Tác giả: Nguyễn Xuân Phước
I. Đặt vấn
đề
Chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam
hợp tác với tư bản Trung Quốc để khai thác mỏ bô-xít ở Tây Nguyên đang tạo ra
những tranh luận gay gắt về tai hại môi sinh, quyền lợi và sức khoẻ của nhân
dân, công nhân, và an ninh quốc phòng. Đồng thời chính sách đổi mới tại Việt Nam
đã tạo ra sự trưởng thành nhanh chóng của những tập đoàn tư bản bản lớn trong
nước và làm đời sống của giai cấp công nhân ngày càng xấu đi. Thêm vào đó, Việt
Nam ngày hôm nay đang đứng trước nguy cơ mất một phần chủ quyền quan trọng trên
Biển Đông vào tay Trung Quốc. Cho đến ngày hôm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn
chưa có phản ứng thích đáng về ngoại giao và quân sự để giành lại chủ quyền trên
Biển Đông và bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam
nói chung.
Những sự kiện này ảnh hưởng trực tiếp đến
quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Đứng
trên phương diện Hiến pháp, quyền lợi của ba thành phần này có liên quan mật
thiết đến Điều 4 Hiến pháp Việt Nam.
Bài viết này chỉ nhằm trao đổi những phân
tích và lý luận về Điều 4 dựa trên nguyên tắc lập hiến để thảo luận và phản biện
những giá trị cơ bản cấu thành quyền lực thống trị xã hội. Mọi sự tranh luận và
trao đổi rộng rãi những giá trị tinh thần của Hiến pháp chỉ có mục đích tăng
cường tính chính thống dân chủ, chính thống lịch sử và chính thống pháp lý của
uy quyền lãnh đạo đất nước.
II. Nội dung Điều
4
Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam
1992 qui định như sau:
Đảng Cộng sản Việt Nam,
đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi
của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội.
Mọi tổ chức của Đảng
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 4 là điều khoản quan trọng nhất của
Hiến pháp hiện nay vì nó qui định độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Nhiều người cho rằng Đảng Cộng sản chỉ cần giữ Điều 4, và chỉ Điều 4
mà thôi là đủ để Đảng có quyền điều hành toàn bộ nhà nước và xã hội. Mặc dù trên
thực tế nhận định như thế có thể đúng, nhưng về lý thuyết và lý luận hiến pháp
thì nó hoàn toàn phiến diện.
Ngoài quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là
lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Điều 4 có những qui định khác có tính
cách xác định những yếu tính của một đảng lãnh đạo. Những yếu tính này trở thành
một chuỗi điều kiện cần và đủ để cấu thành quyền lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những điều kiện này được Điều 4 qui định
như sau:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam phải là
đội tiên phong của giai cấp công
nhân;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam phải là
đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động, và của cả dân tộc;
3. Đảng Cộng sản Việt Nam phải theo
chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;
4. Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt
động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 4 Hiến pháp dựa trên giả thiết là
Đảng CSVN luôn luôn hội đủ những điều kiện đã đưa ra. Nếu không hội đủ những
điều kiện đó thì đảng này thực tế nắm quyền nhưng không có cơ sở của quyền lực
hiến định. Vì thế, chính Điều 4 sẽ thẩm định lại cơ sở quyền lực lãnh đạo nhà
nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam theo qui định của Hiến pháp. Sự thể
này dẫn tới tình trạng chân không quyền lực hiến định và hậu quả là một khủng
hoảng hiến pháp nghiêm trọng vì nó đụng chạm đến những giá trị pháp lý và đạo
đức nền tảng quyền lực quốc gia.
III. Phân tích 4
điều kiện tất yếu của Điều 4:
1. Điều kiện thứ
nhất: Đảng Cộng sản Việt
Nam phải là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân.
Tiên phong là người đi trước dẫn
đường, là ngưòi xông ra trận đầu tiên, là người đi trước mọi người khác.
Trong trận chiến một mất một còn vô tiền khoáng hậu giữa giai cấp vô sản và giai
cấp tư bản, Đảng CSVN phải đi trước những người công nhân để chiến đấu trực diện
với giai cấp tư bản. Trong trận chiến một mất một còn này, theo chủ nghĩa
Mác-Lênin, giai cấp vô sản sẽ chiến thắng và sẽ tiêu diệt giai cấp tư bản. Vai
trò tiên phong của Đảng trong triết học Mác-Lênin là thực hiện cách mạng vô sản.
