Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay ít nhất 140 người chết và hơn 800 người bị thương trong cuộc bạo động bùng phát tại thủ phủ khu tự trị Tân Cương là Urumqi.
Con số này lớn hơn hẳn con số ba người chết Tân Hoa Xã đưa trước đó.
Hãng thông tấn nhà nước này cũng nói hàng trăm người đã bị bắt trong cuộc bạo động nổ ra hôm Chủ Nhật.
Tân Hoa Xã nói cảnh sát đã ổn định lại trật tự sau khi đám đông biểu tình tấn công người qua đường và đốt cháy xe cộ.
Chính quyền nói rằng các phần tử ly khai sắc tộc Uighur tại hải ngoại đã khơi gợi cuộc bạo động nhằm vào người Hán.
Trong khi đó, giới Uighur hải ngoại thì nói cảnh sát đã bắn không phân biệt vào cuộc biểu tình ôn hòa.
Các nhà hoạt động dân chủ và nhân chứng nói những người tham gia bạo động là người thiểu số Uighur theo Hồi giáo. Nhà chức trách đã ban hành giới nghiêm trong đêm tại Urumqi.
Tuy nhiên, theo bình luận của chuyên gia Trung Quốc tại BBC World Service, ông Chen Shirong (Trần Thời Vinh), nhà chức trách lo ngại về tầm vóc của đợt bạo động.
Nhà chức trách đang lùng bắt những người cầm đầu cuộc bạo động nhưng căng thẳng sắc tộc sẽ không tan biến
Bình luận của Chen Shirong, BBC World Service
Họ cũng thấy rằng người sắc tộc Uighur theo Hồi giáo ở Tân Cương vẫn có thể tổ chức lại ở tầm vóc lớn dù bị hệ thống công an Trung Quốc theo dõi gắt gao.
'Âm mưu của nước ngoài'
Tân Cương có khoảng tám triệu người Uighur, một bộ phận dân sắc tộc này muốn tách khỏi Trung Quốc.
Một nhân chứng không nêu danh tính nói với hãng thông tấn Reuters: "Bắt đầu là khoảng vài trăm người nhưng sau đó có thể lên tới khoảng 1.000 tham gia biểu tình".
Tân Hoa Xã nói người biểu tình được trang bị dao, gạch đá và gậy gộc, họ đã đập vỡ cửa kính xe hơi, cửa hiệu và đụng độ với lực lượng an ninh.
Chính phủ nói cảnh sát đang ổn định lại trật tự và sẽ bắt tất cả những ai vi phạm.
Các nhóm người Uighur thì tuyên bố cuộc biểu tình bắt bạo động của họ đã bị nhà cầm quyền đàn áp.
Chính quyền Tân Cương nói rằng bà Rebiya Kadeer, một thương gia và là thủ lĩnh người Uighur hiện đang lưu vong tại Hoa Kỳ, là người đứng đằng sau vụ bạo động.
Tân Hoa Xã trích một thông cáo của chính quyền viết: "Điều tra bước đầu cho thấy bạo động là do nhóm ly khai Liên đoàn Uighur Toàn cầu do Rebiya Kadeer đứng đầu tổ chức".
Thông cáo cũng cho rằng bạo động được "bắt đầu và chỉ đạo từ bên ngoài".
Phóng viên BBC Quentin Sommerville từ TQ cho hay Tân Cương, khu đông người Hồi giáo, là địa bàn đã xảy ra nhiều lộn xộn.
Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát tại Tân Cương và bác bỏ yêu sách đòi độc lập của người Uighur.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại khu vực này.
Trong một phúc trình ra hồi đầu năm, bộ này nói tình trạng "đàn áp văn hóa và tôn giáo" đối với người thiểu số Tân Cương đã gia tăng.
Trung Quốc rất muốn làm nổi bật các hoạt động cải thiện mà họ đã đem lại cho kinh tế khu vực này, còn những người Hồi Tân Cương khi được báo chí phỏng vấn thì phải né tránh việc chỉ trích Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu Trung Quốc thỉnh thoảng lại xảy ra, cho thấy chủ nghĩa ly khai Uighur vẫn là một lực lượng mạnh mẽ, và có khả năng tiến hành hành động bạo lực.