Trần Hùng
Trong
bốn tuần lễ vừa qua tình hình Việt Nam có nhiều sự kiện đáng ghi nhận.
Vào đầu tháng 6, CSVN "bắt khẩn cấp" luật sư Lê Công Định, một nhân vật
chẳng những được nhiều người Việt ở trong và ngoài nước biết đến, mà
còn là khuôn mặt quen thuộc của nhiều chính giới ngoại quốc. Trước vụ
bắt ông Định, nhà nước đã bắt giam ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh
nhân ở Sài Gòn. Sau vụ bắt ông Định, họ bắt thêm 3 người nữa là ông Lê
Thăng Long, bà Trần Thị Thu và bà Lê Thị Thu Thu. Trong số những vụ bắt
bớ vào dịp này, việc bắt ông Lê Công Định làm dấy lên một làn sóng phản
đối mạnh mẽ từ hải ngoại cũng như quốc tế. Nhưng chỉ một tuần sau đó,
công an tuyên bố luật sư Định đã nhận tội và xin khoan hồng. Đầu tháng
7, có thêm 2 người nữa bị bắt giữ, đó là anh Nguyễn Tiến Trung và ông
Trần Anh Kim, mà nhà nước nói rằng họ có bằng chứng buộc tội căn cứ
theo lời khai của luật sư Định.
Trước những vụ bắt bớ này, nhiều
người đã nhận định về một "làn sóng đàn áp mới", mà con số người bị bắt
giữ sẽ nhanh chóng vượt qua con số 7 tính đến hôm nay. Tuy nhiên, đã
biết về bản chất của chế độ độc tài, người ta hiểu rằng việc đàn áp
những người đối kháng vốn là nhiệm vụ trường kỳ của guồng máy công an.
Để bảo vệ ngôi vị thống trị, họ không thể dung nạp những tiếng nói đối
kháng. Và vì thế, việc bắt giữ những người yêu dân chủ chỉ là công việc
trước hay sau. Nếu nó phải ngưng nghỉ là do áp lực của quốc tế và người
dân, chứ chẳng phải là do sự bầy tỏ thiện ý của chế độ.
Dư luận cũng đưa ra nhiều dự đoán về nguyên do của những vụ bắt bớ này.
Dự
đoán đầu tiên, căn cứ vào những chi tiết do công an phổ biến, cho rằng
việc bắt giữ nhằm ngăn chặn sự ra đời của đảng Lao Động và đảng Xã Hội,
có nguy cơ phá vỡ bối cảnh độc quyền chính trị của đảng cộng sản hiện
nay. Báo chí nhà nước nói rằng luật sư Định đã tham dự một khoá huấn
luyện bất bạo động do đảng Việt Tân tổ chức ở Thái Lan. Ông cũng tham
gia và là thành viên cao cấp của đảng Dân Chủ Việt Nam, góp phần soạn
thảo một bản "tân hiến pháp" cho đảng này. Từ những chứng cứ trên, cơ
quan công tố CSVN đã ký lệnh truy tố ông Định về tội danh "chống phá
nhà nước xã hội chủ nghĩa", căn cứ theo điều 88 của bộ luật hình sự
CSVN.
Sự truy tố này cho thấy CSVN đã "tiến bộ giật lùi". So với
thủ đoạn giấu súng đạn vào vali của du khách để vu vạ là bắt được khủng
bố của 2 năm về trước, thì lý luận "khủng bố bằng đấu tranh bất bạo
động" lần này vừa ngớ ngẩn vừa thiếu kín đáo. Cũng như thế, việc gán
ghép hành động chuẩn bị sự ra đời của 2 đảng Lao Động và Xã Hội là
"chống phá nhà nước" vừa cho thấy sự bế tắc của cơ quan tuyên truyền
nhà nước, vừa thể hiện trắng trợn thái độ khinh thường trình độ nhận
thức của người dân. Nó còn cho thấy sự phá sản của chính sách "một mình
một chợ" của đảng cộng sản. Hơn nửa thế kỷ trước, họ đã nhào nặn lên 2
đảng Dân Chủ và Xã Hội để làm bình bông trang trí cho sự cầm quyền độc
tài của đảng cộng sản, tha hồ tô vẽ cho 2 đảng bù nhìn này những vai
trò kệch cỡm. Ngày nay, như ngôn ngữ dân gian thường nói: "âm binh đã
vật lại phù thủy", cộng sản chẳng những đã phải thủ tiêu 2 đảng bù nhìn
nói trên, núp dưới tấm bảng "không cần đa đảng", mà vẫn nơm nớp lo sợ
những người dân chủ xây dựng đảng phái chính trị để hình thành bối cảnh
sinh hoạt đa nguyên. Tình hình đúng là đã xoay chuyển 180 độ, nghiêng
thuận lợi về phong trào dân chủ.