Ngưòi cộng sản xông pha ở mặt trận phía trước để lãnh đạo giai cấp vô sản lật đổ
giai cấp tư bản bóc lột, nhằm xây dựng một xã hội cộng sản công bình bác
ái.
Thế nhưng điều này nghịch với thực tế xã
hội ngày nay. Chính sách đổi mới của Đảng CSVN đang được thực hiện trong 20 năm
qua trên thực tiễn là một sự thành công lớn cho đất nước. Tuy nhiên sự thành
công của sự nghiệp đổi mới là một sự thất bại của vai trò “tiên
phong của giai cấp công nhân” theo tinh thần cách mạng vô sản. Nội dung của
đổi mới là tháo gỡ những tác hại của chủ nghĩa Mác-Lênin trong đời sống kinh tế
xã hội; là trả lại xã hội sinh hoạt kinh tế bình thường của ngưòi dân, là phục
hồi và phát triển giai cấp tư bản. Trong tình trạng hiện nay, đổi mới chính là
sự thoả hiệp của “ba dòng thác cách mạng” của cách mạng vô sản Việt Nam
với giai cấp tư bản. Thoả hiệp với giai cấp tư bản không phải là tinh thần tiên
phong đi trước vì giai cấp công nhân.
2. Điều kiện thứ
hai: Đảng Cộng sản Việt
Nam phải là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động, và của cả dân tộc.
Điều kiện này trước hết nói đến vai trò
đại biểu của Đảng CSVN. Đứng trên phương diện luật pháp, đại biểu là
người đại diện được bầu ra để thay mặt cho số đông người, chẳng hạn như đại biểu
quốc hội là những người được người dân bầu vào vị trí đại diện cho một tỉnh hay
một thành phố lớn. Nguyên tắc đại diện là nguyên tắc dân chủ dựa vào thủ tục bầu
cử. Người đại diện phải được lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử. Ngay cả qui chế
“Đảng cử dân bầu” dù không thể hiện tinh thần dân chủ, cũng là một thủ
tục bầu cử hình thức cần có. Ở đây Điều 4 nói đến vai trò đại biểu của Đảng Cộng
sản Việt Nam nhưng vai trò đại biểu này không được thông qua một thủ tục bầu cử.
Do đó, Đảng Cộng sản không có cơ sở pháp lý để xác định tính chất đại biểu của
mình.
Hơn nữa, người dân bầu người đại
biểu chứ không bầu một đảng đại biểu. Luật pháp hiện
nay hoàn toàn không nói đến thủ tục “bầu đảng”. Khi không có thủ tục bầu đảng
đại biểu thì trên nguyên tắc dân chủ của xã hội văn minh phải có cuộc bầu cử
người đại biểu. Khi những ngưòi đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản được tín
nhiệm chiếm đa số thì lúc đó Đảng mới đưọc coi như là đảng đại biểu. Ở đây Điều
4 qui định Đảng Cộng sản là đại biểu trước khi có bầu cử. Điều
này làm cho tư cách đại biểu của Đảng Cộng sản không có tính chính thống dân
chủ.
Ngoài ra, khi nói đến bầu đảng đại diện
là nói đến sự chọn lựa giữa đảng này và đảng khác. Ý chí lập pháp (legislative
will) của những nhà làm luật ở đây thừa nhận sự hiện diện của nhiều đảng trong
sinh hoạt chính trị. Ý niệm chọn lựa người đại diện là đã chứa đựng giá trị
chính trị đa nguyên. Nhưng trên thực tế Đảng Cộng sản không cho phép bất cứ một
đảng nào khác ngoài mình hoạt động. Thực tế này hoàn toàn nghịch lại với ý chí
và ngôn ngữ lập hiến của Điều 4.
Thứ hai, thành phần được đại diện được
Điều 4 nói rõ là giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Cả
ba thành phần này là những ý niệm của triết học Mác-Lênin, của lịch sử và cách
mạng dân tộc. Những ý niệm này chưa thành một thực thể pháp lý có tư cách pháp
nhân.
Ý niệm giai cấp công nhân là ý niệm nền
tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Do tính quốc tế của phong trào cộng sản, ý niệm
giai cấp công nhân hay nhân dân lao động thưòng được hiểu là giai cấp công nhân
thuộc phong trào cộng sản quốc tế. Điều 4 nói đến ý niệm quyền lợi của giai
cấp công nhân một cách chung chung, không xác định rõ là công nhân quốc
tế hay công nhân Việt Nam. Điều này cần được xác định rõ
ràng.
