Thứ Sáu, 2024-12-27, 3:07 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 9 » Tìm hiểu ý nghĩa tấm bản đồ chín gạch (chữ U) của Trung Quốc qua một vài kinh nghiệm lịch sử
9:51 AM
Tìm hiểu ý nghĩa tấm bản đồ chín gạch (chữ U) của Trung Quốc qua một vài kinh nghiệm lịch sử

Trong quá khứ đã có nhiều lần Trung Quốc (TQ) lấy được đất của nước ta, do vua quan VN tấn cống theo lối mua chuộc để được yên thân hay do lòng tham của Đại Hán. Nếu chỉ nhắc lại những lần lấn chiếm đất đai của Việt Nam do lòng tham, những vùng đất có giá trị về kinh tế và chiến lược, lý do để TQ biện hộ cho việc chiếm đất hình như trước sau như một : lấy tên một vùng đất nào đó của TQ đặt cho các vùng đất của VN, sau đó đem quân sang chiếm. Các vụ lấn đất, dành đảo, chiếm biển của VN xảy ra từ đầu thế kỷ 20, đến sang thế kỷ 21, cũng đều bắt đầu tương tự như vậy.

    Về vùng biển chữ U, được vẽ bởi 9 gạch của TQ, chiếm phần lớn vùng biển của VN, bao gồm đến 80% biển Đông là có ý nghĩa như thế nào ? Dựa trên lý do nào mà phía TQ cho rằng vùng biển này là của họ? Thiển nghĩ nhìn lại lịch sử, xét lại các trường hợp bị mất đất, cũng có thể cũng tìm ra một vài câu trả lời thỏa đáng. Điều quan trọng hơn hết, từ các kinh nghiệm đó, ta có thái độ thích hợp để có thể giữ, hoặc không để mất nhiều, các vùng biển, đảo của cha ông để lại.

    1/ Âm mưu chiếm đất năm 1724: Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn, TQ lập mưu chiếm tổng Tụ Long (thuộc châu Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) vì nơi đây có nhiều quặng mỏ quan trọng : Mỏ bạc và đồng ở làng Na Ngọ (các mỏ Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mậu Hưng), mỏ đồng Bán Gia, mỏ kẽm Kha Thôn, mỏ bạc Nam Ðương cùng 4 mỏ bạc Long Sinh, Thủy Ðộng, Minh Chiều và Ðà Gia v.v…

    Âm mưu của phía TQ là cho quân sang chiếm các làng, xã thuộc tổng Tụ Long của VN với lý do các làng, xã này là của TQ.

    Thực ra phía TQ đã đặt tên cho các làng xã thuộc tổng Tụ Long của VN bằng tên các làng xã của TQ. Quan trọng hơn cả là con sông Đổ Chú, tức con sông biên giới giữa tổng Tụ Long (VN) và phủ Khai Hóa (TQ), bị phía TQ gán cho một tên khác, cũng thuộc TQ, nhưng ở xa về phía nam.

    Nội dung việc này được cụ Lê Quí Đôn ghi lại trong Kiến Văn Tiểu Lục : (phía TQ đã)  « lầm lẫn làng Ma-Tu 痲須 với trại Mã Đô 馬都; làng Tà Lộ 斜路 với trại Bố Ðô 布都; làng Phù Không 扶空 với trại A Không 阿空; làng Phù Ni 扶尼 với trại Bạch Nê 白泥; làng Nhĩ Hô 爾呼 với trại Ngưu Hô-Hắc 牛呼黑 và quan trọng là lẫn lộn suối Tam-Khê 三溪 với sông Ðổ Chú ».

    Nhưng ở thời điểm này (1724) lực lượng quân sự Việt Nam được củng cố mạnh mẽ: « Chúa Trịnh Cương sai Trấn Thủ Trịnh Kinh ra mật lệnh cho các thổ ti đem quân cản và giữ chân chúng lại. Trịnh Kinh chận đầu, đóng quân tại làng Phù Lung. Thấy bên ta binh mã hùng mạnh và dân chúng theo qui phục, Tổng Trấn phủ Khai Hóa họ Phùng phải lui quân ».

    Rốt cục, tháng 4 năm 1725, vua nhà Thanh ra chiếu trả lại toàn vùng đất Tụ Long cho Việt Nam. Tuy nhiên, Kiến Văn Tiểu Lục ghi tiếp : « Sau khi có quyết định được trả lại đất, Chúa Trịnh ra lệnh cho các quan Hồ Phi Tích và Võ Công Tể đến với tri phủ Khai Hóa là Phiên Doãn Mẫn để thành lập ủy ban phân giới. Nhưng Doãn Mẫn vẫn ngoan cố muốn chiếm đoạt mỏ đồng nên gian dối chỉ định một con sông khác, sông này ở dưới chân núi Duyên Xưởng, và cho đó là sông Ðổ Chú, nhằm mục đích giữ lại các làng, xã thuộc Bảo Sơn. Việc này Võ Công Tể biết được, chỉ định vị trí thực sự của con sông Ðổ Chú. Từ đó vấn đề tranh chấp biên giới tạm kết thúc. »

    2/ TQ lập mưu giành được đất Tụ Long qua dịp phân định biên giới giữa các tỉnh Nam Hoa với Bắc Kỳ, do Pháp và nhà Thanh thực hiện vào những 1885-1887 :

    Việc phân định biên giới vùng Vân Nam không được phân định trên thực địa như tại Quảng Tây và Quảng Đông mà chỉ phân định trên bản đồ. Nguyên nhân do sự phá hoại từ phía TQ.

    Vùng Vân Nam được phân làm 5 tiểu đoạn, trên 5 tấm bản đồ. Ðoạn thứ 1 bắt đầu từ hợp lưu của sông Lũng Pô (Long-Bác 龍賻)  với sông Hồng cho đến Mường Khương. Ðoạn thứ 2 từ Mường Khương đến Cao Mã Bạch. Ðoạn thứ 3 từ Cao Mã Bạch cho đến sông Nho Quế. Ðoạn thứ 4 từ sông Nho Quế đến giao giới tỉnh Quảng Tây. Ðoạn thứ năm từ hợp lưu sông Lũng Pô với sông Hồng cho đến biên giới Lào. Nhưng các tấm bản đồ phân định này do người Hoa vẽ ra, hoàn toàn sai, không có điểm nào phù hợp với thực địa.

    Các đoạn 1, 3 và 4 được phân định không gặp khó khăn nhưng đoạn 2, từ Mường Khương đến Cao Mã Bạch, tức vùng thuộc các tổng Tụ Long và Phương Ðộ, và vùng 5 từ Lũng Pô đến biên giới Lào, hai ủy ban phân định Pháp Thanh không giải quyết được. Việc này phải đưa về Bắc Kinh để Tổng Lý Nha Môn (tương đương bộ ngoại giao) cùng Đặc Sứ Toàn Quyền Pháp tại đây quyết định.

