Lê Vĩnh
Hôm thứ ba 29 tháng 6 vừa qua, Tân Hoa
Xã của Trung Quốc loan báo là chính quyền Trung Quốc đã đình hoãn vô hạn định
việc bắt tất cả các máy vi tính bán tại nước này phải cài đặt một nhu liệu, có
tên là Lục Bá, hay Green Dam trong tiếng Anh, và Đập Ngăn Nước Xanh trong tiếng
Việt, mà theo nhà cầm quyền Trung Quốc thì nó sẽ giúp bảo vệ trẻ em, vì sẽ ngăn
chặn được hình ảnh dâm ô, văn hoá đồi truỵ trên internet. Sự đình hoãn vô hạn
định này là kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh rộng lớn và mãnh liệt của
giới kỹ nghệ vi tính và doanh thương quốc tế; cũng như của tuyệt đại đa số
những người xử dụng máy vi tính tại Trung Quốc trước lệnh bắt các máy vi tính
phải cài đặt thêm phần mềm vừa kể, lẽ ra đã có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7.
Green Dam là một nhu liệu nhỏ do công
ty computer Junhui làm ra, theo đơn dặt hàng của cơ quan Kiểm Duyệt Trung Ương
đảng Cộng Sản Trung quốc. Như vừa đề cập ở trên, từ tháng 5, khi tin về lệnh
cưỡng chế các máy vi tính mới bán ra ở thị trường Trung Quốc phải cài đặt nhu
liệu này được tung ra, mà theo lời của bộ trưởng bộ Thông Tin và Kỹ Thuật Trung
Quốc, là do sự “đòi hỏi của nhiều trường học và phụ huynh học sinh”, thì ngay
lập tức đã tạo nên một làn sóng phản đối cả ở Trung Quốc lẫn trên trường quốc
tế, trong giới tiêu thụ cũng như giới sản xuất, đặc biệt là trong giới chuyên
môn về nhu liệu và xử dụng internet.
Về mặt kỹ thuật chuyên môn của nhu liệu
Green Dam, người ta đã khám phá ra một số phần của nhu liệu này ăn cắp từ hãng
nhu liệu Solid Oak của Hoa Kỳ. Nhưng đây không phải là mối quan tâm chính, mà
những khiếm khuyết to lớn về mặt kỹ thuật cũng như mục tiêu đích thực của nhu
liệu này mới là điều quan ngại và gây ra sự phản đối quyết liệt. Cài đặt nhu
liệu Green Dam không chỉ khiến hệ điều hành của máy vi tính hay bị trục trặc,
mà còn khiến máy bị đứng nếu đánh trên ban phím một số chữ “nhạy cảm” (chẳng
hạn như chữ ’F” - có lẽ vì đó là chữ đầu tiên của nhóm từ ’Pháp Luân Công’
trong tiếng Anh). Nhưng quan trọng hơn, nó tạo những lỗ hổng khiến máy vi tính
không được bảo vệ an toàn nữa. Các hacker có thể dễ dàng xâm nhập và hoàn toàn
kiểm soát, tha hồ lộng hành trong máy vi tính của người khác.
Hồi giữa tháng 6, bộ trưởng bộ thông
tin và kỹ thuật Trung Quốc trấn an rằng, những khuyết điểm của Green Dam đã
được công ty Junhui sửa chữa. Nhưng ngay sau đó, các chuyên viên của trường đại
học Michigan cho biết, họ chỉ mất không đầy một tiếng đồng hồ là đã tìm
ra những lỗ hổng khác. Các công ty thương mại và kỹ nghệ thường tốn rất nhiều
tiền của, công sức để bảo vệ an toàn cho hệ thống máy vi tính của họ, hầu không
bị mất cắp các tài liệu quý giá cần bảo mật, cũng như để hệ thống điều hành,
liên lạc qua hệ thống máy vi tính không bị rối loạn. Vì vậy, họ đã kịch liệt
phản đối việc cài đặt nhu liệu Green Dam trong máy vi tính. Các công ty sản
xuất máy vi tính cũng phản đối mạnh mẽ không kém vì họ cho rằng, cài đặt thêm
Green Dam sẽ khiến sản phẩm của họ bị mất phẩm chất. Không những thế, qua thử
nghiệm, Green Dam chẳng những không ngăn chặn được những hình ảnh dâm ô, mà
ngược lại, ngăn chặn những.... hình ảnh và trang web tốt.