Ý niệm “nhân dân lao động” cũng không
đưọc định nghĩa chính xác. Đan cử trường hợp một em bé 8 tuổi đi bán vé số ở vỉa
hè. Làm thế nào Điều 4 xác định em là thành phần nhân dân lao động? Luật quốc tế
bảo vệ trẻ em cấm trẻ em dưới 15 tuổi lao động, kể cả bán hàng trên vỉa hè, vậy
quyền lợi của các em ở đây là quyền không phải lao động, tức là quyền không phải
đi bán vé số. Nếu Đảng Cộng sản là đại biểu trung thành của lao động trẻ em thì
phải bảo vệ quyền bán vé số của các em, tức là phải bắt các em lao động. Điều
này nghịch với luật quốc tế.
Riêng về khái niệm“dân tộc” cũng
có nhiều nghĩa. Dân tộc ở đây là gì? Là nòi giống hay là nhân dân? Tại sao không
dùng chữ nhân dân mà lại dùng chữ dân tộc có tính cách trừu
tượng? Nếu dân tộc để chỉ nòi giống thì làm thế nào nòi giống có thể bầu Đảng
Cộng sản làm đại biểu cho nòi giống? Ngoài ra nưóc Việt Nam hiện nay có nhiều
dân tộc ít người, kể cả thành phần Hoa kiều. Liệu những dân tộc này có được đảng
đại diện cho quyền lợi của họ hay không?
Điều quan trọng hơn là đứng trên phương
diện pháp lý, các khái niệm giai cấp, nhân dân lao động và dân tộc là
những ý niệm rất mơ hồ và hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Những thành phần
này không có tư cách pháp nhân để có thể bầu cho một đảng nào đó làm đại biểu
của mình. Hiến pháp không có một điều khoản nào định nghĩa thế nào là giai
cấp công nhân, nhân dân lao động hay dân tộc.
Tuy nhiên, giả như 3 thành phần được hiểu
rành rẽ như là những thực thể có tư cách pháp nhân, thì Điều 4 lại đưa ra một
điều kiện nữa là người đại biểu này là phải trung thành với quyền
lợi của ba thành phần đó.
Trung thành thuộc phạm trù đạo đức. Để
bảo vệ nền tảng đạo lý xã hội, nhà nước phải luật hoá một số quan niệm đạo đức
căn bản. Ở đây, Điều 4 không những luật hoá ý niệm trung thành mà còn hiến pháp
hoá tính trung thành của Đảng. Tính trung thành ở đây được đặt lên địa vị cao
nhất của luật pháp.
Nhưng một người không thể trung thành với
hai đối tượng có quyền lợi đối nghịch nhau. Do đó, vấn đề xác định tính trung
thành của một người với hai đối tượng là một vấn đề cực khó, nếu không muốn nói
là không thể làm được.
Đơn cử: “giai cấp công nhân” (nếu hiểu là
giai cấp công nhân Việt Nam) là một phần của “nhân dân lao động” và “nhân dân
lao động” là một phần của “dân tộc”. Lợi ích của một nhóm nhỏ không nhất thiết
luôn đi cùng lợi ích của một nhóm lớn (bao gồm cả nhóm nhỏ trong đó). Trong
trường hợp như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam phải xử lý thế nào? Thí dụ rất đơn
giản: Lợi ích của giai cấp công nhân luôn gắn liền với việc tăng lương và tăng
các khoản phúc lợi cho người công nhân. Tuy nhiên, để kinh tế phát triển được
thì đôi khi nhà nước (do Đảng lãnh đạo) phải chủ động hạn chế các khoản lương và
phúc lợi này để doanh nghiệp có thể giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh
quốc tế. Khi xảy ra mâu thuẫn như thế, Đảng chỉ có quyền chọn một chứ không thể
cùng một lúc trung thành với cả 3 nhóm.
Đó là chưa kể ngày nay, các tập đoàn tư
bản to lớn đều do Đảng Cộng sản làm chủ và trực tiếp điều hành. Quyền lợi của
những tập đoàn tư bản này luôn luôn mâu thuẫn với quyền lợi công nhân. Đứng trên
quan điểm triết học Mác-Lênin, Đảng Cộng sản với tư cách là chủ nhân ông các tập
đoàn tư bản không thể trung thành với giai cấp công nhân.