Nguyên nhân hồ sơ đoạn 2 đã không giải quyết được, vì phía TQ tưởng rằng Pháp không hiểu biết, cho rằng đường trung tuyến của sông Lô là đường biên giới và gọi đó là Ðổ Chú Hà.

    Phía ủy ban Pháp, đại diện triều đình nhà Nguyễn, có đầy đủ sử liệu chứng minh, kể cả tài liệu từ các địa chí TQ, phản biện rằng sông đó không phải là sông Đổ Chú, mà là sông Lô của Việt Nam, TQ gọi Hắc Hà. Sông Lô ở về phía nam, trong khi sông Đổ Chú ở khá xa về phía bắc, gần Mã Bái Quan.

    Phía bên người Hoa, nhất quyết muốn chiếm vùng đất trù phú này, mặc dầu âm mưu đã bị lộ, họ vẫn ngang ngược nói rằng rằng sông Lô mới là Ðổ Chú Hà, còn con sông kia, sông Đổ Chú thật, họ bịa ra một cái tên là Tiểu Đổ Chú Hà.

    Vấn đề Tụ Long (cùng một số vùng đất khác của VN) được giải quyết qua biên bản « bế mạc công trình phân định biên giới » ngày 26-6-1887, còn được gọi là « Công Ước Pháp Thanh phân định biên giới » ngày 26 tháng 6 năm 1887. Kết quả làm cho Việt Nam mất vùng đất trù phú, giàu quặng mỏ (mỏ đồng, mỏ bạc, mỏ kẽm…) diện tích vào khoảng 700km2.

    Như thế, TQ đã chiếm đất Tụ Long của VN bằng cách lấy đổi tên các con sông. Năm 1724 thì đổi tên sông Đổ Chú thành sông Tam Khê, vụ việc bại lộ, sau đó chỉ định sông Đổ Chú ở chân núi Duyên Xưởng, để chiếm đất, nhưng vụ này không thành. Năm 1887, TQ thành công chiếm được đất này cũng bằng âm mưu ngày trước : đặt tên Đổ Chú cho một con sông khác (ở đây là sông Lô), sau đó dùng thủ thuật ngoại giao với Pháp để chiếm. (Thực ra, ông Constans, Đặc Sứ toàn quyền Pháp tại Bắc Kinh, người có trách nhiệm về công ước phân định biên giới 1887, ông này cùng lúc thương lượng hai công ước : công ước về biên giới và công ước bổ túc cho công ước thương mãi « Convention additionnelle de Commerce ». Cả hai công ước cùng ký ngày 26 tháng 6 năm 1887. Để có ưu điểm về kinh tế, ông Constans đã nhượng đất của VN cho TQ. Nhưng nếu không có âm mưu và lòng tham của TQ thì việc này đã không xảy ra).

3/ Vụ đất Vụ Kiến Duyên – Bát Tràng (Hải Ninh): Trong biên bản phân định biên giới « Từ Trúc Sơn đến Chí Mã » ký ngày 29-3-1887 thì đường biên giới đi qua chân ngọn Phân Mao Lãnh. Điều này phù hợp với biên giới lịch sử giữa hai nước Việt-Trung.

    Tuy nhiên, đến khi bắt tay vào việc cắm mốc phân giới thì mới thấy công việc hoàn toàn không như vậy. Bản báo cáo ngày 12 tháng 9 năm 1890 của ông Chiniac de Labastide, chủ tịch ủy ban phân giới (1890-1891) cho biết Phân Mao Lãnh không hiện hữu trong toàn vùng biên giới mà Ủy Ban Phân Giới đã thám hiểm.

    Khi ông Chiniac de Labastide chất vấn ông Chủ Tịch Ủy Ban Phân Giới Trung Hoa về trái núi mà dưới chân nó có trụ đồng để đánh dấu biên giới tên là Phân Mao Lãnh thì ông này chỉ đại núi này là một trái nứi nhỏ ở gần đó. Nhưng phía phái đoàn Pháp có đầy đủ dữ kiện, bằng địa chí của TQ, chứng minh rằng núi này ở gần Khâm Châu. Phía TQ mới giải thích núi này không phải là Ðại Phân Mao Lãnh, nổi tiếng do trụ đồng của tướng Mã Viện, mà chỉ là một Tiểu Phân Mao Lãnh.

    Việc này cho thấy phía người Hoa đã đặt tên « Phân Mao » cho một ngọn núi vô danh ở thật xa về phía nam để dành đất của VN.

    Cũng trong báo cáo này, ông Chiniac De Labastide  cho biết phía bên TQ ngụy tạo đền thờ « Phục Ba tướng quân » ở gần đó cho núi Phân Mao có tính thuyết phục.

    Hậu quả việc này, Ông Chiniac de Labastide viết trong bản báo cáo nói trên : « người Hoa đã dành được của An Nam một vùng rộng lớn, trên một chiều dài khoảng 40 cây số, người ta đã bỏ biên giới lịch sử của An Nam và Trung Hoa để lấy một đường biên giới khác, ở xa về phía nam, một đường biên giới hoàn toàn qui ước. Việc này đã nhường cho Trung Hoa 7 xã rưỡi thuộc tổng Bát Tràng của An Nam và hai xã khác cũng của An Nam thuộc tổng Kiến Duyên”.

    Diện tích vùng đất này rất đáng kể. Chiều dài 40km, chiều sâu có nơi lên tới 140km (vị trí Phân Mao Lãnh). Nhiều nghi vấn đặt ra, từ khi nào đường biên giới thay đổi lớn lao như thế ? Phải chăng do hậu quả của vụ Mạc Đăng Dung ? Nhưng đây là một nghi vấn lịch sử khác.

    4/ Mất đất tại Nam Quan :

     4.1 Buổi họp đầu tiên của hai ủy ban phân định biên giới Pháp-Thanh được nhóm tại Nam Quan ngày 12 tháng 12 năm 1885. Phía ủy ban Pháp lấy Đồng Đăng làm bản doanh và phía TQ lấy Nam Quan làm bản doanh. Việc phân định xảy ra trên thực địa, có nghĩa là hai bên cùng cử người đi khảo sát trên thực tế và vẽ bản đồ.

    Theo thực tiễn và lịch sử giữa hai nước Việt-Trung, đường biên giới luôn được xác định bằng các cửa ải, thí dụ : ải Du, ải Bố Sa, ải Sơn Tử, ải Bình Nhi, ải Ná Chi, ải Khấu Sơn v.v... Tại cửa ải Nam Quan (Trấn Nam Quan Ngoại, tức ải Bắc theo Việt Nam) đường biên giới lý ra phải đi ngang qua cửa, đất phía nam thuộc về Việt Nam, đất phía bắc thuộc về Trung Quốc. Nhưng phía người Hoa không muốn như vậy, họ không chấp nhận đường biên giới đi ngang qua cửa ải.

