Trần Việt Trình
Từ khi có chế độ cộng sản tại Việt Nam, từ "quốc doanh" trở nên quen thuộc và phổ biến.
Quốc doanh có nghĩa là "nhà nước kinh doanh", nhưng trong ngôn ngữ
hàng ngày của người dân, khi nói đến quốc doanh ai cũng có hàm ý sự chê bai, dè
bỉu. Nếu hàng hoá quốc doanh được xem là kém phẩm chất thì các đoàn thể quốc
doanh không những chỉ mang đặc tính kém phẩm chất như hàng hoá mà còn không thể
hiện được chức năng, thậm chí còn là bù nhìn và giả mạo. Do vậy, đối với hàng
hoá quốc doanh, người dân chỉ chê bai phẩm chất, còn đối với các cá nhân hay tổ
chức quốc doanh, người ta không những chỉ chê bai mà còn khinh bỉ. Chúng ta đã
có "Phật giáo quốc doanh", “Công Giáo quốc doanh”, "sư quốc
doanh", "cha quốc doanh", "trí thức quốc doanh",
... Nay chúng ta có thêm "luật sư quốc doanh".
Đúng vậy, sau bao nhiêu năm chuẩn bị cùng nhiều khó khăn trì trệ cũng như những
đấu đá nội bộ, “Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam” đã ra đời vào ngày
11 tháng 5 vừa qua tại Hà Nội.
Việc cho hình thành Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam
(LĐLSVN) chẳng qua chế độ CSVN đang lo sợ sự trưởng thành trong tư tưởng của
giới luật gia cũng như sự lớn mạnh của nghành luật trong nước sẽ dẫn đến việc
vuợt ra ngoài sự quản chế của đảng và nhà nước. Việc tạo dựng Liên Đoàn Luật Sư
này cũng không nhằm mục đích nguỵ tạo cho thế giới một hình ảnh VN tự do, dân
chủ, có luật pháp hầu mong Liên Đoàn sẽ được chấp thuận trong cộng đồng pháp lý
quốc tế. Những năm gần đây, giới luật sư trong nước đã làm cho giới lãnh đạo
CSVN mất ăn mất ngủ không ít. Đó là những luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công
Nhân, Nguyễn Bắc Truyễn, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ,
Lê Công Định, … và sẽ còn nhiều, nhiều nữa. Đây là những luật sư trẻ, được sản
sinh ra từ ngay trong lòng chế độ, được đào tạo từ mái trường XHCN và không
vướng mắc gì với chiến tranh VN trước 1975. Vài luật sư trong số này may mắn
được "bồi dưỡng tư tưởng" ở các trường đại học luật danh tiếng của
thế giới và có cơ hội tiếp cận được với hệ thống pháp lý của các nước "tư
bản" có hệ thống luật pháp chuẩn mực đi trước các nước cộng sản hàng trăm
năm, đừng nói gì tới CSVN. Nhìn chung, những luật sư trẻ tuổi này là những
người có kiến thức và tài năng để có thể có được cuộc sống vinh hoa phú quý
trong xã hội VN dưới quyền cai trị của người CS. Tuy nhiên, tâm thức của những
luật sư này lại đòi hỏi phục vụ lẽ phải và công lý. Muốn mang lại công bằng và
thịnh vượng cho quê hương, những luật sư này không thể không mạnh dạn, can đảm
trước cường quyền bạo lực, lên tiếng vì sự thật và bênh vực cho công lý, trực
diện tấn công thẳng vào “rừng luật” đầy “luật rừng” của CSVN.
