Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-07-04
Theo tin từ Việt Nam, ông Nguyễn Hộ, sinh năm 1916, đã qua đời hôm 2 tháng 7, thọ 93 tuổi.
Photo: RFA
Từ trái qua – ông Trần Khuê, ông Nguyễn Hộ, và Nguyễn Tiến Trung.
Ông Nguyễn Hộ từng là một đảng viên cộng sản kỳ cựu. Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1934, từng bị giam chung phòng với ông Lê Duẩn tại Côn Đảo.
Ông từng là Ủy viên Thường trực của
Ban Thường vụ Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn từ 1950 - 1952.
Sau khi tham gia cả hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông làm Phó Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, Thư
ký Liên hiệp Công đoàn TP.HCM, rồi Chủ tịch Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam ở TP.HCM...
Tuy nhiên, cuộc đời ông
Nguyễn Hộ không suông sẻ như nhiều cán bộ cách mạng lão thành khác. Ông đã hai
lần bị chính quyền Việt nam bắt, bị quản thúc tại gia. Vì sao?
Bị bắt lần thứ nhất
Năm 1987, sau khi về hưu, ông Nguyễn Hộ cùng các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Đỗ Trung
Hiếu và Lê Đình Mạnh đứng ra thành lập Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ ở TP.HCM.
Chỉ trong một thời gian ngắn,
tổ chức này đã thu hút rất đông cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng trên
toàn quốc tham gia và trở thành nơi để các thành viên lên tiếng chỉ trích đường
lối, chính sách, lối đối xử tàn tệ đối với trí thức, cựu chiến binh, đòi cải tổ
thể chế, đòi bầu cử tự do...
nhưng
phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì
suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu
sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, …
Ông
Nguyễn Hộ
Năm 1989, Câu lạc bộ những người kháng chiến
cũ xuất bản một tờ báo mang tên Truyền thống
Kháng chiến nhưng tờ báo này chỉ xuất bản được hai số thì có lệnh đình bản. Tuy
nhiên họ vẫn thực hiện và phát hành số thứ ba nên chính quyền tổ chức tịch thu,
đồng thời đóng cửa Câu lạc bộ.
Đầu năm 1990, nhiều thành
viên của Câu lạc bộ bị bắt. Số người bị bắt được ước lượng lên tới hàng ngàn,
trong đó có cả các nhân vật chủ chốt như: Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Ðỗ Trung Hiếu,
Lê Ðình Mạnh…
Riêng ông Nguyễn Hộ thì bỏ
Sài Gòn về sống tại Củ Chi. Vào tháng 8 năm 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến
thăm ông Nguyễn Hộ và cố gắng thuyết phục ông từ bỏ con đường đối lập nhưng ông
Kiệt không thành công. Đầu tháng 9 năm 1990, ông Nguyễn Hộ bị bắt giam rồi được
thả và bị quản thúc tại gia. Năm 1991, ông Nguyễn Hộ tuyên bố rời bỏ Đảng CSVN.
Từ đó, ông Nguyễn Hộ bắt đầu
viết nhiều bài, tác phẩm bày tỏ quan niệm của ông về chế độ và chính quyền cộng
sản tại Việt Nam. Nổi tiếng nhất là bài “Giải pháp Hòa hợp Hòa giải”, cuốn sách “Quan điểm và cuộc sống”.
Bị bắt lần thứ hai
Năm 1994, ông Nguyễn Hộ, bị bắt lần thứ hai vì cuốn “Quan Điểm và Cuộc Sống“, kêu gọi Đảng
CSVN từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê Nin và chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa, bởi
theo ông, Đảng này đã đi theo con đường đó và chủ nghĩa tư bản đang được áp dụng
ở Việt Nam rồi.