    Theo bút ký của Bác-Sĩ Néïs « Sur Les Frontières Du Tonkin », việc phân định không dễ dàng vì người Hoa muốn dành toàn vùng chung quanh Nam Quan. Ông kể lại, khi phái đoàn Pháp vừa ra khỏi Ðồng Ðăng để đi lên cửa ải thì đã thấy cờ nheo cắm đầy trên những ngọn đồi chung quanh và lính Tàu phất cờ nheo đứng dọc hai bên đường. Phe Trung Quốc muốn chứng tỏ cho phái đoàn Pháp biết là họ đang ở trên đất của người Hoa.

    Tuy nhiên việc này không thuyết phục được người Pháp, vì ủy ban Pháp đòi hỏi đường biên giới phải đi qua cổng Nam Quan, tức là bức tường đá nối cổng Nam Quan lên đỉnh núi. Nhưng phía TQ nhất định không đồng ý và đòi biên giới phải ở phía Nam cổng Nam Quan, tức đòi một thêm vùng đất trước cổng.

    Việc phân định biên giới bị bế tắt ngay từ buổi họp đầu tiên. Công việc đình trệ 3 tháng. Sau đó, do áp lực của Pháp, phía bên người Hoa mới ngồi lại vào bàn họp. Kết quả đầu tiên, 6 tháng sau khi ủy ban Pháp được thành lập và 3 tháng làm việc, khi tại Ðồng Ðăng, khi tại Nam Quan, đường biên giới tại Nam Quan được xác định. Theo biên bản số 4, phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi, ký ngày 7 tháng 4 năm 1886, Pháp nhượng bộ đòi hỏi phi lý của TQ, đường biên giới phải lui về phía nam 100 mét, tức cách cổng Nam Quan 100 mét.

    4.2 Mất đất ở Hữu Nghị Quan : Hiệp định phân định biên giới tháng 12 năm 1999 đã nhưọng rất nhiều phần đất của VN cho TQ, bằng những âm mưu tương tự như thế. Thí dụ khu vực nối đường ray, theo tài liệu : « Tình-hình Trung-Quốc lấn chiếm lãnh-thổ Việt-Nam từ năm 1954 đến nay » của NXB Sự Thật, năm 1979, Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã lấn đất vùng Nam Quan. Nguyên văn như sau :

    Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray  đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới  giữa hai nước đi qua.

    TQ lý luận như thế này : nếu là đất của VN tại sao có đường ray với kích cỡ của TQ ?

    Các trường hợp khác, cũng trong tài liệu dẫn trên, nguyên văn như sau :

    Lợi dụng đặc điểm là núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương, rồi định cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng, nương, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thổ Trung Quốc.

    Khu vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một thí dụ điển hình cho kiểu lấn chiếm đó. Khu vực nầy được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc xác định rõ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam: đường biên giới lịch sử tại đây đi qua một dãi núi cao, chỉ rõ làng Trình Tường và vùng chung quanh là lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người dân Trung Quốc sang quá canh ở Trình Tường đều đóng thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956, phía Trung Quốc tìm cách nắm số dân sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải, và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Ðồng Tâm thuộc huyện Ðông Hưng, khu tự trị Choang - Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc ngiễm nhiên biến một vùng lãnh thổ Việt Nam, dài 6 km, sâu hơn 1.300 m  thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vực nầy, đơn phương sửa lại đường biên gới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành hung, bắt cóc công an vũ trang Việt Nam đi tuần tra theo đường biên giới lịch sử và họ phá hoại hoa mầu của nhân dân địa phương. Trình Tường không phải là một trường hợp riêng lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự như xã Thanh Loa, huyện Cao Lộc (mốc 25,26,27) ở Lạng Sơn, Khẳm Khau (mốc 17-19), ở Cao Bằng, Tả Lũng, Làn Phù Phìn, Minh Tân (mốc 14) ở Hà Tuyên, khu vực xã Nam Chay (mốc 2-3) ờ Hoàng Liên Sơn với chiều dài hơn 4 Km, sâu hơn 1 Km; diện tích hơn 300 héc-ta.

    Phía TQ lý luận : đất của VN sao có dân TQ sinh sống ?

    Cũng có nơi trên vùng biên giới,  luận điệu của TQ là : nơi nào cho « chuối xanh » thì nơi đó là đất của TQ, vì chỉ có dân TQ mới trồng chuối ! Lại có nơi tử sĩ TQ chết lại chôn bên đất của VN, nhất là sau trận biên giới 1979. Đất này trở thành đất Tàu ! Nếu không phải đất của TQ tại sao có nghĩa trang của người Hoa ?

    Cứ như thế mà đất của VN trở thành đất của TQ.

5/ Vụ tổng Đèo Lương, thác Bản Giốc và núi Khấu Mai.

    5.1 Tổng Đèo Lương xưa thuộc tỉnh Cao Bằng, ở phía đông bắc tỉnh tỉnh này, phía nam là Thủy Khẩu, phía bắc có sông Qui Xuân chảy vào, diện tích khoảng 300km², mất vào tay TQ nhân dịp phân giới 1893-1894. Trên bản đồ hiện nay là phần lõm vào ở đông bắc Cao Bằng. Trường hợp mất được ghi vắn tắt qua nhật ký của Ủy Ban Phân Giới vùng Quảng Tây, trong chiến dịch phân giới 1893-1894. Theo đó, phía TQ đã lấy tên của một số làng xã của phía TQ để đặt tên cho các làng xã thuộc tổng Đèo Lương. Song song đó, phía TQ vận động với Đặc Sứ Pháp tại Bắc Kinh để lấy vùng đất này, mặt khác, họ tìm cách kéo dài thì giờ, vì đây là điểm yếu của Pháp : càng kéo dài thì việc cắm mốc giới càng thêm tốn kém mà ngân sách của mẫu quốc dành cho Bắc Kỳ ngày thêm hạn chế. Cuối cùng, Pháp nhượng bộ trên vấn đề Ðèo-Lương nhưng với điều kiện tiên quyết là Pháp phải được trái núi quan trọng về chiến lược : Khấu Mai (TQ gọi là Khấu Mai Lĩnh, VN gọi là Cao May).

    Như thế Việt Nam mất đất Đèo Lương vì lý do âm mưu đổi tên các làng mạc của TQ và sự nhượng bộ của Pháp. Ta thấy âm mưu hoán đổi tên các địa danh để chiếm lấy đất được sử dụng ở đây đã được sử dụng trước đó nhiều lần.