Một dự đoán khác căn cứ vào
những biến chuyển hiện nay ở Việt Nam, mà đề tài bauxite chiếm vị trí
hàng đầu. Có thể nói sau Hoàng Sa, Trường Sa, thì Bauxite Tây nguyên là
vấn đề được người Việt quan tâm hơn hết, và cũng là chủ đề khiến nhiều
thành phần người Việt khác nhau, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cộng
sản, có lập trường gần gũi với nhau nhất. Lập trường đó là kiên quyết
chống đối thái độ khiếp nhược của CSVN trước Trung cộng. CSVN đã để mất
Hoàng Sa, Trường Sa, và nay vùng Tây nguyên cũng có nguy cơ bị Trung
cộng khống chế. Hình ảnh lính Trung cộng trấn đóng những hòn đảo ngoài
biển Đông, và nay, những "tô giới" của Trung cộng xuất hiện ở Sài Gòn,
Hải Phòng, Đăk Nông… khiến lòng căm phẫn của người dân đã lên đến cao
độ. Trong bối cảnh đó, vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ khởi kiện thủ tướng CSVN
Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài
nước. Đây là lần đầu tiên một giới chức cao cấp nhất của CSVN bị khởi
kiện đích danh và công khai, và về một chủ đề đang nóng bỏng. Cho dù
"luật rừng" của CSVN khiến người ta dễ liên tưởng đây là một vụ "con
kiến kiện củ khoai", nhưng hành động của luật sư Cù Huy Hà Vũ đã thể
hiện thái độ "không sợ hãi" của người dân trong nước. Đây là yếu tố căn
bản để từ đó người dân Việt Nam sẽ đứng lên đòi lại quyền làm chủ đất
nước của mình. Như thế, trong khi chế độ chưa tìm được cách hoá giải
thế kẹt hiểm hóc này, thì việc bắt giữ luật sư Lê Công Định được coi là
để lái dư luận về một hướng khác, ít nguy hiểm hơn.
Cho dù phát
xuất từ động lực nào, việc bắt bớ của CSVN cũng chỉ cho thấy hoàn cảnh
suy yếu của họ. Từ xa xưa, việc "trị nước" vẫn cốt ở chuyện "yên dân",
và một vị vua nhân đức vẫn thường được ca ngợi đến muôn đời. Ngược lại,
những chế độ bạo tàn thường chấm dứt ngay sau khoảng thời gian họ xử
dụng hết mọi hình thức bạo lực. Có một bài học mà những nhà độc tài chỉ
hiểu ra được khi họ đã bị mất ngôi: đó là khi người ta không còn sợ
hãi, thì không bạo lực nào có thể đàn áp được họ.
Nhìn lại còn
đường phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam, dù là con đường thiên
lý và không ít chông gai, nhưng những tổn thất không bao giờ làm cho
những người yêu nước sờn lòng. Trong một chế độ mà nhà tù nhiều hơn
trường học như ở Việt Nam hiện nay, những người yêu dân chủ không phải
là không nhìn thấy những gian nguy, bất trắc đang chờ đợi họ, nhưng như
anh Đỗ Nam Hải đã từng nói: "tôi thà bước vào nhà tù nhỏ để dân tộc
Việt Nam thoát ra khỏi nhà tù lớn", hay như một nhà dân chủ khác, bác
sĩ Phạm Hồng Sơn đã viết ngay bài "Hãy bắt tôi đi" chỉ 3 ngày sau khi
công an tống giam luật sư Lê Công Định, thì người ta sẽ hiểu rằng, nếu
CSVN định xử dụng những vụ bắt bớ hiện nay để ngăn chặn hay đe dọa
những người yêu nước, thì họ đã chỉ làm một việc phản tác dụng.
Với
hiểm họa Trung cộng càng ngày càng thể hiện trước mắt qua những hành
động ngang ngược như cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển Đông,
bắt giữ ngư phủ để đòi tiền chuộc, và ngày hôm qua, viên tham tán toà
đại sứ Trung cộng tại Hà Nội đã lớn tiếng dậy dỗ đòi "khuyến cáo, nhắc
nhở, cảnh thị" báo VietnamNet của CSVN, vì tờ này đã tường thuật một
cuộc thảo luận phê bình "hàng Trung quốc kém chất lượng", thì những ai
còn có một chút hồn Việt Nam mà không khỏi cảm thấy tủi nhục? Như thế,
trước sự sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước, và để
Việt Nam được có một ngày mai tươi sáng, bạo lực nào có thể ngăn cản
được những tấm lòng như của nhà tranh đấu trẻ Nguyễn Tiến Trung?
Cũng
có dự đoán cho rằng việc bắt giữ những người dân chủ vừa qua là để khoả
lấp dư luận đang chú mục vào những vụ tham nhũng trên thượng tầng lãnh
đạo, vừa bị liên tiếp phanh phui. Nếu quả như vậy thì việc đàn áp những
người đối kháng chỉ làm cho người dân thấy rõ thêm là tình trạng tham
nhũng chỉ chấm dứt cùng lúc với chế độ cưu mang nó. Với những phanh
phui của quốc tế vừa qua, những con hạm gộc đã bị Nhật Bản lôi ra với
vụ PCI, Đức phơi bầy vụ công ty Siemens phải "lót tay" cho cán bộ cộng
sản, Úc tố cáo vụ hối lộ in tiền Polymer, Mỹ vừa cáo giác vụ Nexus, và
Nguyễn Tấn Dũng bị tố ăn 150 triệu đô la trong vụ bauxite… thì chính
những người đảng viên cộng sản cũng thấy rõ là chế độ này không còn lý
do gì để tiếp tục thống trị người dân.
Nói tóm lại, càng phải xử
dụng đến bạo lực, đàn áp, chế độ cộng sản càng phơi bầy tình trạng suy
yếu của mình. Và điều đó càng nêu cao chính nghĩa của đường lối đấu
tranh bất bạo động của phong trào dân chủ. Sức nóng của ngọn lửa trong
tim có khả năng nung chẩy sắt thép của súng đạn. Vấn đề của tất cả mọi
người chúng ta là triệu người cùng góp một bàn tay, để xô ngã hòn đá
tảng đang cản bước tiến của dân tộc. Tương lai của Việt Nam cần bàn tay
của tất cả mọi người, không riêng chỉ những nhà đấu tranh đang ở trong
hay ngoài nhà tù nhỏ.
Nguồn: Việt Tân
|