Dongsongxanh
Nhân loại đã bước sang
thế kỷ 21, con người không ngừng sải những bước dài vũ bão trên con đường phát
triển để chinh phục những đỉnh cao khoa học tiến bộ. Liên Hợp Quốc đề cao giá
trị tự do và nhân quyền đồng thời nỗ lực kêu gọi các nước thành viên thực hiện
các biện pháp để bảo vệ quyền này. Vậy mà đến giờ này dân tộc chúng ta vẫn chưa
thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, các giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền không
được thực thi nghiêm chỉnh theo cam kết quốc tế mà thậm chí còn bị tụt lùi. Một
nhà nước nhân danh của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhưng thực tế lại
chuyên làm những điều phản lại lợi ích của nhân dân. Hãy nhìn những hình ảnh
sau:
Tham nhũng tràn lan khắp
nơi như nấm dại sau cơn mưa rào, quan chức lộng hành ngang ngược, cấp thấp lộng
hành kiểu thấp, cấp cao lộng hành kiểu cao, vô tư tác oai tác quái. Không một
quan chức nào có chút liêm sỉ nghĩ tới việc từ chức khi trực tiếp hay gián tiếp
gây ra hậu quả cho xã hội. ĐCS nhiều lần tuyên bố rằng tham nhũng là “quốc nạn”
có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, nhưng Quốc hội lại dùng dằng không
chịu phê chuẩn các công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng, mặc dù nói rằng
đã tham gia từ năm 2003. Tới tận ngày 30/6/2009 vừa qua thì ông Chủ tịch nước Triết mới ký phê chuẩn công
ước về phòng chống tham nhũng của LHQ (UNCAC). Thế nhưng đáng tiếc ở chỗ, Việt Nam đã bảo lưu một số điều khoản trong bản công ước này để
không phải thi hành. Người viết tự lý giải rằng có lẽ vì cái sự tham nhũng của
quan chức nghiêm trọng tới nỗi nếu thi hành triệt để công ước này thì ĐCS có
nguy cơ sẽ không còn ai lãnh đạo nhân dân nữa. Và cũng mới đây trong kỳ họp thứ
5 Quốc hội khóa XII, các ông bà nghị gật còn thông qua quyết định bãi bỏ án tử
hình với tội đưa hối lộ. Đối với các vụ án tham nhũng có dính dáng tới yếu tố
nước ngoài, mặc dù viện kiểm sát, tòa án của họ đã ra quyết định truy tố hoặc
kết án, vậy mà trong nước vẫn giữ thái độ im lặng, quyết không đưa đúng người,
đúng tội danh ra xét xử. Còn tham nhũng trong nước thì khỏi phải bàn nữa, cứ
nhìn tốc độ xét xử vụ PMU 18 cho tới nay là biết rồi. Vậy là rõ quyết tâm chính
trị của toàn đảng đối với tham nhũng sao.
Vệ sinh an toàn thực phẩm
ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân dân gần như buông lỏng hoàn toàn, có làm
thì cũng chiếu lệ cho xong, mặc kệ người dân muốn sống thế nào thì sống, chết
cũng không thèm quan tâm. Hàng năm số bệnh nhân mới mắc các chứng bệnh như nan
y như ung thư tăng lên hàng chục ngàn người cũng không làm nhà cầm quyền mảy
may xúc động. Một xã hội vô trách nhiệm đến cùng cực nhưng lãnh đạo vẫn ung
dung tại vị, cười đùa hồn nhiên tựa hồ đã hoàn thành nhiệm vụ suất sắc. Cuối
năm, cuối quí tổ chức họp hành báo cáo thành tích công tác rầm rộ, lãnh đạo lại
mặt mày hớn hở lên nhận bằng khen và tiền thưởng không chút đắn đo mắc cỡ với
đời.