    5.2 Thác Bản Giốc: Theo các chi tiết đã ghi trong các biên bản, nhật ký phân giới, sông Qui Xuân (Qui Thuận, Quây Sơn) chảy vào phía bắc của tổng Đèo Lương. Vào lúc phân giới thác Bản Giốc nằm sâu trong lãnh thổ của Việt Nam. Nếu không mất Đèo Lương thì sẽ không bao giờ có tranh chấp chủ quyền tại Bản Giốc vào những năm sau này, vì nó sẽ nằm sâu vào lãnh thổ VN. Có 2 tài liệu cho thấy thác Bản Giốc sau khi phân giới cắm mốc nằm trên lãnh thổ VN và cách đường biên giới đến 2 km :

    Tài liệu 1 : Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, Par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894. Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895 (Trang 12-13; 142,143).

    Tài-liệu 2 : Bulletin du service Géologique de l’Indochine (Sở Địa Chất Đông Dương), Volume XI, Fascicule I, Etudes Géologiques sur le Nord-Est Du Tonkin, (Feuilles de Bảo Lạc, Cao Bằng, Hà Lang, Bắc Kạn, Thất Khê và Long Châu), Réné Bourrret; Ha-Noi – Hải-Phòng Imprimerie d’Extrême d’Orient – 1922, trang 32-33-34. Thác Bản Giốc được gọi là thác Tu Tong.

    Tài liệu « Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay » của NXB Sự Thật, năm 1979, Việt Nam tố cáo Trung Quốc chiếm thác Bản Giốc như sau :

    Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỉ-lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành của Trung Quốc. Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong.

    Tại khu vực cột mốc 53 (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung-Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày dặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh-thổ Việt-Nam trên cồn Pò Thoong và ngang-nhiên nhận cồn này là của Trung-Quốc.

    5.3 Núi Khấu Mai : Núi này hoàn toàn thuộc Việt Nam theo biên giới lịch sử. Trong dịp phân giới và cắm mốc lại, núi này được trao đổi với tổng Đèo Lương : VN giữ núi Khấu Mai, TQ được tổng Đèo Lương. Nhưng phía TQ vẫn ngang ngược nhứt định giành nó về phía họ. Núi này khoảng giữa Bình Nhi và Thủy Khẩu, được cắm mốc số 15 trên biên bản phân giới ngày 19 tháng 6 năm 1894 ký kết giữa ông Galliéni và ông Thái Hy Bân. Núi này có vị trí chiến lược quan trọng, địa hình thuận tiện cho quân đội đóng quân, có đường mòn từ phía Việt Nam dẫn lên đỉnh. Trên núi có 3 nguồn nước, đất tốt nên dân chúng khai thác trồng trọt, cây cối xinh tươi. Chiếm giữ được nó thì có thể kiểm soát được cả vùng Long Châu cho tới Bằng Tường.

    Do phía TQ trì trệ, không cắm mốc, rốt cục phía Pháp lại nhượng bộ. Cột mốc tại Khấu Mai cắm trên sườn núi phía đông, cách đỉnh 200m, chừa một góc nhỏ cho TQ. Ngoài ra, cột mốc 14 cắm dưới chân phía Ðông, cột 16 dưới chân phía Tây-Bắc để xác định rõ ràng chủ quyền hai bên về ngọn núi.

    Nhưng TQ lại không tôn trọng, xâm chiếm đất vùng này sau khi cắm mốc. Năm 1936, cột mốc số 14 bis được cắm thêm. Theo biên bản vị trí cột 14 bis xác định như sau : 580 mètres Sud-ouest de la borne 14 ; Est, Sud-Est de la borne 15. Cột 14 bis cách cột 14 là 580m về phía Tây-Nam ; cột ở phía Ðông Ðông-Nam cột số 15.

    Nhưng chủ quyền núi Khấu Mai rất có thể bị phía Trung Quốc đặt vấn đề vào đầu năm 2001. Theo tài liệu của Nguyễn Chí Trung, thư ký riêng của ông Lê Khả Phiêu, viết ngày 21 tháng 7 năm 2002, được « Câu Lạc Bộ Dân chủ » đang trên mạng Ý Kiến ngày 25 tháng 11 năm 2003 dưới nhan đề « Tài Liệu Mật của đảng CSVN », nội dung cho biết Giang Trạch Dân, lúc đó là lãnh đạo tối cao Trung Quốc, muốn dành núi Khấu Mai cho Trung Quốc. Lập luận phía TQ đặt lại vấn đề : Cột mốc không cắm trên đỉnh núi vì trước kia do công nhân đưa cột mốc không tới đỉnh núi đành bỏ lại sườn núi, bây giờ đưa cột mốc lên đỉnh. Toàn bộ 308 cột mốc cắm trên biên giới Việt-Trung, chỉ có cột mốt cắm tại Khấu Mai là cắm ở sườn núi thay vì đỉnh núi.

    Đến lúc viết những dòng chữ này người viết vẫn không biết được núi Khấu Mai được phân chia ra sao theo công trình cắm mốc (chấm dứt ngày đầu năm 2009) của hiệp ước phân định biên giới ký ngày 25 tháng 12 năm 1999.

    6/ Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm ngoại giao của Đặc Sứ Thanh triều tại Paris, gởi chính phủ Pháp ngày 29 tháng 9 năm 1932, tài liệu đính kèm cuốn « La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys » của bà Monique Chemillier-Gendreau, các ý chính tạm dịch như sau :

    Quần đảo Si-Chao-Tchuin-Tao (Tây Sa Quần Đảo), còn được gọi dưới tên Tsi-Tcheou-Yang (Thất Châu Dương), nước ngoài gọi là Paracels, phía đông bắc có quần đảo Ton-Chao (Đông Đảo, tức Pratas), tọa lạc trong lãnh hải tỉnh Quảng-Ðông; là một bộ phận của lãnh hải tỉnh Quảng-Ðông… các đảo nầy rải rác trải từ 110° 13 đến 112° 47 kinh tuyến Ðông; gồm khoảng 20 đảo lớn nhỏ, phần lớn là những dải cát hoang, một số khác, khoảng 10 đảo do đá tạo nên, 8 đảo thực sự là đảo, chia làm hai nhóm Ðông và Tây. Nhóm  Ðông gọi là nhóm “Amphitrite”, nhóm Tây gọi là nhóm “Croissant”. Hai nhóm nầy cách đảo Hải Nam 145 dặm biển và tạo thành vùng  lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc.