Vấn đề trung thành với quyền lợi dân tộc
cũng là vấn đề rất lớn. Khi Đảng Cộng sản Việt nam gia nhập phong trào cộng sản
quốc tế thì các đảng viên lãnh đạo phải tuyên thệ trung thành với tuyên ngôn
Quốc tế Cộng sản và phong trào cộng sản quốc tế. Tuyên ngôn Quốc tế Cộng sản
tuyên bố “người vô sản không có tổ quốc“. Biên giới những quốc gia có
cùng chủ nghĩa cộng sản, như Việt Nam và Trung Quốc, phải xoá bỏ để hai nước
cùng dắt tay nhau tới thế giới đại đồng. Tinh thần vô sản quốc tế kéo theo những
nghĩa vụ quốc tế. Và nghĩa vụ quốc tế cùng với quan điểm đại đồng của chủ nghĩa
cộng sản nghịch với quan điểm truyền thống của cha ông là phải bảo vệ nòi giống,
phải bảo vệ lãnh thổ. Vậy khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố trung thành với
chủ nghĩa cộng sản quốc tế thì làm thế nào Đảng có thể trung thành với quyền lợi
của dân tộc? Khi quyền lợi của dân tộc mâu thuẫn với quyền lợi của vô sản quốc
tế mà đại biểu hiện nay là Đảng Cộng sản Trung Quốc thì Đảng Cộng sản Việt Nam
sẽ phải đứng trên lập trường nào? Trường hợp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công
hàm công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên mặt biển là một trường hợp điển hình
về mâu thuẫn giữa nghĩa vụ quốc tế và quyền lợi dân tộc.
Như thế Điều 4 Hiến pháp yêu cầu Đảng
CSVN phải trung thành với quyền lợi của những tập thể có những mâu thuẫn lợi ích
quá lớn. Đây là những mâu thuẫn hủy diệt. Được bên này thì mất bên
kia.
3. Điều kiện thứ 3:
Đảng Cộng sản Việt Nam
phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin và theo tư tưởng Hồ Chí
Minh.
a. Nội hàm của các khái niệm “chủ nghĩa
Mác-Lênin” và “tư tưởng Hồ Chí Minh” không được xác định rõ. Vì thế không có
tiêu chí chuẩn mực để kiểm tra ĐCSVN có đi đúng theo các chủ nghĩa và tư tưởng
này hay không.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là tên gọi chung cho
chủ nghĩa Marxist và chủ nghĩa Leninist. Định nghĩa thế nào là chủ nghĩa
Mác-Lênin là vấn đề lớn, không những cho nhân dân mà cho cả Ban Tư tưởng, Tuyên
giáo và Viện Triết học Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin thời Lênin khác với thời
Stalin. Chủ nghĩa Stalin thì chắc chắn là có mâu thuẫn lớn vói chủ nghĩa
Trotskyst. Chủ nghĩa Stalin cũng mâu thuẫn với chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Chủ
nghĩa Mao lại mâu thuẫn với chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình v.v. Lịch sử cho thấy tranh
chấp của những loại tư tưởng Mác-Lênin này đã gây nên nhiều cảnh máu đổ đầu rơi
tại Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam.
Như vậy chúng ta theo chủ nghĩa Mác-Lênin
nào? Trong quá trình thực hiện cải tạo xã hội tại Việt Nam và các nước xã hội
chủ nghĩa, các đảng cộng sản luôn luôn trung thành với chủ thuyết Mác-Lênin.
Nhưng càng trung thành thì lại càng sửa sai. Kiểm tra lại lịch sử cách mạng vô
sản ngay tại đất nước ta cũng thấy tính bất nhất của chủ nghĩa
Mác-Lênin.
Một chủ nghĩa mà sự thực hiện của nó có
tính bất nhất làm sao có thể làm ngọn đuốc soi đường cho đảng đang cầm nắm quyền
thống trị xã hội để lãnh đạo đất nước?
b. Về điều kiện “theo tư tưởng Hồ Chí Minh”
thì sự thể đặt ra một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tại sao tư tưởng Hồ Chí Minh
chỉ xuất hiện trong Hiến pháp 1992 mà các Hiến pháp trước đấy không có? Tại sao
tư tưởng chỉ đạo cho cả một dân tộc của một nhân vật lịch sử được nhiều người
tôn vinh, có tầm vóc quốc tế mà phải đợi đến 23 năm sau (1969-1992) khi vị lãnh
tụ qua đời mới được Hiến pháp công nhận? Nếu như thế phải chăng các Hiến pháp
trước đây không ghi nhận sư tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh? Thế thì các nhà
lập hiến phải giải thích thế nào cho nhân dân và đặc biệt là các em sinh viên
học sinh về sự hình thành tư tưởng này, nội dung và vai trò của nó trước khi có
Hiến pháp 1992 và tại sao các Hiến pháp trước đây không ghi nhận tư tưởng Hồ Chí
Minh?