Giao thông hỗn loạn, vô
kỷ luật, thống kê hàng năm số người chết do tai nạn giao thông lên tới hơn
13.000 người, 10 năm là 130.000 người, chưa kể hàng trăm ngàn người khác bị
thương tật ở các mức độ khác nhau. Tổn thất về sinh mạng và vật chất chẳng khác
nào dân tộc này đang tiếp tục kinh qua cuộc chiến tranh, thế nhưng không thấy
ai nhận trách nhiệm, chỉ đổ tại thiên nhiên, điều kiện khách quan và ý thức
người dân. Dân tình va chạm giao thông là rút súng, rút dao giết người ngay lập
tức. Hiện nay thật không quá ngoa ngôn khi nói rằng, bất cứ ai đi ra đường cũng
mang tâm lý bất an, nơm nớp lo lắng cho sự an toàn tính mạng, không biết khi
nào tai họa sẽ ập xuống đầu mình. Xã hội cộng sản Việt Nam giờ như một xã hội
nguyên thủy không có luật pháp, mạnh ai nấy sống, kẻ liều lĩnh là kẻ sống sót,
kẻ hiền lành yếu đuối sẽ bị đào thải bởi qui luật bản năng sinh tồn.
Giáo dục xuống cấp, học
giả thi thật, đạo đức thày trò băng hoại. Tệ nạn giả dối trong dạy và học nguy
hiểm 1 thì những điều học sinh được nhồi nhét vào đầu còn nguy hiểm 10. Một thứ
giáo dục mang nặng tính áp đặt duy ý chí, không hề dạy con người tính phản
biện, xem xét sự vật bằng cách tiếp cận nhiều chiều để tìm ra chân lý. Thay vào
đó là nhồi nhét vào đầu học sinh một hệ thống tri thức lạc hậu và mớ lý luận
rác rưởi về pháp luật và nhà nước XHCN ảo tưởng, vô bổ. Thứ giáo dục XHCN dạy con
người yêu đảng hơn yêu tổ quốc, yêu Bác hơn yêu bố mẹ mình thì thử hỏi nhân
cách học sinh khi trưởng thành không trở nên bon chen, ganh ghét, tự tư tự lợi
mới là lạ.
Một xã hội mà dân lành bị
bóc lột nguồn tư liệu sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, đất đai canh tác. Công
an áp bức dân lành, bắt bớ giam cầm những người lên tiếng đấu tranh chống tệ
nạn xã hội, tham nhũng bất công, đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, tôn giáo…và gọi
đó là các “thế lực thù địch” hay “âm mưu diễn biến hòa bình”, còn quân đội bạc
nhược cúi đầu trước sự hung hăng, ngang ngược của Trung cộng. Một xã hội mà tệ
nạn trộm cắp hoành hành dự dội hơn dịch tả. Ăn cắp từ nhà ra tới đường, từ
đường vào cơ quan, từ cơ quan tới mọi ngõ ngách xã hội, ăn cắp có hệ thống, ăn
cắp có bài bản, từ dân thường trộm cắp vặt tới quan chức ăn cướp tham nhũng lớn
thì xã hội này sẽ đi tới đâu?
Một chính phủ mà không
quản lý nổi đối nội để xã hội bát nháo, loạn luân vô thường thì rõ ràng đối
ngoại cũng không thể ổn thỏa. Và hãy coi lãnh thổ, lãnh hải ngày càng bị bào
mòn, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, biển nhà mình mà không được ra khơi, đất
nhà mình mà không được ở thì rõ ràng địa vị con người Việt Nam đã trở nên thấp
kém thế nào trong con mắt quốc tế rồi. Nỗi hổ thẹn này ai rửa cho sạch? Nỗi
nhục này ai gột cho trong?
Sự nô lệ về ý thức hệ là
điều đáng sợ hơn bao giờ hết, nó làm cho một dân tộc lụn bại không thể phát
triển với những đặc trưng vốn có, sức sáng tạo bị kìm nén, tinh thần ý chí bị
thụt lùi, nhất cử nhất động đều phải lệ thuộc vào ý chí đô hộ của ngoại bang.
Nguy cơ đánh mất chính mình, biến thành một hình bóng nhạt nhòa không bản sắc
đang diễn ra trong xã hội VN hiện nay. Đáng tiếc ĐCS với vai trò can phạm chủ
chốt lại đang thực hiện quá xuất sắc điều này.