    Ðiều 3 của Công Ước Phân Ðịnh Biên Giới giữa Trung Hoa và Tonkin, ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 qui định rằng ở Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng các vùng tranh chấp ở phía đông và đông bắc Móng Cái thì thuộc về Trung Quốc. Những đảo ở về phía Ðông của đường bắc nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì chúng cũng thuộc về Trung Quốc. Những đảo Keou-Teou (Trà Cổ) và những đảo nhỏ khác ở về phía Tây của đường nầy thì thuộc về Việt Nam.

    Ðiểm bắt đầu của biên giới giữa Indochine và tỉnh Quảng Ðông là Trúc Sơn có tọa-độ 21° 30 vĩ tuyến Bắc và 108° 2 kinh tuyến Ðông. Theo những gì ghi nhận trên đây, bờ biển Indochine ở về phía Tây của Trúc Sơn. Từ điểm nầy, đi xuống về phía Nam, bằng cách nào thì quần đảo Paracels cũng ở về phía Ðông của đường nầy và giữa quần đảo nầy với bờ biển Indochine thì có đảo Hải Nam ngăn chặn. Người ta thấy dễ dàng, theo vị trí địa lý của Paracels, là nó thuộc về nước nào.

.....”

    Các điểm ghi nhận như sau :

    - Hoàng Sa có tên Tàu là Thất Châu Dương.

    - Hoàng Sa là lãnh thổ vùng cực nam của TQ.

    - Đường kinh tuyến từ đông điểm Trà Cổ của công ước phân định biên giới 26-6-1887 cho phép TQ có chủ quyền tất cả các đảo ở phía đông đường kinh tuyến này.

    Ta thấy điều ngang ngược thứ nhất ở đây của TQ là diễn giải công ước 1887 theo lối có lợi cho mình. Thực ra công ước 1886 có tên là « Convention Relative à la Délimitation de la Frontière entre la Chine et le Tonkin ». Phía TQ đã thay đổi Tonkin (Bắc Kỳ) thành ra Indochine, cho là công ước này phân định biên giới giữa TQ và Indochine, nhằm giành quần đảo HS về TQ. Đường kinh tuyến đi qua đông điểm đảo Trà Cổ 105° 43’ kinh độ Đông Paris chỉ có hiệu lực trong vịnh Bắc Việt, vì công ước chỉ phân định các tỉnh Nam Hoa với Bắc Việt, nó chỉ có giá trị ở đây và không có giá trị khi ra ngoài vịnh Bắc Việt.

    Điều thứ hai, tên Thất Châu Dương là có thật, nhưng theo thư tịch của TQ thì nó là tên của các đảo gần Văn Xương, đảo Hải Nam. TQ lấy tên này đặt cho HS của VN, lập lại thủ thuật mà họ đã dành đất của VN như ở Tụ Long, Kiến Duyên, Bát Tràng, Đèo Lương v.v… Tức là lấy tên một địa danh của TQ đặt cho các vùng lãnh thổ của VN rồi hô hoán lên nói là đất của TQ.

    Thứ ba, chính TQ thời đó cũng đã khẳng định HS là vùng đất cực nam của TQ. Ta thấy sự ngang ngược của TQ hiện nay đã lan xuống các đảo Trường Sa.

    Nhưng chưa hết. Hồ sơ của bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố ngày 30 tháng 1 năm 1980 viết rằng :  “Trung Quốc là nước đầu tiên đã khám phá, khai khẩn, thâu huê lợi và quản lý các quần đảo gọi là Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa). Từ ngàn năm nay, những nhà nước Trung Quốc đã liên tục đặt quyền pháp trên những nơi đây. Dân tộc Trung Hoa là người chủ hai quần đảo nầy không thể phản biện”.

    Điểm ghi nhận đầu tiên là các bộ « chính sử » của Trung Quốc thì không bộ nào viết Tây Sa và Nam Sa (hay dưới các tên khác)  thuộc về Trung Quốc.

    Tài liệu chứng minh của hồ sơ bộ Ngoại Giao Trung Quốc là hai tác phẩm Nan Zhou Yi Wu Zhi (Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn) và Funanzhuan (Phù Nam Truyện của Khang Thái từ thời Tam Quốc (220-265) đồng thời một danh sách 6 tác phẩm từ đời Tống đến đời Thanh (thế kỷ 11 đến thế kỷ thứ 19) : Mong Liang Lu (Mộng Lương Lục), Qao Yi Zhi Luc (Ðảo Di Chí Lược), Dong Xi Yang Kao (Ðông Tây Dương Khảo), Shun Feng Xiang Song (Thuận Phong Tương Tống), Zhi Nan Zheng Fa (Chỉ Nam Chinh Pháp), Hai Guo Wen Jian Lu (Hải Quốc Văn Kiến Lục). Hồ sơ này xác nhận rằng những tác phẩm trên đây « kể lại những cuộc hành trình của người Hoa đi đến Tây Sa và Nam Sa và những hoạt động sản xuất mà họ đã thực hiện từ hơn ngàn năm » và « đã đặt tên lần lượt cho hai quần đảo nầy với những tên sau đây : Jiurulozhou (Cửu Nhũ Loa Châu), Shitang (Thạnh Ðường), Qianlishitang (Thiên Lý Thạnh Ðường, Wanlishitang (Vạn Lý Thạnh Ðường), Changsha (Trường Sa), Qianlichangsha (Thiên Lý Trường-Sa), Wanlichangsha (Vạn Lý Trường Sa) » v.v...

    Các bộ sách đã dẫn đã được nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho là không phải là chính sử » trong sử liệu Trung Quốc, Talawas, 11-12-2007. Ông Phạm Hoàng Quân cũng dẫn chứng bằng các sử liệu của chính TQ là đất của TQ chưa bao giờ vượt khỏi đảo Hải Nam

    Ngoài ra, học giả Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham, trong Tập San Sử Địa số 29 (tháng 1 đến tháng 3 năm 1975), một tài liệu gối đầu của mọi người VN muốn nghiên cứu HS và TS, cũng đã đã bẻ gẩy mọi lý lẽ của các học giả TQ đưa ra để chứng minh HS là của TQ.

    Mặt khác, bộ Nhị Thập Tứ Sử (bộ chính sử được tất cả các triều đại Trung Quốc thừa nhận) tức từ Sử ký ghi chép từ Thượng cổ đến Tần, Hán, cho đến Minh sử; và Thanh sử cảo soạn thời Dân Quốc, ở các mục Địa lý chí, tất cả đều không đề cập đến các hòn đảo ở xa hơn đất Nhai Châu, Quỳnh Châu, tức Hải Nam ngày nay.

    Như thế, các tên Cửu Nhũ Loa Châu, Thạnh Ðường, Thiên Lý Thạnh Ðường, Vạn Lý Thạnh Ðường, Trường Sa, Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa v.v... là từ đâu mà « gắn » vào  HS và TS của VN ?