Khác với nhiều nhân vật
thuộc loại “lão thành cách mạng” từng lên tiếng chỉ trích chế độ, chỉ trích
chính quyền vào lúc cuối đời, những ý kiến của ông Nguyễn Hộ về chế độ, về
chính quyền rất thẳng thắn và hoàn toàn không “rào trước, đón sau”. Trong lời mở
đầu cuốn “Quan
điểm và cuộc sống”, Nguyễn Hộ viết: “Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi
có hai liệt sĩ: Nguyễn Văn Ðảo (anh ruột) - Ðại tá quân đội nhân dân Việt Nam -
hy sinh ngày 09/01/66 trong trận ném bom tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ
vào Việt Nam. Trần Thị Thiệt (vợ tôi) - cán bộ phụ nữ Sài Gòn - bị bắt và bị
đánh chết tại Tổng Nha Cảnh Sát hồi tết Mậu Thân (1968), nhưng phải thú nhận rằng,
chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên
con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn
lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân
không có ấm no và hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Ðó là điều sỉ nhục.”
Không có tự do là nhục
Cho đến cuối đời, ông Nguyễn
Hộ vẫn khẳng định, Việt Nam chỉ mới có độc lập, chứ chưa có tự do, dân chủ. Đầu
năm 2008, ông đã dành cho anh Nguyễn Tiến Trung – Tập hợp Thanh niên dân chủ một
cuộc phỏng vấn. Ông nói: “Không dân chủ là phản bội! Trời đất ơi! Không dân
chủ là phản bội!”.
Trong cuộc phỏng vấn đã kể,
ông Nguyễn Hộ cho rằng, không thể chấp nhận chỉ đổi mới kinh tế mà vẫn giữ
nguyên thể chế chính trị: “Nếu muốn nói cải cách cho đúng nghĩa của nó thì
phải toàn diện. Hiện nay chủ yếu là tập trung giải quyết kinh tế thôi, còn
chính trị có Đảng, có Nhà nước lãnh đạo. Chưa chắc đúng! Bởi vì theo quy luật,
thường thường, thằng cha nào có quyền trong tay thì nó luôn luôn hướng về độc
tài. Nhân dân là chủ chứ không phải anh là chủ, dân tộc Việt Nam là chủ đất nước.
Không phải dân tộc Việt Nam chỉ biết ăn thôi. Kinh tế là chỉ biết ăn thôi!
Không lẽ dân tộc này chiến đấu xong rồi chỉ biết ăn chứ không biết nói, không
biết suy nghĩ gì hết? Không phải vậy! Anh hiểu như vậy là không đúng! Anh coi
thường dân tộc anh! Không cho phép anh suy nghĩ như vậy!”
Bởi
vì theo quy luật, thường thường, thằng cha nào có quyền trong tay thì nó luôn
luôn hướng về độc tài. Nhân dân là chủ chứ không phải anh là chủ, dân tộc Việt
Nam là chủ đất nước.
Ông
Nguyễn Hộ
Dù tuổi đã ngoài 90 nhưng
ông Nguyễn Hộ vẫn không thể gạt sang một bên những trăn trở về thời cuộc: “Hi
sinh biết bao nhiêu triệu người, trong ròng rã bao nhiêu năm trời. Không kể hồi
trước đâu. Không kể về tổ tiên ta đánh giặc hàng ngàn năm như Trưng Trắc, Trưng
Nhị, bà Triệu, Trần Hưng Đạo,.. Không kể hàng ngàn năm, chỉ kể ngày nay thôi,
chúng ta cũng hi sinh mà tới nay không có tự do. Cho nên nói phản bội cũng
không lo là nói nặng đâu! Chính là phản bội. Cho nên trọng trách thanh niên lớn
lắm. Phải làm sao giác ngộ thanh niên hiểu điều đó. Nhục! Đất nước như thế này
là nhục! Làm công dân của Việt Nam, có lịch sử oai hùng, đến ngày nay mà không
có tự do, đó là nhục nhã! Nhục! Không thay đổi điều này, không xứng đáng làm
người!”
Ông Nguyễn Hộ đã từng được
Tổ chức Theo
dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao tặng
giải thưởng
Hammett-Hellman (Giải Tự do Phát biểu).
Tin ông Nguyễn Hộ qua đời
đã khiến nhiều người quan tâm đến cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ cho Việt
Nam ngậm ngùi. Ngày 3 tháng 7, từ Đà Lạt, ông Hà Sĩ Phu và nhóm thân hữu đã gửi
một câu đối viếng Nguyễn Hộ:
Quan điểm tựa Sáu Dân mấy
trận sửa sai thành quyết tử
Cuộc sống như Năm Hộ,
hai lần kháng chiến để trường sinh
|