Mồm vẫn hô hào lý tưởng
XHCN, nhà nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, kinh
tế thị trường định hướng XHCN, lấy chủ nghĩa Mark Lênin làm kim chỉ nam, lấy tư
tưởng HCM làm phương châm lãnh đạo nên giờ nó mới ra nông nỗi như thế này đây.
Thế thì cái mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam sẽ thành nước CNH, HĐH như lời đảng
ta vẫn hô hào liệu có thành hiện thực? tại sao cứ phải CNH và HĐH theo kiểu bán
tài nguyên thô? Tại sao không đi theo con đường kinh tế tri thức, phát triển
nền công nghiệp xanh không khói với tiềm năng thiên nhiên đã phú cho chúng ta,
tại sao không phát triển nền kinh tế hàng hóa dịch vụ với dân số dồi dào như
vậy? Tại sao không coi trọng nông nghiệp như một ngành xương sống về an ninh
lương thực trong thế kỷ 21-22. Thu hồi bừa bãi đất nông nghiệp để làm công
nghiệp, dân mất ruộng không có việc làm, đất đai hoang hóa lãng phí thì phát
triển công nghiệp gì? Hay là cố gắng công nghiệp hóa theo kiểu bán tài nguyên
bauxite thô để đổi lấy một chút tiền bù đắp vào thâm thủng ngân sách do tham
nhũng và lạm phát? Xây dựng một nền công nghiệp luyện kim với thiết bị lạc hậu
nhập của TQ và nước ngoài để gây ô nhiễm môi trường trầm trọng?
Vậy những điều này bắt
nguồn từ đâu? Từ thói xấu của người Việt hay từ ngày đời ta có Đảng? tại sao ở nước
ngoài, nhất là tại các nước dân chủ, tiến bộ lại ít có những điều tồi tệ này
đến thế?
ĐCS thường dẫn giải nhiều
cách nói để ngụy biện cho sự độc tôn địa vị của mình như giá trị dân chủ của
mỗi nước khác nhau; dân trí còn thấp không thể tiến hành dân chủ ngay được…Thử
hỏi nếu không tiến hành dân chủ hóa xã hội thì đến khi nào mới có được, nếu đợi
dân trí lên mới thực thi dân chủ thì chẳng phải mâu thuẫn với chính mình sao?
Đây thực chất chỉ là cách nói giả hiệu nhằm thoái thác, né tránh sự thật. Còn nữa,
ĐCS đang rêu rao với thế giới về công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN,
thế nhưng muốn có nhà nước pháp quyền thật sự thì phải lấy hệ thống pháp luật
làm thượng tôn và xây dựng đội ngũ luật sư giỏi và công tâm, bởi đội ngũ luật
sư chính là những người góp phần giữ gìn cho hệ thống này được duy trì trong
một trật tự đúng đắn và ổn định. Vậy nhưng với những luật sư thật sự công tâm,
đấu tranh cho một nền công lý dân chủ, chính nghĩa thì lại bị qui kết cho tội
phản động, âm mưu lật đổ nhà nước và tống giam. Vậy nhà nước pháp quyền XHCN là
thế này ư?. Nếu quả thực đảng cầm quyền và chế độ này hủ bại thì tại sao lại
không thể bị thay thế bởi đảng tiến bộ khác và chế độ chính trị ưu việt hơn?
Tại sao ĐCS lại cứ bám lấy cái ghế quyền lực để ngồi lên đầu nhân dân dai dẳng
vậy? ĐCS và chế độ này sụp đổ nhưng Tổ quốc và nhân dân vẫn còn đó cơ mà, người
Việt Nam này có ai bị mất đi đâu mà khiến ĐCS lại phải lo lắng đến thế? Suy ra
rằng, chính đảng này vô cùng ích kỷ, chỉ riêng nghĩ tới lợi ích bản thân mà
quên lợi ích quốc gia.
Tại sao ĐCS lại sợ đa
đảng đến vậy? nếu có đa đảng thì vẫn là những người Việt đó với nhau, hơn nữa
là một sự cạnh tranh vươn lên, loại bỏ cái xấu, cái ung nhọt xã hội để không
ngừng hoàn thiện mình. Vậy hóa ra là họ sợ đánh mất quyền lực mà bấy lâu nay
“cướp” được từ cái ngày mà họ gọi là “cướp chính quyền về trong tay”. Nếu ai đó
nghĩ rằng những cách nói của ĐCS tuyên truyền về một Việt Nam đang trên đà phát
triển ổn định và đạt nhiều tiến bộ thì đã bị ngộ nhận tai hại. Nếu chúng ta so sánh
với thế giới thì sẽ thấy ta đang ở đâu trên trái đất này.