    Theo TS Nguyễn Quang Ngọc, các địa danh Vạn Lý Trường Sa, Thạch Đường, Thiên Lý Thạch Đường, Cữu Nhũ Loa Châu… chỉ là những địa danh phiếm, chỉ các vùng biển, đảo nguy hiểm, không thuộc TQ.

    Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong tài liệu dẫn trên: « xem trong Quỳnh Châu phủ chí (tức tương đương Hải Nam tỉnh chí ngày nay) do Quận thú Tiêu Khánh Thực tổ chức biên soạn vào năm Càn Long thứ 39 (1774), trong quyển 3, phần Dư địa chí, mục Cương vực, thấy chép: “… nam tắc Chiêm Thành; tây tắc Chân Lạp, Giao Chỉ; đông tắc Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc tiếp Lôi Châu phủ Từ Văn huyện” (nam là Chiêm Thành; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc giáp huyện Từ Văn phủ Lôi Châu). Đoạn văn hành chính về tứ cận này cho thấy rằng, Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường (tức Tây Sa và Nam Sa theo cách nghĩ và gọi của Trung Quốc ngày nay) còn là một nơi chưa rõ chủ quyền và ngoài lãnh hải Trung Quốc mà lại nằm ở hướng Đông của Hải Nam.»

    Hồ sơ của bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã trích dẫn một đọan văn và cho là của Vũ Kinh Tổng Yếu, viết dưới triều Renzong (1023-1063) Bắc Tống :  Triều đình Bắc Tống « ra lệnh cho quân đội hoàng gia tuần tiễu xây dựng  ở Guangnan (Quảng Nam, hiện thời là Quảng Ðông) một nơi đóng quân nhằm vào việc tuần-tiễu trên biển » và « xây-dựng những chiến-thuyền bằng loại có sống giữa (đao ngư - navire à quille)»... « Nếu người ta theo gió Ðông để cho thuyền đi về hướng Tây-Nam, mất 7 ngày để từ Tunmenshan (Ðồn Môn Sơn) đến Jiuruluozhou (Cửu Nhũ Loa Châu)».

    Cho rằng Jiuruluozhou (Cửu Nhũ Loa Châu) là « quần đảo Tây-Sa », hồ sơ trên kết luận rằng « triều đình Bắc Tống đã hành sử dụng chủ quyền của mình ở quần đảo Tây Sa », và « hải quân Trung Quốc đã tuần tiễu cho đến Tây Sa ».

    Nhưng sự thật thì hoàn toàn không đúng như thế. Wu Jing Zong Yao (Vũ Kinh Tổng Yếu) đã viết như sau :

    « ... ra lệnh cho quân đội hoàng gia thực hiện việc tuần tiễu, xây dựng một trại quân cho việc tuần tiễu trên biển tại hai bến tàu ở phía Ðông và phía Tây khoảng cách là 280 trượng, cách Tunmenshan (Ðồn Môn Sơn) 200 lí và xây dựng những chiến thuyền bằng loại có sống giữa (đao ngư).

    Nếu người ta theo gió Ðông để cho thuyền đi về hướng Tây Nam, mất 7 ngày để đi từ Tunmenshan (Ðồn Môn Sơn) đến Jiuruluoshou (Cửu Nhũ Loa Châu), thêm 3 ngày nữa thì đến Pulaoshan (Bất Lao Sơn thuộc Huanzhou Hoàn-Châu), sau khi đi thêm 300 lí về hướng Nam thì tới Lingshandong (Lăng Sơn Ðông). Ở phía Tây-Nam của nơi này thì có các nước Dashifu, Sizi (Tích-Lan), Tianzhu (Thiên-Trúc). Không thể ước-lượng được khoảng cách ».

    Đồn Môn Sơn là cửa sông Châu Giang, Quảng Đông. Bất Lao Sơn là cù lao Chàm, Huanzhou là nước Chiêm Thành, Dashifu, hay Dashi, theo một sách cổ của Trung-Hoa, đó chỉ một vương-quốc thời Trung-Cổ ở trong vịnh Persique ; Sizi là Srilanka (Tích-Lan) ; Tianzhu là Ấn Ðộ (theo các sách của Tangshu, Songshi, Gugintushuzisheng).

    Như thế, phần trích dẫn ghi trên của Vũ Kinh Tổng Yếu, đoạn ghi lại việc hoàng đế Bắc Tống ra lệnh « xây dựng một trại quân dùng vào việc tuần tiễu trên biển » ở bến Quảng Châu, một đoạn khác mô tả vị trí địa lý của trại quân ghi trên, và một đoạn khác nữa mô tả hải trình đi từ bến Quảng Châu cho đến Ấn Ðộ Dương. Không thấy chỗ nào ghi rằng hải quân Trung Hoa đi tuần tiễu cho đến quần đảo « Xisha » (Tây Sa).

    Hồ sơ của bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cắt ra một đoạn để dán vào đó một đoạn khác, nhằm ngụy tạo bằng chứng để dành lấy Hoàng Sa của Việt Nam.

    Nhưng ý nghĩa chính là TQ đặt cho HS và TS một cái tên ở một địa danh nào đó, sau đó đánh chiếm HS và TS của VN với danh nghĩa lấy lại lãnh thổ. Tuy nhiên, vì bịa ra, do đó tài liệu của TQ có nhiều mâu thuẩn không chấp nhận được.

7/ Ý nghĩa của bản đồ 9 gạch : Nguồn gốc tấm bản đồ này có nhiều điểm không rõ rệt nhưng rất có thể đây là chủ ý của các lãnh đạo TQ: họ tạo một hỏa mù để cho các học giả VN mất thì giờ phỏng đoán. Đây là một thủ thuật của TQ, như dàn dựng các tên giả, hay hoán đổi tên các làng v.v… để chiếm đất của VN. Ở đây là chiếm biển  Đông và các đảo HS và TS. Xuất xứ của nó thế nào do đó không quan trọng, điều cần biết là nó dựng ra để nhằm mục đích gì?

    TQ đã dàn dựng ra tên Tiểu Đổ Chú Hà để lấy đất Tụ Long, dựng ngọn Tiểu Phân Mao Lãnh cướp đất Kiến Duyên và Bát Tràng, hoán đổi tên làng xã để chiếm đất Đèo Lương, vẽ bản đồ để chiếm thác Bản Giốc, xây đường rày xe lửa để chiếm đất Nam Quan, tráo tên các đảo HS và TS của VN để dành chủ quyền… Tấm bản đồ chín gạch này do đó chắc chắn TQ dựng lên để chiếm biển và đảo của VN.

