Luật sư Lê Trần Luật
Trong một lần trả lời phòng vấn đài RFA, tôi có nói rằng việc tòa án
chỉ dựa vào kết luận giám định để đi đến phán quyết một người nào đó
phạm tội tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
(NNCHXHCNVN) là việc làm hết sức tùy tiện và thiếu khách quan. Tôi cũng
nói rằng, ranh giới giữa quyền bày tỏ chính kiến đối lập và tuyên
truyền chống nhà nước là hết sức mong manh. Người bày tỏ chính kiến đối
lập dễ bị phạm vào tội này. Mới đây rất nhiều báo đài Việt Nam đưa tin
có đoạn: “kết quả giám định cho thấy, tài liệu của Lê Công Định có nội
dung phản động, tuyên truyền chống NNCHXHCNVN”. Trong bài viết này tôi
xin bàn về một số khía cạnh pháp lý của “kết luận giám định” trong
những vụ án tuyên truyền chống NNCHXHCNVN.
Kết luận giám định là lời nhận xét có tính chất khẳng định của người
hiểu biết chuyên môn khoa học, kỹ thuật được cơ quan tiến hành tố tụng
trưng cầu để kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định. Người giám định
chỉ kết luận về chuyên môn khoa học đối với vấn đề được yêu cầu giám
định chứ không có nhiệm vụ kết luận là bị can, bị cáo có thực hiện hành
vi phạm tội hay không. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không
đồng ý với kết luận giám định thì có thể yêu cầu giám định bổ sung hoặc
giám định lại. Tôi xin được nhắc lại rằng: “KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH KHÔNG
ĐƯỢC PHÉP XÁC ĐỊNH MỘT NGƯỜI NÀO ĐÓ CÓ PHẠM TỘI HAY KHÔNG”.
Ở góc độ pháp lý, hiện nay đa số các chuyên gia luật gia luật sư đều
cho rằng kết quả giám định là một dạng chứng cứ. Tôi không hoàn toàn
đồng ý với quan điểm này vì một trong những thuộc tính của chứng cứ là
tính khách quan, mà hiện nay các cơ quan giám định của Việt Nam đều do
nhà nước thành lập. Ở Việt Nam chưa có tổ chức giám định tư nhân hay tổ
chức giám định phi chính phủ. Thực tiễn áp dụng cho thấy, các quy định
về giám định còn nhiều hạn chế, vướn mắc, nhất là vấn đề giám định lại.
Các quy định còn thiếu và chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc áp dụng,
dẫn đến việc giải quyết nhiều vụ án bị kéo dài, nhiều vụ án thiếu chính
xác, có vụ án dẫn đến tình trạng oan sai. Chính vì vậy mà nghị quyết số
08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu yêu cầu phải hoàn thiện các tổ chức
giám định tư pháp và pháp luật về giám định tư pháp.
Trở lại vụ Lê Công Định, kết quả giám định: “CÁC TÀI LIỆU CỦA LÊ CÔNG
ĐỊNH CÓ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NNCHXHCNVN”. Nội hàm của câu kết
luận này cho thấy cơ quan giám định đã mặc nhiên thay toà án phán quyết
luật sư Lê Công Định “có tội”. Điều này hết sức vô lý tùy tiện và thiếu
khách quan.
Không riêng về vụ Lê Công Định mà hầu hết các vụ án tuyên truyền chống
NNCHXHCNVN thì kết luận giám định đều ghi rất giống nhau, đại ý: “Tài
liệu phản động, có nội dung chống nhà nước... hoặc lời lẽ có tính kích
động lôi kéo, nội dung xuyên tạc đường lối chính sách...”
Trong vụ Phạm Bá Hải – tổ chức Bạch Đằng Giang, một luật sư đồng nghiệp
của tôi mạnh dạn đề nghị: triệu tập giám định viên để tranh luận về kết
luận giám định các tài liệu của tổ chức Bạch Đằng Giang có chống
NNCHXHCNVN hay không. Tại tòa tôi cũng đã từng đề nghị giám định lại vì
cho rằng các kết luận giám định không khách quan. Tất nhiên cả hai yêu
cầu của chúng tôi không được tòa án chấp nhận. Kết quả Phạm Bá Hải bị
xử 5 năm tù giam. Các vị có biết giám định viên ấy là ai không? “Anh
ấy” làm cán bộ của: “Phòng xuất nhập khẩu”... gì đó thuộc Sở Văn Hóa
Thông Tin Tp.HCM. Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng: “Chính các giám định
viên của Sở Văn Hóa Thông Tin đã cho nhiều nhà hoạt động dân chủ đi tù
chứ không phải tòa án”.