Từ ngày ĐCS cướp được
chính quyền tới nay, hãy xem thu nhập bình quân đầu người Viêt Nam được bao
nhiêu. Mặc dù thu nhập thực tế chưa tới 900 USD/người/năm, nhưng ta hay cứ tạm
coi là đạt được 1000 USD như tuyên bố “phấn khởi” của Tổng bí thư Mạnh trong
dịp tiếp xúc cử tri Thái nguyên sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII
hôm 24/6/2009. Vậy thu nhập trung bình một tháng của nhân dân là 83 USD, một
ngày là 2,7 USD. So sánh với chuẩn nghèo hiện nay của LHQ là 2 USD/người/ngày
thì như vậy cả đất nước này đang sống không hơn đói nghèo là bao nhiêu cả. Có
chăng thành tích của ĐCS là tính trung bình thu nhập một ngày của người dân so
với chuẩn nghèo là cao hơn được….0,7 đô la Mỹ. Vậy người dân làm được gì với
0,7 USD thêm kia?. Và theo số liệu UNDP công bố năm 2008 thì chênh lệch giàu
nghèo của Việt Nam hiện nay đã lên tới 34,4 lần, còn theo tiết lộ của Cục Bảo
Trợ Xã Hội thuộc Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội thì tại Việt Nam, còn 61 huyện
nghèo, thu nhập trung bình chỉ 140,000 VND/người/tháng. Như vậy, tính ra mỗi
ngày dân chúng tại đó kiếm không được 5,000 đồng (xấp xỉ 0,3 USD), 61 huyện kể
trên có khoảng 480,000 gia đình, tổng số dân chừng 2.4 triệu. Vậy thành tích
của Đảng ta sau 34 năm cầm quyền trên toàn cõi Việt Nam là thế này ư? Có nghĩa
là cứ sau một năm đảng cầm quyền thì chênh lệch giàu nghèo lại tăng thêm 1 lần?
và tự hào với thu nhập bình quân 1000 USD/người/năm? Và cũng lại là Tổng bí thư
Mạnh trong hội nghị TW Đảng 10 khai mạc hôm 29/6/2009 đã “hùng hồn” tuyên bố
rằng: “con đường tiến lên XHCN ngày càng sáng tỏ hơn”. Liệu có sáng
tới nỗi tránh cho đảng không bước lầm đường để đẩy dân tộc này rơi xuống hố
không?
Thành tích vĩ đại của ĐCS
từ ngày lên lãnh đạo đất nước là thế đó. Và chúng ta cũng tự hỏi tại sao không
bao giờ ĐCS đặt mục tiêu hướng tới so sánh với Nhật, Mỹ, Tây Âu để phấn đấu đưa
đất nước đi lên bằng họ, mà toàn tự bằng lòng và thỏa mãn với những con số lẹt
đẹt như thế này? Nếu không đặt mục tiêu cụ thể và có quyết tâm thật sự thì bao
nhiêu năm nữa người Việt Nam mới thôi nghe câu nói “chúng ta đang quá độ lên
CNXH”? Nếu ĐCS không dám đặt mục tiêu đuổi kịp các nước phát triển tiên tiến
thì cũng nên so sánh mình với các nước ĐNÁ xung quanh để làm động lực phát
triển chứ. Thế nhưng nếu ta nhìn vào con số do Ngân hàng Thế giới (World Bank)
công bố năm 2007, thu nhập trên đầu người của Việt Nam là 836 USD, Indonesia là
1,918 USD, Thái Lan là 3,850 USD và Singapore là 35,163 USD. Và cũng theo tính
toán mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam sẽ phải mất hàng chục
năm, thậm chí là cả trăm năm mới có thể đuổi kịp các nước láng giềng. Vậy nên,
để đuổi kịp, Việt Nam có thể mất tới 51 năm mới đuổi kịp Indonesia và thậm chí
158 năm nữa mới bằng được Singapore về thu nhập trên đầu người. Do dó, câu trả
lời đã có, ĐCS không thể đặt được mục tiêu so sánh nào hết, kể cả với các nước
xung quanh chúng ta. Thế giới đã bỏ chúng ta đi quá xa rồi.