    Ý nghĩa ban đầu của bản đồ chữ U có lẽ nhằm xác định các đảo trong khu vực chữ U thì thuộc về TQ. Bởi vì quan niệm về chủ quyền vùng biển chỉ mới có sau Thế Chiến thứ hai, qua các công ước về Biển 1958 và 1982. Trước đó thế giới chỉ có quan niệm về “lãnh hải” 3 hải lý, là tầm đạn đại bác.

    Về chủ quyền trên biển của TQ bắt đầu khi nào cũng không chính xác, nhưng chắc chắn chỉ mới biểu lộ sau này, sau Thế Chiến Thứ Hai. Các học giả TQ cũng đề cao lý thuyết về “biển lịch sử”, cho rằng vùng biển giới hạn bởi chữ U chín gạch là vùng biển “lịch sử của TQ. Khái niệm về biển lịch sử cũng khá mới, nhưng sau đó không được thế giới chấp nhận, do đó ý nghĩa biển lịch sử chữ U của TQ không thuyết phục được cộng đồng thế giới.

    Ở miền Nam VN trước 1975 ít ai nghe nói bản đồ 9 gạch. Năm 1974, sau khi chiếm HS, cũng không nghe nói đến bản đồ chữ U. Tuy nhiên, theo tài liệu của GS Tạ Quốc Tuấn, « Vài Nhận-Xét Về Lập Luận Của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan » viết năm 1974, « lần đầu tiên Trung-Cộng đã công-khai bộc-lộ rõ nguyên-nhân thầm-kín thúc-đẩy việc tranh-chấp chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa: đó là nguồn tài-nguyên thiên-nhiên ở vùng này. Thực vậy, bản tuyên-bố ngày 11.1.1974 có câu: Các tài-nguyên thiên-nhiên trong các vùng biển quanh các quần-đảo này cũng thuộc về Trung-quốc. ». Cũng từ tài liệu này, ngày 4.2.1974, Bộ Ngoại-giao Trung-Cộng lại ra một bản tuyên-bố « Chính-phủ Trung-hoa đã nhiều lần tuyên-bố là các quần-đảo Nam-sa, Tây-sa, Trung-sa và Đông-sa tất cả đều là phần lãnh-thổ của Trung-quốc và nước Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị đối với các quần-đảo này và các hải-khu chung quanh các quần-đảo đó. ». Tài liệu đề cập đến từ ngữ « hải khu », tức khu vực biển, nhưng không hề đề cập bản đồ chữ U.

    Tập San Sử Địa 29, Đặc Khảo về HS và TS, xuất bản tháng 1 năm 1975, không có dòng nào nói đến bản đồ chữ U. Tập tài liệu La Souveraineté sur les Archipels Paracels và Spratleys của bà Monique Chemillier-Gendreau in năm 1996 cũng không có dòng nào nói đến tấm bản đồ này, ngoài hai bản đồ đính kèm như là bằng chứng của TQ đòi hỏi vùng biển.

    Theo tài liệu của ông Cao Xuân Thự, Chuyên viên vụ Biển, Ban Biên Giới của Chính Phủ, công bố nhân dịp hội thảo Biển Đông hồi tháng 3 năm 2009, có ghi chép : Ngày 30 tháng 7 năm 1977 : « Tám ngày sau khi ông Đặng Tiểu Bình chính thức khôi phục lại địa vị, trong một tuyên bố chính sách đối ngoại của TQ, ngoại trưởng Hoàng Hoa nói : lãnh thổ của TQ chạy xa mãi về phía nam, tận bãi Tăng Mẫu gần Bornéo của Mã Lai…, các người có thể thăm dò chúng nếu các người muốn, nhưng khi thời cơ đến, chúng tôi sẽ thu hồi chúng hoàn toàn, không cần phải thương lượng gì hết vì các quần đảo đó có nguồn gốc thuộc về Trung Quốc… ».  Đoạn này cũng không nói đến biển chữ U mà nói các quần đảo đó (tức quần đảo Natuna) có nguồn gốc thuộc về Trung Quốc…

    Trên báo chí, sách vở và tài liệu nước ngoài, bắt đầu đề cập đến tranh chấp biển Biển Đông từ thập niên 80. Nguyên nhân, vào năm 1980, công ty Pertamina của Nam Dương khám phá mỏ dầu ở vùng đảo Natuna. Bản đồ chữ U xuất hiện bao gồm thêm đảo Natuna. Việc này phía Nam Dương phản đối mạnh, báo chí có nhắc nhở.

    Do đó, có lẽ bản đồ chữ U cũng mới xuất hiện trên báo chí nước ngoài từ thời điểm này. Ý nghĩa của nó cũng chỉ giới hạn về chủ quyền các đảo thuộc TQ.

    Về văn kiện chính thức, tác giả viết bài chưa đọc hay thấy tài liệu nào từ phía TQ chính thức dẫn tấm bản đồ chữ U, ngoại trừ công hàm ngày 7 và 8 tháng năm 2009 vừa qua để phản đối hai hồ sơ của VN mà Mã Lai (nộp chung).

    Như thế, tạm kết luận rằng, bản đồ chữ U từ 1982 trở về trước có ý nghĩa : TQ có chủ quyền các đảo trong khu vực đó đồng thời giả thuyết về vùng nước lịch sử của TQ.

    Từ 1982 trở đi thì bản đồ chữ U có ý nghĩa : khẳng định khu vực biển của TQ. Điều này có thể hiểu vì năm 1982 luật Quốc Tế về Biển ra đời, theo đó, các đảo cũng có hiệu lực như trên đất liền về lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền, thềm lục địa. TQ đã thông qua công ước này năm 1996. Do đó quan niệm chủ quyền về biển chữ U của TQ, sau 1982,  do hiệu lực của HS và TS (vì TQ có chủ quyền ở HS và TS theo công hàm của ông Phạm Văn Đồng). Diện tích khu vực biển này co giãn tùy theo nhu cầu và đối tượng.

    Giả thuyết về biển lịch sử của TQ khó đứng vững vì công ước về Biển 1982 không có khoản nào định nghĩa về biển lịch sử.

    Nhưng TQ là bậc thầy về chiến lược; họ luôn úp úp, mở mở về ý nghĩa của bản đồ này, làm nhiều người không biết TQ muốn gì ?.

    Sau khi  TQ sát nhập đảo Natuna vào bản đồ chữ U, Nam Dương phản đối mạnh mẽ, đồng thời vũ trang mạnh. Đây là nước dông dân nhất khu vực Đông Nam Á và có quân lực mạnh nhất. Từ năm 2000 trở lại đây thì bản đồ chữ U loại trừ đảo Natuna, có nghĩa là TQ đã nhượng bộ. Thí dụ khác, bản đồ chữ U từ năm 1950 thì có thêm quần đảo Sulu, nhưng những năm sau này thì bản đồ này không bao gồm quần đảo này nữa.

