này đã bị ông trời giáng cho một vố ngay trong ngày trọng hỷ? Phải chăng các vị không thành tâm thắp hương lễ lạt trong ngày động thổ? Sự cố này có đúng là một sự cố bình thường của việc xây dựng các con đường hầm vượt hay là do Trời, do Đất hay do Con người " quả báo" nên ? Tôi cứ miên man suy nghĩ vớ vẩn như vậy khi cho xe nối đuôi theo giòng người hối hả bon chen qua chiếc hầm mới toanh này, một nút giao thông thường xuyên tắc trước đây...

Không phải là một chuyên gia xây cầu đường, nhưng khi cho xe đi vào điểm trũng nhất của chiếc hầm, tôi hiểu được phần nào nguyên nhân vì sao xảy ra sự cố hy hữu này. Chẳng phải do trời, đất nào cố ý gây sự, " ghen" với các nhà tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm định công trình hầm cầu vượt được coi là hiện đại nhất Việt Nam này cả? Bằng mắt thường và mặc dù không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng tôi cũng đã nhìn ra: Các nhà tư vấn thiết kế chiếc hầm cầu vượt này đã không biết cách tìm ra giải pháp thiết kế hợp lý nhất, tối ưu nhất phù hợp với địa hình của nút giao thông này và thời tiết của Hà Nội...

Hà Nội mưa là chuyện quanh năm của trời, mưa nửa tiếng đồng hồ chưa phải là mưa lớn, mưa giai mà hầm cầu đã thành sông, chứng tỏ tư vấn thiết kế đã không thiết kế được một chiếc hầm cầu vượt tương thích. Việc thiết kế loại hầm cầu này dứt khoát phải qua thủ tục kiểm định của Tư vấn thẩm định. Thao tác kỹ thuật này chắc đã làm chiếu lệ, hoặc là quan liêu hoặc dốt nên đã đóng dấu thẩm định cho phép được đầu tư thi công một cái hầm cầu vượt mà mới mưa sơ sơ đã biến thành sông...

Chúng tôi chưa rõ khi tiến hành xây dựng hầm cầu này chủ đầu tư đã đặt ra đầu bài cho việc chọn thầu thiết kế như thế nào, các điều khoản hợp đồng ràng buộc A-B ra sao? Nếu như theo thông lệ quốc tế và theo Luật Đấu thầu 61/2005/QH11, Luật Xây dựng 16/2003/QH11, Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Việt Nam thì với một cơn mưa hơn nửa tiếng đồng hồ mà hầm cầu đã thành sông thì có nghĩa: tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm định phải bị phạt, phải đền bù thiệt hại vì thiết kế kém ?

Tôi để ý chương trình truyền hình thời sự buổi tối nay, xem tác giả của cái công trình được chờ đón là hiện đại nhất Việt Nam giải thích như thế nào về sự cố này ? Tôi được nghe giải thích: hầm chưa hoàn thành, còn hạng mục bơm thoát nước chính chưa lắp đặt nên mới xảy ra sự cố bẽ bàng này. Đúng là vừa vụng chèo nhưng chống lại cũng vụng nốt. Sao không đợi cho nó xong các hạng mục hệ thống bơm thoát nước rồi hãy cắt băng tuyên bố thông xe với mọi người? Có điều gì đó uẩn khúc ở đây? Vội vàng chi để cho trời phạt? Rõ ràng đây là một sự chống chế vụng về...Tôi đã đi qua nhiều hầm cầu vượt kiểu này, nhưng một chiếc hầm cầu lại phải kè kè một hệ thống bơm thoát nước kề bên thì ít thấy? Với một con đường hầm như nút giao thông Kim Liên-Đại Cồ Việt khi tôi đến chỗ trũng nhất, tôi đã nhận thấy sự bất hợp lý: nó thấp hơn hệ thống thoát nước của vùng đất xung quang. Như vậy đây là một giải pháp thiết kế không hợp lý, dại dột...

Tự anh làm ra con đường hầm mà hai đầu thông thiên thông địa thế kia, lại cho thấp hơn hệ thống thoát nước thì đồng nghĩa với việc anh xây một cái hồ nước nhân tạo, chứ đâu phải là xây một cái hầm đường bộ để phục vụ cho giao thông đi lại? Tự anh vẽ ra rồi vay tiền xây lên một cái hồ nhân tạo; rồi lại phải tìm giải pháp thoát nước bằng một hệ thống bơm thì đây là mộc sáng kiến "vĩ đại" ngang với sự xuẩn ngốc, tối kiến về phương diện kỹ thuật cầu đường.

Đáng lẽ ra khi thiết kế tư vấn thiết kế phải căn chuẩn vào hệ thống thoát nước xung quang, lấy đó làm điểm cốt thấp nhất cho con đường: mặt đường điểm thấp nhất tối thiểu phải cao hơn cái hệ thống thoát nước. Bởi vì để làm một con đường, cho nổi lên, đắp cao lên vẫn khả thi và đỡ tốn hơn, an toàn là cho chìm xuống. Đối với nút giao thông Kim Liên-Đại Cồ Việt cho nổi là hợp lý nhất và chỉ tốn một lần.

Tình thế bây giờ thì có mà trời cứu, lại phát sinh thêm, lại thêm tiền đầu tư, lại suốt ngày bơm bơm vá vá; mới mưa có nửa tiếng mà đã bơm mất vài tiếng đồng hồ mới hút được nước ra? Nếu mưa một vài ngày thì bơm thoát đi đâu hả trời? Tôi vừa đi vừa thấy ngán ngẩm cho các chuyên gia cầu đường Việt Nam về cái sự "vĩ đại" này? Nhận một khoản vốn đầu tư gần 500 tỷ mà còn làm ăn không nên hồn?

Đây cũng là một sự cố nhãn tiền mà theo tôi các ông sau đây cần phải nhìn vào đây mà suy xét, mà rút kinh nghiệm: Một là ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ, hai ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, ba là ông Vũ Huy Hoàng-Bộ trưởng Bộ Công thương, bốn là ông Phạm Khôi Nguyên -Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, những ông này đang quyết liệt ép Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cho xây cái bể chứa bùn đỏ trong có hoá chất độc hại tại Tây Nguyên, mái nhà của Việt Nam! Các ông hãy chứng kiến cái cảnh chiếc hầm cầu vượt đơn giản bằng cái lỗ mũi mà mới một trận mưa 30 phút, nó đã bị biến thành ao, thành hồ. Đấy tài năng và khả năng của các nhà kiến trúc xây dựng Việt Nam tài như vậy đấy ?

Cái chiếc hồ trên Tây Nguyên có diện tích bằng cả một quận của Hà Nội, gặp năm trái trời, mưa lớn thì đập nào mà ngăn nổi? Hay lúc đó huy động bà con thủ đô vào chống đờ và cho thoát sang Lào, Cămpuchia chăng?

Phạm Viết Đào

Nguồn : X-Café

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 920 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0