Thật ra việc thành lập một nghiệp đoàn hay một hiệp
hội luật sư cũng chỉ là một chuyện bình thường, không có gì đáng nói, không có
gì để bàn cãi. Nhưng, đằng này việc chuẩn bị và cho ra đời một tổ chức chuyên
nghiệp và dân sự lại hoàn toàn do sự múa may và khuynh đảo của các lãnh đạo
đảng và nhà nước CSVN. ”Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử
phải dân chủ. Chủ tịch Liên đoàn phải do tất cả các đại biểu bỏ phiếu
bầu. Thực tế lại không được như vậy”, luật sư Nguyễn Đăng Trừng Chủ nhiệm Đoàn
Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng phải bất bình lên tiếng. Thật vậy, để dọn đường cho
việc thành lập LĐLSVN, nhà nước CSVN đã cài người vào Hội đồng lâm thời mà các
thành viên chủ chốt đều là cán bộ “gộc” để chung cuộc thành phần ban lãnh đạo
của LĐLSVN thật “đẹp như mơ”: Chủ tịch là Lê Thúc Anh (nguyên Phó Chánh án Toà
Án Nhân Dân tối cao), Phó chủ tịch thường trực là Nguyễn Văn Thảo (nguyên
Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) và Phó Chủ tịch - kiêm Tổng thư ký là
Đỗ Ngọc Thịnh (nguyên phó Viện Trưởng Viện Khoa Học tổ chức, Ban Tổ chức Trung
Ương).
Theo như hoạch định thì trong kỳ Đại hội đại biểu
luật sư lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội tháng 5 vừa rồi đại hội này sẽ bầu ra
một ban lãnh đạo gồm Hội đồng Luật sư toàn quốc với 91 thành viên, bầu ra ban
thường vụ và các vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký cho
Liên đoàn Luật sư. Theo đó, ít nhất chức vị chủ tịch phải được bầu trực tiếp để
bảo đảm tính dân chủ. Nhưng việc đó đã không xảy ra như mọi người mong đợi.
Ngay từ đầu Lê Thúc Anh, nguyên là Phó Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tối Cao đã được
Bộ Tư Pháp bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc. Luật sư
Lê Công Định trước lúc bị bắt cũng đã lên tiếng nói rằng làm như vậy là vi phạm
vào tính tự quản của hiệp hội luật sư. Đoàn Luật Sư Sài Gòn và Bộ Tư Pháp đã
sẵn có một số va chạm liên quan đến việc thành lập Liên Đoàn Luật Sư Toàn Quốc.
Sự áp đặt trắng trợn này lại gây chia rẽ mất đoàn kết và bất bình trong giới
luật sư ở VN. Luật sư Trần Vũ Hải có trụ sở tại Hà Nội trả lời Thanh Quang
phóng viên đài RFA vào ngày 3 tháng 5 cũng phản ứng về việc cài người này của
đảng, ông tuyên bố "Giới lãnh đạo luật sư Việt Nam hiện nay, tất nhiên có
vài người đáng tiếc là do ở đâu đó cơ cấu vào thì hiện nay chúng tôi cho là
không thể đại diện cho giới luật sư được". Đó là chưa nói đến tiêu chuẩn
trở thành Chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư của Lê Thúc Anh. Luật sư Lê Công Định
trong bài “Ai cử, luật sư bầu?” bày tỏ không khâm phục người chưa "lăn lộn
với nghề luật sư bằng bề dày kinh nghiệm và thâm niên nghề nghiệp mà đồng
nghiệp nào cũng phải kính trọng". Luật sư Nguyễn Lệnh trong bài “Thủ lãnh”
và chữ “phục” phổ biến trên internet trong nước ngày 6 tháng 7 đã xa gần ngấm
ngầm chỉ trích "để làm một Thủ lãnh trước hết bản thân người đó phải được
các luật sư đồng nghiệp phục và sau nữa là người đó phải được các luật sư đồng
nghiệp phục cả cái cách lên làm Thủ lãnh”. Cách lên làm thủ lãnh LĐLSVN của Chủ
tịch Lê Thúc Anh thật chẳng đắc nhân tâm và không làm cho giới luật sư VN khẩu
phục và tâm phục chút nào. Đến giờ này CSVN vẫn chuộng hồng hơn chuyên.
Thực chất luật pháp ở VN do đảng CSVN độc quyền
nhào nặn ra. Ai cũng hiểu được hệ thống tư pháp của CSVN chẳng qua chỉ dùng để
trang trí, dùng để làm đẹp chế độ, nhằm tạo cho chế độ có một hình thức bề
ngoài giống các quốc gia khác không ngoài mục đích bịp bợm, còn lại thực chất
nó chỉ là một đoàn múa rối.
Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp đón LĐLSVN chiều
18 tháng 6 tại Trụ sở Chính phủ do Lê Thúc Anh Chủ tịch Liên đoàn dẫn đầu đã
nhấn mạnh chủ trương của đảng và Nhà nước về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền
XHCN. Để thực thi một nhà nước pháp quyền thì các cơ quan hành pháp, tư pháp và
lập pháp phải hoạt động tách biệt. Một nhà nước pháp quyền phải có tòa án độc
lập, luật sư độc lập cũng như cơ quan hành pháp để bảo đảm không có tham nhũng.
Bảo đảm không có tham nhũng là một trong những nhiệm vụ của nhà nước pháp
quyền. Nếu không có sự độc lập của bộ máy tư pháp cũng như sự độc lập của
luật sư, một nhà nước pháp quyền sẽ khó mà thực hiện được. Thế nhưng, ở VN
chuyện đó lại không xảy ra bởi các cơ quan thi hành pháp luật như tòa án, Viện
Kiểm Sát và công an đều có chi bộ đảng ủy riêng của từng bộ phận điều hành và
nhận chỉ thị từ trên đưa xuống. Trong hệ thống tòa án ở VN, cả thẩm phán lẫn
bản án đều do đảng chỉ định và mọi thứ đều được sắp xếp trước. Cũng trong hệ
thống tòa án có tính cách nhân dân đó, cái quyền biện hộ của luật sư cũng bị
khống chế. Dưới chế độ CSVN, tính độc lập của các luật sư và các đoàn luật sư
không có được. Luật sư không được quyền thi thố tài năng và thi hành đúng chức
năng của họ trước toà. Vì vậy, vai trò chánh án cũng chỉ là một bù nhìn, không
cần thiết phải chú tâm đến những lời tranh cãi, biện hộ của luật sư hay lời tự
biện của bị can. Để trừng phạt các luật sư nào dám lên tiếng vì công lý, dân
chủ và nhân quyền, nhà nước không ngần ngại đóng cửa văn phòng và rút giấy phép
hành nghề của họ. Đó là chưa kể đến bao nhiêu trù dập, gây khó khăn trong cuộc
sống cũng như việc đi lại hằng ngày của họ.
Câu hỏi đặt ra là Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam được
hình thành rồi thì liệu tổ chức này có giúp giới luật sư bảo vệ công lý đúng
mức hay không? Nhất là trong bối cảnh giới cầm quyền tiếp tục gây ảnh hưởng đến
các vụ xử, đặc biệt liên quan tới những nhà dân chủ, bất đồng chính kiến, hay
những người dân thấp cổ bé miệng bị cưỡng chiếm đất đai. Câu trả lời là KHÔNG,
ngàn lần KHÔNG, vạn lần KHÔNG. Bởi LĐLSVN là một công cụ pháp lý của đảng và
nhà nước, là một đoàn múa rối không hơn không kém. Đảng CSVN đã và đang điều
hành đất nước với quá nhiều sai lầm không thể khắc phục được, đã sản sinh ra một
hệ thống pháp luật đầy nghịch lý. Đảng CSVN đã cố tình kìm hãm dân trí nhằm tạo
ra những "sản phẩm" theo ý mình. Chỉ vì muốn củng cố địa vị độc đảng
độc tôn của mình mà họ đã nhào nặn ra một thế hệ kế tiếp những "con người
sản phẩm" chỉ biết cắm đầu thực hiện những chỉ thị của đảng và nhà nước,
bất kể luật lệ, bất kể luật pháp.
Cộng sản vẫn thường rêu rao là ở đâu có áp bức và
bất công thì ở đó sẽ có đấu tranh kia mà. Ở xã hội nào cũng vậy, có đàn áp, bất
công và bạo quyền đến đâu đi chăng nữa thì cũng sẽ có người sẵn sàng đứng lên
bênh vực cho công lý. Chúng ta đã có những nhà lãnh đạo tôn giáo dù đang còn
sống trong nước nhưng họ không hề sợ hãi trước đàn áp và ngục tù, thà chết
không chịu đứng vào hàng ngũ những kẻ "tu hành quốc doanh". Chúng ta
đã có và sẽ có thêm nhiều nữa, từ ngay trong nước, những luật sư còn có lương
tâm, can đảm, không chịu khuất phục trước cường quyền bạo lực và quyết không
đứng vào hàng ngũ "luật sư quốc doanh" để làm công cụ cho CSVN chà
đạp pháp lý.
Trần Việt Trình
7 tháng 7, 2009
|