Thế thì chiếc ô tô sang
trọng hàng triệu USD kia, tòa biệt thự trị giá cũng hàng triệu USD kia, mảnh
đất rộng hàng nghìn m2 kia, khu đô thị mới mỹ miều qui mô hàng chục ha kia có
phải là thuộc về nhân dân với thu nhập 2,7 USD/ngày? Nếu nó không thuộc về đám
dân với thu nhập 2,7 USD/ngày kia thì nó thuộc về ai?
Một xã hội với nền sản
xuất thấp kém, không cạnh tranh được với quốc tế thì đành quay về cạnh tranh
chụp giật lẫn nhau theo kiểu đánh quả làm giàu. Cứ nhìn cái cung cách hoạt động
của thị trường tài chính và chứng khoán tăng, giảm thất thường kia thì đủ hiểu.
Tiền không sinh ra mà chỉ chảy từ túi kẻ này sang túi kẻ kia, của cải không
sinh sôi nảy nở thì thử hỏi đến khi nào đất nước và người dân này mới giàu có
nổi?
Một xã hội theo cách nói
của ĐCS là ổn định và phát triển thì thực tế chỉ ổn định ở vẻ ngoài do sự sự
kiềm chế phong tỏa của lực lượng an ninh, công an nhằm bảo vệ chế độ cộng sản,
còn bên trong đang chất chứa những mâu thuẫn gay gắt, sôi sục và đang phát
triển tới một đỉnh điểm để nổ tung những ung nhọt này. Quả bóng mâu thuẫn đang
đòi hỏi phải được xì hơi hoặc sẽ phát nổ để làm lại từ đầu.
Chính vì sự thiếu vắng
dân chủ mà ĐCS có thể thoải mái tự ý ra các quyết định, chính sách bừa bãi.
Điều đáng sợ là nhiều khi các quyết định sai lầm này không thể được sửa chữa,
như việc ký kết các thỏa thuận phân định biên giới, lãnh hải với Trung Quốc.
Hậu quả là dân tộc và các thế hệ mai sau sẽ phải gánh chịu thiệt thòi. Tất cả
những bất cập, tệ nạn của xã hội trên đây suy cho cùng đều bắt nguồn từ việc
xây dựng một nhà nước độc tài, chuyên chế.
Trong một thể chế chính
trị dân chủ, người dân phải được quyền tham dự vào quá trình ra quyết định của
nhà nước. Bởi không ai khác, người dân chính là đối tượng bị ảnh hưởng trực
tiếp, lâu dài và duy nhất của các quyết định này. Dân không thật sự được tự
quyết vận mệnh thì rõ ràng dân không bao giờ được làm chủ và sẽ không có dân
chủ.
Dân chủ không giống như
những gì mà ĐCS hiện đang gây ngộ nhận trong nhận thức của người dân rằng đất
nước sẽ dẫn tới sự trành giành, đấu đá giữa các chính đảng gây bất ổn định
triền miên trong xã hội. Vẫn biết rằng, không có điều gì bỗng chốc thành công
ngay được, nhất định phải là một quá trình lâu dài và bền bỉ, không ngừng tự
hoàn thiện. Đó là một cơ chế cạnh tranh bình đẳng trên nền tảng pháp luật chứ
không phải là sự hỗn độn xô bồ vô pháp luật, cũng như sự độc tài quyền lực về
trong tay một chính đảng. Lực lượng quân đội, công an chính là lực lượng duy
trì trật tự xã hội và an ninh quốc gia chứ không phải phục vụ riêng cho lợi ích
một đảng phái nào, để rồi chúng ta phải mãi nghe câu nói “trung với đảng” như
trước nay. Các nền dân chủ non trẻ nhưng khá hoàn thiện của các nước xung quanh
ta như Nam Hàn, Đài Loan hay đang từng bước hoàn thiện như Malaysia, Thái Lan,
Philippine và cả Campuchia hay những nước dân chủ mới ở đông âu là những ví dụ
điển hình. Các nền dân chủ lâu đời hơn tại các quốc gia phương tây đã cho thấy
lợi ích của dân chủ hóa xã hội ra sao. Chỉ có thể nói rằng con đường dân chủ
đang ở phía trước mặt chúng ta, nếu không đi sẽ không bao giờ tới.