Nghị định Chính phủ Việt Nam số 375/ CP
Ngày 15/10/1979 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh
chỉ qui định lờ mờ về tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: “Là trung tâm nghiên cứu
những tư liệu hiện vật và di tích lịch sử có quan hệ đến đời sống và hoạt động
của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của
Người và tuyên truyền, giáo dục quần chúng về sự nghiệp tư tưởng, đạo đức và tác
phong của Người thông qua những tư liệu, hiện vật và di tích đó“. Thế nhưng
các văn kiện lịch sử trong thời gian này hoàn toàn không đề cập đến nỗ lực nào
đáng kể để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta không thấy một nhóm nghiên
cứu nào, hay viện nghiên cứu nào và cũng không thấy những bài vở quan trọng nào
nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh trong Tạp chí Cộng sản, hay các tài liệu
Đảng.
Do đó, sự xuất hiện của tư tưởng Hồ Chí
Minh trong Hiến pháp 1992 có tính cách đột xuất. Một tư tưởng chỉ đạo cho cả một
dân tộc mà đột xuất, nói lên sự vội vàng hấp tấp, thiểu chuẩn bị, mang tính cách
bức xúc, thì rất khó thuyết phục.
Nếu tư tưởng Hồ Chí Minh được hoàn thành
23 năm sau khi ông qua đời thì lấy tiêu chí gì để xác định là tư tưởng đó trung
thực với những suy nghĩ của Hồ Chí Minh khi ông còn sống? Và ai là ngưòi có thẩm
quyền ngang với Hồ Chí Minh để chấp bút viết ra “tư tưởng Hồ Chí
Minh”?
Thêm vào đó, mặc dù hiện nay Việt Nam có
hàng trăm tiến sĩ và thạc sĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng các tài liệu được
phát hành vẫn chưa hoàn thành dàn bài cơ bản của tư tưởng. Một tư tưởng có giá
trị cần trả lời các câu hỏi sau đây: Tiền đề triết học của tư tưởng này là gì?
Công cụ lý luận là gì? Và hiệu ứng của nó ra sao? Cho đến ngày hôm nay những câu
hỏi này vẫn chưa có câu trả lời.
4. Điều kiện thứ 4:
Mọi tổ chức của Đảng Cộng
sản Việt Nam phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đây là điều kiện có lẽ gây khó khăn nhất
cho Đảng CSVN vì nó liên quan đến sự tuân thủ hiến pháp và luật pháp của Đảng
đang lãnh đạo đất nước.
Lịch sử Đảng cho thấy Đảng thành hình
trong thời kỳ Pháp thuộc, cùng thời kỳ với các đảng phái cách mạng có chủ trương
chống Pháp giành độc lập như Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt, Dân Xã và Đại
Việt Duy dân. Dưới luật pháp của chính quyền thuộc địa, tất cả các đảng phái
chính trị ra đời đấu tranh chống Pháp giành độc lập trước năm 1945 đều bất hợp
pháp. Trong suốt thời gian nắm chính quyền từ 1945 đến nay, Đảng Cộng sản Việt
Nam vẫn chưa hề có hành động pháp lý nào để hợp pháp hoá tình trạng bất hợp pháp
nói trên của mình. Nói một cách khác, Đảng lãnh đạo nhà nước nhưng Đảng vẫn chưa
có tư cách pháp nhân đứng trên mặt pháp lý. Trong trường hợp này thì tình trạng
bất hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại cho đến ngày hôm
nay.
Sở dĩ có tình trạng bất hợp pháp của một
đảng lãnh đạo đất nước như thế là vì khi đứng ra cầm quyền, Đảng không quan tâm
đến việc thiết lập cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của mình. Cơ sở pháp lý ở đây
là luật về hội đoàn hay tổ chức chính trị. Tùy theo quan điểm lập pháp của quốc
hội mà nhà nước thiết kế bộ luật về hội đoàn. Và nếu mọi tổ chức của Đảng phải
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật thì Đảng phải có giấy phép hoạt
động như mọi tổ chức khác. Trong tình trạng không có qui chế pháp lý để quản lý
Đảng thì mọi hoạt động và tổ chức của Đảng đều đứng ngoài vòng cương toả của
Hiến pháp và pháp luật.
