(TuanVietNam)-
Thượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, dân
chủ và văn minh. Một trong những dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước pháp
trị đó là tuân thủ luật pháp và được Nhà nước bảo đảm thực thi bằng Toà
án độc lập. Luận bàn về câu chuyện này, TuanVietNam xin giới thiệu bài
viết của TS. Nguyễn Sĩ Phương.
Chuyện người, chuyện mình
Gần 8 triệu ngoại kiều trên tổng số hơn 80 triệu dân Đức muốn nhập
quốc tịch phải vượt qua kỳ thi trắc nghiệm kiến thức xã hội nước Đức,
trong đó có một câu hỏi, nhà nước pháp trị là gì, với 4 câu trả lời có
sẵn: 1- Nhà nước có quyền, 2- Đảng có quyền, 3- Công dân quyết định
luật pháp và 4- Nhà nước phải tuân thủ pháp luật.
Những ngoại kiều nhìn Nhà nước bằng con mắt của kẻ nô lệ bao giờ
cũng trả lời sai, đánh vào câu số 1, trong khi câu số 4 đúng – chính là
dấu hiệu đặc trưng của một nhà nước pháp trị, đòi bất cứ hoạt động nào
của bất kỳ cơ quan nhà Nước nào đều phải viện dẫn chuẩn mực pháp lý của
những điều khoản luật pháp điều chỉnh nó; cũng xuất phát từ đó, mọi vấn
đề xã hội nảy sinh, họ không thể không mổ xẻ văn bản luật liên quan, để
cải cách nó.
Xã hội họ phát triển, hoàn thiện liên tục chính là kết quả tổng hợp
từ những cải cách luật thường nhật như vậy; thiếu nó, mọi chủ trương,
chính sách dù thần kỳ mấy cũng không thể trở thành hiện thực.
Cách đây mấy tháng, tại Sachsen, một người đàn ông gọi tới số điện
khẩn cảnh sát báo sẽ giết vợ, tự sát. Cảnh sát tức tốc tới nơi, không
thấy động tĩnh gì, bèn cẩn thận cho xe chạy lòng vòng quan sát, thì
phát hiện được đương sự từ xa đang dí khẩu súng vào thái dương chực bóp
cò.
Cảnh sát xô đến cản, mũi súng bất ngờ quay phắt lại nhằm cảnh sát
nhả đạn chát chúa. Cảnh sát thất kinh, rút súng tự vệ, bắn trả đương sự
chết tại chỗ. Khi hoàn hồn, họ mới phát hiện được đó là khẩu súng bắn
doạ, trông hệt thật.
Quan chức, chính khách lập tức lên tiếng trước một mạng người bị
chết oan uổng. Chỉ cách 2 tháng sau, Quốc hội Đức đã thông qua luật vũ
khí sửa đổi, cấm lưu hành súng bắn doạ trông như thật, nhằm tránh lặp
lại thảm cảnh, khác ở ta giải quyết vụ việc như thế thường chỉ dừng lại
nơi nó xảy ra.
Đến vụ chấn động nước Đức hồi tháng Ba, một học sinh ở Winnenden
cuồng sát tới 15 nhân mạng. Từ Tổng thống, Thủ tướng, đến chính khách
các đảng phái đều có mặt tại tang lễ, tất cả lên tiếng, đòi cải cách
luật, không dừng lại ở mức chỉ yêu cầu cơ quan thừa hành xem xét trách
nhiệm như thường thấy ở ta.
Tới tháng trước, Chính phủ đã hoàn tất dự luật vũ khí cải cách,
trình quốc hội; lần này quy định ngặt nghèo từ điều kiện, lứa tuổi được
phép, loại, số lượng súng, cách thức lưu giữ, trách nhiệm đăng ký, bảo
vệ, chịu giám sát, và án tù cho từng mức vi phạm.
Sang vụ ngân hàng HRE rơi vào nguy cơ phá sản 3 tháng trước, ảnh
hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, chỉ quốc hữu hóa mới có thể
cứu vớt được nó, nhưng bị Hiến pháp Đức cấm, buộc Hạ và Thượng viện Đức
phải sửa đổi tạm thời điều khoản tương thích trong Hiến pháp, để có thể
ban hành được Luật Quốc hữu hoá trong giới hạn cho phép, áp dụng chỉ
cho ngân hàng này, với thời hạn hiệu lực đến tháng 10/9.
Liên hệ những thực tế trên sang Quốc hội ta, chỉ riêng thời gian 1
năm 2 kỳ họp, đã thấy bất khả kháng không thể làm luật được như họ.
Xã hội chỉ còn biết trông chờ vào cố gắng của cơ quan hành xử, với
bao rủi ro; có thể đo lường qua ví dụ so sánh hiệu quả quyết định của
Chính phủ ta trợ cấp tiền tiêu Tết cho hộ nghèo đầu năm, với cùng quyết
định tương tự ở Đức, cũng từ đầu năm, cấp cho những hộ sống nhờ trợ cấp
xã hội mỗi con nhỏ mỗi năm thêm 100 Euro tiền mua sách vở.
Quyết định của họ là một văn bản lập pháp, do Chính phủ chuẩn bị dự
luật, trình Hạ viện thông qua, Thượng viện chuẩn y, Tổng thống ký ban
hành; các cơ quan chịu trách nhiệm cấp phát cứ theo luật tự động thực
hiện, nếu không sẽ bị chế tài, chẳng cần người dân phải xin, cũng chẳng
cần bất cứ văn bản hướng dẫn nào từ trên; trong khi ở ta, chỉ mỗi quyết
định của Chính phủ, với cơ chế thực hiện thụ động, trông chờ chỉ thị,
mệnh lệnh, dẫn đến cấp sai, chậm, đủ kiểu chia chác… hậu quả phải giải
quyết bao lâu sau, mất luôn cả niềm tin trong không ít dân chúng.