Trên phương diện luật pháp quốc tế thì
Hoa Kỳ đe dọa sẽ đưa vấn đề nhu liệu Green Dam ra kiện ở tổ chưc thương mại thế
giới (WTO). Hôm 26 tháng 6, đại diện của hơn 20 hiệp hội, bao gồm các liên hiệp
nhu liệu thương mại, lẫn hiệp hội giới tiêu thụ điện tử, cùng các phòng Thương
Mại của Hoa Kỳ và Liên Âu, đã gửi một thư chung đến Thủ tướng Ôn Gia Bảo của
Trung Quốc, than phiền về việc các máy vi tính phải cài đặt nhu liệu Green Dam.
Nếu quốc tế phản đối Green Dam vì quyền
lợi của họ, thì những người dùng internet ở Trung Quốc phản đối bội phần mãnh
liệt hơn, vì quyền xử dụng internet của họ vốn đã không rộng rãi; với Green
Dam, quyền này gần như sẽ chẳng còn gì.... Một cuộc khảo sát do Bắc Kinh thực
hiện hồi đầu tháng 6 cho thấy, có đến 80 phần trăm người dùng internet ở Trung
Quốc phản đối Green Dam. Cuối tháng 6, trên internet đã luân lưu một tuyên cáo
của những người trong “làng net” (netizens). Với lời lẽ mạnh mẽ, bản tuyên cáo
kịch liệt lên án nhà cầm quyền Trung Quốc tước đoạt quyền tự do ngôn luận, và
tuyên chiến với hệ thống kiểm duyệt của Bắc Kinh qua việc đồng loạt tấn công hệ
thống này kể từ ngày 1 tháng 7 trở đi, như là trận chiến đầu tiên trong cuộc
chiến mà chắc chắn là Bắc Kinh sẽ bị đánh bại... Kiến trúc sư Ai Weiwei nổi
tiếng với vận động truờng “Tổ Chim” (Bird’s Nest) của thế vận hội năm ngoái đã
kêu gọi bày tỏ thái độ bằng cách tẩy chay internet trong ngày đầu tháng 7. Chủ
tịch Hiệp Hội Internet ở Hồng Kông thì đặt dấu hỏi về mục tiêu đích thực của
Green Dam, khi mà trong danh sách từ ngữ nhạy cảm, bị cấm cản trong nhu liệu
này, cứ một chữ liên quan đến tình dục thì có đến ba chữ liên quan đến các vấn
đề chính trị. Ngay cả báo chí trong luồng của chế độ như tờ “tin Tức Bắc Kinh”
(Pekin News) cũng phàn nàn rằng, nếu Green Dam giúp trẻ em tránh tiếp cận với
những trang mạng xấu, thì tại sao những gia đỉnh không có trẻ em, cũng như các
cơ sở thương mại kỹ nghệ (đều không có trẻ em) lại buộc phải cài đặt Green Dam
trong máy vi tính?..v.v......
Những phản đối rộng lớn và quyết liệt
kể trên đã khiến nhà nước Trung Quốc dần dần phải xuống giọng trong vấn đề cài
đặt nhu liệu Green Dam trong các máy vi tính trên thị trường Trung Quốc, rồi
nay phải đình hoãn việc này vô hạn định. Đương nhiên là Bắc Kinh sẽ tính toán
những đường đi nước bước khác để tiếp tục áp đặt sự kiểm duyệt và bưng bít
thông tin của họ. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, qua vấn đề nhu liệu Green Dam,
người ta có thể rút ra được những bài học sau:
Thứ nhất: Điều hiển nhiên là nhờ có
những đấu tranh quyết liệt, mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải thất bại trong
việc áp đặt quyết định về nhu liệu Green Dam của họ. Tuy không ai nói ra hình
thái của cuộc đấu tranh này, nhưng trên thực tế nó hoàn toàn nằm trong một
nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động. Đó là, sở dĩ nhà cầm quyền thực hiện
được những áp chế hay áp đặt, là do chính người dân đã chấp nhận, để cho họ nắm
cái quyền đó. Nếu người dân nhất quyết đòi lại, thì nhiên hậu họ sẽ phải nhả.