Những kẻ lãnh đạo gian
dối hiện nay thông qua việc tự bầu bán nhau bằng con đường bầu cử áp đặt “đảng
cử dân bầu” để hình thành nên bộ máy cai trị độc đoán, tự coi mình là quan phụ
mẫu của nhân dân, thao túng làm càn khiến xã hội ngày càng trở nên rối ren, hỗn
loạn. Những tuyên bố nhân danh đạt được sự ủng hộ của nhân dân chỉ là cách nói
đáng xấu hổ và bỉ ổi hàng ngày chúng ta vẫn được nghe.
Độc tài, độc đoán quyết
không phải là mảnh đất cho sự phát triển, nó chỉ là vườn ươm cho những tội ác
và đau khổ của con người. Và cũng không thể có cách lý giải theo hướng ĐCS vẫn
tuyên truyền rằng giá trị dân chủ cho mỗi quốc gia là khác nhau để tiếp tục đè
nén, kìm hãm dân chủ hay xây dựng dân chủ theo cách thức dân chủ tập trung kiểu
XHCN mà chúng ta đang thấy.
Hãy nhìn xem, cây táo sau
mùa thu hoạch sẽ được cắt bỏ cành, hoặc cưa sát gốc để tạo sức sống mới, cây
mía bỏ thân chỉ lấy phần ngọn trồng trên đất tơi cho mùa vụ sau. Tất cả những
biện pháp này cũng chỉ nhằm thúc đẩy sự phát triển nội tại bên trong của sự
vật. Trong một rừng cây, mọi cây cối luôn có xu hướng cạnh tranh vươn lên để
giành ánh sáng mặt trời, tạo một sự ganh đua quyết liệt. Cây nào yếu đuối, chậm
phát triển sẽ bị cây khác lấn át và tự loại bỏ. Cạnh tranh sinh tồn trong Thiên
nhiên chính là câu trả lời cho con đường phát triển của xã hội loài người. Chỉ
có không ngừng cạnh tranh lẫn nhau mới tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn. ĐCS
luôn cho mình là lực lượng duy nhất trong việc nắm giữ quyền lực, như vậy có
phải đi ngược lại xu hướng tiến hóa của qui luật tự nhiên và xã hội hay không?
Không một quốc gia độc
đảng, độc tài nào có thể phát triển thịnh vượng và vững mạnh. Đừng nên nghĩ
rằng Singapore là nước độc đảng để ngộ nhận về sự phát triển kinh tế thần kỳ và
xã hội dân sự tiến bộ. Thực tế, Singapore là nước đa đảng phái, chỉ có điều do
cạnh tranh để tồn tại, Đảng Nhân dân hành động (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long
đã làm việc rất tốt mà hiện tại không có chính đảng nào thành công hơn để lên
lãnh đạo đất nước mà thôi.
Dân chủ là con đường duy
nhất giúp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh lạc hậu, chậm phát triển về kinh tế, và
cũng là con đường duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi sự lệ thuộc về ý thức hệ và
vòng vây cương tỏa của TQ. Dân chủ sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự đoàn
kết người Việt Nam trong và ngoài nước, hàn gắn những hố sâu ngăn cách về tình
cảm, tăng thêm sức mạnh cho công cuộc chấn hưng dân tộc. Dân chủ có khả năng
điều hòa các lợi ích, dung hòa các quyền lợi, giải quyết tốt mâu thuẫn của các
giai tầng xã hội và quan trọng hơn hết nó chính là cơ chế đảm bảo cho sự phát
triển ổn định lâu dài và là tiền đề xây dựng một quốc gia thịnh vượng trong
tương lai.
5/7/2009
|