Tôi có một anh bạn là mục sư truyền đạo. Ngài thường cho in ấn Kinh
Thánh để tặng cho bạn bè anh em. Ngoài ra, Ngài thường tặng nhiều kinh
thánh cho nhiều vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Thế là bị khởi tố và
đi tù. Cũng may, các cán bộ giám định viên của Sở Văn Hóa Thông Tin
không thể nào giám định được các cuốn Kinh Thánh nên Ngài đã được đình
chỉ vụ án và được trả tự do. Tưởng đã thoát rồi thì cơ quan giám định
tâm thần của Sở Y Tế ra kết luận giám định: “Ngài bị tâm thần”. Với kết
luận giám định này, mặc dù là người bình thường – một mục sư khả kính,
Ngài không còn cách nào là vào “nhà thương điên” để “điều trị”.
Tôi xin kể một ví dụ khác để thấy sự tùy tiện trong việc giám định: Vào
khoảng tháng 3 năm 2009, rất nhiều báo đài Việt Nam đều đưa tin: “Luật
sư Lê Trần Luật có dấu hiệu lừa đảo, ăn quỵt, trốn thuế...” Trong những
thông tin đó tôi đặc biệt chú ý một thông tin trên TTXVN: “Cơ quan chức
năng đã có kết luận giám định số 70 là tôi chống NNCHXHCNVN và cục an
ninh đã làm việc với Bộ Tư pháp”. Tôi nghĩ: “Quái, tôi đâu có làm ra
hay tàng trữ tài liệu nào đâu mà có kết luận giám định...”. Đến giữa
tháng 4, tôi liên tục nhận được giấy mời làm việc của cơ quan an ninh
“Vì vi phạm công nghệ thông tin”. Tôi nói: “Các anh có nhầm không, tôi
rất dốt vi tính, tìm một chữ A cả phút không thấy sao lại vi phạm công
nghệ thông tin”. Họ cho tôi xem kết luận số 70, trong đó họ trưng cầu
các bài bào chữa của tôi, bài bào chữa của Lê Công Định và một blogger
tên gọi là Anh Ba Sài Gòn. Kết luận giám định dành cho ba chúng tôi đều
giống nhau “phản động”, “chống NNCHXHCNVN”. Tôi nói: “Bài bào chữa là
quan điểm của tôi biện minh cho thân chủ được tòa án cho phép và được
trình bày công khai tại tòa, các anh giám định làm gì”. “Nếu giám định
như vậy chẳng lẽ tòa án – những người trong Hội đồng xét xử đều là đồng
phạm của tôi hay sao”. Tôi tức quá và nói tiếp: “Cho tôi một bản giám
định để tôi khiếu nại các ông giám định viên này vì các ông ấy kết luận
tôi phản động và công khai đứng về phe dân chủ. Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ
biết phe XHCN, phe dân chủ là phe nào? Mà kết luận như vậy có nghĩa là
nhà nước này là nhà nước độc tài hả? Vậy ông giám định viên đó “phản
động” chứ không phải tôi”. Cách đây mấy hôm, cơ quan an ninh Việt Nam
khẳng định khởi tố luật sư Lê Công Định không phải vì những bài bào
chữa, tôi thở phào nhẹ nhõm vì những bài bào chữa của mình. Không biết
giờ đây kết luận 70 đó giờ đây dùng để làm gì và nằm trong quy trình tố
tụng nào.
Đây là quy trình tố tụng của những vụ án tuyên truyền chống NNCHXHCNVN.
Với một quy trình như vậy, thật khó cho luật sư khi bảo vệ cho thân chủ
của mình là những người bị cáo buộc về tội tuyên truyền chống
NNCHXHCNVN.
Chỉ hy vọng rằng, họ vô tội trước công luận!
Sài Gòn, 7/7/2009 Nguồn: DCCT
|