Trong vụ nhu liệu Green Dam, ít nhất là 80 phần trăm của 300 triệu người xử
dụng internet ở Trung Quốc và những nhóm hay tập đoàn quốc tế liên quan đến
internet đã đấu tranh quyết liệt, có cơ sở, có bài bản, nhất định không trao
cho nhà nước Trung Quốc quyền áp đặt, hầu duy trì quyền lợi chính đáng của
mình. Kết quả là Bắc Kinh đã phải lùi bước trước một SỐ ĐÔNG đồng lòng, ngay cả
phải chấp nhận chịu mất mặt trước toàn dân và thế giới..... Trong lãnh vực đấu
tranh này, đây chẳng phải là lần đầu Bắc Kinh bị thua cuộc vì làn sóng phản đối
mạnh mẽ. Năm 2000 họ đã phải bỏ một đạo luật hạn chế nhập cảng các nhu liệu mã
hoá, định dùng để cấm những người dùng internet mã hoá tài liệu. Năm 2004 Bắc
Kinh định phát triển một dự án internet vô tuyến theo tiêu chuẩn của Trung
Quốc, hầu họ dễ dàng kiểm soát internet hơn. Hãng Intel đe dọa sẽ không bán con
“chip” cho Trung Quốc. Cuối cùng Bắc Kinh phải bãi bỏ dự án vừa kể.
Thứ hai: Sự lùi bước của Bắc Kinh vào
giờ chót trong vấn đề Green Dam là một thí dụ tiêu biểu và mới nhất về những
phiền toái mà các công ty kỹ thuật Tây Phương phải đối diện, khi làm ăn tại một
quốc gia mà các quyền tự do bị hạn chế hoặc tước đoạt. Đồng thời cũng cho thấy
các ràng buộc ký kết thương mãi với quốc tế, đặc biệt là qua tổ chức WTO, nếu
biết tận dụng, cũng biến sự độc đoán của một nhà cầm quyền độc tài thành những
tác động ngược, khiến họ phải bỉ mặt như thế nào. Rebecca MacKinnnon, một phó
giáo sư môn báo chí và truyền thông của trường đại học Hồng Kông, đã nhận định
rằng: “Nếu Bắc Kinh là một chính quyền minh bạch và hoạch định chính sách một
cách dân chủ, thì họ đã không bị rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, làm trò
cười cho thế giới như thế này”.
Thứ ba: Một vở tuồng nào được trình diễn ở Bắc
Kinh thì một thời gian sau sẽ được trình diễn ở Hà Nội. Bắc Kinh thất
bại trong vụ Green Dam nên Hà Nội chẳng học lóm được điều gì lần này.
Tuy nhiên, sẽ có những vụ “hậu Green Dam” mà Hà Nội sẽ bắt chước, để
bóp nghẹt thêm quyền tự do thông tin ở Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây
giờ “làng Dân Nét” Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho cuộc
đấu tranh sắp tới, hầu không cho nhà cầm quyền Hà Nội “cái quyền” được
bóp nghẹt thông tin, còn mình thì an phận chấp nhận “bị bóp nghẹt”. Nếu
so tỷ lệ dân số và người dùng internet thì tỷ lệ này ở Việt nam cao hơn
ở Trung Quốc. Thêm vào đó, với cộng đồng người Việt hải ngoại luôn luôn
hỗ trợ và đấu tranh cho tự do ngôn luận tại quê nhà, “làng Dân Net”
Việt Nam có lợi điểm vượt trội “dân net” Trung Quốc về mặt này. Do đó,
tuy không phải là dễ dàng, nhưng triển vọng thắng thế của “làng Dân
Net” Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống bóp nghẹt thông tin sắp tới sẽ
rất lớn, nếu có sự chuẩn bị để kết hợp nhuần nhuyễn với những phương
thức đấu tranh bất bạo động một cách thích hợp.
Nguồn: Việt Tân
|