    Như thế, biển chữ U của TQ có thể rất lớn nếu các nước chung quanh lo sợ. Nhưng sẽ rất nhỏ, hay không có gì, nếu các nước chung quanh không nhượng bộ.

    TQ đã ký và thông qua luật Quốc Tế về Biển 1982, bản đồ chữ U hôm nay chỉ là minh họa, thay đổi tùy theo thời điểm, tùy theo tương quan lực lượng, tùy theo tham vọng bành trướng của TQ, nhưng chắc chắn ý nghĩa của bản đồ chữ U sẽ được TQ giải thích theo luật Biển 1982 cho dư luận quốc tế lúc cần thiết.

    8/ Kết luận :

    Ta thấy từ  Tiểu Đổ Chú Hà, Tiểu Phân Mao Lãnh, đền thờ Phục Ba, đất Đèo Lương, núi Khấu Mai, đất Nam Quan, điểm nối ray, thác Bản Giốc (sau này có thêm vụ chuối xanh, vì chỉ có người Hoa trồng chuối trên biên giới), người Hoa thì đất của người Hoa, nghĩa trang người Hoa thì đất của người Hoa v.v… cho đến  Thất Châu Dương, Cửu Nhũ Loa Châu, Thạnh Ðường, Thiên Lý Thạnh Ðường, Vạn Lý Thạnh Ðường, Trường Sa, Thiên Lý Trường-Sa, Vạn Lý Trường Sa, bản đồ chín gạch… đều do phía TQ đặt ra để chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển của VN. Tất cả rõ ràng chỉ là những bịa đặt lếu láo, rất sơ đẳng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, chỉ gạt được những người không biết. Đều trớ trêu là cái luận điệu sơ đẳng bịa đặt lặp đi lặp lại này đã dành được đất của dân tộc Việt Nam nhiều lần. Và có thể nó vẫn tiếp tục lường gạt được người Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông nếu chúng ta không cảnh giác.

    Ta phải biết TQ đã có các âm mưu gì và sẽ có các âm mưu gì ?… Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Khi hiểu cặn kẻ, ta có thể có các biện pháp thích ứng. Điều đáng chú ý truóc hết: Các trường hợp TQ trả đất Tụ Long cho VN năm 1724, vấn đề chủ quyền đảo Natuna của Nam Dương đầu thập niên 1980, phía TQ nhượng bộ là do e ngại sức mạnh chứ không hề do việc tôn trọng một nguyên tắc hợp lý nào cả. Nếu VN thời đó « yếu », chắc chắn Tụ Long đã mất trước khi Pháp vào. Trường hợp Bắc Hàn hiện nay là một nước nghèo về mọi mặt nhưng họ không hề sợ HK hay các nước chung quanh như Nhật và Nam Hàn, là một gương để VN suy nghĩ.

    VN không thể nhu nhược, để TQ cởi đầu cởi cổ như hôm nay qua các tuyên bố cấm biển hay tự tiện đặt dàn khoan khai thác trong vòng thềm lục địa của mình. Dân tộc VN từ xua đến nay chưa hề “sợ” TQ.

    Phương pháp để hóa giải bản đồ chín gạch, nếu TQ dưạ theo luật biển 1982 (giả thuyết này hầu như là 99%), phía VN phải khẳng định chủ quyền các đảo HS&TS, tìm mọi cách đưa việc giải quyết chủ quyền HS ra trước một trọng tài quốc tế. Bất kỳ một nhượng bộ của phía VN sẽ giúp cho TQ củng cố chủ quyền của họ ở Biển Đông trước dư luận quốc tế.

    Chính sách giữ nước của đảng CSVN hiện nay có nhiều điều nguy hiểm. Họ có khuynh hướng hủy bỏ hiệu lực của các đảo HS và TS, tức một hình thức tự hủy hoại thân thể, tự đốt nhà của mình. Đây là một điều cực kỳ phi lý: HS&TS là của VN. VN có đầy đủ lý lẽ, bằng chứng lịch sử và căn bản pháp lý để chứng minh việc này. Nhưng VN quá « yếu », không thể bảo vệ lãnh thổ nước mình, đây là một điều mà đảng CSVN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

    Nhưng cho dầu thế nào, việc bảo vệ đất nước, chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, là bổn phận của mọi người. Giải pháp duy nhất để giữ nước hiện nay là « dân chủ hóa » đất nước, mở cơ hội cho toàn dân chia sẻ trách nhiệm và có sự đồng thuận trên các vấn đề lớn của đất nước. Đảng CSVN không thể vì quyền lợi của một nhóm người mà hy sinh quyền lợi lớn lao của cả dân tộc.

Trương Nhân Tuấn

Tham khảo :

Tài liệu internet :

- Tạ-quốc-Tuấn Vấn-Đề Chủ-Quyền Đối với Hai Quần-Đảo Hoàng-Sa Và Trường-Sa: Vài Nhận-Xét Về Lập Luận Của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan

- Phạm Hoàng Quân, Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc, Talawas, 11-12-2007

- Nguyễn Quang Ngọc, Địa Danh Trung Quốc Các Quần Đảo giữa Biển Đông, Lịch Sử một Thế Kỷ Chuyển Đổi, www.hoangsa.org

- Cao Xuân Thự, Điểm Lại Những sự kiện chính trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và mấy nhận xét về cách gây xung đột về biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, www.hoangsa.org

Tài liệu đóng tập :

- Tập san Sử Địa số 29, Đặc Khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Văn Nghệ Khai Trí, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975.

- Chemillier-Gendreau, Monique. La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys. Harmattan, 1996.

- Fourniau, Charles. Vietnam Domination coloniale et résistance nationale 1858-1914. Les Indes Savantes, 2002.

- Brisset, Vincent. La Chine, Une Puissance Encerclé ?, IRIS, 2002.

- Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay – NXB Sự Thật, 1979.

Tài liệu thuộc văn khố CAOM, Pháp :

- Deloustal. Les Mines de Tu-Long. AOM. Cote B 2899 ou B 6326.

- Dévéria, La Frontière Sino-Annamite. Descriptions Géographique et Ethnographique. AOM, cote D 1198

- Famin, Au Tonkin et sur la frontière du Quang-Si. SOM, cote C 43.

- Dr Néïs , Sur Les Frontières Du Tonkin - Le Tour Du Monde, năm 1887. CAOM. BIB, SOM, Cote 20.543.

- Les Frontières du VietNam. Histoire des Frontières de la péninsule Indochinoise. Paris, l’ Harmattan. 1989. AOM. Cote 42934.

Category: Chính trị | Views: 936 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0