Nhà nước thượng tôn pháp luật
Nhà
nước tuân thủ luật pháp không chỉ là dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước
pháp trị, mà còn được chính Nhà nước bảo đảm thực thi bằng công cụ hữu
hiệu, đó là Toà án độc lập Nguồn: cancan
Văn bản luật trong Nhà nước pháp trị bao gồm một hệ thống từ Hiến
pháp – văn bản luật bao trùm nhất, đến các văn bản lập pháp ban hành
bởi cơ quan dân cử, tới các văn bản lập quy hướng dẫn các cơ quan hành
xử thực thi văn bản lập pháp.
Dù đâu ban hành, thì các văn bản pháp lý đó cũng vẫn là sản phẩm chủ
quan của những con người được trao danh nghĩa nhà nước. Nhà nước pháp
trị vì vậy cũng sẽ chẳng khác bất cứ loại hình Nhà nước nào, nếu văn
bản luật đó ban hành và thực thi bất chấp cá nhân người dân bị xâm phạm
quyền và lợi ích không thể kháng lại.
Do đó, Nhà nước tuân thủ luật pháp không chỉ dấu hiệu đặc trưng của
Nhà nước pháp trị, mà còn được chính Nhà nước bảo đảm thực thi bằng
công cụ hữu hiệu, đó là Toà án độc lập.
Nói cách khác, mọi cá nhân, pháp nhân, đều có quyền khởi kiện Nhà
nước, khi cho rằng việc ban hành, hay thực thi của cơ quan công quyền
hoặc vi hiến hoặc phạm luật, không bảo đảm hay xâm phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của mình hay của nơi có lợi ích của mình. Đây cũng chính
là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.
Sẽ không còn là một Nhà nước pháp trị, nếu nguyên tắc bình đẳng đó
bị vi phạm, nên nó được luật pháp bảo đảm chắc chắn bằng quy trình pháp
lý bắt buộc: mọi quyết định của cơ quan công quyền đối với bất cứ cá
nhân, pháp nhân nào, liên quan đến quyền, lợi ích của họ đều bắt buộc
phải có mục cuối cùng, chỉ dẫn thủ tục pháp lý chống lại, nếu thiếu sẽ
không có hiệu lực; đầu tiên yêu cầu chống tại cơ quan ra quyết định,
tiếp theo tại toà án có thẩm quyền; bất kể cơ quan ra và pháp nhân nhận
quyết định là ai hoặc cấp nào; có thể hình dung qua thực tế phiên toà
xét xử tranh chấp giữa Thượng viện Đức (cơ quan lập pháp Liên bang tập
hợp đại diện chính quyền các Tiểu bang) với Cơ quan bảo hiểm hưu trí
Đức tiểu bang Berlin-Brandenburg.
Từ năm 2001-2004, Thượng viện Đức thuê 15 người vào làm việc hướng
dẫn, phục vụ khách tới Thượng viện thăm giao dịch. Nếu ký hợp đồng lao
động làm công, Thượng viện phải trích nộp bảo hiểm xã hội bằng 39,9%
tiền lương.
Nếu coi 15 người đó là tự hành nghề (doanh nghiệp 1 người), ký hợp
đồng khoán dịch vụ với doanh nghiệp, thì Thượng viện không phải trích
nộp bảo hiểm, chỉ phải trả thêm 19% thuế giá trị gia tăng.
Cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào, phải cân nhắc thiệt hơn khi chi
thu, Thượng viện quyết định chọn phương án 2, để tiết kiệm cho mình
khoản tiền chênh lệch bằng 20,9% tiền lương. Cơ quan bảo hiểm khi kiểm
tra chế độ trích nộp qũy bảo hiểm của Thượng viện, không chấp nhận, cho
rằng 15 người này là lao động làm công, không phải tự hành nghề, ra
quyết định đòi truy thu Thượng viện, tổng cộng 15.000 Euro phí bảo hiểm
hưu trí.
Thượng viện không chịu, theo đúng luật định, như mọi pháp nhân khác,
đệ đơn chống lại, nhưng không được, viện tiếp đến Toà án Xã hội Berlin
xét xử. Đầu tháng trước, với án quyết số S 36 KR 2382/07, toà đứng về
phiá cơ quan bảo hiểm, phán 15 người đích thực là lao động làm công do
Thượng viện bố trí công việc, thời gian, đeo phù hiệu Thượng viện, trả
lương theo thang bậc, nên không thể coi họ là tự hành nghề, và nghị án,
Thượng viện phải chấp hành quyết định của cơ quan bảo hiểm hưu trí.
Hiện thế giới hiện đại không còn ai bàn cãi về Nhà nước pháp trị,
nhưng hệ dẫn của nó, Nhà nước phải tuân thủ pháp luật, kể cả Thượng
viện, một cơ quan lập pháp tối cao trong thể chế lưỡng viện, cũng phải
chịu phán quyết của toà, thì không phải ai cũng hiểu, chừng nào họ vẫn
chưa thay đổi được quan niệm coi Nhà nước mới có quyền, kể cả ngoại
kiều sống trong xã hội đó nếu không hoà nhập đủ.
• TS. Nguyễn Sĩ Phương, (Cộng hoà Liên bang Đức)
Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7436/index.aspx
|