Sự tồn tại của một đảng lãnh đạo xã hội
mà đứng ngoài vòng luật pháp tự nó đã phủ định giá trị của Điều 4 Hiến pháp, là
cơ sở pháp lý tạo ra quyền lực cho Đảng.
IV. Kết
luận
Vấn đề chúng ta đồng ý với Điều 4 Hiến
pháp hay không là tùy theo quan điểm lập hiến, tư duy chính trị và sự nhận định
riêng của từng người. Tuy nhiên nếu chúng ta đồng ý với Điều 4 thì ngay điều này
cũng nẩy sinh ra những vấn đề khó khăn như đã trình bày trên đây mà Hiến pháp
và luật pháp hiện nay chưa giải quyết được và cũng có lẽ sẽ không thể nào giải
quyết được nếu không có một cuộc cải cách Hiến pháp tận gốc rễ.
Một điều quan trọng như Điều 4 không thể
dựa trên một giả định hay giả thiết là Đảng Cộng sản luôn luôn hội đủ 4 điều
kiện mà điều khoản này đưa ra. Chưa nói đến chuyện không hội đủ cả 4 điều kiện
nói trên, chỉ cần Đảng không hội đủ một
trong 4 điều kiện trên thì chúng ta đã có tình
trạng chân không của quyền lực hiến định. Điều này có nghĩa lực lượng
lãnh đạo nhà nước không hội đủ điều kiện qui định bởi Hiến pháp và do đó không
có năng lực Hiến pháp để có tồn tại.
Một thể chế chính trị bền vững phải không
cho phép sự tồn tại của một đảng lãnh đạo trong tình trạng chân không của quyền
lực hiến định. Tình trạng chân không của quyền lực hiến định là một khủng hoảng
hiến pháp nghiêm trọng, dễ đưa xã hội đến một khủng hoảng chính trị. Kinh nghiệm
của các nước trên thế giới cho thấy mọi khủng hoảng Hiến pháp luôn luôn phát
sinh ra những biến động xã hội hoàn toàn không có lợi cho xã hội, nhà nước và
đảng cầm quyền.
Trong bối cảnh của một “nhà nước pháp
quyền” đòi hỏi người dân phải “sống và làm theo luật pháp và Hiến
pháp” như ở Việt Nam, một đảng lãnh đạo không hội đủ điều kiện tự mình đưa
ra để nhận quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội là một tình trạng mất tính chính
thống đạo đức và pháp lý. Mất tính chính thống đạo đức và pháp lý là tình trạng
thượng bất chính rất nghiêm trọng. Qui luật “thượng bất chính hạ tắc
loạn” không phải luôn luôn đúng. Lịch sử đã từng minh chứng có những trường
hợp “thượng bất chính” nhưng “hạ không tắc loạn“. Tuy nhiên đó
là những trường hợp hiếm hoi bất bình thường của lịch sử. Nguyên tắc chính thống
về quyền lực, chính thống dân chủ, chính thống pháp lý và chính thống đạo đức
không cho phép nhân dân tiếp tục duy trì tình trạng thượng bất chính bất bình
thường đó.
Đứng trên lập trường lập hiến, vấn đề
không phải là nên hay không nên giữ Điều 4. Chúng ta không nên có quan niệm cực
đoan như “bỏ Điều 4 là tự sát” như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định. Trong
điều kiện Hiến pháp đưọc phân tích ở trên, “bỏ 4 hay giữ 4″ đều có những khó
khăn và bế tắc đặc thù của nó.
Vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào
để nhà nước có thể điều chỉnh trường hợp thượng bất chính trong sự ổn định của
xã hội để những đảng phái chính trị cầm nắm vận mệnh của đất nước có đầy đủ uy
quyền nhà nước, sức mạnh tinh thần của lịch sử, sự đồng thuận của toàn dân để
lèo lái con thuyền quốc gia đến bến bờ của độc lập tự do và hạnh
phúc.
Dallas Texas 1 tháng 7
2009
Tham
khảo
Hiến
pháp Việt Nam 1992
Có
cần phải sửa đổi Hiến pháp để cải cách Tư pháp?
LS Nguyễn Văn Đài: Quyền
tự do thành lập đảng ở Việt Nam
Đàn
Chim Việt phỏng vấn Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo: “Điểu
4 trong bản Hiến pháp nước CGXHCNVN năm 1992 phá huỷ nền tảng của chính bản Hiến
pháp”
© 2009 Nguyễn Xuân Phước
© 2009 talawas blog
|